MỤC LỤC
Nhiều người bảo đầu bếp nhàn, chỉ nhận order rồi nấu theo công thức mà không cần gặp khách - lại còn được ăn nhiều món ăn, lương cũng khá cao nữa… Ấy vậy mà, còn đó rất nhiều cái Tủi (thân) hiển hiện nói sao cho hết…
Là Đầu bếp, không phải Nội trợ!
Đứng bếp chưa bao giờ là công việc nhàn hạ, dù là Nội trợ hay nhân viên nấu ăn, đặc biệt là đầu bếp. Vị trí nào cũng có áp lực và khó khăn riêng. Làm thế nào để món ăn thành phẩm thơm ngon, đẹp mắt, chuẩn vị người nếm là thành công và mục đích chung của những người cầm chảo.
Tuy nhiên, nếu Nội trợ chỉ nấu những món đơn giản, số lượng ít, không yêu cầu sự cầu kì và chỉnh chu; có thể được mọi người thông cảm và cố ăn nếu nấu không ngon; tệ hơn hoặc nếu mệt thì nghỉ nấu ra ngoài ăn quán là xong - còn Nhân viên nhà bếp hay đầu bếp lại là công việc đòi hỏi sự chính xác và cầu toàn, phải tỉ mỉ và khéo léo, trong mọi việc; họ cũng cần sơ chế, nấu, trang trí hàng trăm món mỗi ca; món ăn phục vụ cần chuẩn phần vị, đẹp phần mắt và đúng khẩu phần quy định… Như thế mới mong làm khách hàng hài lòng.
Môi trường làm việc khắt nghiệt, áp lực công việc lớn, đặc trưng nghề nhiều rủi ro khiến công việc đầu bếp chịu nhiều “cái mất” nhỏ to mà không phải ai cũng biết.
5 tiêu chí phân biệt đầu bếp chuyên nghiệp và nhân viên nấu ăn
7 cái Tủi đầu bếp nào cũng phải nhận
Làm việc nhiều và liên tục trong bếp, từ nhân viên bếp, phụ bếp đến đầu bếp chính đều ít nhiều gặp phải một hoặc một số, thậm chí tất tần tật những điều này:
>Tay chai cứng đến thô ráp
Vì thường xuyên cầm dao, lắc chảo. Dùng lực nhiều lại làm lâu, tiếp xúc liên tục với vật nặng, cứng nên các vết chai cứ lớn và thô ráp hơn từng ngày. Đến nỗi, ai cầm vào cũng thấy đau vì cợm.
>Dấu vân tay mất sạch
Rửa nguyên vật liệu, lau chùi bếp, dụng cụ làm bếp nên cần thường xuyên tiếp xúc với nước nóng/ lạnh, rồi hóa chất tẩy rửa; hay sơ ý làm đứt tay lúc thái, cắt thịt/ cá, chặt xương… khiến dấu vân tay ở 10 đầu ngón tay nhẹ thì bong tróc, teo tóp, nặng hơn thì không trôi sạch theo nước cũng đứt lìa, gãy gấp theo lưỡi dao. Không ít đầu bếp “khóc thét” vì mãi không chấm được công hay lăn tay có việc.
>Da xăm đỏ không tốn tiền
Đúng là do sơ ý hay không cẩn thận nhưng vì làm việc kiệt sức hay cầm nắm đồ quá nặng nên xảy ra sự cố: phựt lửa, bén dầu, vỉ nướng rơi vào đùi, nước dùng đổ vào thân… gây bỏng, cháy để lại những vết thâm, sẹo lớn nhỏ khắp người. Giới đầu bếp hay nói vui với nhau là xăm da không tốn tiền, lại chẳng cần gây tê…
>Tăng cân mất kiểm soát
Áp lực là thế nhưng đầu bếp nhiều người lại béo. Lý do là vì phải nếm món nhiều, hít không ít dầu mỡ, rồi test món mới hay xử lý món order nhầm (không bán được)… Chưa kể, cuối ca lại chén chú chén anh với nhau đến tận khuya. Thế nên, áp lực thì nhiều, công việc thì nặng nhưng vẫn có chef tăng cân.
>Bị mặc định cộc tính, lại ít nói
Khách giục nhân viên, nhân viên vào hối bếp trong khi chỗ nấu thì nóng, muốn ra món cũng cần thời gian nên chuyện cáu gắt là không thể tránh khỏi. Chưa kể không gian bếp lớn, lại đông người muốn nói gì phải la to, quát lớn nên cực kỳ ồn ào. Còn chuyện ít nói? - Bởi ai cũng chăm vô cái chảo, con dao của mình cho kịp món ra nên chẳng còn thời gian mà trò chuyện.
>Khó có bữa ăn thư thả
Chuyện đầu bếp vừa bưng bát cơm lên thì khách vào không hiếm. Người bỏ ngang bữa ăn, kẻ và vội vài đũa lót dạ rồi cắm mặt làm đến lúc hết ca, khi đó, bụng ai cũng cồn cào. Nhiều chef do vậy mà đau các bệnh về đường ruột, vì ăn uống thất thường, ăn không đủ bữa, thiếu chất…
>Dễ gì có ai yêu
Không bàn đến chuyện đẹp - xấu, có duyên hay không nhưng đầu bếp khó có người yêu là thật. Bởi, nghề này toàn đi làm về muộn, lúc nửa đêm mới lộc cộc tìm chìa mở cửa, hôm tờ mờ sáng đã phải lồm cồm bò dậy tăng ca, cứ thế, hết một ngày cũng chưa rảnh tay cầm điện thoại mà nhắn tin hay gọi điện hỏi thăm ai chứ chưa nói đến có cuộc hẹn cà phê, đi chơi để kết chặt mối quan hệ… Nhiều người không chịu nỗi cảnh có người yêu như không nên buông tay, đi tìm hạnh phúc mới.
Làm bếp không nhàn, nếu chưa muốn nói là cực. Vậy nên, thôi nghĩ nghề này được ăn ngon, ít “thị phi” vì né được khách, lương lại cực ổn định… Công việc nào cũng có áp lực riêng tương ứng, đã chọn thì nên chấp nhận và không ca thán. Chỉ xin cái nhìn đúng hơn từ người ngoài để mọi vị trí đều được ghi nhận và tôn trọng, thay vì định kiến thiếu chính xác và công tâm.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên