MỤC LỤC
Bán phòng trên Airbnb không còn lạ nữa. Nhiều cá nhân có không gian trống kiếm được tiền từ kênh OTA hot nhất nhì hiện nay. Không chỉ quan tâm quy trình đăng ký bán phòng trên Airbnb ra sao? – các Host mới gia nhập còn thắc mắc kinh doanh Airbnb có cần phải đăng ký - nếu có thì thủ tục đăng ký thế nào là đúng luật? Bài viết này, Hoteljob.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết!
Vì sao kinh doanh Airbnb dễ lời?
Cùng là Top kênh OTA bán phòng siêu hiệu quả hiện nay, tuy nhiên, Airbnb lại ngày càng được chuộng bởi:
- Hoa hồng mà các Host phải trả cho Airbnb là cực thấp, chỉ khoảng 3% - trong khi các kênh OTA khác như Booking.com, Agoda… phải trả hơn 15%.
- Ai cũng có thể trở thành Host và đăng ký bán phòng trên Airbnb, miễn bạn có không gian trống đủ để đáp ứng nhu cầu nghỉ qua đêm của ít nhất 1 vị khách.
- Thủ tục đăng ký kinh doanh Airbnb khá đơn giản, không cần giấy tờ nhiều như các kênh OTA khác.
- Hỗ trợ từ Airbnb được đánh giá là rất tốt, có bảo vệ quyền lợi cho chủ nhà, có cả bảo hiểm từ kênh nếu có khách làm hư hỏng tài sản của bạn.
- Tỷ lệ huỷ phòng trên Airbnb thấp hơn so với các kênh đặt phòng khác.
- Bạn sẽ dễ có khách ở dài hạn hơn, từ đó ổn định doanh thu và lợi nhuận; chưa kể, khách ở thường dễ thương và tôn trọng nhà của bạn hơn.
Kinh doanh Airbnb đang rất thịnh hành tại Việt Nam lẫn trên thế giới. Về cơ bản, Airbnb gần giống như các kênh OTA khác. Tuy nhiên, bạn không cần là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú vẫn có thể đăng ký bán phòng trên Airbnb được. Nếu nhà bạn đang dư phòng trống, bạn có nguyên 1 căn hộ để không, hay đơn giản chỉ có 1 cái sofa sạch thôi cũng hoàn toàn có thể làm host và gia nhập vào hệ thống Airbnb để kiếm tiền.
Ngoài ra, bạn có thể tự đánh giá xem chỗ của bạn có phù hợp để đăng bán phòng trên Airbnb?
Kinh doanh Airbnb có cần phải đăng ký?
Không ít người đang kinh doanh Airbnb trái phép mà không hề hay biết, hoặc có biết quy định này nhưng lơ đi để tăng lợi nhuận. Bỗng một ngày đẹp trời, chỗ ở của bạn bị cơ quan chức năng kiểm tra rồi “bùm”, đóng tiền phạt đi nhé!
Vậy, kinh doanh Airbnb phải chăng cần đăng ký cho đúng luật?
Chính xác. Mọi hoạt động kinh doanh tạo ra thu nhập đều cần phải đăng ký giấy phép để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật và được pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi có phát sinh.
Kinh doanh Airbnb cũng không ngoại lệ. Các chủ nhà cần có trách nhiệm đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng và tinh thần tuân thủ pháp luật mà còn cho thấy sự hiểu biết và ý thức của một công dân. Chưa kể, mức phạt phải đóng là không hề thấp, thậm chí còn bị buộc phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định, bị buộc ngừng hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình bán phòng, mất khách hàng, mất uy tín thương hiệu trên Airbnb.

Hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh Airbnb đúng luật?
Vậy đăng ký kinh doanh Airbnb thế nào là đúng luật?
+ Đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Đa phần cá nhân kinh doanh Airbnb thường chọn mô hình kinh doanh theo hộ cá thể. Quy trình và thủ tục đăng ký kinh doanh theo hình thức này khá đơn giản, bao gồm 2 bước như sau:
a/ Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể bao gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
- Giấy tờ pháp lý cá nhân của chủ hộ kinh doanh, hoặc thành viên trong hộ gia đình nếu hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh
- Bản sao biên bản họp của thành viên trong hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh (nếu có)
- Bản sao văn bản uỷ quyền của thành viên trong hộ gia đình cho 1 thành viên khác làm chủ hộ kinh doanh (nếu có).
b/ Nộp hồ sơ
Chủ hộ kinh doanh chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định và nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp quận/huyện nơi kinh doanh cho thuê nhà, phòng ở.
Hoặc có thể nộp trực tuyến tại website Dịch vụ công trực tuyến của quận/huyện đó. Sau đó chọn Quận, nhấn vào mục Kinh tế. Nhập từ khoá “Hộ kinh doanh” rồi chọn “Thủ tục cấp giấy chứng nhận mới đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế”
Ngoài ra, cần đóng 100.000 đồng lệ phí.
Trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hồ sơ của bạn sẽ được UBND quận/huyện xem xét và xử lý. Nếu được thông qua, bạn sẽ được UBND quận/huyện hướng dẫn đến Chi cục Thuế cấp quận/huyện để đăng ký mã số thuế cá nhân và nộp thuế môn bài theo quy định.
Việc thực hiện hoạt động kinh doanh theo mô hình Airbnb mà không đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
+ Phòng cháy chữa cháy
Ngoài đăng ký kinh doanh, các chủ hộ còn cần đăng ký kiểm định về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo quy định, cơ sở kinh doanh lưu trú cho cá nhân, tổ chức ngoại quốc thuê nhà trên 7 tầng để làm văn phòng hoặc sử dụng làm nơi lưu trú bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy.
Trường hợp cơ sở kinh doanh lưu trú có dưới 6 tầng thì cần có Biên bản kiểm định an toàn chất lượng về phòng cháy chữa cháy.
Liên hệ Cảnh sát cấp quận/huyện nơi đang kinh doanh thuê nhà, phòng ở để được hướng dẫn chi tiết.
+ Đăng ký tạm trú
Với mỗi booking thành công, trong ngày check-in đầu tiên, cơ sở kinh doanh lưu trú cần tiến hành khai báo tạm trú cho khách hàng của mình. Hiện tại, việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài có thể thực hiện online tại https://[TÊN TỈNH].xuatnhapcanh.gov.vn nên khá tiện lợi và nhanh chóng.
Đối với khách Việt Nam thì cũng cần đăng ký tạm trú nếu ở từ 30 ngày trở lên và thông báo lưu trú nếu ở dưới 30 ngày.
+ Khai báo và đóng thuế theo quy định
Bộ Tài chính phát hành Công văn 848 hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến cho các nền tảng bán phòng online như Agoda, Traveloka… Và Airbnb cũng nằm trong số đó. Tức kinh doanh bán phòng trên Airbnb cũng phải đóng thuế.
Tuy nhiên, việc quản lý và thu thuế trong trường hợp cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ bán phòng trên Airbnb hiện rất khó khăn. Vì toàn bộ giao dịch được tiến hành online, không yêu cầu xuất hoá đơn hay thanh toán bằng tiền mặt. Chưa kể, nhiều chủ nhà và khách thuê giao kết với nhau để né các khoản phí phải trả.
Thế nên, là một Host chuyên nghiệp và thượng tôn pháp luật, bạn cần khai báo thành thật và đóng thuế đầy đủ vào ngân sách nhà nước khi tổng thu nhập chịu thuế của bạn vượt quá khoản miễn thuế cá nhân theo quy định. Ngoài ra, một số khoản thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng... nếu có cũng cần được khai báo và đóng đầy đủ.
Việc chậm kê khai và đóng thuế sẽ bị phạt cảnh cáo cho đến phạt hành chính từ 1-25 triệu tuỳ thuộc vào thời hạn chậm trễ, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 7 năm tù nếu bị khép vào tội “trốn thuế”.
Ms. Smile
(Thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên