Đam mê chính là nhiên liệu giữ cho ngọn lửa nghề luôn cháy

Không hẳn đi làm vì cơm áo gạo tiền như xa xưa, nhiều bạn trẻ ngày nay chọn nghề khách sạn nói chung, nghề Bếp nói riêng bởi thích. Vì chỉ có yêu và đam mê thực sự thì mới đi lâu và đi xa cùng nghề, bất chấp hoàn cảnh có khắc nghiệt ra sao.

Làm bếp phải có cái tôi nhưng đừng ngông!

Một đầu bếp thiên tài chắc chắn phải có cái tôi lớn, để tự tin thể hiện năng lực và sáng tạo nên nhiều món ăn siêu đặc biệt. Thế nhưng, một cái tôi ngông lại không thích hợp để làm nghề dịch vụ, bao gồm việc làm bếp.

Bởi, bạn phải phục vụ hàng trăm, nghìn đòi hỏi lúc giản đơn dễ như ăn kẹo, lúc khó nhằn đến vò đầu bứt tóc. Nhưng thi thoảng sẽ xuất hiện những order không thể đáp ứng, hay có lần bạn mắc sai lầm buộc phải cúi đầu xin lỗi khách, mong khách lượng thứ bỏ qua. Khi đó, một đầu bếp với cái tôi ngông rất khó để thực hiện, hoặc có cũng chỉ là miễn cưỡng – nếu bị khách nhìn ra sẽ cho đó là hành động không có thành ý, thiếu chuyên nghiệp nên bực càng thêm bực và nhất định không bỏ qua… Hệ quả sau đó hẳn bạn có thể cũng nghĩ tới được?

Bất kỳ ngành nào trong nghề khách sạn - dịch vụ nói chung, cũng xin đừng mang trong mình cái tôi ngông nhiều tiêu cực! Hãy luôn nhớ ràng: Sai lầm lớn nhất của người làm dịch vụ là đặt CÁI TÔI NGÔNG vào trong công việc.

Có ước mơ và đam mê mới đi lâu, đi sâu được với nghề!

Mưu sinh để chọn nghề và làm nghề nhưng muốn sống lâu và phát triển được với nghề thì nhất định bạn phải yêu thích và đam mê, nhiệt huyết cống hiến với công việc đã chọn đó.

Trước đây, nếu hỏi một bạn trẻ vì sao đi làm bếp – đa số sẽ trả lời rằng do việc này tuyển nhiều, yêu cầu không khắt khe nên làm tạm kiếm tiền nuôi thân, chừng nào tìm được việc tốt hơn thì nghỉ. Nhưng gần đây, cũng câu hỏi đó – mọi người lại đáp là vì thích.

Những năm qua, ngành dịch vụ du lịch - khách sạn - nhà hàng nói chung hay nghề bếp nói riêng dần thoát khỏi tư tưởng là sự lựa chọn công việc mà người đi làm vì cơm áo gạo tiền chứ không thực sự yêu thích việc đứng bếp, nấu ăn. Hiện tại, các bạn chọn làm bếp vì thích, có đam mê và mang theo mình những ước mơ, hoài bão lớn với nghề.

“Mình bước vô bếp với những hình ảnh rằng sau này sẽ trở thành người đầu bếp như thế đó, sau này sẽ mở một nhà hàng như thế kia, sau này sẽ nấu những món ăn như thế này… Rồi bám vào những cái ấy để tiếp tục làm việc - cày cuốc - học hỏi - hoàn thiện - cống hiến - gắn bó - phát triển/thăng tiến với nghề. Không gì khác, chính đam mê là thứ nhiên liệu giữ cho ngọn lửa yêu nghề trong bạn luôn cháy và ngày càng cháy bùng hơn nữa, bất chấp hoàn cảnh, môi trường làm việc có khắc nghiệt ra sao…” - anh Cương, bếp trưởng một nhà hàng đi lên từ vị trí thực tập sinh trong bếp chia sẻ.

“Còn nhớ ngày mà sức trẻ còn sục sôi, ngọn lửa nghề trong mình cháy dữ dội lắm. Lúc ấy, kiểu gì mình cũng chơi được tất: làm việc dài giờ, cường độ nặng nhọc, nghe chửi mắng xối xả, đồng lương lẹt đẹt… Nhưng mình vẫn làm mọi thứ để được bám lại học hỏi, được tiếp thu những kiến thức - kỹ thuật nấu ăn, được động tay vào nguyên liệu, xoong chảo, được tự tạo ra những hương vị mê ly… Với nghề bếp, tôi tự tin khẳng định “hắn” là một trong những công việc mà những người đi theo lâu và đi được sâu với “hắn” đều có ít nhiều niềm đam mê thật. Vì thực tế thì đứa nào thích mới đi làm bếp và làm được nhiều năm. Bếp không giống như ngân hàng, bệnh viện hay công ty công nghệ - nơi mà nhiều người đến là do được người khác định hướng còn chẳng biết mình có thật sự thích hay không nhưng rồi cứ làm mãi vì thấy ổn định và nhàn. Mình chưa bao giờ gặp ai làm đầu bếp mà nói là “em ở đây vì bố mẹ, anh chị bảo đi làm bếp…”” - bộc bạch chân tình của anh Thắng, bếp phó bếp nóng nhà hàng A tại Quận 1.

Siêng năng để làm xong việc nhưng đam mê và nhiệt huyết mới là thứ giúp bạn bám nghề

Nhưng muốn tồn tại cũng phải thực tế!

Ước mơ, yêu thích và đam mê, nhiệt huyết là cần có nhưng chưa đủ để một người hay một cơ sở kinh doanh có thể tồn tại và phát triển hưng thịnh theo đúng bản ngã hay lý tưởng mà bản thân, tổ chức đã đặt ra từ đầu.

Thực tế luôn khắc nghiệt và trần trụi hơn những gì bạn đã từng tô vẽ bức tranh màu hồng cho cuộc đời và sự nghiệp của mình lúc mới chớm đôi mươi.

Với nghề bếp, con đường để bạn đến với ước mơ riêng của mình lại chẳng bao giờ dễ dàng như mong đợi. Bước được chưa xa là đã phải liên tục hứng lấy nhiều gáo nước lạnh dội thẳng lên đầu. Những hình ảnh bản thân từng vẽ ra thuở ấp ủ giấc mơ sẽ lần lượt bị thực tại bóp méo đi không thương tiếc. Người bếp trưởng mình từng kính nể và luôn lấy làm gương để phải được như thế lại hóa ra không hề tuyệt vời như mình nghĩ – Những món ăn đẹp đẽ mỹ miều mình từng thấy khi động tay làm thì lại nhận ra đằng sau đó là một dây chuyền khác – Những môi trường mang đến cho mình cảm nhận rằng đây đúng là thiên đường để cống hiến thì khi được vô mới thấy thực ra như rạp xiếc lố lăng… Nhưng sao họ vẫn làm việc/ kinh doanh - tồn tại và phát triển?

Vì đó là thực tế, là hiện thực. Cực kỳ khắc nghiệt và chỉ phù hợp với những ai dám đương đầu, bỏ đi cái tôi ngông rồi chấp nhận thay đổi để thích nghi nhưng không đến nỗi biến tướng.

Bạn cần hòa nhập vào môi trường làm việc mới nhưng không nên hòa tan rồi bị tha hóa! Bạn cần tỉnh táo để tư duy việc gì nên và không nên làm, lời nào nên và không nên nói, điều gì nên và không nên học… Sống ở đâu thì theo tục ở đấy, thực tế như thế mới tồn tại được và phát triển thêm.

_Thy.

Tags:
Đam mê chính là nhiên liệu giữ cho ngọn lửa nghề luôn cháy
4.7 (377 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN