MỤC LỤC
Thực tập không chỉ để học việc mà là làm việc và trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, như một nhân viên phục vụ của cơ sở. Thế nên, dù là sinh viên thực tập (SVTT), phía NTD cũng có những đòi hỏi và mong muốn nhất định, để hoàn thành công việc, mang đến chất lượng dịch vụ cao. Cụ thể NTD mong muốn gì từ SVTT, cùng Hoteljob.vn thu thập thông tin nhé!
Thực tập cũng là nhân sự của cơ sở
Không chỉ tạo điều kiện đón nhận và chỉ dạy lứa sinh viên sắp ra trường trải nghiệm với môi trường làm việc thực tế, kiểm chứng và áp dụng kiến thức - lý thuyết đã được học vào thực hành công việc => từ đó có kinh nghiệm làm việc và làm đẹp CV sau ra trường, tức mang lại ích lợi cho SVTT – mà phía cơ sở đón nhận sinh viên cũng có được những lợi ích đáng kể.
Nhiều cơ sở thôi không có kế hoạch tuyển dụng nhân sự ở giai đoạn các trường ĐH-CĐ-TC hay trung tâm đào tạo nghề tổ chức cho sinh viên cuối khóa đi thực tập lấy kinh nghiệm. Khi đó, việc nhận một số lượng SVTT phù hợp, lấp vào những vị trí bị trống hay cần bổ sung thêm là cần thiết và có lợi - vừa đáp ứng yêu cầu nhân sự và công việc, lại tiết kiệm một khoảng chi phí lương, thưởng, đào tạo đáng kể mà vẫn đảm bảo hiệu suất và chất lượng dịch vụ. Thế nên, nói SVTT cũng là nhân sự của cơ sở không sai. Bởi, họ cũng tiếp nhận nhiệm vụ phục vụ khách theo quy định cho vị trí tương ứng, cũng đại diện cho hình ảnh và uy tín thương hiệu của cơ sở. Nhân viên chuyên nghiệp hay thiếu trách nhiệm, được việc hay tay nghề kém đều ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu và doanh thu của thương hiệu.
Chỉ dạy tận tình để tạo ra ứng viên tiềm năng
Như một nhân viên thử việc, SVTT cũng có nhiều bỡ ngỡ và thắc mắc với môi trường làm việc thực tế. Thế nên, một người đào tạo và chỉ dạy tận tâm, tận tình mang đến nhiều bài học vỡ lòng cho họ, để họ hiểu đúng và hiểu rõ nhiệm vụ công việc, vai trò của vị trí, trách nhiệm và đạo đức nghề, truyền lửa và tiếp lửa cho tình yêu nghề… để có cái nhìn và định hướng làm nghề đúng đắn, thực tế hơn sau tốt nghiệp – từ đó, một lứa ứng viên tiềm năng được tạo ra, gia nhập vào đội ngũ nhân sự nghề.
NTD mong muốn gì từ sinh viên thực tập?
Tuy rộng cửa đón nhận SVTT nhưng không phải ai cũng làm vừa ý doanh nghiệp. Quản lý, giám sát hay người trực tiếp đào tạo, cầm tay chỉ việc sẽ sẵn lòng truyền đạt bằng hết hiểu biết và tâm huyết của mình cho sinh viên nào thật sự tiềm năng và có ý thức làm nghề nghiêm túc. Thế nên, khi nhìn người và chọn người, phía NTD cũng có những đòi hỏi và mong muốn nhất định từ SVTT. Đó là gì?
+ Thái độ cao hơn trình độ
Nhiều ngành, nghề - vị trí đặt nặng tiêu chí này trong tuyển dụng. Bạn có thể có trình độ học vấn cao, kinh nghiệm làm việc nhiều nhưng nếu thái độ kiêu căng, thiếu thiện chí cầu thị, cái tôi “ngông” thì khó lấy được cảm tình trong mắt NTD.
SVTT cũng không ngoại lệ. Có thể bạn đang có bảng điểm ấn tượng nhưng đó lại không phải là yếu tố quan trọng mà NTD đang tìm kiếm. Năng lực của mỗi ứng viên được đánh giá qua kiến thức nền tảng và kỹ năng làm việc thực tế. Sự thật là NTD hiện nay ưu tiên người biết việc và sẵn sàng học việc hơn là người chỉ biết lý thuyết suông mà chẳng làm được gì.
+ Cầu thị để hoàn thiện
Chỉ khi bạn sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu cái hay, học hỏi và rèn luyện để tốt hơn, hoàn thiện hơn mỗi ngày thì bạn mới có thể làm nghề hiệu quả và phát triển, thăng tiến được với nghề.
SVTT vốn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, cũng chưa khéo léo và nhạy bén khi xử lý các tình huống phát sinh trong công việc. Thế nên, chịu khó hỏi - quan sát và chọn lọc để có được vốn kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ nghề hay, giúp ích cho công việc và con đường phát triển sự nghiệp của bản thân trong tương lai.
+ Nghiêm túc với công việc
Nếu một vài công việc thực tập, ở vị trí và ngành nghề, lĩnh vực khác đôi khi không đòi hỏi sinh viên thực tập phải làm việc hay đến nơi thực tập thường xuyên thì môi trường dịch vụ khách sạn - du lịch lại bắt buộc bạn phải đi làm và làm tốt công việc của mình, như một nhân viên phục vụ chính thức. Thế nên, thái độ nghiêm túc là cần thiết, để đi làm đúng giờ, làm việc năng suất, sẵn sàng nhận sai và sửa sai nếu có…
+ Sở hữu kỹ năng mềm tương thích
Trong môi trường dịch vụ, kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng để làm việc hiệu quả và gây ấn tượng với cả khách hàng lẫn cấp trên. Giao tiếp tốt; tư duy logic, sáng tạo; làm việc nhóm và độc lập hiệu quả; quản lý thời gian hợp lý… là những kỹ năng mềm cơ bản cần có ở đa số các vị trí, ngành nghề.
+ Khả năng ngoại ngữ ấn tượng
Thành thạo 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết cho 1 ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 hay nhiều hơn nữa là cực kỳ cần thiết và hữu ích, để làm việc hiệu quả và nhanh thăng tiến trong nghề. Bằng không, giao tiếp tiếng Anh cơ bản khi làm việc ở những vị trí nhân viên thường xuyên tiếp xúc và phục vụ khách cũng đã là điểm cộng.
+ Định hướng nghề nghiệp rõ ràng
Đừng nghĩ chỉ là SVTT thì không cần hoặc chưa thể định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong tương lai. Rằng cần thử nhiều vị trí, nhiều ngành nghề hay môi trường làm việc thực tế sau ra trường thì mới có thể tìm được nơi dừng chân phù hợp. Khi bạn có định hướng nghề nghiệp đúng đắn ngay từ khi còn trên ghế nhà trường sẽ giúp tạo ra kế hoạch học tập hiệu quả hơn, cần cải thiện điều gì, học thêm gì - giúp tìm việc nhanh, giảm nguy cơ bỏ việc, làm sai nghề hay làm nhiều công việc khác nhau, thậm chí là bị thất nghiệp… sau ra trường.
+ Sẵn sàng "nhảy việc"
Môi trường khách sạn - nhà hàng & du lịch có đa dạng vị trí làm việc. Với tờ giấy giới thiệu thực tập từ cơ sở đào tạo, bạn có thể tự do lựa chọn nơi thực tập, vị trí thực tập được cho là phù hợp với mong muốn, khả năng của bản thân cũng đồng thời là yêu cầu của cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực tập, đôi khi bạn sẽ được chỉ định đi hỗ trợ bộ phận khác, tức nhảy sang công việc khác khi cơ sở đông khách mà phía bộ phận đó lại đang thiếu người; hoặc doanh nghiệp cho rằng bạn phù hợp với công việc tại bộ phận đó hơn.
Một người thông minh và nhạy bén sẽ sẵn sàng chấp nhận nhảy việc và thể hiện thật tốt ở vị trí công việc mới, thay vì từ chối và tỏ thái độ bất mãn, hời hợt trong công việc, thậm chí bỏ ngang kỳ thực tập. Biết đâu, đấy chính là cơ hội tuyệt vời để bạn nhận ra đâu mới là công việc lý tưởng nhất của mình trong nghề khách sạn.
Nhiều SVTT nhận được lời đề nghị ở lại làm việc chính thức cho cơ sở sau kỳ thực tập- thử việc, sau đó là cơ hội đào tạo chuyên sâu để đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng, ở những vị trí thăng chốt cao hơn của bộ phận.
“Muốn trao thêm cơ hội tiếp xúc, cọ sát thực tế công việc cho sinh viên, củng cố thêm các bài học thực tiễn bên cạnh lý thuyết để khi các bạn “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần cho sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam, đồng thời cũng tìm kiếm những nhân tố sáng để có thể “đào tạo nguồn” cho những nhà quản trị của chính doanh nghiệp mình trong tương lai. Tôi đã từng trao cơ hội làm Trưởng bộ phận kinh doanh cho bạn sinh viên thực tập buồng sau chỉ vài ba năm ở lại làm nhân viên chính thức của khách sạn.” – ông Lê Quốc Việt, CEO Hoteljob.vn chia sẻ cách nhìn và "thử nghiệm" thực tế.
Hiện tại, Santa Việt Nam (đơn vị chủ quản của Hoteljob.vn) cũng đang nhận đăng ký thực tập/ CTV marketing, quản trị các fanpage/group của Hoteljob.vn/Nghekhachsan.com hay CLB Điểm đến Quảng Nam. Bạn đọc quan tâm có thể click vào đây để tìm hiểu chi tiết và đăng ký nếu phù hợp.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên