MỤC LỤC
Nếu dân ngành đã dấn thân vào nghề được vài ba năm thắc mắc “Từ nhân viên bao lâu được lên Sếp?” thì cử nhân các nhóm ngành Du lịch lại hoang mang “Làm thế nào để tạo CV chuẩn?”, “Tìm việc như thế nào là đúng và nhanh?” hay “Liệu mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thì làm sao được tuyển - rồi thăng tiến được trong nghề?”… Ti tỉ những nút thắt trong suy nghĩ của các cô cậu sinh viên năm cuối sẽ được đưa ra bàn luận và giải đáp thực tế bởi chuyên gia đầu ngành trong talkshow Cẩm nang thực tập từ A đến Z - Quản trị cùng Nghề Khách Sạn.
Hữu ích và cực kỳ thiết thực!
Gần như 100% các bạn sinh viên tham gia đều cho phản hồi như thế sau khi trải qua gần 3 tiếng liên tục nghe - hiểu - cảm nhận và được truyền động lực làm nghề, yêu nghề rồi đi dài cùng với nghề khách sạn. Nhiều bình luận ngay dưới livestream vô cùng tích cực, lượt like, tim và share cũng vô cùng ấn tượng cho thấy sức lan tỏa của chủ đề talkshow lấy vấn đề thực tập của sinh viên cuối cấp ra bàn luận, chia sẻ là đúng hướng và đáng mong đợi.
Talkshow Cẩm nang thực tập từ A đến Z - Quản trị cùng Nghề Khách Sạn được Hoteljob.vn phối hợp cùng Trường Đại học Duy Tân tổ chức; đồng thời livestream trực tuyến trên fanpage Nghề Khách Sạn hôm 29/5 vừa qua – nhằm Định hướng nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tế và những vấn đề gặp phải khi sinh viên thực tập tại doanh nghiệp. Hướng dẫn cách tạo CV chuẩn và cách gây ấn tượng cho NTD khi phỏng vấn... – với sự tham gia của các diễn giả là “cây đa cây đề” trong ngành:
+ Ms. Liên Trần: Giám đốc vận hành chuỗi The Five , kiêm đại diện CĐT của Shilla Monogram Quangnam Danang
+ Ms. Diệu Viên: Trợ lý giám đốc Silk Sense Hoi An River Resort
+ Mr. Việt Lê: CEO Hoteljob.
Mời bạn xem lại talkshow Cẩm nang thực tập từ A đến Z - Quản trị cùng Nghề Khách Sạn
Như thế nào là một CV chuẩn - đẹp của ngành?
Các Sinh viên hiện nay tuy có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền tảng nguồn uy tín và chất lượng, cả online lẫn offline thế nhưng sự thật là nhiều bạn vẫn chưa biết làm CV đúng, chứ chưa nói đến làm CV đẹp, chuẩn ngành. Thậm chí, nhiều anh chị đã làm nghề được vài năm, ứng tuyển các vị trí quản lý nhưng vẫn chưa hoàn thiện được 1 CV ấn tượng.
Cần hiểu rằng, CV chính là thứ quảng bá hình ảnh cá nhân của bạn, nhà tuyển dụng sẽ chọn nhanh và đọc lướt CV đầu tiên trước khi đưa ra quyết định tiếp theo là cho hồ sơ của bạn đi tiếp hay bỏ qua.
Thường thì người lọc hồ sơ sẽ lọc rất nhanh và không đọc kỹ. Mặc dù hình thức CV đẹp, kinh nghiệm, kỹ năng trình bày trong CV ấn tượng nhưng nếu mắc 1 trong những lỗi cơ bản như: sai thông tin cá nhân, quá nhiều lỗi chính tả, ảnh đại diện thiếu lịch sự, tên email thiếu nghiêm túc, gửi CV không có thư ứng tuyển, thông tin phù hợp không được ưu tiên…, CV của bạn có thể sẽ bị loại ngay từ “vòng gửi xe”.
Thế nên, đầu tư cho 1 CV chuẩn chỉnh, dùng được khi ứng tuyển vào ngành khách sạn trước đã, sau đó mới nghĩ đến việc làm đẹp cho CV để gây được ấn tượng.
Vậy tiêu chuẩn vàng trong viết CV là gì? – là toát lên vẻ chuyên nghiệp và chỉn chu ngay từ cái nhìn đầu tiên, tạo được ấn tượng ban đầu với người lọc hồ sơ, để họ vì tò mò và (hoặc) thích thú mà dành nhiều thời gian hơn để cầm CV của bạn lên đọc kỹ hơn.
Để làm được điều này, một vài tips hay chia sẻ cùng bạn:
- Cấu trúc chuyên nghiệp và bắt mắt, các nội dung được phân chia và làm nổi bật dàn trải đều trang thông tin
- Hình ảnh dán trên CV cần thể hiện tính lịch sự và nghiêm túc, bạn có thể đầu tư một chút cho chân dung của mình nhưng đừng photoshop quá đà
- Thông tin đầy đủ và chính xác, ngắn gọn và hiểu được
- Học vấn: ghi nhớ nguyên tắc nêu bậc học cao nhất đến thấp nhất, thành tích học tập mới nhất đến cũ nhất
- Kinh nghiệm: cũng tuân theo nguyên tắc mới nhất đến cũ nhất, gần nhất đến xa nhất; lưu ý làm nổi bật thành tích đã đạt được có liên quan đến vị trí ứng tuyển
- Thông tin tham chiếu: cho thông tin quản lý hoặc giáo viên phụ trách mà bạn tin tưởng và thực sự hiểu bạn, cho đánh giá khách quan và chính xác nhất về năng lực và trình độ, thái độ và chuyên môn, kỹ năng của bạn. Lưu ý, không cho thông tin cha mẹ, người thân hay người không phù hợp dễ tạo điểm trừ.
Hơn 18 năm kinh nghiệm trong mảng quản trị khách sạn, cũng xuất phát điểm là sinh viên, rồi thực tập sinh, nhân viên khách sạn và nỗ lực vươn lên những vị trí quản lý, quản lý cấp cao trong nhiều khách sạn, tập đoàn khách sạn trong nước và quốc tế, với kinh nghiệm làm nghề và quản trị con người của mình, chị Liên Trần tự tin khẳng định tìm việc nghề khách sạn rất dễ, trở thành lãnh đạo trong ngành này cũng không hề khó. Nếu có sự nỗ lực, yêu nghề, đam mê và tâm huyết cao thì chắc chắn ngày bạn đứng tại vị trí như tôi bây giờ (diễn giả talkshow) sẽ thành hiện thực.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm chọn nghề, tìm việc, chị Liên Trần hướng dẫn các bạn sinh viên định hướng nghề hiệu quả thông qua đam mê, sở thích, năng lực và nhu cầu của thị trường tuyển dụng tại thời điểm tốt nghiệp.
Mất bao lâu để ứng viên ngành khách sạn - nhà hàng tìm được việc sau tốt nghiệp?
Gây ấn tượng với NTD trong buổi phỏng vấn: tip hay từ người có chuyên môn
Hơn 10 năm làm nhân sự, được tiếp xúc với nhiều thế hệ ứng viên cả trong nước và nước ngoài, từ Sinh viên thực tập cho đến Quản lý và GM ngoại quốc, chị Diệu Viên đã có những đúc kết thiết thực và hữu ích để chia sẻ đến đông đảo sinh viên ngành du lịch sắp ra trường và kể cả những ứng viên đang có dự định tìm việc khách sạn - du lịch.
“Với tư cách là nhà tuyển dụng, một người từng đi làm và có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều ứng viên. Trong quá trình làm việc, đã có rất nhiều các anh chị tham gia tuyển dụng nhưng chưa thực sự tạo được ấn tượng tốt, mặc dù họ có những năng lực rất phù hợp với công việc mà nhà tuyển dụng đang mong muốn. Thất bại tìm việc xảy đến bởi ứng viên đó không gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn, không khiến mình nổi bật hơn những ứng viên có hồ sơ “na ná” mình. Buổi chia sẻ hôm nay sẽ là những chia sẻ thực tế nhất, được đúc kết từ kinh nghiệm của chính mình để hỗ trợ các bạn phần nào tự tin và đi đúng hơn khi tìm việc và phỏng vấn…” - chia sẻ trước khi bắt đầu của chị Viên.
1/ Hiểu rõ bản thân
Trước hết, khi mong muốn xác định công việc sẽ ứng tuyển, hãy hiểu rõ bản thân:
- Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì, bạn mong muốn làm công việc gì, nghề gì
- Kỹ năng và kinh nghiệm hiện tại của bạn thế nào, cái bạn có là gì, có phù hợp với công việc ứng tuyển hay không
- Điểm mạnh và điểm yếu của bạn ra sao, liệu điểm mạnh đó có hỗ trợ được công việc hay không; hay điểm yếu này có thể cải thiện sớm để phục vụ công việc không…
- Giá trị bản thân thế nào, bạn nghĩ mình sẽ đem lại giá trị gì cho công việc và tổ chức…
Thông thường, nhu cầu cơ bản của mỗi một người trên con đường tìm việc và làm việc sẽ đều trải qua 3 giai đoạn này:
- Nhu cầu về công việc: tìm 1 công việc phù hợp với ngành học, chuyên môn, sở thích, năng lực của mình.
Sau một thời gian đi làm và học hỏi, hoàn thiện, bạn có được chuyên môn, kinh nghiệm, bắt đầu tạo ra được giá trị cho bản thân, công ty thì sẽ phát sinh tiếp nhu cầu về kinh tế.
- Nhu cầu về kinh tế: mong muốn mức thu nhập cao hơn, đáp ứng được nhu cầu và giá trị bạn tạo ra
- Nhu cầu về giá trị: khẳng định bản thân, thông qua vị trí được thăng tiến trong công ty.
Nếu đi theo đúng lộ trình này, hiểu rõ mình đang ở đâu, có gì, cần gì chắc chắn bạn sẽ có được thành công trong sự nghiệp.
2/ Hiểu rõ về nhà tuyển dụng
Sau khi đã hiểu rõ được bản thân, hãy tìm hiểu tiếp về nhà tuyển dụng kỳ vọng.
Công ty có quyền tuyển người thì ứng viên cũng có quyền chọn nơi làm việc phù hợp. Khi chọn được môi trường tiềm năng rồi thì cần xem xét xem môi trường làm việc đó có phù hợp với mình hay không.
Đọc và hiểu được mô tả công việc để đánh giá xem nó có tương xứng với chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân không… Nếu tỷ lệ phù hợp càng cao thì khả năng bạn được lựa chọn sẽ cao hơn các ứng viên khác.
Thông thường, nhu cầu tuyển dụng của một tổ chức sẽ là tìm kiếm ứng viên phù hợp về cả kỹ năng và văn hóa - sau đó mới đến những yêu cầu phổ biến khác như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, kinh nghiệm và thái độ…
Trong giai đoạn cơ hội việc làm nhiều, sinh viên được đào tạo trong môi trường tốt nên được nhiều nhà tuyển dụng săn đón. Tuy nhiên, khi được săn đón nhiều mà hoang mang chưa biết cân đo đong đếm để phản ứng làm sao gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng thì những chia sẻ trên có thể là tip hay để tham khảo.
3/ Kỹ năng phỏng vấn
- Cho thấy thái độ tự tin và chuyên nghiệp
- Bình tĩnh lắng nghe và tư duy linh hoạt trả lời câu hỏi từ nhà tuyển dụng
- Tìm kiếm các phản hồi tích cực liên quan đến vị trí ứng tuyển, mức độ phù hợp của bản thân…
4/ Ví dụ thực tế cho câu hỏi: “Giới thiệu bản thân”
Đây là một câu hỏi quen thuộc và đơn giản nhưng hầu như rất ít người trả lời hay và gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
“Phỏng vấn nghề nghiệp, ở góc độ một nhà tuyển dụng thì họ mong muốn ứng viên nói ra được những kỹ năng, kinh nghiệm, chuyên môn phù hợp với vị trí ứng tuyển. Thế nên nếu nói về sở thích, đam mê sẽ bị cho là dư thừa. Nhà tuyển dụng ít khi nói thẳng tôi không chọn bạn nhưng sẽ âm thầm loại trừ bạn.”
Vậy trả lời câu hỏi này sao cho chuẩn?
+ Lưu ý cần nhớ:
- Giới thiệu tóm tắt những kinh nghiệm và kỹ năng nổi bật nhất mà bạn cho là phù hợp, có thể mang lại lợi ích cho công ty và vị trí đang ứng tuyển
- Không diễn đạt lại toàn bộ resume hay đề nghị nhà tuyển dụng đọc lại CV để nắm
- Giới thiệu ngắn gọn nhưng đủ ý trong khoảng 2 phút
- Học thuộc và luyện tập tới khi tự tin giới thiệu lưu loát và tự nhiên trước nhà tuyển dụng
+ Công thức 2P1F nên áp dụng:
Sẽ không có một công thức nào chung cho việc trả lời câu hỏi trên. Mỗi người sẽ có cách trả lời khác nhau cho phần giới thiệu bản thân của mình. Nhưng từ kinh nghiệm của cá nhân chị Diệu Viên cùng với lời gợi ý từ nhiều chuyên gia trong ngành khác, công thức 2P1F được cho là chuẩn để áp dụng vào trường hợp này và cho ra lời hồi đáp ấn tượng:
- Present: show cho nhà tuyển dụng thấy hiện bạn là ai, đang làm công việc - vị trí gì, có kỹ năng nào. Với sinh viên mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm thì có thể nêu trường đã tốt nghiệp, chuyên ngành học, học được gì từ ngành - trường đó
- Past: kinh nghiệm đã có được trong thời gian qua. Sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm thì có thể chắt lọc các hoạt động, dự án, câu lạc bộ đã tham gia, công việc làm thêm đã làm trong thời gian học mà phù hợp với vị trí ứng tuyển
- Future: kỳ vọng - cam kết giá trị mang lại cho công ty khi được tuyển dụng
Trong hàng trăm, nghìn hồ sơ ứng viên ứng tuyển, công ty sẽ lọc ra vài chục cho đến vài ba trăm CV hợp lệ, chuẩn, đẹp. Rồi từ những CV ổn ổn ấy, nhà tuyển dụng lại tiếp tục đánh giá và loại trừ, chỉ giữ lại những ứng viên tiềm năng, có tỷ lệ phù hợp cao nhất có thể với vị trí đang tuyển dụng. Vị trí càng tốt, chức vụ càng hot thì mức độ cạnh tranh và tỷ lệ chọi càng cao. Tuy nhiên, sinh viên mới ra trường cũng hoàn toàn có thể được để mắt tới nếu biết cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Bằng cách nào? Nếu công ty chỉ tuyển 1 vị trí nhưng có đến 30 ứng viên na ná nhau về nhiều mặt (trình độ, chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm…), khi đó họ chọn người biết tự làm mình trở nên nổi bật, với thái độ làm nghề vượt trội.
Kết thúc phần diễn thuyết, các diễn giả dành phần lớn thời gian của buổi talkshow để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cùng những thắc mắc thực tế từ người tham gia và trả lời chi tiết, chuyên sâu khiến chất lượng nội dụng buổi nói chuyện được đánh giá cao.
Một số câu hỏi hay được hỏi:
#1. Ngành khách sạn sẽ phát triển và thay đổi như thế nào trong khoảng 5-10 năm nữa?
#2. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc lựa chọn khách sạn hay nhà hàng thường sẽ đều cần lướt qua thông tin trên mạng xem có ok, "xịn" không. Vậy nếu nhà hàng - khách sạn bị khủng hoảng truyền thông thì làm cách nào để quản lý và xử lý được khủng hoảng đó?
#3. Ở góc nhìn doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ làm gì hay tạo ra điều gì để có thể giữ chân được nhân viên của mình - hay có thể chấp nhận dễ dàng cho nhân viên rời đi?
#4. Làm thế nào để sinh viên mới ra trường, đã có kinh nghiệm Housekeeping lên làm Supervisor Housekeeping?
#5. Nhà tuyển dụng mong muốn gì khi hỏi ứng viên câu: Điểm yếu của bạn là gì? Lời khuyên dành cho ứng viên, nhất là sinh viên mới ra trường là gì?
#6. Các doanh nghiệp sẽ thắt chặt như thế nào trong thời kỳ kinh doanh khó khăn, điển hình như đợt covid vừa rồi?
#7. Cách thức để sinh viên có thể chuyển đổi suôn sẻ từ vị trí thực tập sang chính thức, bao gồm quá trình xin việc và đàm phán để lên chính thức?
#8. Sinh viên đi thực tập có được "đòi" thù lao không?
#. ...
Bạn đọc quan tâm nhanh tay click vào đây để theo dõi lại buổi talkshow và tìm câu trả lời cho những câu hỏi thực tế trên!
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên