Ngày Du lịch Việt phục hồi và hưng thịnh… hãy còn xa!

Nhiều chuyên gia lẫn lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định tiềm năng phục hồi ngành du lịch vô cùng lớn nếu mở cửa rộng và kịp thời. Mong muốn ấy đã được thông qua hồi 15/3 nhưng hiệu quả chưa? Có tạo ra cú huých nào chưa? - Chưa rõ nét một chút nào! Tất cả chỉ là lý thuyết khi thực tiễn áp dụng chưa đủ quyết liệt và cởi mở.

ngày du lịch việt phục hồi và hưng thịnh... hãy còn xa
Du lịch Việt kỳ vọng phục hồi nhanh sau ngày mở cửa và kết quả...

Vẫn còn nhiều thách thức

Việt Nam mở cửa và khách du lịch đang bắt đầu trở lại! Thống kê ở quý I, cả nước đón gần 91.000 khách quốc tế đến, tăng 89,1% so với cùng kỳ giai đoạn Covid-19 căng thẳng. Trong đó, riêng tháng 3, số lượng khách đến tăng vọt, với khoảng 41,7 nghìn lượt, tăng 41,4% so với tháng trước. Đây cũng là tháng du lịch Việt chính thức mở cửa hoàn toàn. Tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng hay khách sạn quy mô, hình ảnh khách quốc tế tập trung tại quầy lễ tân check-in hay đến nhà hàng dùng bữa dần xuất hiện và dày hơn, không còn cảnh lác đác vài vị khách nội như trước.

Tiềm năng phục hồi của du lịch Việt là có. Xong để phục hồi nhanh chóng e khó. Người lạc quan lắm cũng không dám kỳ vọng một sự đột phá mạnh mẽ về lượng khách inbound trong tương lai gần, kể cả vào mùa hè này với rất nhiều lễ hội sôi động được diễn ra tại hầu hết các địa phương coi du lịch hè là mùa cao điểm.

Tại sao vậy?

Rõ ràng, những định kiến về Covid-19 đã và đang khiến các hành động hay quyết định cởi mở du lịch bị chậm trễ hơn so với xu hướng chung của quốc tế. Trong khi các nước châu Âu và Mỹ không còn bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, có hãng hàng không đã bỏ quy định đeo khẩu trang khi lên máy bay - hay gần hơn là Singapore và Thái Lan không còn quy định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với khách nhập cảnh… thì Việt Nam vẫn giữ khư khư một số điều kiện bất cập này, khiến chính sách nhập cảnh vào nước ta trở nên khó khăn hơn, phần nào kiềm hãm quyết định đi du lịch của du khách quốc tế.

Nhiều địa phương hay cơ sở kinh doanh dịch vụ đang thể hiện thái độ phân biệt đối xử đối với khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa, thể hiện qua các chính sách đón tiếp và phục vụ.

Ngoài ra, những yếu tố khách quan như bất ổn về chính trị thế giới và chiến tranh Nga-Ukraine hay chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc cũng làm thay đổi cán cân thị trường du lịch, khiến lượng khách đi nước ngoài nói chung hay đến Việt Nam nói riêng bị giảm mạnh. Sẽ phải rất lâu nữa mới lại xuất hiện cảnh từng đoàn khách Trung chen lấn ở sân bay, nhà hàng hay khách Nga nằm dài tắm nắng trên các bãi biển miền Trung tuyệt đẹp…

ngày du lịch việt phục hồi và hưng thịnh... hãy còn xa
Chính sách nhập cảnh vào Việt Nam là một trong những bất cập khiến du lịch khó phục hồi nhanh

Cần tìm giải pháp mới hữu hiệu hơn

Việt Nam đang thử nghiệm và áp dụng nhiều giải pháp thu hút khách quốc tế đến sau ngày mở cửa cũng như làm “sống” lại nhu cầu đi du lịch của khách nội địa. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại dường như chưa cao và thật sự ấn tượng.

Áp lực cạnh tranh buộc chúng ta phải thay đổi nhanh chóng và kịp thời, phù hợp và hữu hiệu phương thức quảng bá, marketing, xúc tiến du lịch quốc tế. Những nội dung chung chung về đất nước, điểm đến cần được thay thế bằng những hình ảnh cụ thể, đánh vào từng nhóm đối tượng du khách với nhu cầu và đặc trưng du lịch riêng, phù hợp với tâm lý và mong muốn trải nghiệm của từng phân khúc khách hàng. Chẳng hạn như tập trung vào từng lĩnh vực nhỏ, tiềm năng như: chiến dịch quảng bá ẩm thực, chiến dịch quảng bá sự kiện văn hóa - thể thao nổi bật hay chiến dịch quảng bá đặc trưng của một điểm đến, hành trình hấp dẫn…

“Du khách sẽ không trở lại nếu Việt Nam không tự tạo ra những lợi điểm bán hàng độc đáo, mới lạ - là những trải nghiệm thú vị và riêng có. Giải Marothon ở Huế hay Côn Đảo vừa được các cơ quan truyền thông tổ chức là những gợi ý có giá trị tham khảo không nhỏ khi thu hút từ 3.000 đến gần 5.000 người tham dự. Phải chăng tổ chức những hoạt động văn hóa (triển lãm, lễ hội, liên hoan nghệ thuật, giải trí) hay các sự kiện thể thao quốc tế lớn (thi đấu quốc tế, world tour, đại hội thể thao)… sẽ là đòn bẩy hữu hiệu vừa giúp quảng bá hình ảnh đất nước, vừa trực tiếp tạo ra trải nghiệm cho du khách thập phương?” - quan điểm của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group, Phó Chủ tịch các Giám đốc Sales&Marketing, chuyên gia PR, Marketing và Truyền thông nổi tiếng.

Thực tế cho thấy, Covid-19 đã làm thay đổi lựa chọn loại hình du lịch của du khách toàn cầu. Báo cáo của GlobalWebIndex cà Worldwide Partner, năm 2021, 69% khách Trung lựa chọn du lịch cá nhân hóa, con số này với khách Mỹ là 57%, khách Anh là 46% và khách Đức là 22%, các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Đông Nam Á cũng cho thấy xu hướng tương tự. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, việc đẩy mạnh các chính sách quản lý và xúc tiến tập trung vào du lịch tour, tuyến dường như không còn phù hợp - thay vào đó phải gấp rút thiết kế các sản phẩm du lịch theo hướng đáp ứng nhu cầu linh hoạt và cá nhân hóa.

Ngoài ra, nghĩ đến việc chuyển hướng sang các thị trường khách quốc tế tiềm năng mới bằng những giải pháp thu hút phù hợp cũng cần được quan tâm trong giai đoạn mà các thị trường chủ lực trước đó đang bị xáo trộn. Thống kê từ Tổng cục Du lịch, Việt Nam đón những đoàn lớn là du khách đến từ Mông Cổ, Kazakhstan, Mexico… trong tháng 3 vừa qua.

ngày du lịch việt phục hồi và hưng thịnh... hãy còn xa
Cần thiết đưa ra những sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp với nhu cầu trải nghiệm của từng phân khúc khách hàng khác nhau

 

Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế và kỳ vọng nhiều về sự phục hồi nhanh - thần tốc. Tuy nhiên, kết quả hiện tại chưa thật sự ấn tượng. Bởi chính sách nào cũng có một độ trễ nhất định và các tổ chức, cơ quan ban ngành lẫn doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cần thời gian (ít nhất 6 tháng nữa) để lên kế hoạch và tổ chức tiếp thị, quảng bá, thu hút khách đồng thời điều chỉnh và tạo mới các sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn, từng bước phục hồi và làm hưng thịnh trở lại ngành du lịch Việt đúng như tiềm năng phát triển vốn có.

(Theo Dân trí Blog)

Tags:
Ngày Du lịch Việt phục hồi và hưng thịnh… hãy còn xa!
4.4 (724 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN