MỤC LỤC
Ngày Tết với nhiều người là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm vất vả làm việc. Nhưng với nghề dịch vụ khách sạn - du lịch lại là thời điểm bận rộn nhất, thậm chí phải liên tục tăng ca để phục vụ khách hàng. Vì thế, trong những ngày này, nếu có ai hỏi câu kiểu như: “Chừng nào nghỉ Tết vậy con?”, e khó mà trả lời lắm.
“Chừng nào nghỉ Tết vậy con?” là thắc mắc rất đỗi quen thuộc của rất nhiều phụ huynh khi thấy ai đó vẫn tất bật làm việc những ngày cuối năm, trong khi hầu hết lao động đều đã nôn nao đợi đến ngày off để đi du hí hay về quê sum vầy cùng gia đình. Ấy vậy mà, cũng câu hỏi đó mà đem hỏi nhân sự ngành khách sạn - nhà hàng thì có hơi vô tư, hay thiếu tế nhị một tí. Bởi, đặc thù công việc không cho phép họ nghỉ Tết. Người xác định tư tưởng làm Tết thì cười trừ, ai chưa quen sẽ có đôi chút chạnh lòng, khóc thầm trong tim...
Tết không xong việc hả con?
Nếu được hỏi top những câu hỏi dở khóc dở cười nhất cho dân ngành, có lẽ là “Ủa không nghỉ Tết hả?”, “Tết không xong việc hay sao mà vẫn phải đi làm thế?”... Bởi lẽ đặc thù công việc phải liên tục làm việc, tăng ca mỗi dịp lễ tết nên chuyện không được nghỉ trong những ngày này là điều không mấy xa lạ. Tuy nhiên, không ít Hotelier cũng có đôi chút ngậm ngùi trước câu hỏi "nhạy cảm" từ những vị khách qua thăm nhà hay khách sử dụng dịch vụ tại cơ sở đang làm việc.
Nếu bạn từng đọc qua có những người không nghỉ ngày 30 tết hay có người yêu làm nghề khách sạn là không có lễ tết hẳn sẽ hiểu những nỗi lòng của người làm trong nghề đặc biệt này.
Như một câu chuyện vui để giải toả tâm lý, mới đây, một thành viên Fanpage Nghề khách sạn đăng bài viết:
“Lưu ý!
Nhà có đứa làm ngành,
Khách đến chúc Tết vui lòng không hỏi:
“Ủa bộ nó không nghỉ Tết hả?”
Nó biết được nó chửi bằng đủ loại ngôn ngữ, gia chủ mặc kệ.
Xin cám ơn”.
Phía dưới bài đăng, nhiều Hotelier là người trong cuộc cũng hưởng ứng nhiệt tình với những câu chuyện tương tự vừa hài vừa bi:
Chị Hà Tỉ: “Nhà có đứa làm ngành nhà hàng - khách sạn, vui lòng không nên hỏi “Ủa, tết không xong việc hả con?”. Nó mà nghe được nó lên cơn, kể lể từ sáng đến chiều ba vạn chín nghìn chuyện nghề, mê quá không chịu về, gia chủ không chịu trách nhiệm”.
Chị Thu Nguyen Nguyen: “Khách hàng bảo mấy cô cậu làm vậy lương mấy chục củ, nghe mà mát lòng nhưng có thật vậy đâu”.
Chị Lê Xuân Hiên: “Mấy bữa giờ hàng xóm cứ hỏi, “nghỉ tết chưa con”. Biết là hỏi thăm, nhưng lòng cũng buồn lắm. Mồng một người ta đi chơi, gặp bạn bè, mình phải xách mông đi làm”.
Anh Thái Đinh: “Đừng có ai hỏi mới sáng mồng một sao mắt con bầm đen là được. Làm xuyên Tết nên sức khỏe cũng giảm sút”.
Hoteljob.vn cũng gợi ý cho bạn một số câu trả lời khi được hỏi “Chừng nào nghỉ Tết vậy con?” đối với dân ngành nhà hàng - khách sạn như:
- "Lễ tết là dịp nhà hàng - khách sạn đông nhất nên con/em tranh thủ kiếm thêm thu nhập”.
- “Tết này con/em phải tăng ca!”.
- "Có nghỉ tết nhưng muộn hơn so với bình thường một chút".
Không có Tết nhưng thêm thu nhập
Có lẽ nguồn động viên lớn nhất của nhân sự ngành nhà hàng - khách sạn là mức thu nhập tăng cao trong những ngày Tết. Mặc dù đôi lúc họ cũng tủi thân vì không có thời gian vui chơi, giải trí bên bạn bè, người thân, nhưng bù lại các Hotelier có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, gia tăng thu nhập và có thêm thật nhiều trải nghiệm thú vị khi làm việc vào các dịp đặc biệt đông khách.
Bạn Nguyễn Thị Hằng (23 tuổi, sinh viên ngành quản trị kinh doanh tại Hội An) tâm sự: “Mặc dù biết đi làm trong những ngày Tết sẽ rất cực và áp lực vì thiếu nhân sự mà khách lại rất đông. Nhưng bù lại, đãi ngộ dịp này lại rất cao, nên em đăng ký làm 2 ca từ 28 âm lịch đến mùng 8 Tết. Không những để gia tăng thu nhập mà còn tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ cho mục tiêu phát triển bản thân tốt hơn”.
Nhớ hồi Covid-19 hoành hoành, ai ai cũng đứng hình vì ngành du lịch bị đóng băng cứng ngắt. Hàng chục nghìn nhân sự ngành thất nghiệp, hàng trăm, nghìn cơ sở kinh doanh đóng cửa... nhiều người từng ước một cái tết muộn… nhưng không thành. Thế nên, từ sau khi đại dịch kết thúc, du lịch dần khôi phục vùa ổn định trở lại, Hotelier đều vui mừng vì được đi làm, được tăng ca. Không chỉ vì có lương để nhận, có thưởng - tip để vui mà còn là có việc để làm, có khách để gặp, có động lực để phấn đấu.
Ai bảo không có Tết, chỉ là Tết hơi khác thôi
Nói là làm việc xuyên Tết hay liên tục không có ngày nghỉ là thế - ấy vậy mà, Hotelier nào đâu phải không có Tết đâu chứ. Mỗi ngày làm 1 ca 8 tiếng, nếu có tăng ca cũng chỉ 1-2, cũng lắm là 4 tiếng rồi sẽ được về nhà. Thời gian sau giờ làm vẫn sum vầy cùng gia đình, tụ tập bạn bè hay du xuân, chụp choẹt thả ga.
Hay nếu mà làm việc mệt quá không còn đủ sức để đi đây đó hay thăm thân, thì những ngày phép được nhân lên nhờ đi làm dịp Tết sẽ được cộng dồn vào sau đó. Để rồi nếu muốn, đăng ký nghỉ hẳn 1 tuần liền sau "Mùng" để làm một chuyến du lịch tận hưởng, hay đi chúc Tết muộn cũng không vấn đề gì. Hết Tết còn Xuân, không khí vẫn rộn ràng lắm. Chưa kể, đi chơi sau Tết chi phí có phần mềm hơn kha khá rồi.
Tết vốn là dịp thiêng liêng nhất năm để người người nhớ đến mà vui mừng, hạnh phúc. Nhưng vì điều kiện kinh tế hay đặc thù công việc mà không ít người đón Tết muộn hơn so với số đông. Đừng lấy điều đó làm buồn rầu mà hãy lấy đó làm động lực để làm việc và tích luỹ nhiều hơn, rồi khi thuận tiện, ta sẽ đón một cái Tết rất riêng, rất đủ đầy và trọn vẹn.
Tết trong bạn là gì? Tết với bạn ra sao? Năm nay bạn đón Tết lúc nào?...
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên