Chuyện đồ Tết của Hotelier: Đồng phục mãi đỉnh

Những ngày cận Tết, nhân sự ngành nhà hàng - khách sạn thường hay đăng tải tâm sự trên mạng xã hội về chuyện không được mua sắm đồ, đi chơi như bạn bè, họ hàng, nhất là khi phải nghe câu “Mua đồ tết chưa?”. Cùng Hoteljob.vn đọc ngay bài viết dưới đây để lắng nghe và hiểu hơn về tâm tư của hotelier nhé.

Chuyện đồ Tết của Hotelier: Đồng phục mãi đỉnh

Nói đến đồ Tết, bạn Hải (Khách sạn A. T. ở Tp. HCM) viết:

“Có lễ tết đâu mà mua đồ

Ta đi chơi, mình đi làm

Ta đi làm, mình… vẫn làm tiếp

Cái vòng luẩn quẩn”.

Thật vậy, những ngày Tết là thời điểm nhân sự khách sạn - nhà hàng bận rộn nhất. Không chỉ liên tục tăng ca mà còn phải làm việc trong sự quá tải mới đủ đáp ứng được lượng khách lớn trong mùa cao điểm. Có những người không nghỉ ngày 30 tết là câu chuyện mà bất kỳ ai trong nghề nhà hàng - khách sạn mới hiểu. Nếu bạn đã đọc bài có người yêu làm nghề khách sạn là không có lễ tết hẳn sẽ không xa lạ với điều này.

Có lẽ bên cạnh “Chừng nào nghỉ Tết vậy con?” thì “Mua đồ Tết chưa?” cũng xếp vào top những câu hỏi gây khó chịu nhất cho nhân sự ngành nhà hàng - khách sạn.

Bạn Nguyễn Ngọc Minh Anh (24 tuổi, phục vụ nhà hàng Thuận An, Quảng Bình) viết: “Đây là năm thứ 5 mình diện đồ tết với quần nâu, áo vàng -  đồng phục chỗ làm. Mặc dù cũng hơi chán nhưng mình thấy vẫn tốt, vừa đỡ tốn kém mua quần áo mới lại chuyên nghiệp nữa. Tính chất công việc làm xuyên Tết nên mình cũng quen rồi. Những năm đầu còn hơi tủi thân nhưng sau này thấy mỗi ngày được mặc đồng phục đi làm là hạnh phúc!”.

Khi được hỏi về quần áo Tết, bạn Nhật Quang (30 tuổi, Housekeeping 4 năm) chia sẻ: “Đồ tết các bạn có chán bằng bộ housekeeping của mình không? Nhìn chẳng sang chảnh như những bộ phận khác mà mình mặc lâu rồi nên trông cũ lắm, lại còn rách vài chỗ nữa. Ước gì được một năm nào mặc đồ Tết như bạn bè”.

Có bạn thân làm khách sạn tại Hội An, chị Nguyễn Thị Yến đùa rằng: “Mỗi năm người ta có một lần mua đồ Tết mà chị Nga (bạn thân của chị Yến) có sắm được đâu. Không biết tiền để đâu cho hết nữa”. Đáp lại cô bạn thân, chị Nga cười bảo: “Đồng phục mãi đỉnh thôi bạn ơi!”.

Ai từng làm trong ngành nhà hàng - khách sạn đều hiểu những dòng tâm sự này. Bên cạnh nỗi ngậm ngùi khi không được mua sắm quần áo mới diện Tết như bao người, vẫn có vài hotelier xem việc này là niềm vui, khi gánh nặng mưu sinh đang đè nặng.

Những ngày Tết cận kề, không phải tất bật săn sale hay lội ngược xuôi tìm kiếm các bộ cánh mới, chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga (29 tuổi, làm phục vụ nhà hàng An Khang, Quảng Nam) cười xòa: “Thôi thì tiết kiệm được một khoản tiền vào quần áo để dành cho con nhập học. Những ngày Tết nhưng mình vẫn đi làm như bình thường nên mặc đồng phục luôn. Thú thật là mình thấy vậy cũng tốt, vừa đỡ phải suy nghĩ nên mặc gì vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình. Từ khi có con rồi, mình chẳng còn nghĩ tới mua sắm quần áo diện Tết nữa, thấy ngành nhà hàng - khách sạn này làm xuyên Tết nên mình mừng lắm, vì có thêm khoản tiền để chi phí trong gia đình”.

Không cần mua áo dài mới diện Tết, chị Dương Thị Mỹ Linh (27 tuổi, lễ tân khách sạn ở Hà Nội) chia sẻ rằng năm nay đồ tết cũng là đồng phục của công ty luôn. Chiếc áo dài tím chị hay mặc mỗi ngày vẫn còn mới, nay trở nên lung linh giữa không gian tràn ngập sắc xuân của hoa đào, cúc tại sảnh khách sạn. “Đồng phục áo dài lễ tân mình mặc vẫn còn mới và đẹp lắm. Mỗi người có 3 bộ, thay phiên nhau mặc nên cũng không kém cạnh gì. Ba ngày Tết mình vẫn trực ca nên các chị em mặc áo dài đón xuân sang tại khách sạn luôn”, chị Linh tâm sự.

Chuyện đồ Tết của Hotelier: Đồng phục mãi đỉnh

Mỗi nghề đều có khó khăn riêng buộc nhân sự phải luôn cố gắng vượt qua để giữ được ngọn lửa với công việc đang làm. Dẫu rằng với nghề khách sạn, không có nghỉ Tết cũng như quần áo mới đi chơi với bạn bè, nhưng đổi lại là niềm vui khi được làm việc mỗi ngày, tiếp tục cống hiến và phát triển năng lực bản thân tốt hơn, từng bước đến gần với phiên bản đẹp nhất của chính mình. Cất đi những nỗi niềm tủi thân, ngậm ngùi kia đi, hotelier sẽ càng cảm thấy tự hào vì bản thân là một phần của một tổ chức, đang góp phần mang lại trải nghiệm chất lượng - đẳng cấp nhất cho khách hàng. Đây chẳng phải là điều nhân sự ngành nhà hàng - khách sạn đang theo đuổi sao?
Ms. Smile (Tổng hợp)

Tags:
Chuyện đồ Tết của Hotelier: Đồng phục mãi đỉnh
4.5 (865 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN