Làm xuyên Tết nhưng lương không nhân ba, phải làm sao?

Trong khi nhiều nhà hàng, khách sạn tăng thêm lương, phụ cấp cho nhân sự làm việc xuyên Tết thì ở vài nơi khác, hotelier than trời vì quản lý thông báo không có chế độ thưởng hay tính lương x2, 3 lần. Nghe thôi đã thấy nản ngang.

Làm xuyên Tết nhưng lương không nhân ba, phải làm sao?

Than trời vì gặp phải doanh nghiệp kiệm chế độ

Bạn K. là thành viên của Group Nghề Khách Sạn - Tâm sự đăng đàn than thở:

“Xin phép được viết đôi dòng về một nhà hàng tại TP. CT. Cũng là một nhà hàng chuyên bán đồ ăn đắt đỏ với món Tây, Pháp, công ty làm việc theo luật pháp quy định mà lại ăn xén bớt của nhân viên. Lễ tết thì không nhân lương.

Hỏi “có nhân lương không?” thì được trả lời, “công ty không có chế độ đó em nhé”.

….

Phát lương tháng 13 nhưng lại nói là thưởng tết luôn.

….”

Bài đăng đã nhận được rất nhiều lượt like, comment của các thành viên khác trong. Một số người đồng cảm với chủ tus. Cũng có vài người khác phân tích đúng - sai của vấn đề và động viên bạn, nếu được thì nên tiếp tục làm việc thay vì cố gắng tìm kiếm khuyết điểm của nhà hàng rồi chỉ trích hay than vãn không hay.

Anh Nguyễn Phương Nam viết: “Đi làm dựa trên kế ước hai bên thỏa thuận. Nếu từ ban đầu hỏi nhân sự bảo không có thưởng, bạn có thể đi kiếm chỗ khác làm việc. Để chi đến cuối năm rồi mới bốc phốt. Nếu cảm thấy không ổn thì báo nghỉ, tìm chỗ khác phù hợp hơn mà làm. Còn đã chấp nhận ở lại thì thay vì than thở và chỉ trích, mình nghĩ bạn nên cố gắng làm việc tốt hơn”.

Anh Ali Trần nhắn gửi: “Mình từng là sinh viên, làm thêm ở nhà hàng nên mình hiểu. Mặc dù là nhà hàng lớn nhưng hầu hết chính sách đều không có. Không thể đòi hỏi cao hơn được vì họ là đơn vị kinh doanh kiểu gia đình, không thuê mình thì thuê người khác. Mặc dù bất bình, nhưng mình cũng chỉ để trong bụng chứ không trách người ta được”.

Bạn Ngọc Ngọc: “Mấy cái khác không bàn tới, nhưng chỗ lương tháng 13 hình như chủ thớt hiểu nhầm thì phải. Lương tháng 13 hay thưởng tết theo luật pháp quy định doanh nghiệp không bắt buộc phải chi trả. Vì thế, nếu nhà hàng của bạn không có thưởng, lương tháng 13, cũng không thể trách được”.

Nếu đã từng đọc bài gọi tên 10 khoản tiền nhân viên khách sạn có thể được nhận dịp Tết, hẳn bất kỳ hotelier nào cũng mong ngóng khoản tiền tips, thưởng, lương tháng 13, lương nhân 3,... Thực tế tùy thuộc vào cơ chế lương thưởng của từng nhà hàng - khách sạn mà sẽ tiến hành thực hiện chi trả các khoản tiền lương - thưởng vào từng dịp tương ứng.

Làm xuyên Tết nhưng lương không nhân ba, phải làm sao?

Lương tháng 13, thưởng Tết không phải là khoản tiền bắt buộc doanh nghiệp phải trả cho người lao động, mà tùy vào thỏa thuận giữa hai bên trước đó. Tuy nhiên, hiện nay các khách sạn, nhà hàng đều cam kết sẽ chi trả lương tháng 13 cho nhân viên. Cụ thể, vào cuối năm, nhân viên nào làm đủ từ 12 tháng trở lên và đang ký hợp đồng chính thức với doanh nghiệp thì được nhận 1 tháng lương nữa, gọi là lương tháng 13. Nhân viên chưa làm đủ năm thì nếu có chế độ này, sẽ được nhận tỷ lệ % số tháng đã làm việc trong năm. 

Còn khoản tiền lương nhân ba hay nhân bao nhiêu thì cũng tùy thuộc vào ngân sách, doanh thu của từng khách sạn, nhà hàng mà sẽ chi trả cho nhân sự. Vì thế, hotelier nên thỏa thuận kỹ càng với quản lý cấp trên tại nhà hàng, khách sạn về khoản tiền sẽ được nhận trong những ngày lễ tết, để tránh phát sinh bất bình, khó xử không đáng có. 

Tính lương đi làm vào ngày lễ Tết thế nào theo luật?

Theo Bộ luật lao động năm 2019 quy định, người lao động đi làm vào ngày lễ tết sẽ được hưởng thêm ít nhất 300% so với tiền lương thực nhận của ngày làm việc ban ngày và bằng 390% nếu làm việc vào ban đêm.

Cụ thể:

+ Cách tính lương làm thêm ngày lễ tết ban ngày

Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc thông thường (A)  x  ít nhất 300%  x  số giờ làm thêm

A là tiền lương thực trả theo công việc đang làm theo tháng chia cho số giờ làm việc.

+ Cách tính lương làm thêm ngày lễ tết ban đêm

Tiền lương làm thêm giờ = 300%A + 30%A + 20%A  x  (300%A)  x  số giờ làm thêm

Thế nhưng, có một điều nữa mà Hotelier cần biết là, đặc thù ngành dịch vụ khách sạn - nhà hàng đôi khi không áp dụng xN lương mà sẽ xN ngày nghỉ phép cho nhân sự. Tức là, với nhân viên chính thức, nếu đi làm vào các ngày lễ Tết mà theo quy định của Luật là sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương, thì thay vì được x3 ngày công, sẽ được x3 ngày phép, cộng dồn vào số ngày nghỉ phép trong tháng/năm đó.

Vì thế, khi giao kết hợp đồng hay trong quá trình làm việc, nhân sự ngành nhà hàng - khách sạn nên đọc kỹ các điều khoản về quyền lợi của người lao động - trao đổi cụ thể với quản lý về những bất cấp và khúc mắt, đặc biệt là chế độ lương thưởng để không gặp phải bất kỳ rắc rối nào về sau; tránh ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và hiệu suất công việc.

Ms. Smile

Tags:
Làm xuyên Tết nhưng lương không nhân ba, phải làm sao?
4.7 (327 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN