MỤC LỤC
Tôi từng ca thán sao cứ phải “Good morning, Sir!” mỗi sáng cho thừa thải ra vì còn bận setup bao việc. Ấy thế mà, những ngày này lại ước được mở miệng nói câu chào ấy ghê gớm…
-*-*-*-*-*-
[Bài viết là cảm xúc chủ quan của Thy - một cô bồi bàn trẻ phải nghỉ việc không lương do khách sạn ngưng hoạt động vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh...]
-*-*-*-*-*-
“Good morning, Sir!” từng là câu chào nhàm chán nhất
Khách sạn quy định nhân viên mỗi khi gặp cấp trên đều phải khí thế chào “Good morning, Sir!”, vừa thể hiện sự tôn trọng Sếp, phép lịch sự tối thiểu trong gặp gỡ, vừa tạo cảm giác hào hứng, tràn đầy năng lượng bắt đầu ngày làm việc mới. Với đồng nghiệp cũng sẽ chào nhau tương tự: “Good morning!”, “Morning!”.
Tôi từng cảm thấy nhàm chán với câu nói này mỗi ngày. Nghe cứ xáo rỗng và thừa thải thế nào ấy. Có hôm đang tập trung đặt giỏ hoa cho ngay hàng thẳng lối trên bàn mà không để ý Sếp đứng bên cạnh từ khi nào - thế là bị chỉ điểm thiếu chuyên nghiệp khi họp briefing. Lý do bị khiển trách là nếu người đứng khi đó là khách hàng thì có phải sẽ bị đánh giá thiếu quan tâm khách, không chú tâm trong công việc hay không… Rồi hôm khác người này "good morning", người kia "good morning" trong khi cả bộ phận có đến vài chục người, nghe mà ong cả tai. Chưa kể, có hằng-hà-sa-số cách chào hỏi linh động và tự nhiên khác, sao không dùng đến?
Nhưng quy định vẫn là quy định. Gặp nhau bắt buộc phải chào. Cứ thế, ngày này qua tháng nọ.
Rồi… Tôi mất việc vì Covid
Tôi chính thức thôi không làm Waitress từ đầu tháng 8 sau khi vừa quay trở lại làm duy trì 1 tuần 1 ngày công hồi tháng 7. Trong đợt tái bùng phát dịch ở Đà Nẵng, khách sạn tôi làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các anh chị em ở mọi bộ phận đều lần lượt ra đi. Vì bất lực!
Ngày chia tay, lãnh đạo và nhân viên buồn rười rượi. Trong mắt mọi người đều hiện rõ sự thất thần vì chẳng ai tin có ngày, khách sạn không có khách để phục vụ, nhân viên không có việc để làm, ngành du lịch nguy cơ chết đứng từ nay.
Chúng tôi hiểu và chia sẻ sự bất lực của cấp quản lý, khi mọi nỗ lực hoạt động cầm chừng để “giữ chỗ” cho nhân viên cốt cán dần đi vào ngõ cụt. Dịch tái bùng phát ngay tâm điểm Đà Nẵng thì làm sao du khách đến đây để du lịch, nghỉ dưỡng?
Và câu hỏi đặt ra là “phải nghỉ trong bao lâu?”, “làm gì kiếm tiền để đợi nghề?”, “bao nhiêu người đợi nghề?”, “bao nhiêu người bỏ nghề và chuyển việc?”… Cứ thế, khả năng đến khi ngành phục hồi, một lượng lớn nhân viên thạo việc, có kinh nghiệm, kỹ năng vững, nghiệp vụ giỏi sẽ không quay trở lại nữa. Khách sạn và các ngành nghề kinh doanh dịch vụ liên quan khác lại phải tốn kinh phí, mất thời gian và công sức, nhân lực tuyển chọn và đào tạo lại lứa nhân viên mới.
Nhưng biết trách ai bây giờ? Trách con Covid chăng? Áp lực cơm áo gạo tiền buộc họ phải lựa chọn giữa tình yêu nghề và thực tế khó khăn vì thiếu tiền chi tiêu, chật vật trong chi trả các khoản sinh hoạt cơ bản như tiền nhà, điện, nước, ăn, uống, ma chay, hiếu, hỉ… Do đó, người còn đam mê thì tìm việc làm tạm đợi nghề, chấp nhận eo hẹp tài chính - kẻ túng thiếu, nhiều mối lo đành ngậm ngùi chuyển hẳn sang công việc mới, với mức lương không quá cao nhưng ổn định. Và khi được hỏi có sẵn sàng nghỉ công việc kia để quay trở lại làm nghề khi ngành phục hồi không? – Số gật đầu ngay, số lưỡng lực, còn lại bảo không đầy chắc chắn. Tuy nhiên, tất cả đều bảo họ “Nhớ nghề!”
Nhớ đồng nghiệp, nhớ khách như nhớ người yêu!
Tối qua lướt Nghề Khách Sạn - Tâm Sự (group tâm sự nghề “được lòng” dân ngành nhất hiện nay) có bài đăng: “Đã lâu lắm rồi mới được nói lại câu “Good morning, Sir!”, cảm giác nó hạnh phúc bát ngát luôn. Còn các anh, chị, các bạn, các em thì sao?”
Phía dưới phần bình luận, một số ít Hotelier bảo “cùng cảm giác”, còn đa số đều cảm thán rằng “nhớ lắm” - “từ lúc dịch đến giờ quên mất từ đó luôn rồi” - “gần 1 năm đã qua, lâu rồi nên mình không còn nhớ nữa” - “lâu không nói tiếng Anh, bị ngượng” và buồn hơn là “dạ chị đặt grab đúng không ạ? (nghỉ dịch nên chuyển sang chạy grab đến giờ)”…
Tôi cũng chẳng vui thay!
Thi thoảng tụ tập bạn bè đi cafe, nhìn các bạn phục vụ tại quán, tự dưng thấy “ngứa tay”, “nhớ nghề” kinh khủng khiếp. Rồi lúc ở một mình nhàm chán, không biết làm gì thì lại nhớ đồng nghiệp, nhớ khách, nhớ những giờ chạy tới chạy lui liên tục hỗ trợ phục vụ. Có khi nhớ tiếng đồng nghiệp réo, tiếng khách chửi, tự dưng nhoẻn miệng cười…
Vào nghề đến nay được 4 năm, thời gian chưa nhiều nhưng cũng không phải ít, chắc vừa đủ để trải qua hết những cảm xúc từ sợ sệt, thiếu tự tin của ngày đầu - nhiều lúc chán nản, định bỏ cuộc vì áp lực và định kiến - nhưng nghiêm túc làm thì lại yêu nghề và tràn đầy khí thế - rồi đến khi sục sôi tinh thần cống hiến thì “nghề bệnh”, hiện tại vẫn chưa có "thuốc". Ban đầu thì giảm ngày công, nghỉ giãn ca - đến giảm thu nhập - nghỉ việc có hỗ trợ - nghỉ không lương… Đến nay, gần 6 tháng thôi không làm khách sạn, cũng tranh thủ bán hàng online kiếm tiền chi tiêu tạm, nhưng bản thân chưa từng xuất hiện ý nghĩ sẽ bỏ nghề, chuyển hẳn sang công việc khác. Bởi lẽ, tình yêu và những điều tốt đẹp mà nghề mang lại thật sự lớn lao và đáng trân trọng. Nghề dạy tôi biết Nhẫn - sự tin yêu và cảm thông, chia sẻ - kỹ năng điều tiết cảm xúc - tinh thần trách nhiệm - tình đồng đội; thêm nữa là biết làm đẹp cho bản thân - đi nhẹ, cười duyên, nói khẽ - biết xây dựng kế hoạch và sắp xếp công việc - cầu toàn và cầu tiến - nỗ lực cống hiến để vươn tới những vị trí cao hơn, đặt mục tiêu rõ ràng cho mọi cố gắng…
Vậy nên, đừng lo sợ một ngày nghề “cô đơn”. Vì còn có chúng tôi, những người sẵn sàng quay trở lại khi nghề phục hồi và hưng thịnh. Có chăng, chia tay chỉ là giải pháp tạm thời, của nhiều bạn trẻ, vì bận lo áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai. Thế nhé, cứ bình yên vượt qua bão giông, đợi ngày đôi mắt cười trở lại!
Từ Thy...
(Ảnh nguồn Internet)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên