Thay vì nằm nhà bấm điện thoại, lướt facebook, giờ này những năm trước chắc tôi cũng như bạn đang hí hoái tới lui đón - tiễn - phục vụ khách “sa mạc lần” rồi nhỉ. Nhưng cớ làm sao cái năm 2020 xui xẻo, Hotelier chúng tôi kẻ mất việc, người giảm ca, lương thấp, không quà - thưởng và tệ hơn là: có thể sẽ không có “Tết muộn”. Nghe qua ngỡ vui nhưng lại đắng chát nơi khóe mắt…
-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-
Có thể nhiều người tò mò, thắc mắc bởi Tết thì có ngày cố định, cứ ngày đầu tiên của một năm mới sẽ được gọi là Tết. Tết có thể kéo dài 1 ngày (Tết Dương lịch) hoặc 3-5 ngày, thậm chí dài hơn nếu muốn (Tết Âm lịch). Đa số mọi người đều coi đây là dịp để vui chơi, tận hưởng cuộc sống và cầu mong một năm nhiều sức khỏe, làm ăn may mắn và phát tài.
Tuy nhiên, Tết từng là cái gì đó khá xa xỉ với dân nghề khách sạn, nhà hàng và du lịch.
Đặc thù công việc khiến những dịp lễ họ phải đi sớm về khuya, làm việc nhiều, tăng ca liên tục. Ngày “người thường” (dân văn phòng, trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên, người lớn tuổi…) nghỉ thì họ phải đi làm; rồi lúc ai cũng rầu rỉ quay trở lại công việc thường nhật trong khi bánh chưng vẫn chưa ăn hết, mứt, trái, hạt dưa vẫn đầy khay… thì dân ngành được tính nghỉ bù. Kẻ về quê, người đi du lịch… Đó chính là “Tết muộn”, cái Tết chắc không mấy vui cũng chẳng thấy buồn của chỉ riêng những “đứa” làm dịch vụ.
Còn nhớ cách đây 2 năm, Hoteljob.vn đã có bài “Có những người không nghĩ ngày 30 Tết”. Tôi đồng cảm với từng nhân vật được bài viết đề cập. Bởi, như mọi vị trí trong ngành khách sạn khác, Tết thì hiếm ai được nghỉ lắm. Chúng tôi thậm chí phải tăng ca, làm vượt giờ, cày liên tục cả tuần liền vì nhiều việc nhưng lại thiếu người.
Năm này qua năm khác, tôi gần như chưa có 1 đêm Giao thừa quây quần đúng nghĩa bên người thân. Nhiều khi nghe tiếng pháo nổ, tiếng dòng người đổ lên chùa hay dắt nhau đi du xuân, tôi lại có chút chạnh lòng. Nhớ Ba! Nhớ tiếng thở dài rất nhẹ sau câu chúc năm mới ngày đầu xuân qua điện thoại. Nhớ cảm giác được cùng gia đình đi chúc Tết, tụ tập bạn bè hay tay nắm tay bên người yêu dạo phố… Ai cũng có một khoảng tâm tư riêng để thu mình lại rồi tự nghĩ suy!
Nhưng đặc thù công việc không cho phép tôi - bạn - cô chú - anh chị được ở nhà mỗi dịp lễ Tết. Việc nhiều, thời gian nghỉ ngơi ngắn, áp lực lớn, sức lực nhiều… để bù lại, mình được “x3”, “x4” ngày lương, được xếp nghỉ bù, được lì xì đầu năm, được trải nghiệm cảm_giác_không_phải_ai_cũng_có_được… Vậy nên, không quá nhiều người than thân trách phận khi phải làm Tết, trong đó có tôi.
--------------------
Gọi là “biến cố” có nghiêm trọng?
--------------------
Tôi “nằm nhà” đến nay đã gần 7 tháng, sau đợt cắt giảm nhân sự lần 2 của khách sạn. Nói sao cho cái cảm xúc hỗn độn khi ấy nhỉ? Dù đã chuẩn bị tinh thần ngay từ đợt cắt giảm đầu tiên nhưng khi đọc đến tên mình ở lần kế tiếp vẫn không sao chấp nhận được. Tôi hay bạn chắc chắn chưa từng nghĩ đến viễn cảnh tiêu cực này: rằng nghề khủng hoảng, bản thân mất việc, không thu nhập, không tìm được việc mới… thay vì “chỉ có mình mới chán mà bỏ nghề thôi!”.
Tác nhân gây nên cớ sự này chắc không cần hỏi cũng biết: Covid.
Trên cả nước, 32,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị giảm ngày công, nghỉ giãn ca, giảm thu nhập, nghỉ việc không lương, nghỉ việc hẳn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hàng chục triệu người khốn đốn vì bất ngờ. Khốn khó nhất là lao động lớn tuổi và nhân sự trẻ non kinh nghiệm, trình độ thấp nên khó tìm việc mới thay thế, khó nhảy việc.
Bản thân cũng chật vật đủ đường khi đã kinh qua không dưới 3 công việc để làm tạm đợi được gọi trở lại “chốn cũ”. Từ pha chế ở quán cà phê cóc, công nhân may tại gia đến bán hàng online, giao hàng… hễ có việc, có tiền - tôi đều xin thử. Nhưng, dường như ngoài là một Hotelier, mọi vị trí khác không thực sự phù hợp với tôi. Làm cho xong việc, làm cho có tiền, làm vì trách nhiệm… tuyệt nhiên không mang theo sự yêu thích và nhiệt huyết lăn sả, cống hiến.
Vậy nên… tôi nghỉ việc. Và tiếp tục “nằm nhà” cho đến nay.
--------------------
Xuất hiện những gạch_đầu_dòng lần đầu tiên
--------------------
Tôi từng mạnh miệng tuyên bố với mọi người rằng làm nghề khách sạn không bao giờ lo thất nghiệp. Vì khi có khách đi chơi, khách cần nghỉ ngơi, khách muốn được phục vụ… khi đó, chúng tôi sẽ có việc để làm. Chưa kể mùa cao điểm, các dịp lễ, Tết lớn thì phải vác chân lên cổ mà chạy sao cho như không chạy, cười tươi dù mệt, thân thiện dù bị quát mắng vô cớ…
Ấy thế mà nghề nay đã khác, kể từ năm 2020 ngỡ tròn trĩnh, viên mãn nhưng đầy khó khăn, khủng hoảng.
- Lần đầu tiên dân nghề khách sạn không có việc làm, phạm vi có khi lên đến cả nước rồi kéo dài suốt 1 năm dài đằng đẵng
- Lần đầu tiên phải phục vụ khách bằng “mắt cười” và bắt buộc đeo khẩu trang
- Lần đầu tiên mặc đồng phục không phải là tà áo dài thướt tha hay bộ váy công sở thanh lịch mà là bộ đồ bảo hộ dày và nóng bứt
- Đặc biệt hơn hết, lần đầu tiên chúng tôi có lễ, Tết. Không chỉ 30/4, 1/5, 2/9 rồi 20/10, 24/12 mà sắp tới đây còn có cả Tết Nguyên đán hay 14/2… Nhiều dân ngành từng ước 1 lần được nghỉ xả hơi những ngày này để được ngủ, được ăn, tụ tập, du lịch… Và rồi được hiện thực hóa thật. Nhưng bạn vui không? - Tôi thì không vui nỗi. Bạn hiểu vì sao mà!
--------------------
Bao giờ cho đến “ngày xưa…”?
--------------------
Từ khi năm 2020 bước qua những tờ lịch cuối, ai cũng mong “tống khứ” cái năm khủng hoảng này đi thật mau để đón chào năm mới 2021 nhiều khởi sắc. Dù hơi khó nhưng chúng tôi đã mơ về “ngày xưa…” - thời điểm nghề du lịch hưng thịnh. Báo chí nước ngoài ca tụng Việt Nam; khách du lịch nước ngoài bị mắc kẹt ca tụng người Việt Nam; khách du lịch nội địa hoan hỉ xách ba lô lên và đi theo khẩu hiệu “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhờ gói kích cầu hấp dẫn… Dĩ nhiên, số ít gieo hy vọng được làm xuyên Tết, hưởng “Tết muộn”.
Thế nhưng…
Chắc điều đó là không thể.
Vì dịch lại bùng phát, lần thứ 3.
Ngày 27/1/2021, Bộ Y tế Việt Nam nhận được thông tin một nữ công nhân người Việt có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh vào Nhật Bản. Trong nước, ngay sáng 28/1 ghi nhận ca bệnh 1552 tại Hải Dương là F1 của nữ công nhân trên. Tại Quảng Ninh, nam nhân viên an ninh làm việc tại Sân bay Vân Đồn cũng trở thành bệnh nhân 1553 do lây nhiễm trong cộng đồng. Cứ thế, số ca bệnh nhanh chóng được công bố và gia tăng. Tính đến trưa 3/2, chỉ trong 7 ngày, Việt Nam ghi nhận 310 ca Covid mới, xuất hiện tại 10 tỉnh thành. Nói như thế để thấy rằng, mức độ lây lan của đợt bùng phát dịch này là vô cùng cao. “Tôi sợ sẽ không còn ngành du lịch” theo sau là tiếng thở dài của Chủ tịch Vietravel khi nói đến những khó khăn chồng khó khăn mà nghề dịch vụ đang gặp phải suốt hơn 1 năm qua, từ ngấm đòn đến khủng hoảng, rồi tê liệt và chết đứng.
Đã từng có chuyên gia nhận định ngành sẽ phục hồi, thậm chí phục hồi nhanh và phát triển mạnh mẽ từ giữa năm 2021. Nhưng đó là viễn cảnh dịch cơ bản được kiểm soát tốt, vaccine được lưu hành và tổ chức tiêm chủng rộng khắp. Chứ hiện tại… lời khẳng định đó dường như sụt giảm đi nhiều phần.
Đừng mong Thưởng Tết xa xỉ hay làm Tết xuyên ngày đêm, rồi đón Tết muộn, nhận thưởng nóng… Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người chính thức mất Tết vì phải cách ly 14-21 ngày do đi về từ vùng dịch hay tiếp xúc gần với người bệnh. Một số nhân sự còn may mắn được đi làm và gặp khách cũng hiểu và thông cảm với khó khăn của lãnh đạo: vì doanh thu giảm và kinh doanh duy trì. Vậy nên, thôi không mơ những gì không thể, thực tế nhìn vào khủng hoảng hiện tại rồi cầu nguyện cho dịch bệnh sớm qua đi, vaccine sớm được triển khai tiêm chủng để mọi người không chỉ được an toàn, mà còn yên tâm đi du lịch trở lại - nghề hồi sinh, chúng ta có việc…
Thêm nữa, hiện tại, hãy tranh thủ năm nay đón Tết đoàn viên cùng gia đình và người thân vì biết đâu, “may mắn” chỉ đến đúng 1 lần…
Viết bài & Thiết kế: Hồng Thy
CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC
BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC