Đại dịch Covid-19 nói lời chào Việt Nam hôm 29 Tết (tức 23/1/2020), khi ngành Du lịch đang vào mùa cao điểm. Đến nay, loại virus này đã càn quét rồi xà quần tới lần thứ 3 và tiếp tục trì hoãn nói câu “Xin chào… tạm biệt. Tôi đi!” với Việt Nam nói chung, du lịch Việt nói riêng sau 383 ngày hình thành rồi lan nhanh, lớn mạnh…
-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-
Trên trang web chính thức của Bộ Y tế, trang tin dành riêng cho tình hình dịch bệnh Covid-19, cập nhật đến hết ngày 7/2/2021, cả nước ghi nhận 1.993 ca lây nhiễm, trong đó có 1.468 số ca được chữa khỏi, 35 ca không may tử vong, còn 487 ca hiện đang tích cực điều trị.
Như vậy, có thể thấy, nỗ lực dập dịch của Chính phủ và cơ quan ban ngành cùng nhiều đơn vị, cá nhân và người dân cả nước mang lại hiệu quả tích cực trong việc khống chế và xử lý dịch. Truy vết nhanh, kiểm soát kịp thời, ngăn không cho dịch lây lan nhanh trong cộng đồng là điều Việt Nam đang làm rất tốt. Bằng chứng là mới đây, Viện Nghiên cứu Lowy của Australia đã công bố Top 3 nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất thế giới, và Việt Nam tự hào đứng ở vị trí thứ 2, sau New Zealand, trước Đài Loan (Trung Quốc).
Rõ ràng, nước ta hiện vẫn tự tin vào chiến lược chống dịch của nước nhà; dồn toàn lực vào công cuộc khống chế và đẩy lùi dịch bệnh càng sớm càng tốt. Trong 383 ngày chiến đấu ròng rã, chúng ta chưa một phút giây nào thôi chủ quan và mất cảnh giác với chủng virus kinh khủng này.
Trước đó, vào ngày 23/1/2020 (tức 29 Tết), Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến chống Covid-19 khi ghi nhận 2 ca mắc virus Corona đầu tiên tại TP.HCM (là 2 cha con người Vũ Hán, Trung Quốc) và phát hiện thêm những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng ngay sau đó. Đáng nói, 1 nữ nhân viên khách sạn ở Khánh Hòa cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vì tiếp xúc gần và phục vụ 2 cha con trên. Đây cũng là trường hợp truyền nhiễm nội địa đầu tiên. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hàng loạt các Chỉ thị được ban hành về việc cách ly, theo dõi và hạn chế người từ vùng dịch – hạn chế các hoạt động “tập trung đông người”, đi lại, buôn bán tại các địa phương có dịch – thực hiện đóng cửa biên giới, tạm ngừng nhập cảnh khách nước ngoài, triển khai đo thân nhiệt, khai báo y tế… Kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Cả nước rơi vào cuộc khủng hoảng chung. Ngày 31/3/2020, Việt Nam triển khai Chỉ thị 16 về việc cách ly xã hội trên phạm vi cả nước, cho thấy quyết tâm dập dịch của Chính phủ và nhân dân. Đến 23/4/2020, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt. Đất nước nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi nền kinh tế.
Mọi chuyện ngỡ “được bắt đầu lại” thì ngày 25/7/2020, sau 99 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng, “trái tim” của miền Trung ruột thịt, nơi tập trung đông đúc người dân và khách du lịch. Việt Nam bước vào giai đoạn chống dịch lần thứ 2. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm có được từ lần 1, dịch bệnh được kiểm soát nhanh, khống chế kịp thời. Đến 7/9/2020, tình hình cơ bản được xử lý tốt. Đà Nẵng bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi.
Một lần nữa, khi người dân cả nước đang háo hức đếm ngược đến ngày tạm biệt năm 2020 không mấy khả quan; nhân sự các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là ngành du lịch - khách sạn mong chờ được quay trở lại làm việc; khi thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới đang đến gần thì… “bùm”, phía Nhật Bản thông báo một nữ công nhân người Việt tại Hải Dương cho kết quả dương tính với biến thể SARS-CoV-2 từ Anh khi nhập cảnh hôm 27/1/2021. Trong nước, ngay sáng hôm sau (28/1) cũng ghi nhận một ca bệnh mới lây nhiễm trong cộng đồng, là nam nhân viên an ninh làm việc tại cảng Hàng không Vân Đồn; thêm nhiều ca lây nhiễm được công bố tiếp sau đó. Đến nay, chỉ sau 10 ngày bắt đầu đợt tái bùng phát dịch lần 3, Việt Nam ghi nhận đến hơn 400 ca tại 10 tỉnh thành, cho thấy sự phức tạp của đợt dịch này. Một lần nữa, cả nước bước vào cuộc chiến cam go khi số ca nhiễm tăng lên nhanh chóng mỗi ngày.
Du lịch dịch vụ là lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng nhất bởi đại dịch. Trên cả nước, hơn 32,1 triệu lao động bị giảm việc, giãn ca, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập, nghỉ không lương, mất việc làm trong năm 2020. Hàng nghìn người vì khốn đốn mà bỏ nghề, nhảy việc. Số khác vì còn yêu mà tìm việc làm tạm để đợi nghề do “đói ăn”… Bán hàng online, gia sư, dạy nghiệp vụ, shipper, xe ôm công nghệ, giúp việc nhà, phụ hồ, thợ sơn, công nhân may thời vụ, nhân viên bán hàng thời vụ… là những công việc ngoài “chuyên môn” mà dân ngành Du lịch - Khách sạn đã, đang thử làm. Một số người thì tranh thủ thời gian này để học thêm ngoại ngữ, kiếm thêm bằng nghề, chứng chỉ nghiệp vụ “lận lưng”, chuẩn bị cho ngày quay trở lại với tâm thế tự tin và nhiệt huyết nhất, sẵn sàng cống hiến, thể hiện và thăng tiến nhanh.
Có người than thở: “Thiếu nghị lực nên từ bỏ ở Covid lần 2 rồi” - “Cầm cự 1 năm nay. Hy vọng không quá tam. Vàng vòng em bán ăn hết rồi. Người ta sợ chết dịch còn em sợ chết đói thôi” – thì cũng còn người đùa vui: “Sợ gì. Dịch nghỉ nhà thì lấy quỹ đen cất bao năm ra sống đỡ. Rồi cày đêm kiếm thêm, ngày học tiếp. Biết đâu ngày trở lại, mình được thăng hạng vượt cấp. Lương từ đó tăng cao. Bù vào những khoản chi đến chảy nước mắt đợt dịch rồi”… Có người dùng mạng còn hài hước chia sẻ bức ảnh “fun” kèm câu tus: “Hình ảnh nhân sự khách sạn hân hoan đi làm trở lại sau khi kết thúc đại dịch”
Không ai mong dịch xuất hiện và xà quần hơn 1 năm qua. Cũng chả ai không mong con virus đáng ghét này đuối hay chán mà bỏ đi, thôi không phiền nước Việt nữa. Để Việt Nam thôi không hạn chế đi lại. Nhân sự ngành thôi không còn cảnh sống nhờ vào nghề khác…
Nhưng, nhiều khi ước mơ chỉ là mơ ước.
Dập dịch là mục tiêu và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ lúc này.
Nhiều người thậm chí mất Tết vì bị nhiễm bệnh, là F1,2,3,4… sống trong vùng dịch, đi về từ vùng dịch nên phải cách ly 14-21 ngày. Số khác vì lo sợ mà hạn chế đi lại, không “tập trung đông người” ngoài cộng đồng theo khuyến cáo. Dù Chính phủ kỳ vọng dập dịch thần tốc trong vòng 10 ngày, để người dân cả nước được ăn Tết cổ truyền trong an toàn, vui vẻ, thoải mái, bình yên. Nhưng sẽ rất khó nếu mọi quán triệt không được thực thi nghiêm túc, người dân không đồng lòng.
Vậy nên, nhiều nhân sự nghề đến nay dần thôi không ca thán về “sự không may mắn” của mình, thay vào đó, tất cả đều cùng một nỗi lo chung, nguyện cầu cho đất nước sớm vượt qua đại dịch, cuộc sống trở lại bình thường, an toàn.
Sẽ thật thiếu xót nếu chỉ mãi ca thán cho thân phận của “kiếp làm thuê” mà quên đi cơn bĩ cực của các chủ đầu tư. Trên cả nước, gần như mọi cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều bị ảnh hưởng, không nhiều thì ít. Mất sạch khách quốc tế (nguồn thu lớn nhất) là điều hiển nhiên. Số khác, nhẹ thì khách nội địa giảm, doanh thu giảm; nặng hơn thì kinh doanh cầm chừng; khủng hoảng trầm trọng thì sau nhiều lần cầm cự để duy trì hoạt động, nỗ lực tạo việc làm cho nhân viên, không ít “ông chủ” đành bất lực cắt giảm nhân sự, giải thể công ty, đóng cửa nhà hàng, phá sản… Có nơi thê thảm hơn còn rao bán khách sạn, từ vị thế điều hành hàng trăm cấp dưới, nay phải cầm hồ sơ đi xin việc để sống tiếp và có tiền trả lãi ngân hàng. Ai cũng có cái khó không biết tỏ cùng ai!
“Các doanh nghiệp du lịch giờ chia ra làm 4 ngã rẽ. Một là đã quá yếu, không đủ sức để tiếp tục. Hai là muốn nhưng hết nguồn lực. Ba là đã đổi nghề. Và bốn là quyết định rời khỏi thị trường” – Chủ tịch Vietralvel nhận định.
Người khốn cùng, bất lực đành bỏ cuộc đau nhưng sẽ nguôi dần theo năm tháng, nếu nhanh chóng tìm được hướng đi mới tiềm năng. Kẻ vì đau đáu tình yêu và còn vướng cái “nghiệp” với nghề mà “cố chấp” bám víu, quyết vực dậy dẫu còn chút hơi tàn. Sau 2 lần dịch tái bùng phát, mọi doanh nghiệp dịch vụ, đặc biệt là du lịch - khách sạn dường như đã tới hạn về sức chống chịu. Họ rút cạn quỹ dự phòng; vay mượn thêm bạn bè, người thân; cầm cố tài sản vay ngân hàng; tìm nhà đầu tư để huy động vốn, dồn toàn lực đánh ván chót mùa lễ Tết cuối năm với hy vọng “lấy lại những gì đã mất”. Nhưng không! Đợt dịch lần 3 xảy ra đúng lúc các doanh nghiệp du lịch đang yếu nhất, cả về nguồn lực lẫn tinh thần. Dẫu trước đó còn chút mong chờ sẽ đón đầu được sức cầu của thị trường nội địa dịp Tết cổ truyền nhưng sự trở lại của nCoV khiến mọi dự tính tích cực đảo lộn và nguy cơ sụp đổ.
“Nếu đúng như kỳ vọng khống chế dịch trong 10 ngày thì quá may mắn cho người dân cả nước nói chung và doanh nghiệp. Nhưng nếu không, và dịch phức tạp, bùng phát diện rộng đến khó kiểm soát thì quả thực, hậu quả sẽ cực kỳ khủng khiếp!”
Hỏi thêm về dự tính trong tương lai, nhiều chủ đầu tư than thở: “Không ai đủ tự tin để đưa ra được phương án khả quan hay khung thời gian cụ thể khi nào để bắt đầu trở lại. Chỉ mong dịch được khống chế sớm để mọi sinh hoạt, nhu cầu dần phục hồi và tăng cao. Như thế, ngành dịch vụ mới cơ bản được tái sinh và sống sót. Ngay khi dịch được kiểm soát, các gói kích cầu sẽ được triển khai tiếp hoặc giới thiệu mới, tập trung vào khách nội địa, bởi đây là cứu cánh duy nhất của ngành du lịch - khách sạn lúc này, trong khi du khách quốc tế khi nào được trở lại, số lượng khi nào bùng nổ vẫn là ẩn số…”
Hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại 10 tỉnh thành sau đợt bùng phát hôm 28/1 vừa qua. Tình hình kinh doanh du lịch - khách sạn ở những địa phương có dịch bị tê liệt đã đành; một số nơi lân cận hoặc điểm đến cách hàng trăm cây số cũng phải “chịu trận”. Bởi du khách e dè di chuyển xa vì lo ngại bị lây nhiễm. Họ nhốn nháo gọi hủy vé máy bay, hủy tour, hủy phòng, hủy tất cả dịch vụ. Vậy nên, nhiều cơ sở niềm vui đón nhân sự trở lại làm việc chưa kịp tày gang đã vội bị báo hoãn/ hủy. Khách sạn lại cửa đóng then cài, nhân viên lại nằm nhà đợi tiếp. Nếu cứ tiếp tục nhàn công rỗi nghề như thế này đến hết Tết, khả năng một lượng lớn dân trong ngành sẽ từ bỏ nghề để đi tìm việc mới. Sẽ đáng báo động nếu không ít “người được việc” dứt áo ra đi và gắn bó với công việc khác. Như thế, ngành đứng trước nguy cơ bị sụt giảm chất lượng dịch vụ, lại tốn thêm thời gian, chi phí và nhân công tuyển mới rồi đào tạo lại đội ngũ nhân sự non tay nghề, thiếu kinh nghiệm…
Biết là khó khăn, nhưng… ở một diễn biến khác - kết quả khảo sát tình hình nhân sự nghề khách sạn 2020, khi được hỏi “Bạn có ý định chuyển sang nghề khác không?” có đến 61,5% người tham gia trả lời “Không”. Điều này cho thấy nhiều Hotelier thực sự yêu nghề. Bởi, dẫu thu nhập bị giảm chút ít đến mất ½ hay mất toàn bộ - tình hình cuộc sống lao đao đến rất tệ thì hầu hết nhân viên khách sạn vẫn nuôi hy vọng ngành sẽ phục hồi dần vì dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Số khác còn tranh thủ thời gian này để học hỏi thêm nghiệp vụ, ngoại ngữ; thử sức ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới; thậm chí có người còn tự cho phép bản thân “nghỉ xả hơi” vì “cày suốt 8 năm qua chưa ngơi nghỉ”…
Vì quen tay, thạo việc – vì thích – vì thu nhập ổn định – vì môi trường làm việc năng động – vì được gặp gỡ nhiều người, quen nhiều bạn… là những lý do níu trái tim nhiều cá nhân ở lại với nghề. Bằng chứng là dù đã thử qua rất nhiều công việc để mưu sinh, sống tạm nhưng tất cả đều “không mang lại cảm giác hào hứng mỗi sáng đầu ca, vui vẻ khi làm việc hay nhiệt huyết để cống hiến”. Không ít người đi làm vì trách nhiệm kiếm tiền với gia đình và bản thân – vì trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ với người thuê – vì đạo đức nghề nghiệp – vì buồn tay buồn chân – vì nhiều thứ khác nữa… nên cố; số khác chán nản đành bỏ ngang do “không tìm được lý do để tiếp tục”. Ai cũng mong dịch bệnh qua mau, ngành sớm hồi phục để được quay trở lại với nghề, ở đúng vị trí, làm công việc yêu thích, gặp những đồng nghiệp thân quen, phục vụ những vị khách thân thiện…
Với uy tín, thế mạnh trong ngành - thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, gồm cả nhân sự nghề và chủ đầu tư, ngay khi nhận thấy tình hình du lịch - việc làm có chiều hướng bất ổn, Hoteljob.vn và fanpage Nghề Khách sạn đã nhanh chóng triển khai những dự án “vì cộng đồng” hay giành nhiều ưu đãi “kịch sàn” cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn - nhà hàng & du lịch.
Trong đó phải kể đến:
- Khẩn trương ra mắt website phụ: lamthem.hoteljob.vn, kịp thời mang đến cơ hội tìm việc làm thêm cho nhân sự ngành không chỉ trong khủng hoảng dịch bệnh mà về lâu dài vẫn sẽ phù hợp.
- Tiếp tục ra mắt website Trieuvieclam.net với khẩu hiệu: “Triệu việc làm - Ai cũng có việc”, qua đó kết nối, hỗ trợ việc làm cho người lao động bị mất việc bởi Covid-19 trên toàn quốc. Tại đây, Một triệu việc làm được đăng tuyển bởi Một Trăm nghìn nhà tuyển dụng trên 3 cổng thông tin: Hotejob.vn - Việc làm khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ…; Tuyencongnhan.vn - Việc làm công nhân, lao động phổ thông tại nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến…; Grabviec.vn - Việc dễ làm, LĐPT, việc vặt gần nhà. Nhiều nhân sự cho hay họ nhanh chóng và thuận tiện tìm việc làm mới, việc làm tạm, việc làm phổ thông phụ thêm từ các website việc làm hữu ích này.
- Triển khai hàng loạt gói hỗ trợ tuyển dụng dành cho nhà hàng, bar, pub, karaoke, siêu thị, công ty du lịch, hãng lữ hành và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch vừa và nhỏ khác với rất nhiều ưu đãi như giảm giá mua gói đăng tin tuyển dụng, tặng thêm giá trị tiền xem hồ sơ ứng viên, tặng thêm tin tuyển dụng trên các website liên quan trong hệ sinh thái của Santa Việt Nam.
- Chương trình hỗ trợ Việc làm tết 2021 từ Hoteljob.vn cho nhân sự nghề đang cảnh mất việc, thất nghiệp, nghỉ việc không lương. Mặt khác, những doanh nghiệp mở rộng hoạt động trở lại, cần nguồn nhân viên dự phòng có nghiệp vụ và chuyên môn, đáp ứng kịp thời nhu cầu dịp Tết Nguyên đán cũng có thể tuyển người dễ dàng tại đây.
- Thường xuyên tổ chức các buổi livestream, chia sẻ kinh nghiệm nghề từ chuyên gia, cấp quản lý, những người sành sỏi và thành công với nghề; livestream tư vấn chế độ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - từ đó, giúp Hotelier học hỏi thêm nhiều kiến thức, nghiệp vụ hữu ích mà không phải trường lớp hay môi trường làm việc nào cũng chia sẻ; hay những quyền lợi hợp pháp có thể nhận được để tránh thiệt thòi.
- Tổ chức chương trình dạy học online với các khóa nghiệp vụ từ cơ bản đến nâng cao, không chỉ giúp nhân sự nghề học hỏi và bổ sung kiến thức, mà còn tạo việc làm cho cấp quản lý, những ai tự tin đứng lớp có việc để làm, có thêm thu nhập để chi tiêu.
- Và còn nhiều ưu đãi, hỗ trợ hấp dẫn khác dành cho cả đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lẫn ứng viên tìm việc, nhân sự nghề gặp khó khăn…
Cả chủ đầu tư, nhà quản lý lẫn nhân sự nghề, không ít người hẳn đã mơ về ngày được đi làm trở lại. Rất gần rồi! Ngày họ được gặp nhau tay bắt mặt mừng, được cúi đầu chào khách, được bưng bê, lau chùi, gõ bàn phím… Khi năm 2020 đi đến những tờ lịch cuối, và Hotelier đã sẵn sàng nhận điện thoại gọi đến từ khách sạn ngay dịp Tết Nguyên đán tới đây! Ấy vậy mà, giờ có muốn ước một cái “Tết muộn” cũng bất thành! Dịch bùng phát đúng thời điểm người dân cả nước đang háo hức lên kế hoạch cho chuyến du xuân đầu năm, vừa chia tay năm cũ đen tối, vừa nói lời chào năm mới nhiều sáng lạng hơn. Kẻ book vé máy bay, book tour du lịch, người gọi đặt phòng, thuê xe… Dân ngành lại có dịp vắt chân lên cổ mà chạy. Phía khách sạn chắc cũng đã dồn lực vào chạy quảng cáo, trang hoàng không gian, vệ sinh phòng, chuẩn bị mọi khâu đón sức cầu đợt này.
Thế nhưng, nguy cơ háo hức ấy không thành! Ngay sau khi công bố những ca lây nhiễm đầu tiên, nhiều khách hàng đã gọi yêu cầu được hủy vé, hủy phòng, hủy dịch vụ…- vì họ sợ mất an toàn, sợ bị nhiễm bệnh, sợ trở thành F, sợ bị cách ly, sợ mất Tết…
Tuy nhiên, nếu theo đúng kịch bản mà Chính phủ vẽ ra, dịch cơ bản được kiểm soát trong vòng 10 ngày để người dân đón Tết, tình hình có thể khả quan hơn. Nhiều nơi gieo hy vọng khuấy động không khí tươi vui phục vụ khách sau thời gian dài ảm đạm, khép kín, cũng là mở ra cơ hội bắt đầu lại ở năm “trâu khỏe”, “trâu siêng năng”…
Vậy tương lai ngành du lịch - khách sạn Việt sẽ như thế nào trong năm 2021 và khi nào khách quốc tế mới quay trở lại?
→Chuyên gia nhận định, năm này vẫn sẽ chỉ trông vào thị trường trọng tâm là khách nội địa. Được biết, Đà Nẵng lên kế hoạch đón 5 triệu khách du lịch năm 2021.
→Từ nửa cuối năm có thể mở đường bay cho khách Business nếu dịch được kiểm soát tốt. Hy vọng rằng vào thời điểm tháng 3, 4 sẽ là mùa cao điểm cho khách Business; các tháng hè là cao điểm cho khách tham quan nghỉ dưỡng.
→Khách du lịch quốc tế dự báo chỉ có thể ổn định từ năm 2023…
Trước đó, Việt Nam tự tin gặt hái thêm nhiều thành công ở mảng Du lịch khi bước vào năm cuối cùng của giai đoạn 5 năm tăng trưởng và phát triển. Mọi thứ ngỡ suôn sẻ và dự báo cho nhiều con số ấn tượng liên tiếp xác lập kỷ lục mới khi chỉ trong tháng 1, cả nước đón hơn 2 triệu lượt khách, đạt 1/10 mục tiêu của năm 2020. Thế nhưng, mọi kỳ vọng dần lụi tắt bởi sự xuất hiện của nCoV. Hoạt động du lịch bị đình trệ khiến toàn ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng thu từ du lịch giảm mạnh (chỉ đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7%, tương đương giảm 19 tỷ USD); tổng lượng khách quốc tế đến giảm (chỉ đạt khoảng 3,8 triệu lượt, giảm 79,5% so với năm 2019); tổng lượng khách nội địa giảm (đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%); hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ lâm cảnh nợ nần, ế ẩm, lỗ nặng, phá sản; hàng chục triệu lao động trong ngành bị giảm việc, nghỉ giãn ca, nghỉ không lương, mất việc…
Rõ ràng, chúng ta đã làm rất tốt, ở mọi cấp bậc, vai trò. Từ quyết tâm dập dịch của Chính phủ đến thái độ nghiêm túc và tinh thần hợp tác của người dân cả nước. Bằng chứng là dịch bùng phát nhưng được kiểm soát nhanh, khống chế kịp thời. Sự ghi nhận xứng đáng nhất chính là Việt Nam xếp thứ 2 trong Top 3 các nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch tốt nhất thế giới được công bố hôm 28/1 vừa qua.
3 lần tái bùng phát là 3 lần chúng ta thêm tin tưởng tuyệt đối vào nhà nước. Dẫu có hoang mang những ngày đầu nhưng sẽ gia giảm và vững tin ngay cùng chung tay chống dịch.
Thế nhưng, “thiên nga đen” Covid-19 mãi chẳng chịu buông tha ta. Cứ càn quét và xà quần gần 400 ngày đằng đẵng.
Bao giờ… Bao giờ cơn khủng hoảng này mới thôi không làm phiền Việt Nam? Bao giờ Covid 1-2-3 mới thôi không trì hoãn nói câu “Xin chào!” với Du lịch Việt? Để người dân được quay trở lại cuộc sống “bình thường mới” – được sống, làm việc và vui chơi trong trạng thái yên tâm và an toàn…
Viết bài & Thiết kế: Hồng Thy
(Số liệu tham khảo từ Bộ Y Tế,
Tổng cục Du lịch,
Wikipedia)
CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC
BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC