MỤC LỤC
Đi lại suốt 10 tiếng trên giày cao gót, luôn tâm niệm rằng “khách hàng không bao giờ sai”, nhiều ca làm việc đến 1 giờ sáng – con thơ khóc chờ mẹ… - đó là những chia sẻ phác thảo về nghề nữ phục vụ bàn của Liên (SN 1992) – hiện đang là Supervisor – Giám sát nhà hàng French Grill, khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội.
► “Khách hàng không bao giờ sai!”
Cách đây 4 năm, Liên bắt đầu làm việc tại bộ phận F&B của khách sạn JW Marriott Hà Nội với vị trí Internship. Sau 2 tháng thực tập, Liên được giữ lại làm Waitress - chính thức trở thành nhân viên phục vụ của bộ phận.
Từ khi bước chân vào nghề phục vụ, Liên phải tập làm quen với việc đi lại trên đôi giày cao gót suốt 10 tiếng đồng hồ. Thời gian đầu, vì chưa quen nên Liên dán đầy băng urgon. Ấy chỉ mới là một thử thách nhỏ trong nghề. Những sự cố với thực khách mới là điều khiến cô “khắc cốt ghi tâm”.
Thường thì trong khách sạn 5 sao sẽ có những loại bàn cao cấp, thực khách phải có mức chi tiêu tối thiểu là bao nhiêu đó mới được xếp ngồi. Trong một lần xếp vị trí ngồi cho khách, do giới thiệu chưa khéo léo về loại bàn yêu cầu mức chi tiêu này nên Liên đã bị khách mắng té tát. “Khách hàng – đặc biệt là thực khách hạng sang thường khá nhạy cảm khi đề cập đến vấn đề chi tiêu, hôm đó khi buộc miệng nói về mức chi tiêu tối thiểu – mình đã bị mắng vì khách cho rằng nhân viên phục vụ không tôn trọng họ. Sự cố nhớ đời đó khiến mình luôn tự nhủ – phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói chuyện với khách” – Liên chia sẻ.
Nhiều tình huống khác gặp phải trong công việc phục vụ đã khiến cô nhận ra rằng, làm nghề phục vụ, ngoài việc có các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết, cần biết nhẫn nhịn - khéo léo - tôn trọng khách hàng – trong đó tính nhẫn nhịn phải đặt lên hàng đầu vì “khách hàng không bao giờ sai!” – Đó cũng là bí quyết nằm lòng của nghề dịch vụ nói chung.
Với nhiều nỗ lực học hỏi, chỉ sau 1 năm làm việc, Liên được khách sạn tuyên dương là nhân viên xuất sắc và giao đảm nhận vị trí Senior Waitress. Dần dà, khi kinh nghiệm ngày một dày dạn hơn, cô trở thành trưởng ca và rồi thăng cấp lên Supervisor – chức vụ Liên đang phụ trách hiện tại – sau 4 năm gắn bó với bộ phận F&B của khách sạn JW Marriott Hà Nội.
► Lập gia đình – khổ nhất là giai đoạn trở lại công việc sau sinh
Đã theo ngành dịch vụ nhà hàng – khách sạn, không thể có cuộc sống và giờ giấc sinh hoạt như những công việc hành chính. Thế nhưng, lập gia đình – rồi làm mẹ với một người làm hành chính 8 tiếng một ngày đã khó; với Liên lại càng khó khăn, vất vả hơn.
Những tháng đầu thai kỳ, Liên được quản lý ưu ái thực hiện những nhiệm vụ không phải đi lại nhiều nhưng vẫn phải đứng 9 – 10 tiếng một ngày, đi làm đúng giờ và khi thì ở lại muộn nếu cần thiết.
Sau khi nghỉ sinh, giai đoạn trở lại công việc với Liên là khó khăn nhất. “Thời gian đầu khi đi làm trở lại, mình loay hoay không biết nên xoay xở thế nào để cân bằng nhiệm vụ công việc lẫn cuộc sống gia đình. Vì tính chất công việc làm ca nên nhiều khi 1 giờ sáng mình mới về tới nhà, rồi 5h sáng hôm nay phải có mặt ở khách sạn để phục vụ khách. Con còn nhỏ nhớ hơi mẹ nên khóc, đợi đến khi mình về mới chịu ngủ. Nhiều khi thương con đến ứa nước mắt…”.
Bản thân Liên cảm thấy may mắn vì có chồng làm việc ở bộ phận bếp cùng khách sạn. Nên không chỉ được tẩm bổ những món ăn ngon – dinh dưỡng trong thời gian bầu bì mà còn được chồng thấu hiểu, thông cảm với công việc và san sẻ trách nhiệm chăm sóc con.
► Tự hào về nghề đi lên bằng năng lực
4 năm gắn bó với môi trường F&B trong khách sạn, điều khiến Liên luôn cảm thấy tự hào chính là “Nghề phục vụ đi lên bằng năng lực, kinh nghiệm chứ không phụ thuộc vào bằng cấp hay “đi cửa sau”. Nhớ về thời điểm mới bước chân vào nghề, không dưới 1 lần Liên đã nghĩ đến chuyện bỏ việc vì cảm thấy nản vô cùng nhưng sau mỗi lần gặp sự cố, nghề đã dạy cô phải cứng cỏi, mạnh mẽ hơn. “Càng làm, càng va chạm, mình càng học được nhiều điều và càng yêu nghề thêm.”
Nhờ những va vấp trong nghề mà giờ đây Liên đã là một Supervisor cứng cỏi. Cô không chỉ nhiệt tình hướng dẫn nhân viên cấp dưới cung cách phục vụ chuẩn mực, hiệu quả mà còn truyền tinh thần làm việc tận tụy. Tâm niệm về nghề, Liên cho biết: “Suy nghĩ “ai cũng có thể làm phục vụ” không sai nhưng muốn làm tốt thì không phải ai cũng làm được. Bởi người nhân viên phục vụ chuyên nghiệp không chỉ cần có kiến thức – kỹ năng nghề mà còn phải có kinh nghiệm xử lý nhanh các tình huống phát sinh. Bên cạnh đó, cần phải có những phẩm chất nhất định để có thể gắn bó và tiến xa được trong nghề dịch vụ này.”
Nghề dịch vụ phù hợp với ai? |
|
Nghề dịch vụ cần tố chất gì? |
|
Lộ trình thăng tiến trong nghề như thế nào? |
|
Nghề đôi khi đến với bạn như một mối lương duyên. Cho dù là nghề chọn người hay người chủ đích đến với nghề, muốn có ngày thu hoạch được “những quả ngọt” – bản thân người làm nghề phải vượt qua được những khó khăn đặc thù của công việc - nỗ lực học hỏi, hoàn thiện mình từng ngày. Hoteljob.vn mong rằng những bạn ứng viên mới tìm việc phục vụ muốn theo nghề lâu dài nên tâm niệm rằng “vạn sự khởi đầu nan, gian nan đừng có nản”…
Ms. Smile
Theo cafebiz
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên