5 bệnh nghề nghiệp nhân viên pha chế có thể gặp phải

Đứng - xoay shaker - với tay lên cao hay cầm vật nặng liên tục nhiều giờ là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây nên các bệnh nghề nghiệp cho nhân viên pha chế làm việc trong các khách sạn, nhà hàng hay bar, pub. Vậy đó là những bệnh nghề nghiệp nào? Nhân viên pha chế làm thế nào để phòng tránh bệnh? Bài viết dưới đây của Hoteljob.vn sẽ giúp bạn giải đáp

 

5 bệnh nghề nghiệp nhân viên pha chế có thể gặp phải
Nhân viên pha chế có thể gặp phải những bệnh nghề nghiệp nào?

Những bệnh nghề nghiệp nhân viên pha chế có thể gặp phải

Hầu hết nhân viên pha chế sau khi vào nghề một thời gian rồi hoạt động lặp đi lặp lại một vài động tác dẫn đến mắc phải những bệnh về đau nhức. Tuy mới nghe qua tưởng chừng bình thường nhưng lâu ngày sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại đáng kể cho sức khỏe người bệnh. Dưới đây là 5 trong số rất nhiều bệnh nghề nghiệp mà các nhân viên pha chế có thể gặp phải nếu theo nghề.

- Đau lưng

Tính chất công việc yêu cầu nhân viên pha chế phải đứng nhiều và đứng liên tục để chế biến thức uống phục vụ khách hàng. Việc đứng quá lâu như thế rất dễ khiến vùng lưng cảm thấy đau nhức và khó chịu; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tiến độ công việc. Do đó, để hạn chế chứng đau lưng, các nhân viên pha chế phải thường xuyên thay đổi tư thế, vận động nhẹ nhàng, thao tác cầm nắm vật dụng pha chế đúng cách và đúng vị trí… Trường hợp không tìm cách khắc phục bệnh sẽ ngày một nghiêm trọng, có thể khiến bạn mắc thêm nhiều bệnh liên quan khác như gai cột sống, thoái hóa khớp, giãn tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch, tắc động mạch phổi… vô cùng nguy hiểm.

 

5 bệnh nghề nghiệp nhân viên pha chế có thể gặp phải
Đứng nhiều và đứng liên tục khiến nhân viên pha chế dễ bị đau lưng

- Đau mỏi vai gáy

Tương tự như đau lưng, đau ở vùng gáy lan sang 2 bả vai rồi xuống cánh tay là chứng bệnh phổ biến dễ gặp phải ở nhiều đối tượng trong nhiều ngành nghề, trong đó có nghề pha chế. Việc thường xuyên thao tác tay cầm nắm và thực hiện các động tác xoay, lắc – cúi người để chế biến và trình bày thức uống liên tục qua nhiều ngày khiến người pha chế dễ bị cảm giác tê nhức, đau mỏi vô cùng khó chịu. Tùy thuộc vào biểu hiện và mức độ đau mà bệnh được chẩn đoán nặng nhẹ tương ứng. Tuy nhiên, cơn đau kéo dài và tăng dần có thể dẫn đến thoái hóa vai gáy, thoái hóa cột sống cổ… gây khó khăn trong vận động và làm việc.

- Đau cổ tay

Đau cổ tay xảy ra do tình trạng thường xuyên lặp đi lặp lại một số động tác quen thuộc trong công việc như lắc shaker, biểu diễn nghệ thuật flair bartending… gây nên chứng mỏi, nhức thậm chí tê vùng cổ tay và cánh tay. Các triệu chứng thường biểu hiện rời rạc, thoáng qua khiến người bệnh chủ quan; tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và trầm trọng hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc như không kiểm soát tốt cổ tay, khó khăn khi cầm nắm vật nặng hoặc cầm nắm lâu… ngoài ra, bệnh còn vô tình đẩy nhanh quá trình thoái hóa cơ, xương khớp gây tổn thương sụn và xương dưới sụn.

 

5 bệnh nghề nghiệp nhân viên pha chế có thể gặp phải
Xoay cổ tay liên tục để lắc shaker, biểu diễn nghệ thuật khiến Bartender dễ bị đau cổ tay

- Bệnh phổi

Việc thường xuyên tiếp xúc và phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau khiến nhân viên pha chế (nhất là Bartender) rất dễ mắc các bệnh về phổi do hít phải khói thuốc lá liên tục mỗi ngày từ thực khách, nặng nhất là ung thư phổi. Chính sự thiếu quy định về cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng kéo theo nguy cơ gia tăng số người mắc bệnh. Để hạn chế tối đa tình trạng mắc bệnh, cách tốt nhất là tách những người hút thuốc và không hút thuốc ra những khu vực riêng, thường xuyên làm sạch không khí bằng các thiết bị và vật dụng chuyên dụng.

- Tệ nạn xã hội

Bartender được đánh giá là nghề “nhạy cảm” và nhiều cám dỗ nhất trong ngành dịch vụ khách sạn - nhà hàng. Vì tính chất công việc, người pha chế sẽ tiếp xúc với rất nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có cả dân chơi và dân giang hồ với đủ kiểu ăn chơi, quậy phá. Việc hàng ngày tiếp xúc với dân có tiền với lối ăn chơi “xa hoa hưởng lạc” tại quầy bar, các Bartender rất dễ bị ảnh hưởng, lôi kéo nếu thiếu bản lĩnh và sự kiên định trong nghề. Do đó mà rất dễ bị dính vào các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, chơi thuốc lắc, ma túy đá, mua bán dâm, tàng trữ và buôn bán chất cấm, chất gây nghiện, tham gia vào các cuộc “bay” thâu đêm trên đường phố… Để không rơi vào những “ngõ cụt” của cuộc đời, những bạn trẻ quyết định theo nghề trước hết phải trang bị cho mình những kỹ năng sống, rèn bản lĩnh và ý chí kiên định để vượt qua được những cám dỗ và tác động từ môi trường làm việc nhằm chinh phục nghề nghiệp và theo đuổi đam mê.

 

5 bệnh nghề nghiệp nhân viên pha chế có thể gặp phải
Nghề Bartender vô cùng "nhạy cảm" và nhiều cám dỗ

Yoga - giải pháp mang đến cho bạn sức khỏe dẻo dai và tinh thần làm việc tốt

Cách đơn giản nhất để thư giãn các cơ là thường xuyên vận động, thay đổi tư thế đứng - ngồi, tập thể dục nhẹ nhàng, tham gia vào các liệu pháp trị liệu xoa bóp như co duỗi cánh tay, chân - xoay, vặn vai và cổ, cổ tay ra đằng trước, sau… Bên cạnh đó, hãy ăn uống lành mạnh và có lối sống vui vẻ để cân bằng cuộc sống và công việc.

Ngoài ra, giải pháp hữu hiệu và có tác dụng lâu dài mà có thể trước nay bạn chưa từng được biết là tập Yoga. Những động tác yoga nhẹ nhàng, đơn giản nhưng lại mang lại tác dụng tuyệt vời giúp giãn cơ, xương khớp, tạo nên sức khỏe dẻo dai, giảm đau nhức, đồng thời cải thiện tâm trạng và tăng tính linh hoạt cho cơ thể; giúp hạn chế hoặc cải thiện đáng kể những bệnh nghề nghiệp kể trên.

 

5 bệnh nghề nghiệp nhân viên pha chế có thể gặp phải
Tập Yoga giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt, tinh thần vui vẻ

 

Dù là nhân sự đang hoạt động trong nghề hay ứng viên tìm việc pha chế, hãy nên lưu ý những căn bệnh nghề nghiệp này và cách phòng tránh để luôn đảm bảo sức khỏe tốt, đáp ứng tốt nhất yêu cầu và tính chất công việc trong hiện tại và tương lai.

​Ms. Smile

Tags:
5 bệnh nghề nghiệp nhân viên pha chế có thể gặp phải
4.8 (958 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN