Hôm nay ngày 15/2, tức mùng 6 Tết Giáp Thìn, trong khi người người tất bật xen chút chán nản trở lại công việc sau kì nghỉ lễ dài thì… với hầu hết dân dịch vụ nói chung, dân ngành khách sạn nói riêng, nay mới là “mùng 1” Tết. Nghĩa là: mùa lễ hội - sum vầy - tận hưởng giờ đây mới thật sự bắt đầu…
Kẻ đi làm - Người tận hưởng
Đặc thù ngành dịch vụ sẽ có mùa cao điểm đón và phục vụ khách các dịp cuối tuần, lễ Tết hàng năm. Khi đó, khách hàng của mình được nghỉ làm và chọn trải nghiệm, tận hưởng cuộc sống thì mình phải đi làm, thậm chí làm luôn tay luôn chân vì khách đông.
Không tính tới một vài nơi sắp xếp cho nhân viên chính thức - có nguyện vọng được nghỉ phép (có hưởng lương hoặc không) vào những dịp này để thực hiện kế hoạch riêng thì đa số hoteliers đều đều đặn chấm công mỗi ca theo lịch làm việc. Tết Nguyên đán là một trong những đợt lễ bận rộn nhất năm.
Đi làm ngày Tết, ngày công được x3 (có nơi nhiều - ít hơn tùy quy định và thỏa thuận), rồi có thể được nhận thêm lì xì, tip, thưởng từ Sếp, đồng nghiệp, khách phần nào khiến dân ngành có động lực cày cuốc. Chưa kể, không ít người lên kế hoạch nghỉ phép dài ngày ngay sau chuỗi ca làm Tết để tự thưởng cho bản thân cũng như giúp khách sạn giải quyết dần ngày phép cộng dồn của nhân viên.
“Vốn dĩ ai cũng mong nghỉ Tết để sum vầy cùng người thân và tụ họp bạn bè sau 1 năm làm việc chăm chỉ. Riêng nghề khách sạn như tụi mình lại phải đi làm để phục vụ khách. Nói không buồn thì có hơi dối lòng nhưng không đến mức tủi rồi bật khóc nọ kia. Hơn nữa, làm lâu trong ngành này nên cũng quen. Nhiều bạn mới, năm đầu đi “cày” Tết thi thoảng mắt đỏ hoe vì bất chợt thấy cảnh người người nô nức trẩy hội còn mình ở đây lạc lõng…
Để an ủi, mình bảo: tập làm quen đi nếu có ý định gắn bó với nghề này. Đi chơi dịp này đông đúc lắm, giá cả lại trên trời. Cố đi làm gom phép rồi hết Tết nghỉ bù chơi cho sướng. Khi đó, muốn làm gì làm, không có gì phải sầu nha. Em ấy đã bật cười vì mách nước của mình đấy”, Thy, lễ tân có năm thứ 6 đi làm Tết chia sẻ.
Ở một diễn biến khác, anh Nam, Bellman cùng khách sạn với Thy có nguyện vọng đi làm tiếp sau Tết bởi còn mang gánh nặng kinh tế do đã có vợ và 2 con đang tuổi ăn học; anh cũng bảo mình không còn quá trẻ để mơ mộng cuộc sống thảnh thơi, tận hưởng.
“Tôi đăng ký đi làm xuyên Tết, tức từ sáng mùng 1 đến nay (mùng 6). Trước hết là hỗ trợ mấy bạn xa quê về nhà sum vầy cùng gia đình sau 1 năm làm việc vắng bóng, sau cũng bởi bản thân không có nhu cầu đi chơi Tết hay du xuân như nhiều bạn trẻ, ca làm việc được chia linh hoạt sáng - chiều - đêm nên cũng dễ dàng sắp xếp đưa vợ con đi chúc Tết họ hàng và trải nghiệm các hoạt động Tết khác”.
Thế đấy, Tết với mỗi người không giống nhau nên lựa chọn làm việc và vui chơi cũng sẽ khác nhau. Ai cũng có quyền chọn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
“Ai cũng biết làm khách sạn thì không được nghỉ các dịp lễ. Lương trả cho những ngày này cũng cao hơn ngày thường, hoặc nếu không trả bằng tiền sẽ quy đổi ra ngày công để tính ngày phép. Vì thế, đi làm ngày lễ cũng không gọi là thiệt thòi, ít nhất là về vật chất, còn tinh thần thì chắc tùy người, mỗi người một cảm xúc”, anh Nam chia sẻ thêm.
Buồn vui lẫn lộn
“Hôm nay là ngày nghỉ phép đầu tiên của mình sau chuỗi ngày làm việc chăm chỉ dịp Tết. Nói cho vui thì Tết dân ngành được tính từ ngày trở lại làm việc đầu tiên của khách hàng (những người làm việc ở lĩnh vực, môi trường khác và nghỉ Tết theo quy định của Luật).
Mình chọn du lịch Hội An để tự thưởng bản thân.
Tuy không chật kín người như những ngày qua nhưng phố cổ nay vẫn đông đúc và nhộn nhịp lắm. Giá cả một số hàng quán cũng quay về giá bán thường ngày thay vì bị “hét” lên thành giá Tết…”, Thy nói.
Chia sẻ lý do xin nghỉ dài ngay sau đợt làm Tết, Thy cho biết bản thân không có nhu cầu tích lũy ngày phép để thực hiện các kế hoạch khác nên luôn đăng ký giải quyết dần dịp đầu năm cho tiện cho cả mình và công ty. Hơn nữa, bản thân còn trẻ cũng cần tận hưởng cuộc sống theo cách bình thường nhất là: đi du lịch. Tuy nhiên, nếu bảo không được đi chơi Tết đúng nghĩa là không buồn tí nào thì không đúng. Thy bảo cô có một chút chạnh lòng và có bị ba mẹ cùng họ hàng hờn trách; bản thân cũng nhớ không khí Tết những năm tháng chưa phải đi làm trước kia nhưng biết sao được, đặc thù công việc thì phải chịu thôi. Chưa kể, thế hệ trước không mấy hiểu tính chất nghề nghiệp của ngành dịch vụ nên nói ra nói vào cũng dễ hiểu.
“Tết đi làm, sau Tết đi chơi có cái hay của nó. Tránh triệt để chuyện gặp mặt người lớn để không bị hỏi những câu đại loại như là: có bồ chưa - khi nào lấy chồng - lương tháng nhiêu - biếu Tết ba mẹ gì đó…???” (Thy cười ngại nói thêm)
Mỗi nghề có “sứ mệnh” riêng
Thy, anh Nam hay nhiều Hoteliers yêu nghề khác đều chung cảm giác tự hào vì được làm nghề, trước là phục vụ khách chuẩn chất lượng dịch vụ để được khách khen, nâng cao giá trị thương hiệu cho cơ sở cũng như ngành du lịch Việt (hơi to tát nhỉ. hihi ) - tiếp đến là tự mang lại giá trị vật chất và tinh thần cho bản thân. Bởi hầu hết khách hàng đều có nhu cầu tận hưởng những dịp lễ Tết hay cuối tuần nhưng nếu không có nhân viên phục vụ họ thì sao? Mỗi nghề một nhiệm vụ và “sứ mệnh” riêng, hiểu và vui vẻ với lựa chọn công việc, biết tự tìm niềm vui và động lực để làm việc thì dù đi làm ngày người khác được nghỉ cũng không có gì phải buồn - tủi - bực… Chưa kể, chế độ và “hậu mãi” những ngày lễ cũng coi như xứng đáng.
Nếu được chọn lựa cho Tết năm sau…
“Như đã nói, mỗi nghề một đặc thù, nếu đã chọn làm nghề và quyết tâm theo đuổi nghề thì phải chấp nhận những được - mất nghề mang lại. Bằng không, lựa chọn là ở bạn: muốn thì tiếp tục làm, không hài lòng thì có thể báo nghỉ và tìm kiếm công việc khác, tại nơi khác hoặc môi trường khác.
Với cá nhân tôi, tôi yêu nghề và nhìn thấy tương lai khi làm nghề nên nếu hỏi có làm việc tiếp và đồng ý làm Tết không thì câu trả lời sẽ là “Có, có chứ”…” - chia sẻ của anh Nam.
Ngần ngại đưa ra đáp án có chị Kim, một nhân viên buồng phòng ngoài 30 tuổi. Chị cho hay mình dự định có thêm bé vào năm sau nên có thể, làm thêm thời gian nữa, khi nào có tin vui và sinh chắc chị sẽ thôi không làm nghề nữa. Phần vì muốn dành nhiều thời gian chăm con, phần tuổi ngày một nhiều nên bản thân cảm thấy sức khỏe không còn đảm bảo để làm được việc, nhất là với bộ phận buồng khách sạn. Tuy nhiên, tương lai không nói trước được, cứ tiếp tục làm và tính toán hợp lý khi có phát sinh.
“Nếu lễ tân hay phục vụ thường thích các bạn trẻ, đẹp, năng động thì may mắn bếp hay buồng vẫn tuyển nhân viên cao tuổi một chút. Thế nhưng, để được giữ lại làm việc lâu dài, những nhân viên như tôi đây cũng phải cố gắng chỉn chu, “đẹp” và chuyên nghiệp mỗi ngày. Vì vậy, khi không còn phù hợp với yêu cầu công việc nữa thì dĩ nhiên sẽ bị đào thải chứ chưa nói đến bản thân nhân viên đó có muốn hay không”.
Chị Kim nhận định “tuổi thọ” của nghề và quyết định của mình có gắn bó với công việc hiện tại hay là không. Hỏi thêm về kỷ niệm đi làm ngày Tết, chị bảo năm nay được khách sạn tạo điều kiện để được ở nhà đón Tết cùng gia đình nên rất vui, vợ chồng và con trai đã đi thăm họ hàng và du xuân rất trọn vẹn. “Đã mấy năm rồi mới được ở nhà dịp Tết nên cảm thấy những ngày này ý nghĩa hơn rất nhiều. Vừa qua công ty lấy ý kiến nhân viên về quyết định đăng ký nghỉ Tết thay phiên mỗi năm và tôi tự nguyện dơ tay lần thứ 1. Năm sau nếu còn làm ở đây thì dĩ nhiên phải đi làm Tết rồi”.
Bạn có đi làm khách sạn đợt lễ Tết vừa rồi không? Ngay sau đó bạn chọn lao động tiếp hay báo off để du xuân muộn?
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên