Series hay “Câu chuyện nghề của tôi” – Bạn có phải là người “kém may mắn nhất quả đất”? [Phần đầu tiên]

Nhiều năm gắn bó với ngành dịch vụ Nhà hàng – Khách sạn, ai trong chúng ta cũng có câu chuyện nghề của riêng mình. Nghề đến có thể do định hướng từ trước nhưng đôi khi là sự đưa đẩy của chữ “duyên”. Dù là lý do gì – trải qua quãng thời gian dài “ăn – ngủ” với công việc – nếu thực tâm yêu nghề - bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được đi làm và muốn trao tặng thật nhiều những nụ cười thân thiện cho khách hàng của mình.

Loạt bài “Câu chuyện nghề của tôi” được Hoteljob.vn giới thiệu đến cộng đồng nghề là chia sẻ của chị Nguyễn Nga – từng đảm nhận vị trí Operation Manager tại Altara Suites. Với bài đầu tiên này, là hành trình gian nan để được học nghề chính thức của chính tác giả… Hãy đọc để xem “Bạn có phải là người kém may mắn nhất quả đất”?

Series hay “Câu chuyện nghề của tôi” – Bạn có phải là người “kém may mắn nhất quả đất”
Chị Nguyễn Nga – tác giả series “Câu chuyện nghề của tôi”

► Phần 1 - Tại sao tôi lại bị bén duyên với ngành dịch vụ nhà hàng?

Quay đồng hồ thời gian về thời điểm mới học xong cấp 3, cái thời đó nghề giáo viên mẫu giáo hot lắm, tôi cũng như mấy đứa bạn thân - cũng học hát, học kể chuyện để thi năng khiếu. Cái năm đó, chúng tôi có 4 đứa chơi thân với nhau, là tôi, Bích, Ngọc và Quý. Quý thi Đại học Thăng Long, 3 đứa còn lại thi Sư phạm mẫu giáo Trung Ương. Kết quả là cái Quý thi vào Đại học Thăng Long trúng tuyển luôn, còn lại 3 đứa thì cái Ngọc là đứa cũng trúng tuyển vào sư phạm vì về cơ bản là nó cũng có năng khiếu kể chuyện, mẹ nó làm hiệu trưởng trường mẫu giáo nên cũng hướng dẫn nó nhiều. Còn lại tôi với cái Bích thì trượt. Lúc đó cũng nản lắm. Và cuối cùng Bích cũng vào học trường Trung cấp thương mại còn tôi thì vẫn bơ vơ.

Thời điểm đó, bác tôi hỏi là có muốn học bằng kế toán rồi bác xin cho vào bán hàng ở trung tâm thương mại. Nhưng vấn đề là lúc đó, muốn học và xin vào đó cũng mất khá nhiều tiền, tôi nghĩ vào làm cũng chả biết bao giờ có thể trả hết chỗ nợ đó.

Cuối cùng, tôi quyết định đi kiếm việc làm thêm để ít nhất cũng có tiền hỗ trợ mẹ. Và ông anh xin cho tôi vào làm ở 1 cửa hàng bán mỹ phẩm. Về cơ bản là tính tôi khá chậm chap, ít nói, ít cười nên chắc vì thế bán hàng không có duyên lắm. Sau 2 tháng làm việc ở đó, tôi dính 1 quả bị khách lừa: Hôm đó - có 1 chị vào xem hàng, chị ý nói là muốn xem thỏi son Teramit, sau đó lại quay ra tủ đằng sau xem phấn làm tôi cứ xoay như chong chóng và rồi bảo không thích - bỏ đi. Đến khi kiểm lại hàng thì thôi rồi, 1 số mặt hàng bị mất, tôi nhớ khoản tiền bị mất tương đương hơn 1 triệu đồng trong khi lương của tôi chỉ có khoảng 300k (hồi năm 2002 thì phải).

Sau vụ đó tôi thực sự lo lắng và không biết làm thế nào để đền nên đành bảo với anh tôi giúp. Chị chủ hồi đó còn mắng tôi suốt là “Tại sao em hiền thế, em cứ hiền thế thì chả nhẽ đến khi bị đụng xe ngoài đường em cũng không biết nói lại người ta à?” và tôi cũng chả nói gì và chỉ biết khóc.

Và rồi nghỉ làm ở cửa hàng đó. Đó là công việc đầu tiên của tôi.

Đến công việc thứ 2, chị họ có xin cho tôi đi dạy gia sư cho 1 bé lớp 2 dưới phố Hai Bà Trưng. Thời gian đó, hàng ngày, tôi đi xe buýt xuống phố dạy xong lại tranh thủ lang thang dưới mấy hiệu sách ở Tràng Tiền, có thể đó là những khoảng thời gian mà tôi thấy yên bình nhất. Và tôi đi dạy dưới đó khoảng 2 năm. Trong thời gian đi dạy, tôi vẫn tiếp tục ôn thi với hy vọng có thể đỗ vào trường Đại học - vì thật sự lúc đó tâm lý tôi cũng giống như nhiều bạn bây giờ, luôn nghĩ Đại học là cánh cửa duy nhất dẫn đến thành công. Tuy nhiên, có thể là tôi không có duyên với thi cử nên kết quả vẫn là con số không.

Càng ngày tôi càng thấy bi quan với cuộc sống, thời gian đó tôi luôn đặt câu hỏi tại sao ông trời bất công với tôi đến thế, tôi đã không đỗ đại học, gia đình thì khó khăn, không có quan hệ, không có tiền để xin được một công việc yên ổn, tôi luôn nghĩ những điều không hay, sau đó nó cũng xảy ra với tôi thật.

Thời gian 1 năm tiếp theo đó, cứ xin được việc gì là tôi đi làm ngay, vừa đi gia sư, vừa đi bán hàng dưới phố cổ, có cả thời điểm tôi đi dọn nhà cho người nước ngoài nữa. Có thời gian, tôi tìm những khóa học tiếng anh giao tiếp để mong có một cái gì đó trong tay và ít nhất trong thời gian đó tôi có quen 1 thầy giáo người Ireland tên là Tom, thỉnh thoảng tôi vẫn ngồi nói chuyện với thầy ở quán cà phê và có lẽ chính vì thế nên khả năng tiếng Anh của tôi cũng được nâng cao. Ngoài ra, những lúc rảnh thì tôi vẫn tranh thủ vào yahoo chat (cực kỳ hot thời đó, chắc hẳn thế hệ 8x không thể quên), chat trong mấy forum nước ngoài và trình độ giao tiếp của tôi cũng tăng nhiều.

Tôi với thầy Tom khá thân nhau, chia sẻ khá nhiều trong cuộc sống và tôi vẫn nhớ cái hôm sinh nhật tôi, thầy Tom có bảo với tôi là: “I have a gift for you, can you teach me Vietnamese?” (Anh có 1 món quà cho em, em có thể dạy anh tiếng Việt không?) và đương nhiên là tôi đồng ý.

Thêm 1 thời gian nữa, anh tôi cũng có giới thiệu tôi vào làm nhân viên của 1 nhà hàng Nhật ở đường Thụy Khuê, và đây cũng là nơi đã giúp tôi mở ra 1 trang khác của cuộc đời.

Nói như vậy bởi thời gian đó tôi thấy mình làm trâu thật, sáng tôi đi làm nhà hàng, hết giờ phóng xuống gần trường Đại Học Bách Khoa để dạy Tiếng Việt, dạy xong về ăn cơm xong lại lượn xuống Yên Phụ để gia sư. Thời điểm đó chỉ muốn đi làm để quên hết mọi thứ, tôi cũng không muốn gặp bạn bè vì tôi thấy ngại, gặp đứa nào cũng kể chuyện trường nó như thế nào, còn mình thì chỉ biết nghe mà thôi.

Quay lại với cái nhà hàng tôi làm, đấy là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ngành này, thật sự bỡ ngỡ, bê khay cũng lập cập, cà phê cứ bị tràn ra đĩa, món ăn thì toàn món lạ, chả biết học kiểu gì. Và rất may, thời gian đó có 1 cô bé làm bếp học Hoa Sữa ra có nói chuyện và hỏi tôi là “Chị Nga ơi, em thấy chị giỏi Tiếng Anh thế, sao chị không đi học ở trường em, em thấy có nhiều học sinh ở trường biết Tiếng Anh ở lại làm giáo viên lắm” (Thật sự là tôi cũng không nhớ cô bé ý tên gì và bây giờ tôi vẫn hy vọng là sẽ gặp lại cô bé đó). Tự nhiên lúc đó không hiểu sao tôi thấy có một tia hy vọng là mình có thể sẽ khác đi và đã về nói chuyện với mẹ. Thêm 1 điều may mắn nữa là Hiệu trưởng trường Hoa Sữa là bác Vy cũng là cô giáo cũ của mẹ tôi. Và thế là tôi đã quyết định là nhất định tôi sẽ vào Hoa Sữa để làm giáo viên.

Series hay “Câu chuyện nghề của tôi” – Bạn có phải là người “kém may mắn nhất quả đất”
Ảnh tác giả chụp cùng học trò thời làm gia sư 

► Phần 2: Con đường đến với Hoa Sữa kéo dài 6 tháng

Trước khi kể tiếp phần thứ hai, mình xin chia sẻ với các bạn 1 phần mà nó cũng đóng góp không nhỏ đến tư duy của mình.

Chuyện là cái thời vẫn còn đi làm các công việc không cố định, mình có làm cho trung tâm anh ngữ SITC (chắc 1 số bạn sẽ biết đến trung tâm đó vì thời đó khá rầm rộ) và mình cũng có 1 thời gian đi học 1 khóa đào tạo bán bảo hiểm AIA. Khóa học kéo dài 1 tuần. Nói thật là mình thấy nhiều người nói ra nói vào về cái nghề bán bảo hiểm lắm, nào là lừa bịp, nào là chỉ muốn lôi kéo mình trả tiền cho nó hàng tháng thôi… nhưng vào thời điểm đó mình chỉ nghĩ là cứ đi thử biết đâu học được cái gì hay ho. Và đúng là nó hay thật, ấn tượng của mình chính là giảng viên, anh chính là người đã truyền cảm hứng cho mình bằng 1 câu chuyện, có thể với nhiều người nghe thì thấy bình thường nhưng với mình thì nó quả thật đã giúp mình rất nhiều - bất cứ khi nào bi quan, mình lại nghĩ đến câu chuyện đó. Qua đây mình cũng muốn kể lại cho mọi người: 

“Ở một vùng núi xa xôi - có một gia đình chim đại bàng mẹ sống với nhau rất vui vẻ. Trong 1 lần, chim đại bàng mẹ di chuyển từ ngọn núi này sang ngọn núi kia, trong khi bay qua 1 ngôi làng, đại bàng mẹ đã làm rơi một quả trứng vào ổ 1 con gà mái. Khi quả trứng nở ra, con đại bàng con cảm thấy rất bi quan vì cả đàn gà, không ai nhìn giống nó cả, tất cả anh chị em nó đều rất xinh xắn, đáng yêu, còn nó thì thô kệch, xấu xí. Đã thế lũ gà con suốt ngày chế giễu nó nữa chứ. Vì thế, chú đại bàng cảm thấy rất tủi thân và suốt ngày nó lang thang trong vườn. Và rồi một ngày nọ, khi nhìn lên bầu trời cao, xanh, nhìn thấy 1 đàn chim nhìn rất giống mình, nó tự nghĩ, “Tại sao những chú chim kia bay được mà sao mình lại không bay được nhỉ?”. Và rồi nó bắt đầu tập bay. Quá trình tập bay cũng nhiều khó khăn lắm, nó cứ chạy từ bên trái sang bên phải rồi bên phải sang bên trái. Lũ gà anh em của nó thì cứ đứng bên cạnh dè bỉu “Đồ ngốc ạ, mày là gà chứ mày có phải là chim đâu mà bay được, bỏ đi mày!” Thế nhưng đại bàng vẫn hàng ngày tập bay đều đặn. Cuối cùng nó cũng bay được và quay trở về với gia đình đại bàng của mình.

Câu chuyện này đã luôn giúp tôi trong suốt quãng đường còn lại vì mỗi khi thấy kém ở phần nào, tôi luôn nhớ đến câu chuyện và cố gắng vượt qua và phát triển kỹ năng đó.

Series hay “Câu chuyện nghề của tôi” – Bạn có phải là người “kém may mắn nhất quả đất”
Bạn có “câu chuyện truyền động lực” cho riêng mình?

Tiếp theo - tôi sẽ kể cho mọi người tại sao chặng đường tôi đến Hoa Sữa kéo dài đến 6 tháng:

Sau khi quyết định đi học ở Hoa Sữa và hỏi mẹ thì được bảo là chú Vạn có hỏi xem tôi có muốn học ở KOTO không, nhưng chả hiểu sao đợt đó tôi chỉ có Hoa Sữa trong đầu và gạt hết, chỉ muốn vào Hoa Sữa. Tôi làm các thủ tục, giấy tờ và đến khoảng tháng 5/2005 tôi đi thi, kết quả điểm của tôi được cao nhất nhưng đến khi kiểm tra sức khỏe thì bị bướu cổ. Thầy Thanh y tế bảo tôi nên về mổ đi, khỏi rồi đến học tiếp, trường sẽ bảo lưu kết quả cho. Nghe nói bị bướu phải mổ, tôi sợ lắm, về nói với mẹ, thế là sắp xếp đi mổ ở viện 103. Khi mổ xong, an dưỡng ở nhà 3 tháng, đến tháng 9, tôi lại đến trường để hỏi lịch học thì nhận được câu trả lời là: “Điểm của em không dùng được trong đợt này vì khóa này là khóa quản lý, nên thôi em về đi, có gì đợi khóa sau nhập học”. Mọi người có hiểu cái cảm giác mình đang hừng hực khí thế quyết tâm mà kiểu bị rơi xuống vực không? Mà không chỉ 1 lần rơi đâu, tôi bị rơi đến vài lần nó mới ức chế. Và lại một lần nữa tôi đành lủi thủi ra về và vẫn than thân trách phận sao đời mình nó lận đận thế cơ chứ.

Trong thời gian nghỉ để chờ tiếp khóa sau, tôi có xin vào làm ở 1 nhà hàng dưới phố Hai Bà Trưng. Nói thật là lúc đó, tôi thấy ở đây họ phục vụ chuyên nghiệp thật, nhân viên thân thiện, chịu khó nói chuyện với khách. Tôi vượt qua phỏng vấn dễ dàng vì trình độ giao tiếp tiếng Anh thời điểm đó khá ổn. Tôi bắt đầu đi làm. Những ngày đầu đi làm cảm giác choáng thật, cái cảnh 8 tiếng đồng hồ cứ đứng lau đồ, có đồ ra thì chạy, rồi đến tận 2h mới được ăn cơm trưa. Khổ nữa là nhà hàng này làm việc chuyên nghiệp lắm, buổi trưa set up 1 kiểu, buổi tối set up 1 kiểu, chưa kể việc ngày nào cũng có các chương trình đặc biệt làm tôi cứ phải học mãi mà chả thuộc, như thứ 2 là “Gin night”, Thứ 3 là “Vodka night”, Thứ 4 là “Lady night”, Thứ 5 là “Mexican Buffet”, Thứ 6 là “Roasted Beef”, Thứ 7 là gì đó mình không nhớ, còn Chủ nhật thì là Sunday Brunch. Cả tỷ thứ thông tin tôi phải học, rồi là các loại cocktail như V7, Bloody Marry… Hồi đấy, có ông khách hỏi tôi là mày có biết Bloody Marry có nghĩa là gì không? Nói thật mình chịu.

Cả tỷ thứ thông tin đó nói thật là đã đủ đau đầu rồi, thế mà ở nhà hàng còn có 1 bà chị quản lý suốt ngày mắng nhân viên, khó chịu cực, hồi đầu tôi ghét bà ý lắm vì suốt ngày đi ra đi vào và nói “Con vịt kia, cười lên, làm gì mà mặt mày cứ bí xị ra thế?”. Nói thật là thấy tự ái kinh khủng, tôi vẫn cứ bực mãi cái kiểu bà ý nhân viên là con vịt, và cũng thắc mắc không hiểu vì sao tôi vẫn cười mà bà ý cứ bảo không cười là sao? Rồi chị quản lý mà phỏng vấn tôi thấy khá căng thẳng nên có nói tôi xuống quán cà phê tầng 1 làm cho thoải mái.

Khi xuống đó làm, tôi thấy thoải mái thật, chị quản lý cũng tâm lý nữa nên tôi học khá nhanh. Tôi nhớ đấy là lần đầu tôi thấy được mấy cái loại cà phê của tây như cappuchino, late… nhưng mà kiểu rất cổ điển như đổ late 3 tầng hoặc cappuchino thì hớt bọt ra cho kiểu đày có chóp ý.

Sau 1 tháng làm dưới quán cà phê, tôi lên lại nhà hàng và thời gian này chị quản lý bị anh chủ người Úc nhắc nhở tại sao lại mắng nhân viên. Lần đó tôi tình cờ nghe được các anh chị nói là “Tại bọn nó (tức nhân viên) không biết gì nên bọn tao mới phải mắng”, và anh chủ đó cũng nói lại là “Nếu bọn nó không biết thì bọn mày phải dạy chứ, bọn mày không thể đổ lỗi cho nhân viên như thế được”. Và tôi thực sự phục ông chủ người Úc đó vì ông đã bắt toàn bộ quản lý nhà hàng ra đứng và xin lỗi tất cả nhân viên. Thêm 1 điều nữa là tôi bị góp ý vì không cười nhưng hôm đó phục vụ tiệc, anh chủ đã gọi cái chị quản lý ra chỉ là: “Đấy, mày thấy không, nó cũng cười tươi đấy chứ”. Và sau đó mối quan hệ của tôi và chị cũng tốt lên khá nhiều. Tôi cũng là 1 trong những nhân viên khá tốt khi chỉ sau 1 tháng có thể hoàn toàn tự tin đứng phụ trách 1 khu vực phục vụ gọi món khoảng 15 bàn. Đây là nhà hàng tôi học được nhiều kỹ năng và kinh nghiệm cho sự nghiệp của mình mặc dù tôi chỉ làm ở đó 3 tháng. Trong quá trình làm việc tại đây, tôi được trải nghiệm 1 vài lớp đào tạo của nhà hàng và điều làm tôi ấn tượng là anh quản lý nhà hàng người Úc đã dạy rằng: “Service chính là Eyes for details – có nghĩa là chú ý đến từng chi tiết”, và điều này tôi cũng đã chia sẻ với khá nhiều nhân viên của mình sau này.

Đến tháng 12/2005, thời điểm bắt đầu khóa học tiếp theo ở Hoa Sữa, tôi lại qua trường, mọi người đoán xem tôi nhận được câu trả lời như thế nào?

Câu trả lời nhận được là “Xin lỗi em, điểm của em đáng nhẽ khóa trước vẫn có thể dùng được và em đã có thể học từ khóa trước nhưng còn khóa này thì rất tiếc vì các bạn học sinh đã nhập học và em không thể tham gia khóa này”. Tôi nghĩ là không còn gì để nói và nghĩ rằng chắc mình không có duyên với Hoa Sữa và lại đi về.

Và khi vẫn đi làm như bình thường trong ngày hôm sau, đột nhiên mẹ tôi gọi đến và thông báo là trường đã báo lại - tôi có thể tham gia học và nhập học luôn. Tôi thực sự đã rất vui và báo luôn với anh quản lý là em xin nghỉ. Anh quản lý: “Lý do em nghỉ là gì?”

Tôi trả lời: “Em nghỉ để đi học ở Hoa Sữa ạ.”

Anh lại nói : “Em đi học làm gì khi em đã đi làm ở đây rồi?”

Tôi rất tự tin trả lời: “Em đi học để phát triển nhanh hơn ạ.”

Và rồi tôi quyết nghỉ và nối tiếp con đường ước mơ mà tôi đã chọn.

Series hay “Câu chuyện nghề của tôi” – Bạn có phải là người “kém may mắn nhất quả đất”
“Em đi học để phát triển nhanh hơn ạ.”

► Phần 3: Những tháng ngày ở Hoa Sữa

Tôi vẫn còn nhớ cái ngày nhập học là ngày 5/12/2005. Hôm đó tôi đạp xe quãng đường 14km xuống đó, đường thì khá xa, lại có rất nhiều ô tô tải vì đường đê là chính. 

Khi đến trường, công việc đầu tiên không phải tập trung nghe các thầy cô định hướng nghề nghiệp mà ra chỗ đường đê nhổ cỏ ở vệ đường gần trường. Đợt đó là mùa đông nhưng trời khá nắng, mà lại còn hanh.

Cả khóa chúng tôi đợt đó cũng khá đông, chắc hơn 100 người gì đó, bao gồm cả bàn, bếp Âu, bếp Á, bếp Bánh, Buồng phòng và Bàn Bar. Sau đó, các thầy cô có tập trung chúng tôi lại để chia lớp. Khi được hỏi các em muốn học lớp nào thì chủ yếu các bạn xung phong vào các lớp nấu và bánh, còn riêng bàn bar thì chỉ có lác đác vài người xung phong, trong đó có tôi. Khi được hỏi tại sao các bạn không thích bàn bar thì mọi người đều trả lời là thấy không làm được lâu dài và gia đình không thích cho học vì nó phức tạp.

Nói thật thì đó là suy nghĩ chung của các gia đình khi định hướng con mình hoặc suy nghĩ của các bạn chưa hiểu rõ về nghề bàn bar, tôi cũng vậy, lý do tôi muốn học nghề này cũng không phải vì tôi thích mà là muốn làm giáo viên dạy nghề thôi. Tôi cũng phải công nhận 1 điều là cái suy nghĩ không tốt về nhân viên nhà hàng ám ảnh tôi khá lâu và còn chưa kể cái việc đi sớm về khuya nữa chứ. Thế rồi các thầy cô vẫn cứ chia lớp dựa trên ngoại hình và khả năng của các bạn cho phù hợp.

Cái khóa học đợt đó, tôi được xếp vào lớp khá già, chỉ kém có 1 anh người dân tộc và bằng tuổi 1 bạn ở Lâm Đồng. Một trong những người bạn đầu tiên ở trường, là người rất thân với tôi trong cả quá trình ở trường đấy là Nguyễn Thanh Thanh Vân – cái tên khá ấn tượng và cô bé này khá xinh nên cũng nổi tiếng ở trường sau này lắm. Tôi và cô bé ngay từ những ngày đầu tiên nói chuyện với nhau rất hợp nên có gì cũng kể cho nhau nghe, tâm sự và đi đâu, làm gì cũng có nhau. Hai đứa “dính nhau như sam” đến nỗi ai cũng hỏi là hai chị em ruột à và câu trả lời luôn là “Vâng”.

Sau buổi đầu, tôi và Vân quyết ở lại trường và xin ở kí túc xá. Trước khi vào học, tôi được một số người cảnh báo là ở trường buồn lắm, xung quanh chả có gì chơi, tối 8h đã đóng cửa không được đi đâu rồi. Thế nhưng ở đây tôi có là quãng thời gian vui thực sự.

Được cái, tôi và Vân khá may mắn khi gặp được thầy Nguyên – giờ là trưởng khoa du lịch trường Đại Học Đại Nam sắp xếp chỗ khu kí túc mới xây với giá có 50k/tháng. Hai đứa lên nhận phòng và người đầu tiên ở phòng bọn tôi gặp là H’djong – 1 chị khóa trước học lớp Âu người dân tộc đến từ Đắc Lắc. Ấn tượng của mình về chị ý là khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn trông như Ấn Độ, với đôi mắt to tròn hút hồn. Sau này còn được biết chị hát rất hay nữa. Phòng của chúng tôi có 14 người nhưng mọi người đều rất gọn gàng, sạch sẽ nên ở khá là thoải mái. Ngoài H’Jdong ra thì còn có 1 số người khác mà tôi nhớ tên như H’dang, Hiền và 1 số bạn khác xin lỗi là tôi cũng không thể nhớ tên nữa. Quá trình tôi ở kí túc xá vui lắm, mọi người ai cũng vui tính ý, nhất là Hiền, cô bé có bộ tóc dày và dài, tối nào cũng tầm 9h, cô bé xõa tóc ra giả vờ làm ma rồi dọa cả lũ trong phòng, mấy đứa sợ quá khóc thét, chạy quanh phòng ý. 

Cũng chỉ đến khi tôi ở ký túc xá mới thấy các bạn làm món ăn siêu thật. Còn nhớ ngày đó các thầy quản lý kí túc xá không cho sử dụng bếp, các bạn trong phòng hay mua cái lò xô để đun nước. Nhất là có quả mỳ tôm cho vào cái ca múc nước rồi sục bằng lò xô - vài phút là có 1 món mỳ ngon lành. Cái món tôi rất thích đó là món xoài xanh ăn cả vỏ chấm muối trộn đường, ngon kinh khủng. Rồi có những hôm cả phòng tổ chức tiệc sinh nhật, các bạn trổ tài nấu ăn, món miến Thái do Hiền Á làm ngon lắm cơ, vị chua, ngọt mặn rất cân bằng, có lẽ đó là món miến trộn mình thấy ngon nhất từ trước tới giờ. Lần đầu tiên mình được ăn sầu riêng cũng là ở đây. Hình như là em của H’dang mang sầu riêng từ Đắc Lắc ra chơi thì phải, hôm đó ăn thấy ngon dã man, sau đó cả phòng còn ngồi quây quần vào đàn hát, vui thật.

Rồi còn nhớ những câu chuyện của bạn dân tộc Thái nằm ngay bên cạnh giường mình nữa chứ. Nếu không quen bạn ý thì thấy khó gần lắm nhưng khi quen rồi thì bạn rất thoải mái, nhưng nhiều lúc cũng khá rùng mình vì những câu chuyện ma cà rồng ở dân tộc Thái, rồi những chuyện về bỏ bùa mà mình không hề nghĩ có thật nhưng khi nghe bạn ý kể mình thấy lo lo.

Thế rồi cái khóa trên lần lượt tốt nghiệp, 1 lớp sau lại đến và có 1 nhóm các cô bé đến từ Quảng Nam vào ở. Nhóm này sau cũng khá thân với mình, đó là em Ẩn – giờ đang sinh sống và làm việc ở Singapore, là em Tuyết – giờ đang sống ở Sài Gòn, còn bé Nguyên thì mình ít liên lạc. Chắc mình hiểu người Quảng Nam Đà Nẵng nói có lẽ chắc cũng vì mấy em ý. Nhiều khi thấy mấy đứa nói chuyện với nhau bằng tiếng Quảng, mình toàn bảo “Này, mấy đứa nói bằng tiếng gì cho dễ hiểu đi chứ nói vầy thì ai mà nghe được”, bé Ẩn còn bảo mình : “Bọn em thỉnh thoảng nói cho đỡ quên, chị có muốn học không, em dạy cho”, thế là mình cũng hỏi vài từ không hiểu thì cô bé cũng nói: “Tiếng Quảng hay nói “A” thành “Ô” nên “ngôi sao” thành “Ngôi Sô”. Ngoài mấy cô bé này còn có cô bé Hồng khá là xinh xắn nhưng tính tình cũng ngang lắm, không ưa ai là cũng nói thẳng luôn ý, cô bé làm bếp Á, còn bé Hương học nấu Âu nữa chứ.

Thời gian sống trong kí túc xá cũng có nhiều hoạt động diễn ra lắm, ví dụ như những dịp kỉ niệm trường, ngày 20-11, hoặc dịp sinh nhật Bác, tôi và Vân rất nhiệt tình trong việc tham gia văn nghệ nên đại khái là ở trường thời gian đó, ai cũng biết cặp Nga – Vân.

1 trong những hoạt động trong thời gian ở kí túc xá đó là tôi được trải nghiệm làm phát thanh viên ở đài phát thanh của trường do thầy Chiến phụ trách. Phải công nhận thầy Chiến đa tài thật, thầy hát hay, đàn giỏi, mà là đàn bầu mới oách chứ, có cả khiếu chụp ảnh nên cứ có cái gì liên quan đến nghệ thuật là thầy tham gia. Mà hồi đó thầy Chiến đi cùng thầy Trường bánh đúng thật là 1 con số 10 thú vị.

Từ ngày vào kí túc xá, tôi thấy mình trở thành 1 người hoàn toàn khác vì được tiếp xúc với nhiều người, nhiều hoàn cảnh khác nhau tôi mới nhận ra 1 điều là mình còn may mắn lắm. Tôi may mắn vì vẫn còn có mẹ lo, tôi vẫn có một gia đình luôn bên cạnh hỗ trợ, được tiếp xúc với các em, tôi thực sự thấy cảm thương cho những hoàn cảnh khó khăn. Tôi học với những em xuất thân từ tổ bán báo xa mẹ, các em phải bươn trải từ bé, phải tự đấu tranh với cuộc sống để kiếm được miếng cơm manh áo như Quỳnh hay Trà, giờ này các em đã trưởng thành, thành công lắm và có cuộc sống tốt hơn. Và còn rất nhiều các em đến từ các trung tâm bảo trợ xã hội, mỗi người có một hoàn cảnh nhưng các em vẫn kiên cường - lạc quan lắm. 

Ngoài các lớp cho các em có hoàn cảnh khó khăn thì trường còn có lớp may thêu cho các bạn khiếm thính, cuộc đời đúng là không bao giờ cho ai tất cả mọi thứ. Nếu nhìn bên ngoài, chúng ta có thể thấy các bạn cũng rất xinh đẹp, múa rất đẹp, tính tình vui vẻ nhưng thật ra các bạn chưa một lần được nghe tiếng chim hót, chưa một lần nghe thấy tiếng của người thân - bạn bè, các em nói chuyện bằng một ngôn ngữ đặc biệt và các em vẫn là người có ích trong xã hội.

Tôi đã được học nhiều điều bổ ích trong quãng thời gian ở trường về nghị lực sống, có lẽ vì vậy mà sau này các bạn nhìn thấy tôi luôn bình tĩnh, mỉm cười với bất kì điều gì xảy ra - dù nó có tệ đến đâu. 

Đúng như bài hát mà bao thế hệ học sinh Hoa Sữa đã hát và với tôi - đây là bài hát hay nhất mà mình từng nghe - “Hoa sữa trường thân yêu”…

(Còn tiếp)

Ms. Smile

Tags:
Series hay “Câu chuyện nghề của tôi” – Bạn có phải là người “kém may mắn nhất quả đất”? [Phần đầu tiên]
4.1 (951 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN