Có nên luân chuyển nhân viên trong hệ thống nhà hàng?

Với những hệ thống nhà hàng có nhiều chi nhánh khác nhau – “có nên luân chuyển nhân viên trong hệ thống?” là điều khiến nhiều Nhà quản lý quan tâm. Với bài viết được chia sẻ sau đây, Hoteljob.vn sẽ cùng bạn cân đo cái “được – mất” nếu luân chuyển nhân viên - để đi tìm câu trả lời cho vấn đề đặt ra…

Có nên luân chuyển nhân viên trong hệ thống nhà hàng

Hệ thống nhà hàng có nhiều chi nhánh – có nên luân chuyển nhân sự?

► Những “cái được” khi luân chuyển nhân viên trong hệ thống nhà hàng

Nếu lựa chọn giải pháp định kỳ luân chuyển nhân viên từ nhà hàng A sang nhà hàng B, từ B sang C, từ C sang D, từ D về A… làm việc, sẽ giúp:

- Nhân viên luôn luôn năng động, làm việc tích cực để thích nghi với môi trường làm việc mới, không mang tư tưởng chây ì – nhàm chán.

- Xây dựng được mối quan hệ, tính tương tác giữa các nhân viên toàn hệ thống nhà hàng.

- Tạo điều kiện để nhân viên được làm quen với các môi trường làm việc khác nhau, khi cần thiết có thể điều chuyển nhanh nhân viên từ chi nhánh này sang chi nhánh khác.

- Kích thích – duy trì năng lực sáng tạo của bộ máy nhân sự khi được đổi mới môi trường làm việc.

- Nếu luân chuyển môi trường làm việc là một bước thăng tiến của nhân viên sẽ tạo ra động lực để nhân viên làm việc hiệu quả hơn.

- Hạn chế những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình làm việc: nếu làm lâu 1 chỗ, cấp quản lý – giám sát nhiều khi sẽ gắn bó mật thiết, phát sinh quan hệ lợi ích với nhân viên - khách hàng, đối tác của nhà hàng; không ngoại trừ trường hợp đưa người thân tín vào làm việc để phục vụ cho ý đồ không “trong sáng”.

Có nên luân chuyển nhân viên trong hệ thống nhà hàng

Luân chuyển nhân sự giúp nhân viên luôn năng động, làm việc tích cực (Ảnh nguồn Internet)

► Những “cái mất” khi luân chuyển nhân viên trong hệ thống nhà hàng

Vấn đề nào cũng có 2 mặt và việc luân chuyển nhân viên trong hệ thống nhà hàng cũng vậy.

- Khi điều chuyển nhân sự sẽ tốn thời gian để nhân viên làm quen với môi trường làm việc mới, gặp phải những khó khăn – bỡ ngỡ ban đầu.

- Mất thời gian để đào tạo cho nhân viên những nghiệp vụ mới chưa quen.

- Dễ ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của nhân viên khi thiếu sự ăn ý trong công việc với những đồng nghiệp mới quen.

- Phá vỡ mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết giữa các nhân viên đã làm việc lâu năm – khiến nhiều nhân viên "mất vui".

- Thiếu những nhân viên có kinh nghiệm, am hiểu tường tận về sản phẩm – dịch vụ đặc trưng hoặc phong cách phục vụ riêng tại mỗi chi nhánh nhà hàng.

- Hạn chế trong việc phục vụ khách hàng trung thành vì nhân viên ghi nhớ thói quen, sở thích của khách đã được điều chuyển làm việc tại chi nhánh khác.

- Đặc biệt với các vị trí bộ phận bếp, nhiều khi khách hàng đã quen thuộc với cách chế biến và khẩu vị của đầu bếp cũ, nếu thay đổi không khiến khách hàng thích thú hơn thì nhà hàng dễ bị mất khách.

- Gây khó khăn cho nhân viên phải đi lại xa xôi nếu các chi nhánh ở xa nhau.

Có nên luân chuyển nhân viên trong hệ thống nhà hàng

Nếu luân chuyển nhân sự thường xuyên, sẽ không có những nhân viên thực sử am hiểu sản phẩm – dịch vụ đặc trưng của nhà hàng (Ảnh nguồn Internet)

► Có nên luân chuyển nhân viên trong hệ thống nhà hàng?

Từ những cân đo được – mất trên đây, chúng ta dễ dàng thấy được việc điều chuyển nhân sự trong hệ thống nhà hàng sẽ giúp nhân viên nào cũng thích ứng được với môi trường làm việc “đa năng” – khi có lý do khẩn cấp có thể điều động qua lại; tuy nhiên nếu việc luân chuyển nhân viên không hợp lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ của từng nhà hàng chi nhánh và của cả hệ thống.

Với vấn đề được Hoteljob.vn đặt ra: “Có nên luân chuyển nhân viên trong hệ thống nhà hàng?” – câu trả lời sẽ tùy thuộc vào “cách luân chuyển như thế nào” của Nhà quản lý. Để cân bằng và dung hòa được các ưu điểm - nhược điểm từ việc chuyển đổi nhân sự giữa các chi nhánh nhà hàng thuộc hệ thống, sẽ tốt hơn nếu Nhà quản lý cân nhắc chỉ điều chuyển những vị trí nhất định; tham khảo trước ý kiến, nguyện vọng của nhân viên đảm nhận công việc phục vụ; chuyển nhân sự sang chi nhánh khác làm việc là bước thăng tiến trong công việc – từ nhân viên nhà hàng này thành giám sát của nhà hàng kia; và đặc biệt lưu ý không nên điều chuyển các đầu bếp giỏi – “nhân viên quen” với khách hàng trung thành… nếu “cái mất” nhiều hơn “cái được”.


Với những chia sẻ của Hoteljob.vn trên đây, hy vọng sẽ là tham khảo hữu ích để các chủ sở hữu hay người quản lý hệ thống chuỗi nhà hàng cân nhắc thật kỹ lưỡng đối với từng quyết định luân chuyển nhân sự được đưa ra.

Ms. Smile

Tags:
Có nên luân chuyển nhân viên trong hệ thống nhà hàng?
4.5 (565 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN