MỤC LỤC
“Em đang học Quản trị Nhà hàng Khách sạn thì ra làm Housekeeping được không ạ?”, “Anh/ chị có thể tư vấn giúp em một số điều về nghề Buồng phòng với ạ!”… là 2 trong số rất nhiều câu hỏi được các bạn trẻ, hầu hết là sinh viên, thắc mắc vì lo sợ gặp khủng hoảng, vỡ mộng khi chân ướt chân ráo tìm hiểu nghề.
-- * -- * --
[Đây không phải lần đầu tiên Ms. Smile nói về nghề Housekeeping. Để giúp mọi người có cái nhìn trực quan và chân thật nhất về nghề, hôm nay sẽ là tâm sự thật lòng của một Housekeeper chân chính, nhắn gửi đôi điều đến lứa “đàn em” đang và sẽ có ý định vào nghề. Đáng nói hơn là, anh ấy cũng nhắn nhủ đến cả các nhà tuyển dụng, những người tạo công ăn việc làm, cầm tay chỉ việc, định hướng công việc cho nhân viên…]
Chỉ nghề Housekeeping cực khổ, thấp hèn?
Trên Group Nghề Khách Sạn - Housekeeping, những câu hỏi na ná như thế được đăng tải thường xuyên và nhận được vô vàn những bình luận, cả tích cực và trái chiều, có người thậm chí còn cảnh báo rủi ro hay khuyên thẳng từ bỏ, chỉ làm nghề khi không còn sự lựa chọn khác tốt hơn…
Bên cạnh những anh chị rất nhiệt tình và cho những lời khuyên có tâm, thì cũng có một số comment tiêu cực như: nghề này rất cực - em nên theo FO hay F&B vì những bộ phận kia có thể phát triển tiếng Anh, cơ hội thăng tiến nhanh hơn, thu nhập cũng cao hơn…
Như chạm vào lòng tự trọng và khác xa với những gì đang trải qua với nghề, ngay sau đó, một người dùng có tên D.A đã có bài viết bày tỏ quan điểm cá nhân của bản thân, cũng trên group kín dành riêng cho nhân sự nghề, nhận được nhiều tán đồng và tương tác.
“Nghề Housekeeping cực => Đúng
Nhưng bất kì ngành nghề nào cũng sẽ có vất vả riêng. Không nặng về tay chân, cũng sẽ nặng về đầu óc.
Với nghề khách sạn nói chung, thì:
+ FO gần như đứng suốt 8 tiếng. Vì thế mà các bạn làm FO hay bị đau lưng, phù chân, thô bắp chân, giãn tĩnh mạch… Chưa kể bộ phận này cũng thường xuyên trực tiếp nhận những lời phàn nàn từ khách, họ vui là tìm FO, bực tức, khó chịu, hách dịch cũng tìm FO. Nên, ai chịu được áp lực này mới theo được nghề.
+ F&B thì phải làm ca gãy, vô cùng bất tiện về giờ giấc. Nghề này cũng phải đứng nhiều và liên tục, lại còn phải bưng bê món ăn lên cho khách nên kèm theo rủi ro rơi vỡ, nặng thì chấn thương cột sống, đau khớp cổ tay, đau lưng, trầy xước tay chân…
+ HK được cho là nghề cực nhọc nhất trong khách sạn. Nhân viên bộ phận này phải bê vác nặng, cúi/ khom/ với người nhiều nên dễ bị chấn thương các khớp, xương, nguy cơ trượt té do sàn trơn, ướt, lại hay bị miệt thị là công việc thấp hèn…
Đọc qua thì thấy làm HK cực nhỉ. Nhưng nếu những bạn nói làm FO, F&B là nhẹ nhàng hơn HK mà đang làm trong 2 nghề này thì có lẽ bạn chưa nhận thức đúng về công việc mình còn làm.
Còn những bạn đang làm Housekeeping mà nhận xét về chính nghề nghiệp của mình như vậy thì không nên.
Nói về nghề Housekeeping thế nào mới phải?
Không ít Housekeeper tự nói nghề cực, nhân viên ở các bộ phận khác và cả khách hàng cũng không mấy tôn trọng mình. Nhưng… có khi nào bạn nghĩ qua cảm giác đó đến từ chính bản thân mình? - khi bạn cũng có phần xấu hổ về công việc mình đang làm hay cách cư xử bổ bã trong giao tiếp của bạn với mọi người xung quanh?
- Vào căn-tin thì nói chuyện lớn tiếng
- Làm phòng thì vô tư trò chuyện từ hành lang đến ban công phòng này qua phòng khác
- Khách hỏi thì quay ngoắc đi bảo không phải phần việc của mình
- Miệng lúc nào cũng buông lời chửi thề, văng tục
- Ngồi ở đâu là gác chân lên ghế ở đó
- Soi mói chuyện của đồng nghiệp, mang đời tư của người khác đi tám…
Những hành vi này vô tình làm hình ảnh người Housekeeper xấu đi trong mắt người khác.
Vậy nói về nghề Housekeeping thế nào mới phải?
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nghề mỗi cảnh.
Sự tôn trọng không tự sinh ra mà phải đạt được. Muốn người khác tôn trọng bạn, trước tiên hãy tự tôn trọng chính mình. Thêm nữa, cần tự ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, thậm chí giá trị của mình với sự vận hành và phát triển chung của bộ phận nói riêng, toàn khách sạn nói chung.
Các bạn hãy tỏ ra chuyên nghiệp trong dịch vụ; cư xử nhã nhặn, lịch sự với không chỉ khách hàng mà còn với đồng nghiệp, nhân viên các bộ phận khác; diện mạo gọn gàng, tươm tất. Ngoài ra, cần trau dồi thêm kiến thức để có thể tư vấn cho khách khi cần thiết hoặc có những cuộc trò chuyện làm khách hàng cảm thấy thoải mái, cảm nhận được sự thân thiện.
Hãy luôn tự nhắc mình rằng: Chúng ta không phải chỉ là những cleaner, mà còn là Heart of the house.
Vài lời nhắn gửi các bạn trẻ chọn nghề
Với các bạn trẻ chuẩn bị vào nghề hay mới vào nghề. Con đường là do bạn chọn. Vì thế, đừng để bản thân bị lung lay bởi những nhận định một chiều. Thay vì lo sợ, sao không thử dấn thân? Chắc chắn, nhiều người trong số đó sẽ thay đổi cách nhìn, lối suy nghĩ thiển cận và thêm yêu nghề, mong muốn gắn bó với nghề. Thực tế thì, có thành công hay không là dựa vào chính bản thân mình.
Với những ai đã là “lão làng” trong nghề này, đừng dập tắt động lực của các bạn trẻ sắp vào nghề và muốn gắn bó với Housekeeping. Thay vì hà khắc và bề trên, sao không giúp đỡ, khuyến khích “đàn em” có cái nhìn khả quan hơn về nghề; nhiệt tình chỉ bảo, rèn ra đội ngũ nhân viên ưu tú vừa giúp khách sạn phát triển, vừa san sẻ phần việc với mình nhanh chóng và hiệu quả hơn.
… và cả nhà tuyển dụng nữa
Hậu dịch bệnh, ngành du lịch - khách sạn và dịch vụ nói chung chưa hắn phục hưng trở lại. Rất nhiều lao động lâm cảnh thất nghiệp. Không ít cơ sở kinh doanh đã phải ngưng hoạt động, đóng cửa, thậm chí thôi không theo nghề nữa. Đó từng là cuộc khủng hoảng chung và vẫn đang âm thầm tiếp diễn.
Thế nhưng, trong khi nhiều ứng viên mong muốn tìm việc làm mới thì tồn tại một số doanh nghiệp đăng tin tuyển nhưng nhằm mục đích PR, nhận CV xong để đó, phỏng vấn xong để đó. Đừng gieo hy vọng rồi làm mất thời gian, công sức của người khác. Không nên!
Cũng nói thêm rằng, với các bạn ứng viên có cơ hội đi phỏng vấn thì nên tôn trọng nhà tuyển dụng và thực sự nghiêm túc (đã hẹn phỏng vấn thì nên có mặt đúng ngày, đúng giờ với tác phong đúng mực). Nếu bạn không cần thì nên để cơ hội ấy cho những người thực sự muốn.”
-- * -- * --
Xin mượn comment của tài khoản có tên H.M.T trên group để tổng hợp và kết bài:
“Mình đã từng làm qua cả 3 lĩnh vực, từ khách sạn 3 sao đến 5 sao. Nếu HK mệt về thể chất thì FO áp lực về tinh thần, FB thì có khi cả 2 nhưng tip lại cao, thêm nữa hay đứng giữa đòi hỏi của khách và bếp, quản lý nên stress muốn trầm cảm. Quan trọng là mình phù hợp với bộ phận nào, văn hóa làm việc của team nào. Không có nghề nào hơn nghề nào hết. Cũng không có bộ phận nào hơn bộ phận nào đâu. Tất cả đều nên và phải hỗ trợ cho nhau. Một khách sạn mà các team hòa hợp, không tị nạnh nhau thì chắc GM mừng lắm.”
_Thy (Biên tập)
(Tham khảo trên Group Nghề Khách Sạn - Housekeeping)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên