Cô đồng nghiệp đã vô tư hỏi ngược lại như thế sau khi thấy chú kia là nhân viên buồng mới vào làm tại khách sạn. Nghe vậy tôi chợt nghĩ đến ba, ông cũng đi dọn phòng nhiều năm nay và lo cho tôi ăn học đầy đủ, chưa than thở với tôi 1 lời nào về những khó nhọc trong công việc, những khinh khi của người đời. Phải chăng nghề buồng phòng bạc?
“Gà trống nuôi con” với công việc dọn phòng
Một member của Group Nghề Khách sạn - Housekeeping/ Buồng phòng đã đăng một bài tâm sự lên nhóm kể về hành trình “gà trống nuôi con” của ba mình và nhận về nhiều lượt like, comment, chia sẻ, động viên từ cộng đồng. Nội dung bài chia sẻ xoay quanh chuyện ba cô gái ở vậy nuôi cô thế nào sau ngày vợ mất, ông trải qua những công việc tay chân gì, rồi chọn làm buồng phòng ra sao… Và điều khiến cô suy ngẫm chính là ánh nhìn hà khắc cùng sự khinh miệt của người đời, cả dân trong nghề khi đánh giá công việc dọn phòng thấp kém, rằng “đàn ông ai đi dọn phòng bao giờ” hay “già rồi sao không ở nhà con cháu nuôi mà đi làm chi cho mệt?”…
Sau đây là trích nguyên bài tâm sự của chủ tus để cùng suy ngẫm:
Một câu chuyện đáng suy ngẫm
"Xưng hô mày tao cho dễ nha. Năm tao lớp 8, mẹ tao bị ung thư vú mất. Lúc đó, đứa con gái như tao chỉ mới dậy thì thôi. Mẹ mất, mọi thứ tao phải tự học. Xin tiền ba mua bvs cũng ngại nên chỉ dám nói dối là mua bút mua vở thôi. Sau đó thì để dành tiền ăn sáng mà mua. Ba tao gà trống nuôi con từ đó cho đến bây giờ (tao đi làm 2 năm rồi). Ờ, tao ở Đà Nẵng. Hồi đó, ba tao đi bán biển. Bán xoài, đậu phộng luộc, trứng cút luộc các thứ cho khách du lịch. Mà mùa đông khách mùa vắng khách cũng bấp bênh. Tao thì học càng ngày càng tốn tiền. Rồi năm tao học 12, ba tao được hàng xóm giới thiệu đi làm buồng phòng. Dọn phòng trong khách sạn đó tụi mày. Hồi mới làm, ba tao tan làm là về nhà dọn dẹp nhà, rồi tao đi học nhóm về trễ là ba tao cơm nước luôn. Năm tao học năm 2, tao bắt đầu đi làm thêm. Tao làm lễ tân. À, tao học trung cấp du lịch, nên là làm về khách sạn. Lúc giao ca hay tao trực chung ca với nhân viên chính thức ấy tụi mày, tao nghe mấy anh chị nói mấy cô dọn phòng không ra gì hết. Kiểu như "già rồi ở nhà con cháu nuôi chứ đi làm gì cho mệt", hay "má, dọn có cái phòng cũng lâu, khách chửi lên chửi xuống". Lúc đó, tao chỉ nghĩ về ba tao thôi. Ba tao đi làm có bị lũ nhân viên nói xấu hay làm khó hay không? Tao thấy mấy cô dọn phòng hay than thở, tao cũng không dám hỏi ba tao là đi làm có mệt lắm hay không nữa. Ba nói mệt thì ta xót, mà ba nói không mệt tao xót hơn. tao đi làm nên tao cũng biết là dọn phòng nó mệt má ơi luôn á. Chưa kể, hàng xóm nhà tao "trầm trồ" kiểu "ủa đàn ông ai đi dọn phòng bao giờ". Lúc tao cũng làm khách sạn thì lại bảo "được cả cha lẫn con". Hình như cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng với hai ba con tao thì phải. Tụi bây đi làm, đồng nghiệp lớn tuổi hơn thì cũng nhẹ nhàng với họ 1 tí nha. Cứ nghĩ họ như ba như mẹ mình mà đối xử. Mấy đứa sống lỗi vậy tạo nghiệp lắm á."
From: Member của Group Nghề Khách Sạn - Housekeeping/ Buồng phòng
Phải chăng nghề buồng phòng bạc?
Admin Nghề Khách Sạn - HK/Buồng phòng đã ngẫm nghĩ rất nhiều bởi một comment có thắc mắc như thế ngay phía dưới bài đăng. Nghĩ cũng buồn. Housekeeping vốn là bộ phận mang về 70% doanh thu cho khách sạn nhưng trước nay vẫn chưa thật sự được đánh giá cao ở mức độ cống hiến. Nhân viên buồng phòng, nhất là vị trí dọn phòng hay được mặc định là ít học, thiếu linh hoạt và yếu giao tiếp. Họ chọn công việc dọn dẹp vệ sinh bởi không thể tìm được nghề khác tốt hơn. Họ chấp nhận đi chà toilet, dọn giường bẩn, gom rác hôi của người khác để nhận về những đồng tiền lẻ chua chát mà dân ngành gọi cho sang mồm là “tip này, tip nọ”… Rồi, tìm việc buồng phòng dễ nhất khách sạn, chả cần bằng cấp, không cần kiến thức, chẳng cần xinh đẹp, lại không cần trẻ tuổi, người trung niên cũng có thể xin một chân dọn phòng rồi chậm chạp hoàn thành công việc, cuối tháng nhận đủ lương mà không quá áp lực từ khách như lễ tân hay các vị trí khác ở bộ phận tiền sảnh.
Nhưng có thật là như thế?
Xin thưa: Không!
Một lần nữa khẳng định, công việc Housekeeping vô cùng quan trọng và đáng được tôn trọng, trân trọng như tất thảy những ngành nghề chân chính khác trong xã hội. Họ bán sức lao động để nhận về khoản tiền lương chính đáng theo thỏa thuận. Họ miệt mài làm việc, bình tĩnh xử lý vấn đề vệ sinh, nhẹ nhàng tiếp nhận phản hồi về chất lượng phòng khách nghỉ rồi nhanh chóng thay đổi theo yêu cầu. Có chăng, vì đặc thù công việc nên họ không cần quá chỉn chu ở hình thức hay xinh đẹp, sáng sủa ở ngoại hình, chỉ cần nhìn sạch sẽ, gọn gàng, lịch sự, chuyên nghiệp chuẩn tác phong của nghề là vừa đủ.
Còn về chuyện giới tính hay tuổi tác những nhân viên buồng phòng lại là câu chuyện không cần phải giải thích. Ai bảo đàn ông mà dọn phòng thì nhìn kì, già rồi mà còn phải làm "công việc bẩn bẩn" đó trông khó coi, lại tội quá… Hay con cháu chắc không thương cha mẹ, ăn chơi đua đòi nên ông bà già phải nai lưng ra làm đại kiếm tiền dù tuổi đã cao…??? Có quá nhiều định kiến và ánh nhìn hà khắc về nhân sự bộ phận buồng. Sao phải tiêu cực vậy chứ?
Họ là ai, nam hay nữ, còn trẻ hay đã trung niên chọn làm buồng phòng thì đã sao? Nếu hoàn thành tốt công việc được giao, không thường xuyên phạm lỗi hay phạm lỗi nghiêm trọng, cần mẫn và cầu toàn, vui vẻ và thân thiện, trách nhiệm và chuyên nghiệp… thì tầng lớp, giới tính, độ tuổi có quá quan trọng không?
Nhân “Tuần lễ Housekeeping quốc tế”, xin được tôn vinh những con người thầm lặng ngày ngày xây cao uy tín và thương hiệu khách sạn bằng hiệu suất công việc đạt chuẩn. Xin được cảm ơn những nỗ lực làm việc mỗi ngày của từng anh, chị, em, cô, chú vì chất lượng dịch vụ phòng, vệ sinh nói chung luôn đúng yêu cầu. Có khi, bữa trưa không kịp ăn, giờ nghỉ chưa kịp đi toilet hay làm liên tục mà lưng đau, tay chân mỏi… nhưng khi được khách khen, đồng nghiệp hiểu và hỗ trợ, ai cũng nở nụ cười vui vẻ. Với họ, không gì bằng thái độ tôn trọng và trân trọng, ghi nhận và biểu dương những giá trị mà họ mang đến trong công việc.
Chúc cho những ai đang làm nghề buồng phòng mãi vững lòng, bền chí mà theo đuổi sự nghiệp đến cùng. Rồi một ngày, quả ngọt sẽ hiện ra trên con đường làm việc và thăng tiến.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên