Thời bình làm du lịch, khi bão lũ về hóa “anh hùng” giúp hàng nghìn người trong cơn nguy cấp

​--- o0 0o ---

Tiếp nhận hơn 1.000 cuộc gọi cầu cứu cũng đã nỗ lực đưa gần 1.500 bà con ra khỏi vùng ngập sâu hay vận chuyển tiếp tế đến vài tấn lương thực thực phẩm vào trong vùng ngập lụt - nhóm của các bạn trẻ Trần Đại Cương, Trần Đại Hiệp vốn là những người họ hàng, anh em thanh niên ngày thường làm du lịch nay thiên tai ập đến lập tức khoác lên mình tấm áo phao, đầu trần, chân đất ngụp lặn tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn.

Chàng Sinh viên trẻ tuổi khởi nghiệp với du lịch cộng đồng

Đó là Trần Đại Cương, sinh năm 2000, vừa tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, hiện đang điều hành cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè.

Vốn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, hồ Ghềnh Chè được Cương đặt mục tiêu “làm điều gì đó để biến nơi đây trở thành địa điểm du lịch, giúp bà con làm giàu từ du lịch”.

Nói là làm, sau khi xóm Tiền Tiến được Quỹ toàn cầu Saemaul Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ghềnh Chè hồi năm 2019, Cương cùng gia đình và nhóm người khác đã thành lập Hợp tác xã Du lịch Cộng đồng Ghềnh Chè và vận động thêm người thân, bạn bè tham gia. Tiếp sau đó, Hợp tác xã nhận được trợ giúp kỹ thuật của IPSC - Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển doanh nghiệp, bộ Kế hoạch Đầu tư là chủ dự án.

Đến nay, cơ sở của anh hoạt động kinh doanh khá ổn định khi đón tiếp và phục vụ khoảng 2.000 - 3.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi tháng. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức món ăn ngon đậm chất địa phương (nổi tiếng nhất là món gà nướng chuẩn OCOP 3 sao) - đi thuyền dạo quanh lòng hồ hay tham quan đồi chè, hái và làm chè hữu cơ… 

Điều đặc biệt là gần như cả gia đình anh đều cùng nhau làm du lịch, từ ông - bà cho đến ba - mẹ, người thân, họ hàng… Mỗi người một việc, ai cũng biết việc và làm được việc, còn anh chỉ điều phối chung, giám sát và hướng dẫn tổng thể nghiệp vụ.

câu chuyện cứu người trong bão lũ của trần đại cương - emagazine hoteljob
Chân dung Trần Đại Cương và nhóm cứu hộ cứu nạn

Bỏ việc nhà, lo việc dân khi cần

Đêm ngày 8/9, hoàn lưu sau siêu bão Yagi khiến nhiều khu vực trong tỉnh Thái Nguyên - nơi hiếm khi xảy ra lũ lụt, bị ngập sâu trong nước. Nhiều người dân vì bất ngờ nên trở tay không kịp. Mưa sau bão, cộng với nước thượng nguồn đổ về càng khiến cho nước trên sông Cầu dâng nhanh. 

Nghe tin tỉnh nhà đang hứng chịu cơn lũ lịch sử, Trần Đại Cương khi đó đang tham gia đợt tập huấn về du lịch cộng đồng trên Hà Nội tức tốc quay về, khởi động ngay và luôn nhóm cứu hộ lên đường hỗ trợ bà con. 

Là một nhóm thanh niên gồm các anh, em làm du lịch (nhóm hoạt động khai thác thủy sản, lái tàu tham quan du lịch…) - vốn lớn lên đã thạo bơi ghe, chèo xuồng lại được tỉnh nhà cử đi tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, được cấp cả chứng chỉ, bằng chứng nhận sau khóa học… nên có thể gọi là tổ chức cứu hộ chuyên nghiệp, được vận hành bởi những người chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cứu hộ thực tế hẳn hoi.

Hoạt động liên tục 5 ngày đêm không ngơi nghỉ, riêng nhóm Cương với chỉ khoảng 10 người thay phiên nhau, 3-4 người 1 nhóm, tổ chức 50-70 chuyến mỗi đêm, có đêm gần 100 chuyến - đã nỗ lực “giải cứu” hơn 1.000 người dân mắc kẹt trong vùng ngập lụt ra nơi an toàn, đồng thời vận chuyển tiếp tế đến vài tấn lương thực thực phẩm vào trong vùng lũ cho bà con.

“Có những vùng toàn nhà cao tầng, có ai mà nghĩ nhà mình sẽ lụt. Thế mà vẫn lụt rồi bị mắc kẹt trong đó không tự ra được. Rồi nước ngập sâu che cả hàng rào kẽm gai, hay ly chai thủy tinh bể vỡ trên đường đi… Những thứ này ít nhiều gây cản trở cho việc di chuyển và cứu hộ của đội. Trong nhóm đã có 2 bạn bị thương, vài phương tiện cứu hộ bị hư hại… Bản thân cũng bị sốt do 2 ngày liền ngâm mình trong nước lũ. Thế nhưng chừng đó khó khăn không làm chùn bước anh em hoàn thành sứ mệnh giải cứu bà con đang trong cơn nguy cấp” - Cương bộc bạch.

Hỏi về lý do tại sao lại bỏ việc nhà để đi lo việc dân trong khi bản thân hoàn toàn có thể không tham gia - anh nói với giọng đầy tự hào:

“Mình đi vì bản thân tự ý thức phải đi. Bởi mình yêu quê hương và bà con nơi mình sống. Mình tự thấy trách nhiệm của bản thân nên giúp đỡ họ, hỗ trợ họ những lúc nguy khốn như thế này. Chẳng cần đong đếm lợi hại hay tính toán thiệt hơn, mình và các anh em khác cứ một lòng đi cứu người là đi thôi…”

Được biết, trước đó, cơ sở anh Cương đã thôi không nhận khách vì lo sợ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Mặc dù bão đã làm hư hại một vài công trình phục vụ du lịch của anh nhưng vì đang bận cứu hộ nên cho đến hiện tại mọi thứ vẫn đang ngổn ngang, chưa được xử lý, sửa chữa.

câu chuyện cứu người trong bão lũ của trần đại cương - emagazine hoteljob

“Có ai muốn ra ngoài không” và những cuộc giải cứu nhớ mãi

Hô hào thật to, gào thét thật lớn: “Có ai muốn ra ngoài không?” và im lặng đợi phản hồi là cách mà nhóm Cương đẩy xuồng ra và đi - rồi hữu duyên gặp và hỗ trợ thuốc thang, đồ ăn thức uống hay đưa người gặp nạn đến nơi an toàn.

Hỏi cuộc giải cứu nào với Cương là ấn tượng nhất, anh kể:

“Đó là những chuyến xuồng cứu được nhiều thai phụ và trẻ nhỏ. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến lần cứu một phụ nữ đang mang thai tháng thứ 8. Nơi chị ở ngập sâu trong nước, không một phương tiện cứu hộ nào có thể tiếp cận được. Nhận lấy thông tin, mình xác định luôn chỉ có duy nhất 1 cách là trèo qua bờ rào, buộc dây nối xuồng vào bụng rồi lội bộ vào bên trong để hỗ trợ đưa người ra ngoài.

Hay lần cứu cụ già hơn 70 tuổi, cụt 1 tay, sống neo đơn tại phường Lương Sơn, thành phố Sông Công. Cụ bà đã bị cô lập 2,3 ngày rồi, lúc tiếp cận, cụ đang đứng trên ụ đất duy nhất còn sót lại, bốn phía ngập sâu như giữa đảo.”

câu chuyện cứu người trong bão lũ của trần đại cương - emagazine hoteljob
Dân ở đâu cần, chúng tôi đến...

Dân còn cần thì còn lên đường đi cứu hộ

Nhận cuộc gọi hỏi thăm câu chuyện cứu người trong bão lũ từ Hoteljob.vn lúc giữa đêm, anh Cương nhiệt tình đề nghị được trả lời phỏng vấn ngay bởi mai anh lại lên đường đi làm thiện nguyện. 

Tiếp chuyện với Ms. Smile là chàng trai trẻ hoạt ngôn, tự tin và đầy khí chất. Bạn ấy kể hành trình làm du lịch lẫn cứu hộ cứu nạn của bản thân với giọng đầy tự hào. 

Khi được hỏi có thấy mệt không vì phải hoạt động hết công suất trong nhiều ngày qua, Cương thành thật bảo “mệt, rất mệt nhưng anh, em ai nấy đều nỗ lực hết mình với hy vọng hỗ trợ được nhiều nhất có thể bà con đang gặp nguy và cần được giúp đỡ. Nghĩ thế là có động lực đi tiếp ngay!”

Anh chia sẻ thêm: “Các phường Quang Vinh, Túc Duyên, huyện Phú Bình - thành phố Thái Nguyên; phường Lương Sơn, thành phố Sông Công; phường Tân Phú, thành phố Phổ Yên của tỉnh Thái Nguyên - hay huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang… là những nơi nhóm đã đi và hỗ trợ. Những ngày tới, nhóm sẽ tiếp tục tìm kiếm các ngóc ngách sâu bên trong, nơi mà lực lượng chức năng hay nhiều nhóm thiện nguyện khác chưa thể tiếp cận, để tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn giúp bà con.”

Cương cho biết thêm, mấy ngày qua, rất nhiều người sau khi được nhóm anh cứu hộ cứu nạn đến nơi an toàn đã đăng bài cảm ơn trên nhiều phương tiện truyền thông. Các báo đài cũng liên hệ đưa tin để truyền cảm hứng sống vì cộng đồng đến thế hệ trẻ. Chưa kể, một số mạnh thường quân liên hệ ngỏ ý ủng hộ nhóm kinh phí sửa chữa phương tiện hay nhu yếu phẩm phục vụ cứu hộ nhưng Cương và anh, em trong nhóm xin từ chối - “Bởi bà con mới là người thật sự cần các mạnh thường quân ngay lúc này”.

câu chuyện cứu người trong bão lũ của trần đại cương - emagazine hoteljob

Cùng với nhóm của Cương, nhiều cá nhân, tổ chức khác cũng đang hết mình giúp đỡ bà con các khu vực chịu ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt và việc làm…

Xin được tri ân nghĩa cử cao đẹp của các bạn!

--- o0 0o ---

- Viết bài và thiết kế: Hồng Thy -

(Ảnh: nhân vật cung cấp)

Hoteljob
14.09.2024

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC

BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC