Chuyển sang một môi trường làm việc mới – khi háo hức ban đầu vơi đi – là những ngày tháng vùi mình vào công việc; thế nhưng bằng sự cố gắng và nỗ lực học hỏi không ngừng, tác giả series chuyện nghề này đã vượt qua nhiều khó khăn của nghề, để ngày càng trưởng thành hơn và từng bước thăng tiến trong sự nghiệp…
Bài viết là phần tiếp theo của:
► Phần 8: Tôi đã trưởng thành từ Intercontinental Hà Nội Westlake (ICWL) như thế nào?
Ngày đầu tiên đi làm ở khách sạn ICWL (7/9/2007), tôi không hề có ý nghĩ sẽ gắn bó với khách sạn này thật lâu – nhưng thực tế tôi đã làm việc ở đây tận 9 năm 8 tháng 23 ngày. Bình thường tôi vẫn luôn nghĩ mình khó có thể gắn bó với một nơi nào quá lâu - nhưng thật ra là từ trước đến giờ tôi chưa được làm ở một nơi mà mình muốn cống hiến thật sự.
Ngày đó, hầu hết nhân viên tập trung ở phòng Pre-Opening (Giờ là kho của Banquet). Tôi cảm thấy hứng khởi lắm vì được làm 1 công việc mới, lại được đào tạo bài bản từ đầu, thế nên sau này tôi vẫn thích làm pre-opening mặc dù biết là vất vả.
Chúng tôi có 1 tuần học định hướng thương hiệu, đó cũng là lần đầu tiên tôi được gặp những người trainer (đào tạo viên) thực thụ. Anh Edgar – một trưởng phòng nhân sự thực sự có tâm, có tài và luôn nghĩ đến nhân viên, cách anh truyền tải thông điệp cũng như nội dung của mỗi bài học hay lắm, anh cũng hay xen kẽ vào bài giảng là những bài hát, các nhạc cụ mà anh chơi. Có 1 câu nói của anh mà sau này khi đào tạo lại nhân viên, tôi luôn chia sẻ lại: “Các bạn hãy luôn tâm niệm 1 điều khi làm dịch vụ, các bạn sẽ trở thành diễn viên, khách sạn sẽ là sân khấu của các bạn, và khi sân khấu lên đèn thì các bạn sẽ phải hóa thân thành những nhân vật được giao”. Đó cũng là lý do tại sao khi vào làm ở khách sạn, tôi thấy gương ở khắp mọi nơi.
Nhân viên khách sạn cần biết “nhập vai” để hoàn thành tốt vai diễn của mình (Ảnh nguồn Internet)
Một trainer nữa mà tôi luôn coi là thần tượng, là chị Bùi Thanh Hương – Trưởng phòng đào tạo thời bấy giờ. Tôi vẫn nhớ như in giọng nói nhẹ nhàng, du dương và nụ cười cực kỳ đẹp của chị. Cách dạy của chị cũng hay lắm, thế nên tôi luôn muốn tham gia các lớp đào tạo của khách sạn sau này.
Sau khi tham gia khóa học định hướng, chúng tôi được đưa về đúng bộ phận của mình. Tôi được tập trung đào tạo tại bộ phận ẩm thực do anh Coshimo là Giám đốc ẩm thực và anh Philip Owing là Trợ lý phụ trách. Chúng tôi học cách bê 3 đĩa thức ăn đi vòng quanh khách sạn, học về bar và cocktail… Sau những buổi đào tạo là quãng thời gian khá vui vẻ với cả đội, mọi người cùng ăn uống – ca hát rất vui.
Kết thúc thời gian đào tạo, tôi được sắp xếp làm ở nhà hàng Café Du lac (nhà hàng All day Dining – phục vụ cả ngày). Quản lý của tôi hồi đó là anh Laurent Casterest – cũng chính là người dạy cho tôi về rượu hồi còn ở Hoa Sữa. Trợ lý quản lý nhà hàng là anh Đông - một người có rất nhiều kinh nghiệm trong nghề. Tôi được thực hành những kỹ năng phục vụ trong nhà hàng, cứ như kiểu chơi đồ hàng, hàng ngày cứ dọn ra rồi dọn vào, rồi đóng kịch như đang phục vụ khách hàng thật.
Được cái từ ngày vào Hoa Sữa, tính tình tôi cũng thay đổi hẳn, tôi mạnh dạn hơn, cái gì không hiểu là hỏi, cái gì thắc mắc cũng nói như kiểu sai thì thôi, thà biết sai ở đâu còn hơn đợi sai mới sửa, thế nên tôi cũng được các sếp đánh giá khá tốt, sau 2 tháng làm, tôi được bầu chọn là nhân viên xuất sắc của quý.
Biết hỏi sẽ giúp nhân viên khách sạn giỏi nghề hơn (Ảnh nguồn Internet)
Chúng tôi có 3 tháng đào tạo và chuẩn bị để đón khách, mặc dù đã sẵn sàng trong công việc thế nhưng đến khi phục vụ chính thức - vì cách phục vụ ở đây hơi khác: hình thức là buffet sáng nhưng món chính vẫn phải order, thế nên chỉ khoảng 50 khách – nhân viên chúng tôi đã “chạy hết hơi”. Về sau khi khách đông hơn, nhà hàng chuyển sang phục vụ buffet hoàn toàn.
Sau khi mọi thứ đã vào quỹ đạo và lượng khách cứ tăng dần đều thì nhiều nhân viên bắt đầu thấy mệt mỏi vì làm thêm giờ quá nhiều. Có ngày sáng phục vụ 450 khách ăn, trưa 150 khách, tối 100 khách mà lượng nhân viên thì cũng chỉ khoảng 13 người cho ca sáng, 6 - 7 người cho ca tối. Có nhiều hôm tôi làm từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối xong - hôm sau lại tiếp tục làm sáng; rồi những hôm làm chiều đến 12h đêm, sáng hôm sau lại làm từ 5h30 sáng; hay có những hôm mò dậy đi làm từ 2h30 vì có đoàn ăn sáng lúc 3h30; hay 1 mình làm ở đằng sau khu vực chuẩn bị - lau khoảng nghìn cái đĩa buffet, 3 - 4 công dao dĩa và hàng trăm cái ly; cả những hôm không có người làm, tôi bị ốm sốt cũng cố gắng gượng dậy đi làm – đến khi không thể đứng vững mới xin phép lên locker nghỉ. Dù có những thời điểm mệt mỏi như vậy nhưng tôi vẫn luôn cố gắng.
Ảnh thời gian làm việc ở Intercontinental Hà Nội Westlake của tác giả
Vì cảm thấy mình còn kém về khoản giao tiếp, ngại bán hàng hay gọi cho khách và các kỹ năng đào tạo nên ngoài những thời gian đi làm, tôi cũng tham gia các khóa đào tạo chéo với những bộ phận khác như Sales & Maketing… Tôi đã tận dụng những khoảng thời gian có thể để học và tham gia các hoạt động của khách sạn. Sau 1 năm làm việc, tôi được thăng chức lên vị trí Giám sát nhà hàng, đúng như tôi mong muốn. Tuy nhiên khi lên được rồi tôi mới thấy đây là vị trí rất khó khăn, thậm chí còn khó hơn cả Quản lý nhà hàng - vì đây là vị trí cần cân bằng giữa nhân viên và sếp, phải hết sức khéo léo để làm thế nào cho nhân viên nể mà sếp cũng hài lòng.
Thời gian đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn vì so với đội ngũ nhân viên hồi đó, tôi còn khá trẻ - nên khi lên vị trí giám sát, nhiều người cũng tỏ y không phục, không làm theo những gì tôi hướng dẫn, thậm chí còn có người nói sau lưng tôi rằng “Không biết cái Nga nịnh anh Laurent thế nào mà cho nó lên làm giám sát”.
Biết thế và tôi tìm cách thu phục họ - với những gì tôi nói, họ không làm thì tôi làm, tôi muốn họ biết rằng: chung quy lại tôi chỉ muốn mọi người đạt kết quả tốt mà thôi. Và dần dần, mọi người cũng bị tôi thuyết phục và mọi chuyện dần trở nên dễ dàng hơn.
Thời gian làm giám sát, được giao nhiệm vụ phụ trách mảng đào tạo của bộ phận nên tôi luôn cố gắng giúp đỡ các bạn mới vào, chia sẻ các kinh nghiệm làm việc. Phần đào tạo tôi thích nhất là dạy pha chế cà phê. Bởi hồi 2008 , tôi có tham gia cuộc thi pha chế cà phê Việt Nam “Vietnam Barista Championship” và được anh Nat – một chuyên gia của công ty cà phê Lavaza đào tạo. Anh là người đam mê cà phê, anh luôn coi cái máy pha cà phê như là “vợ”. Nếu ai nói cái máy này bị hỏng thì anh luôn nói máy không hỏng, chỉ là do xay cà phê chưa chuẩn hoặc lượng cà phê không đúng mà thôi. Tôi được anh dạy từ phần rửa máy như thế nào, điều chỉnh độ mịn của cà phê ra sao, rồi đánh sữa đến bao nhiêu độ... Có 1 điều anh Nat dạy mà tôi nhớ mãi: “Em muốn pha cà phê ngon thì trước tiên em phải làm được Espresso chuẩn, sữa đạt độ mịn và nhiệt độ chuẩn chứ đừng bao giờ nghĩ đến việc đổ lá hay tim trên ly cà phê trước tiên. Cứ làm chuẩn đi thì tự khắc em sẽ đổ hình được. Một cái nữa đó là luôn phải giữ vòi đánh sữa sạch vì ngoài việc giữ được vệ sinh anh toàn thực phẩm, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến sữa của em”. Chính vì thế sau này khi dạy nhân viên mới, tôi cũng chủ định tạo thói quen đó cho các bạn.
Trước khi nghĩ đến việc trang trí đẹp, hãy cố gắng tạo ra hương vị cà phê thật chuẩn
Sau 2 năm làm giám sát, tôi có nhiều trải nghiệm vui - buồn với nhân viên nhưng mọi thứ đều đã qua. Tôi cũng học được kinh nghiệm xếp lịch, làm báo cáo… từ các anh chị quản lý – chắc cùng nhờ việc siêng học hỏi này mà tôi được đưa lên đảm nhận vị trí trợ lý quản lý còn trống.
Khi làm vị trí trợ lý tôi lại tiếp tục cố gắng bồi dưỡng kỹ năng quản lý của mình, làm báo cáo, xếp lịch, dự đoán số lượng khách hàng… Sau 1 năm làm ở vị trí trợ lý quản lý – chị Diệp Room Division Director có hỏi tôi là: “Nga ơi, em có thích làm vị trí Club Manager - trưởng bộ phận phục vụ khách VIP không?”, Tôi trả lời : “Chị ơi, em cũng thích lắm nhưng chỉ sợ không làm được thôi”.
Sau đó - tôi thấy anh Adam Mcdonal – GM khách sạn quan sát mình khá nhiều. Chắc nhận thấy được tiềm năng ở tôi nên tôi được anh yêu cầu nộp CV ứng tuyển vào vị trí Club Manager – một vị trí ở bộ phận tiền sảnh, trong khi tôi lại chuyên làm bên nhà hàng. Khi lên phỏng vấn, anh Adam hiểu được vấn đề của tôi và nói : “Mày không phải ngại đâu, nếu thấy cần bổ sung kỹ năng gì thì tao sẽ sắp xếp người dạy cho, cái gì cũng có thể học được, cái chính là mày có muốn hay không thôi, tao thấy khả năng của mày làm được nên cứ làm đi”. Tôi quyết định nhận vị trí đó và đây thực sự là 1 bước tiến lớn trong sự nghiệp của tôi...
(Còn tiếp)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên