Tình yêu khiến người làm ngành khách sạn thành "siêu nhân"

Vào dịp lễ tết, cuối tuần, việc chúng tôi thức dậy lúc 6h, ăn trưa lúc 15h, tan ca đi về lúc 18h không phải chuyện gì đáng ngạc nhiên.

Bài viết của độc giả có bút danh Phạm Xuân Tuyến, làm việc 5 năm trong ngành khách sạn, hiện là Giám sát tiền sảnh ở một khu nghỉ dưỡng tại biển Cửa Đại (Hội An, tỉnh Quảng Nam).

"Hotelier" là từ dùng để chỉ những người làm việc trong ngành khách sạn nói chung.

Đây là ngành khó nhằn, nhưng không đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn đến mức bạn phải tu nghiệp lên thạc sĩ hay tiến sĩ như những ngành khác. Chúng tôi không cần học lên MBA, hay PhD để có thể làm GM/FOM/FBM... cho một khách sạn thuộc hàng 5 sao tầm cỡ thế giới. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn cần được đào tạo bài bản, cho dù làm ở bộ phận nào.

Tất cả những gì chúng tôi cần để đạt đến hàng thượng thặng ở lĩnh vực này là nhiệt huyết, đam mê, sự kiên nhẫn vô biên, cách cân bằng tâm trạng của chính mình với hàng trăm con người khác nhau mà chúng tôi phải gặp mỗi ngày, cách tự làm chủ bản thân và cơn giận dữ mém tí thôi là ra ngoài ranh giới, một sức bền bỉ vô đối, và các kinh nghiệm vô giá được tích lũy từ năm này qua tháng nọ, từ nơi này sang nơi khác. 

tình yêu khiến người làm ngành khách sạn trở thành "siêu nhân"

"Hotelier" là từ dùng để chỉ những người làm việc trong ngành khách sạn. Ảnh: Dianliwenmi.

Chúng tôi không được trả lương cao. Lương lễ tân tại các khách sạn lớn tại Việt Nam chỉ dao động 220-250 USD. Lương của một quản lý tại TP HCM, Đà Nẵng hoặc Hà Nội chỉ dao động 350-400 USD. Các bạn đừng ngạc nhiên, đó là sự thật.

Chúng tôi phải làm việc cả ngày lễ (tất nhiên rồi, không thì lấy ai phục vụ khách vào những ngày các bạn được nghỉ lễ), vào cuối tuần, làm quá giờ. Với các cấp quản lý, việc ăn, ngủ tại khách sạn trong mùa cao điểm, hoặc giai đoạn trước khai trương là chuyện hết sức bình thường.

Chúng tôi phải làm việc theo ca, vì chẳng khách sạn nào hoạt động theo giờ hành chính (nên người độc thân trong ngành này nhiều vô kể). Đó là chưa kể đến chuyện chúng tôi phải thuyên chuyển đến những nơi heo hút và khắc nghiệt.

Vào thời gian lễ, tết, cuối tuần, việc chúng tôi thức dậy lúc 6h, ăn trưa lúc 15h, tan ca đi về lúc 18h cũng không phải chuyện gì đáng ngạc nhiên. 

Nếu các bạn thấy Front Office hay FOM đẹp trai của chúng tôi phải xắn tay áo lên giúp đỡ bộ phận dọn phòng, hay các bạn Food & Beverage phải bưng bê dù biển, ghế biển và khăn tắm tránh mưa cùng với các bạn Recreation, hay cả Giám đốc cũng xắn tay lên bưng bê đồ đạc, hay cả Chủ tịch thỉnh thoảng cũng đi nhặt rác thì đừng vội cười.

Tại thời điểm đó, tất cả những gì chúng tôi có thể nghĩ là liệu khách có an toàn không, có bị ướt không, trẻ em đi cùng bố mẹ có đang khóc thét lên không, thực khách ăn có ngon không, toilet trong phòng khách bị nghẽn đã được sửa chưa...

Chúng tôi chỉ có thể trở thành siêu nhân như thế khi dành tình yêu bất tận cho nghề này. Và chẳng có gì có thể lý giải được thứ tình yêu ấy.

Tôi tự hào được là một "hotelier".

(Tác giả: Phạm Xuân Tuyến,

đăng bài trên Zing news)

Tags:
Tình yêu khiến người làm ngành khách sạn thành "siêu nhân"
4.3 (633 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN