MỤC LỤC
Bỏ qua những nỗi vất vả khi làm phòng thì công việc room attendant mang lại ti tỉ những niềm vui be bé cho những ai yêu nghề.
Tuy là công việc phổ thông cấp thấp bị coi rẻ,
Không chỉ xã hội, chính dân trong nghề cũng thừa nhận rằng: “Housekeeping nói chung, Room Attendant nói riêng là công việc phổ thông cấp thấp, thiên nhiều về lao động chân tay, đổ mồ hôi nặng nhọc đúng nghĩa”. Nhiều người coi thường và miệt thị người làm phòng. Tuy nhiên, ít ai biết được, là vị trí này cũng cần lắm những kỹ năng chuyên biệt. Là khối óc linh hoạt để sắp xếp công việc khoa học - là bàn tay khéo léo biến mọi thứ từ hỗn tạp trở nên gọn gàng, đẹp mắt. Ngoài ra còn có sự kiên nhẫn với những khách vô lý, kiếm chuyện - tính sạch sẽ để vệ sinh sạch bóng bồn cầu, nhà tắm, sàn nhà, cửa kính… - tính trung thực để thôi không tham lam tài sản riêng của khách - sức khỏe tốt để bê, khiêng giường, ghế, tủ, xe đẩy mỗi ca làm việc… Thế nên, đừng nghĩ “dọn phòng thôi ai chả làm được” nhưng thử rồi mới ngỡ ngàng, sự thật công việc không đơn thuần chỉ như dọn nhà, không phải dọn 1 phòng, trong 1 nhà mà là dọn 20 phòng, trong 1 căn biệt thự, khách sạn 5 sao hay resort cao cấp.
… nhưng lại có ti tỉ những niềm vui be bé mỗi ngày
Như một cách để chia sẻ và giải tỏa stress, bài viết hôm nay, Ms. Smile sẽ thôi không thay dân buồng phòng “than thân trách phận” nữa mà chỉ nói về những điều nho nhỏ vui vui, bình dị xảy đến trong công việc…
→Lượm Tip nhiều hơn cả Lương
Hầu hết các tin tuyển buồng phòng đều không yêu cầu bằng cấp, đôi khi kinh nghiệm cũng không nên dễ hiểu khi mức lương cho vị trí này không cao, dao động trong khoảng từ 4-8 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, niềm vui và cũng là động lực ngầm để các room attendant ở lại làm việc chính là những khoản Tip cùng mảnh giấy notes hay thiệp với lời cảm ơn chân thành, dễ thương từ khách. Không quan trọng bao nhiêu. 10, 20, 100, 500 nghìn hay 1$, 2$... đều vui và hạnh phúc. Với họ, như vậy là được tôn trọng và công nhận. Thế là đủ.
Đấy là chưa kể những tình huống dở khóc dở cười kiểu:
- “Có lần khách bảo muốn tip nhưng lại không có tiền lẻ. Mình bảo ông đưa tôi thối cho. Ai ngờ khách chìa ra tờ 50 đô nói mình thối lại 45 đô. Mình thối luôn.”
- “Hồi trước mình đi làm có cặp khách Úc ở khá lâu nên khá thân. Khi về Úc, mình cũng ra sân bay tiễn. Trước khi vô phòng an ninh có cho mình phong bì, nói là: tiền Việt ta không thể đem về Úc được, mi dùng nha Hana (tên mình). Mình cảm ơn, xong khuất khách là mình mở ra coi. Má ơi, gần 7 triệu tiền Việt. Cuộc đời mình chưa bao giờ tưởng tượng ra được luôn. Từ đó đến nay, mình chờ đợi một phép màu khác xảy ra, nhưng chưa thấy có lại.”
- Hay nhọ hơn là: “Đi kiểm phòng, kiểm tra thấy 400K tiền lẻ và dòng viết cho người may mắn tiếp theo.”
→Sở hữu bộ sưu tập quà tặng siêu đặc biệt từ khách
Sẽ là bộ sưu tập siêu độc - lạ nếu gom bằng hết những thứ đồ nhỏ to mà thượng đế để lại. Nhiều nhất vẫn là “ba con sâu”. Có Housekeeper vui tính đùa rằng, làm phòng 1 năm chắc gom đủ sắc màu lẫn mẫu mã cho collect BCS (chưa sử dụng), thú vui khác bên cạnh đam mê sưu tầm tiền các nước. Người khác lại bảo gom lại mở “Cửa hàng tiện lợi” bán lại chắc được khối tiền, cũng khỏi phải đêm khuya lạnh lẽo chạy đi mua giúp khách hay thậm chí, có sẵn trong người phòng khi dùng đến nữa… Thực sự, BCS nhiều hơn tiền tip là có thật. Số khác thì còn được tặng “bánh” (BVS) nữa. Để làm gì? Ngoài công dụng thực thì khi nào đi làm quên mang tất là lấy ra sài, vô cùng tiện.
→Đồ ăn cứu đói và hơn thế nữa
Nào snack, kẹo bánh, pizza, mì tôm hộp, trà sữa, cà phê, nước ngọt… ti tỉ những đồ ăn vặt đến đồ ăn no mà hễ khách đang vui, khách nhìn thương hay order thừa sẽ tặng lại nhân viên khách sạn khi trông thấy hoặc lịch sự để lại phòng hay gặp đưa trực tiếp kèm lời nhắn siêu yêu. Chưa kể, có khách còn tặng cả son, mask, kem dưỡng hàng nội địa chuẩn auth nếu hào phóng.
→Thêm nhiều bạn mới
Bạn là đồng nghiệp, bạn là khách… hễ thấy hợp và dễ thương sẽ vẫn giữ liên lạc dù không mấy khi gặp nhau. Điều này đôi khi có lợi, khi bạn được nghỉ phép năm và đi du lịch, hãy gọi rủ người bạn là thổ địa ở nơi đó (nếu đủ thân thiết) đưa bạn thăm thú bằng hết những điều đặc trưng nhất nơi ấy mà không phải trang báo hay HDV nào cũng biết chi tiết và cặn kẽ như my friend.
→Cải thiện ngoại ngữ
Đừng nghĩ Housekeeping hay Room Attendant là không cần giỏi ngoại ngữ, không giao tiếp với khách. Đúng là công việc này ít tiếp xúc với khách, thường làm phòng khi khách chưa đến hoặc đã đi ra ngoài. Tuy nhiên, nếu lỡ gặp khách thì sao - khách hỏi đường đi chỗ A, chỗ B thì sao - khách muốn nhờ giúp đỡ thì sao… Chẳng lẽ cứ nói: “No. I can’t speak English” / “No. I don’t know” / “No. I understand”… Vậy là dịch vụ kém đấy! Dù làm công việc gì, ở vị trí nào nhưng đã ở trong ngành dịch vụ, nhất là mảng khách sạn - du lịch thì nên giao tiếp được cơ bản. Nó không chỉ giúp bạn tự tin hơn, không trốn khách mà còn là tiêu chí "cộng" để đánh giá năng lực, xét khen thưởng, thăng cấp nếu phù hợp.
→Rèn tính kiên nhẫn và thân thiện
Bạn có công nhận rằng không nghề nào rèn cho mình được tính kiên nhẫn và thân thiện như nghề Hospitality. Một Hotelier chuyên nghiệp phải kiềm lại cảm xúc cá nhân khi phục vụ khách, dù đang buồn rầu hay tức giận trước đó - không cãi tay đôi với khách - không cực đoan cho rằng mình đúng và có hành xử thiếu tôn trọng khách - luôn tươi cười chuẩn dân ngành, lịch sự, hòa nhã và hết lòng hỗ trợ khách…
-*-*-*-*-
Làm ở đâu, vị trí nào, công việc ra sao cũng cần được tôn trọng. Đừng nặng lòng vì những định kiến thiếu hiểu biết của người khác - Hãy cứ yêu và hết lòng với nghề - Đổi lại, bạn sẽ nhận được những niềm vui nho nhỏ nhưng đặc biệt mỗi ngày, làm động lực “sống tiếp” với lựa chọn ngành của bản thân!
Ms. Smile
(Ảnh group Nghề Khách sạn - Housekeeping/ Buồng phòng)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên