“Em tỉ mỉ chăm chút cho món ăn mình nấu lâu quá đến lúc khách đông sao mà “quẩy” kịp?”, tôi đã bị Sếp phàn nàn như thế khi cứ mãi chăm chút cho một đĩa đồ ăn trong bếp. Phải chăng, tính tỉ mỉ khi làm bếp là không phù hợp? Làm bếp giỏi cần tốc độ nhiều hơn?...
Tỉ mỉ ảnh hưởng lên năng suất công việc
Đúng là làm bếp hay hầu hết các công việc đòi hỏi sự chỉn chu đều yêu cầu tính tỉ mỉ cao. Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng, tính nắn nót chỉnh sửa và dọn dẹp từng tí một những việc không cần thiết sẽ khiến năng suất làm việc bị kéo dài, chậm hoàn thành công việc.
Một đầu bếp nhà hàng 5 sao cũng từng có giai đoạn bị nguyên cả bếp cô lập, không tương tác nhiều hay giao đến những việc cần tốc độ chỉ vì ngứa mắt bởi cái tính tỉ mỉ thái quá của anh. Dĩ nhiên, anh đầu bếp này cũng luôn bị đánh giá thấp hơn nhiều những nhân viên bếp khác chân tay nhanh nhẹn.
Thực tế, hãy nghĩ đến cảnh nhà hàng tiếp đón 3 đoàn khách với order trên dưới 50 món khác biệt. Lúc này, một chef sẽ nhận chế biến 2-3 đĩa/món. Khi đó, nếu chỉ mãi chăm chút cho 1 đĩa đồ ăn chỉ vì bản thân chưa vừa ý mà trì hoãn sửa soạn những món chưa xong thì khả năng lên món chậm, thiếu món là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc cả đội tất bật làm việc cho kịp tiến độ còn bạn lại chậm rãi, thậm chí có chút cố chấp nắn nót mãi 1 món sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ làm việc của cả team lẫn năng suất công việc của cá nhân chef đó.
Làm bếp giỏi cần tỉ mỉ hay tốc độ?
Nhiều tin tuyển đầu bếp có yêu cầu tính tỉ mỉ khi làm việc của ứng viên, cũng cần người nhanh nhẹn, có trách nhiệm và chịu được áp lực cao trong công việc. Nghĩa là, một đầu bếp giỏi cần rèn luyện để sở hữu được cả 2 điều trên, tuyệt đối không nên thiên về chỉ 1 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến năng suất công việc. Tức nhất định không được hi sinh tốc độ cho chất lượng, và ngược lại, không được hi sinh chất lượng cho tốc độ. Một đầu bếp chuyên nghiệp sẽ không bao giờ lấy lý do chậm vì kỹ tính, hay cẩu thả vì nhiều việc quá. Bất kỳ một lời biện minh nào cũng chỉ cho thấy rằng bạn vẫn đang còn yếu trong bếp, ít nhất là so với nơi bạn đang làm việc và nỗ lực cống hiến để phát triển.
Vậy làm thế nào để cân bằng được 2 yếu tố tỉ mỉ và tốc độ khi làm việc?
Rèn luyện và nghiêm túc rèn luyện là giải pháp duy nhất. Tuy nhiên, lệch qua chất lượng, tức tỉ mỉ quá thường dễ sửa hơn hơn lệch tốc độ. Bởi từ chậm thành nhanh sẽ luôn dễ hơn là từ ẩu thành cẩn thận.
Thế nên, sau đây là tip giúp một chef từ tỉ mỉ kéo dài trở nên nhanh hơn trong công việc:
+ Quan sát cách chef khác làm việc, đặc biệt chú ý vào những điểm khiến họ nhanh hơn mình để học tập và áp dụng rèn luyện mỗi ngày. Nhiều khi chỉ vài hành động nhỏ đã giúp thao tác nhanh hơn, hiệu suất cao hơn để không cần phải chỉnh sửa nhiều và lâu hơn khi ra thành phẩm. Cứ cái gì thấy ổn là ghi nhớ và bắt chước ngay, còn cái gì chắc chắn có vấn đề thì không học.
+ Làm nhiều để rút ra kinh nghiệm, khi đó, tự bản thân sẽ nhận ra cái gì cần thiết và cái gì không. Có những việc luôn làm lâu nay nhưng bỗng một ngày nhận ra nó chẳng mang lại ích lợi gì; cũng có những mẹo vốn đã dùng đó giờ nhưng nay đột nhiên nãy ra ý tưởng mới nhanh hơn, hiệu quả hơn; hoặc chỉ đơn giản trúng hôm Sếp ngứa mắt quá chửi cho đã rồi lại bày cách xử lý nhanh hơn, ổn hơn… Việc gì cũng vậy, cứ làm rồi sẽ khôn dần lên.
+ Luôn chịu trách nhiệm và có ý thức với bất cứ việc gì mình làm. Một trong những lý do mà nhân viên có thể làm chậm và thích làm chậm chính là họ không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với những thứ họ làm. Bởi nếu họ có chậm làm cho không đủ năng suất thì sẽ có người khác bù vào. Nhưng một khi đã là người có trách nhiệm và chịu trách nhiệm chính cho công việc đó, bạn sẽ hiểu ra tỉ mỉ quá thành chậm sẽ cho hậu quả thế nào, từ đó mà quyết tâm khắc phục để tốt hơn thôi.
Ai cũng cần tự đánh giá đúng bản thân đang ở đâu, sở hữu khuyết điểm, điểm yếu gì để rèn luyện và khắc phục mỗi ngày. Miễn là xác định tư tưởng phải cố gắng cải thiện từng giờ, từng ngày chứ không thể chấp nhận điểm yếu này là cái giá cho một điểm mạnh khác thì tư duy và hành động thực tế chắc chắn sẽ khác.
Tỉ mỉ là tốt nhưng vẫn phải cố gắng để nhanh hơn. Bếp nào cũng cần tốc độ cả. Bạn không trốn được đâu. Vậy nên, nhớ tìm ra nguyên do của cái sự chậm chạp trong công việc và tìm cách hay để nhanh lên, dĩ nhiên, vẫn phải đảm bảo sự chỉn chu khi ra món nhé!
Ms. Smile
(Tham khảo và biên tập lại từ Bếp đơn)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên