MỤC LỤC
Cùng với nguyên liệu chính, gia vị chính là “chất xúc tác” tạo nên hương vị chuẩn cho món ăn của đầu bếp. Nắm rõ những kiến thức hữu ích về các loại gia vị thảo mộc nấu ăn thường dùng trong món Âu được Hoteljob.vn chia sẻ dưới đây sẽ vô cùng cần thiết cho công việc đứng bếp.
Mùi vị đặc trưng - cách sử dụng thế nào - bảo quản ra sao… là những kiến thức mà các đầu bếp Âu cần hiểu rõ khi sử dụng gia vị nấu ăn là các loại thảo mộc.
Các loại gia vị thảo mộc trong món Âu phổ biến nhất
♦ Basil - Húng tây
+ Mùi vị: Húng tây thuộc nhánh bạc hà, vị cay hăng rồi ngọt hậu, hương thơm giống hoa hồi nhưng the hơn. Hiện trên thế giới có hơn 60 loại húng tây khác nhau về hương vị, có loại cay nhẹ cho đến loại ngọt đặc trưng.
+ Cách dùng: Là bộ đôi hoàn hảo trong các món ăn kết hợp với cà chua như salad, pizza, súp…
+ Bảo quản: Cắm húng tây vào nước và bảo quản trong tủ lạnh, nhớ phủ túi nilon lên trên để tránh hơi lạnh làm lá mất nước.
♦ Parsley - Ngò tây
+ Mùi vị: Có 2 loại là flat parsley (ngò tây lá thẳng) và curly parsley (ngò tây lá xoăn), vị thơm nhẹ như cỏ dại, giòn ngọt, dễ ăn, có tác dụng đánh thức vị giác rất tốt.
+ Cách dùng: Thường dùng cho các món sốt, súp, hầm. Parsley cắt nhỏ dùng rắc lên bề mặt món ăn sau khi hoàn thành vừa giúp tăng hương vị, vừa dùng trang trí.
+ Bảo quản: Tương tự như húng tây.
♦ Mint - Bạc hà
+ Mùi vị: Toàn thân cây bạc hà có mùi thơm lâu, hương vị cay nồng đốt đầu lưỡi, mang đến cảm giác sảng khoái, dễ chịu.
+ Cách dùng: Dùng trang trí các món tráng miệng, nguyên liệu pha chế và trang trí đồ uống.
+ Bảo quản: Tương tự như húng tây.
♦ Bay leaf - Nguyệt quế
(Nguyệt quế có nguồn gốc từ các nước Tiểu Á, mang biểu tượng của quyền lực và sự nổi tiếng, thường được kết thành vòng đeo cổ cho các vị vua, anh hùng thời cổ đại hay các vận động viên, người xuất chúng)
+ Mùi vị: Thường ở dạng lá khô, vị ngọt ấm.
+ Cách dùng: Chỉ dùng cho các món ăn có thời gian đun nấu lâu, giúp tạo mùi thơm cho các món sốt, súp, hầm.
+ Bảo quản: Cất trong túi kín sạch và để ở nơi khô ráo, thoáng, tránh ánh sáng tự nhiên.
♦ Rosemary - Hương thảo
+ Mùi vị: Cùng thuộc họ cây bạc hà, có vị đăng đắng, mùi thơm đặc biệt (như mùi lá thông trộn với vỏ chanh vàng), lan tỏa mạnh và quyện sâu.
+ Cách dùng: Chủ yếu dùng để tẩm ướp các loại thịt heo, thịt gà, thịt thỏ, đặc biệt là thịt cừu vì giúp khử mùi hôi; trong các món rô-ti, nướng, hầm; hay các món rau, món đi với cá, cà chua…
+ Bảo quản: Cất trong hộp kín có lót giấy ăn phủ quanh và bảo quản trong tủ lạnh.
♦ Thyme - Cỏ xạ hương
+ Mùi vị: Thuộc họ bạc hà với lá nhỏ, vị cay lạnh, mùi thơm nồng nàn pha chút ngọt dịu, được trồng nhiều ở SaPa và Đà Lạt, Việt Nam.
+ Cách dùng: Phổ biến trong ẩm thực Ý, Địa Trung Hải và Provencal của Pháp, thích hợp với những món cần thời gian nấu lâu như nướng hay hầm để cho ra mùi thơm, có thể đi kèm với thịt cừu, thịt bò, thịt gà hay cà rốt, khoai tây, hành tây, cà chua…
+ Bảo quản: Tương tự như hương thảo.
♦ Sage - Xô thơm
+ Mùi vị: Đa dạng hương vị tùy theo loại, đặc trưng bởi vị cay nhẹ, the pha chút đăng đắng (loại khô sẽ đắng hơn), mùi hương ấm áp và ngọt ngào.
+ Cách dùng: Thích hợp nấu cùng với thịt gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng; thịt heo; xúc xích; các loại rau; các loại đậu; cà tím; cà chua.
+ Bảo quản: Tương tự như hương thảo.
♦ Saffron - Nhụy hoa nghệ tây
Là 1 trong 21 loại nguyên liệu nấu ăn đắt nhất hành tinh, saffron còn được các đầu bếp ưu ái gọi là “vàng đỏ” trong nấu ăn.
+ Mùi vị: Vị nhẹ, hơi ngòn ngọt ẩn chút đăng đắng, mùi giống pha trộn giữa mật ong ngọt ngào với chút khe ké của thuốc lá.
+ Cách dùng: Thích hợp trong nấu các món hải sản, giúp tạo mùi thơm đặc trưng, đồng thời “nhuộm màu” vàng ruộm vô cùng đẹp mắt. Lưu ý không dùng thìa gỗ trong nấu ăn có saffron vì như thế thìa gỗ sẽ hút hết hương vị của gia vị đắt đỏ này.
+ Bảo quản: Cất trong túi/ hộp kín và để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng và tuyệt đối không để tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ làm saffron bay hơi, mất tác dụng.
♦ Oregano - Kinh giới
+ Mùi vị: vị trầm rõ rệt, hơi cay, mùi thơm của chất gỗ đặc trưng, dễ nhận biết.
+ Cách dùng: Dùng nhiều trong pizza và các loại bánh mặn hay đi kèm với các món ăn cùng sốt cà chua.
+ Bảo quản: Tương tự như hương thảo.
Mua gia vị thảo mộc món Âu ở đâu?
Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm các nhà cung cấp uy tín và phù hợp với nhu cầu của mình qua các thông tin tham khảo trên Internet. Hoteljob.vn đã có bài tổng hợp 10+ địa điểm mua gia vị - nguyên liệu món Âu cho nhà hàng trước đó. Ngoài ra, có thể mua tại các siêu thị lớn, cửa hàng chuyên mặt hàng gia vị nấu ăn, tạp hóa, chợ hay mua online qua website/ facebook và chọn hình thức ship tận nơi vô cùng tiện lợi.
Bảo quản đúng cách để tiết kiệm và an toàn
Để gia vị thảo mộc món Âu sử dụng được lâu nhất có thể, tranh tình trạng hư, hỏng, mốc, biến chất... vừa lãng phí lại có nguy cơ cao ảnh hưởng đến chất lượng món ăn cũng như sức khỏe của thực khách, khâu bảo quản cần được chú trọng và làm đúng cách.
Cách bảo quản chi tiết cho từng loại đã được ghi chú chi tiết tương ứng.
Nguyên liệu chính không chưa đủ, món ăn cần có gia vị để thành phẩm hoàn thiện về vị và hương. Trong đó, gia vị thảo mộc giữ vai trò quan trọng, vừa giúp món ăn thêm ngon hơn, mang nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, lại có thể dùng trang trí để thành phẩm trông bắt mắt hơn.
Hy vọng những kiến thức về 9 loại gia vị thảo mộc nấu ăn trong món Âu trên đây sẽ hữu ích!
Ms. Smile
(Tham khảo theo Anhchefvn)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên