[Câu chuyện cảm hứng - 02] Không ngại khó, ngại việc, chủ động nắm bắt cơ hội để…

Mỗi người thành công đều có công thức của riêng mình. Nhưng chung quy lại vẫn không thể thiếu sự cộng hưởng của yếu tố nỗ lực. Xuất thân là một sinh viên ngoại ngữ - “chân ướt chân ráo” đảm nhận vai trò lễ tân và hơn 20 năm theo nghề - chị Nguyễn Bích Nhung giờ đã thành Quản lý cấp cao, được săn đón cho nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt như: Giám đốc điều hành, Phó Tổng Quản lý… bằng tinh thần “không ngại” và “chủ động”.

Không ngại khó, ngại việc, chủ động nắm bắt cơ hội để

Thành công không phải là điểm đến, nó là một cuộc hành trình…

Nghề - Người: Ai chọn ai?

Thời còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học, định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường của cô nàng sinh viên Nguyễn Bích Nhung là đi làm phiên dịch hoặc dạy học trong các trung tâm ngoại ngữ.

Ở giai đoạn 1991 – 1995, ngành du lịch nói chung và ngành khách sạn nuớc ta vẫn chưa phát triển và có rất ít khách sạn quốc tế. Nhưng thời điểm chị Nhung vừa tốt nghiệp cũng là lúc khách sạn liên doanh quốc tế đầu tiên - Heritage Halong 4 sao tại Hạ Long chuẩn bị tuyển dụng khai trương. Dù không hiểu biết nhiều về ngành này nhưng chị vẫn muốn nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí lễ tân để thử vận may của mình.

Lần đầu tiên trong đời đi phỏng vấn xin việc, lần đầu tiên trải nghiệm trả lời phỏng vấn bằng tiếng anh – ban tuyển dụng gồm 4 nguời ngồi thay nhau hỏi, lúc đó chị rất hồi hộp và lo lắng nhưng tự nhiên thấy có chút tự hào vì nghĩ rằng nếu tuyển dụng cẩn thận như thế này chắc chắn vị trí này cũng quan trọng trong khách sạn.”

Nghề chọn - thế là chị vào làm ở vị trí lễ tân khách sạn. Lúc mới vào nghề, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tiếp xúc với nhiều khách nuớc ngoài từ khắp nơi trên thế giới, cộng với chút hãnh diện vì làm ở vị trí mà nhiều người mơ ước nên chị rất nhiệt huyết và yêu nghề. Nhưng song song đó là không ít khó khăn.

Định kiến của xã hội về nghề khách sạn lúc ấy vẫn còn khá nặng nề: “Nhiều lúc bố mẹ chị khi được hỏi con gái làm nghề gì, ở đâu… bố mẹ không dám nói thật mà chỉ nói chung chung là con làm du lịch. Rất may là thời gian đó, bên phía ban quản lý khách sạn cũng hiểu điều đó và đã tổ chức một buổi tiệc cho tất cả nhân viên khách sạn. Trong buổi tiệc tất cả nhân viên được phép mời bố mẹ hoặc hai người thân nhất trong gia đình đến dự, ban giám đốc tổ chức cho mọi người đi tham quan khách sạn, bao gồm cả toàn bộ khu vực nhà ăn, phòng của nhân viên và giới thiệu sơ qua công việc, trách nhiệm nội quy của từng bộ phận. Sau ngày hôm đó tất cả mọi người rất hãnh diện và tự tin khoe con cái mình làm trong khách sạn này”.

Ban đầu, với tính chất công việc theo ca, làm việc cả vào những ngày lễ Tết và đôi khi phải đối mặt với những vị khách khó tính, cũng khiến chị Nhung chưa muốn gắn bó lâu dài với nghề. Thế nhưng, dần dà khi thích nghi được với những hiển nhiên đó - tình yêu nghề lớn hơn trong chị lúc nào chẳng hay. Với việc làm ca kíp, làm đêm, đi làm vào ngày lễ tết thì bản thân chị tự sắp xếp lại lịch sinh hoạt của bản thân cho phù hợp. Còn đối với khách khó tính thì chị dùng châm ngôn “biết lắng nghe và thấu hiểu”, để ý học hỏi kinh nghiệm giải quyết vấn đề của các sếp và vận dụng cho bản thân mình nếu lần sau gặp phải.

Sau vài năm làm việc, với vốn kinh nghiệm tích lũy được, chị thăng tiến lên: Trưởng bộ phận lễ tân, Quản lý đặt phòng – dần dần thì trở thành: Giám đốc bộ phận lễ tân, Giám đốc Quan hệ khách hàng, Giám đốc điều hành… và hiện chị Nguyễn Bích Nhung đang là Phó Tổng Quản lý FLC Grand Hotel Halong – một vị trí bao người mơ ước.

Không ngại khó, ngại việc, chủ động nắm bắt cơ hội để

Chị Nguyễn Bích Nhung và các nhân viên thời còn làm Room Divison Manager tại khách sạn Hilton Opera Hanoi


Khách hàng cũng là bạn

Nói về nghề của mình, chị Nhung luôn chia sẻ với niềm yêu thích và sự tự hào. Tính chất công việc khiến chị được tiếp xúc với rất nhiều khách hàng mỗi ngày và nhiều tình huống xảy ra, có cả chuyện vui - buồn, dở khóc - dở cười… Và nghề khách sạn cũng cho chị một người bạn cách nửa vòng Trái Đất.

“Buổi sáng hôm đó khi đọc báo cáo hàng ngày, có trường hợp 1 vị khách nước ngoài quay lại đã không hài lòng vì không được ở lại phòng lần trước – đó là phòng mà bác ấy thích (bác đã nói với nhân viên lúc check-out lần trước). Sau khi kiểm tra với nhân viên, được biết bạn ấy đã nói rõ với khách trong thời gian cao điểm bạn ấy không dám chắc có giữ được phòng đó cho bác không, tuy nhiên sẽ cố gắng hết sức.

Phản hồi từ phía nhân viên thì khách là người rất khó gần, ít nói và nói rất to, khi tiếp xúc với khách, nhân viên có cảm giác e dè vì mặt bác nhìn lúc nào cũng khó chịu.

Sáng hôm đó chị loanh quanh ở sảnh để cố tình gặp bác khách đó, khi bắt chuyện với khách thực chất bác ấy không đến nỗi khó gần, sau khi nói rất nhiều chuyện về các chuyến đi của bác, về văn hóa Việt Nam, chị mới nhẹ nhàng chuyển đề tài sang xin lỗi vì không sắp xếp được phòng mà bác thích, bác hơi nhíu mày khi mình nhắc về vấn đề đó - bác nói là không vấn đề gì, phòng đang ở cũng ổn và lúc check-in bác cũng hơi nóng tính.

Trong thời gian 3 đêm ở tại khách sạn, chị gặp và nói chuyện với bác một vài lần nữa, sau mỗi lần nói chuyện, bác cởi mở và vui vẻ hơn với nhân viên, các bạn nhân viên cũng không sợ và ngại bác nữa. Ngày bác check-out là ngày nghỉ của mình, bác có gửi quà lại cho chị là một hộp socola và một bức thư, trong thư bác viết rất hài lòng về dịch vụ của khách sạn và cảm thấy ấm áp khi ở khách, bác hứa năm nào cũng sẽ quay lại khách sạn.

Từ sau lần đó chị và bác ấy đã trở thành bạn của nhau cho đến tận bây giờ, vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Bất cứ đi đâu bác đều gửi mail cập nhật thông tin cho mình, và theo đúng lời hứa năm nào bác cũng quay lại ở khách sạn 1 đến 2 lần.”  Chính nghề khách sạn đã cho chị cơ duyên được quen biết với những “vị khách cũng là bạn” như thế.


Một nhà quản lý tận tâm

Với cương vị là một quản lý cấp cao trong nghề, quan điểm quản lý nhân viên của chị là luôn quan tâm đến khía cạnh con người. Chị hiểu nhân viên của mình, dựa vào điểm mạnh điểm yếu của từng nguời để dẫn dắt, hỗ trợ nhân viên tự hoàn thiện và biết cách làm việc hiệu quả. Chị còn là người truyền cảm hứng cho họ hoàn thành công việc, đồng thời trao quyền cho nhân viên, giúp họ buớc ra khỏi vùng an toàn với tầm nhìn mới, suy nghĩ mới, ý tuởng mới, giúp cho nhân viên phát triển kỹ năng, thế mạnh và tăng tính độc lập hơn.

Ngoài thời gian dành cho công việc, chị còn nhiệt tình tham gia livestream chia sẻ về nghề khách sạn do Hoteljob.vn tổ chức. Chị đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp hữu ích cho hàng ngàn cộng đồng nhân sự. Cách chia sẻ tâm tình, thủ thỉ của chị Bích Nhung khiến nhiều bạn rất thích thú. (Xem video chia sẻ của chị Nhung: Tại đây)

Giờ đây, sau gần 25 năm “vui buồn” với nghề, cũng có lúc chị cảm thấy mệt mỏi - áp lực với công việc, từng nảy sinh suy nghĩ muốn chuyển nghành nhưng sau đó chị nhận ra rằng mình yêu nghề khách sạn – chính nghề đã thay đổi con người chị rất nhiều: từ một cô gái nhút nhát, ngại giao tiếp mình đã trở thành người tự tin hơn, năng động và quảng giao hơn.

Chị luôn muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng: “Nếu các bạn trẻ yêu thích nghề khách sạn thì hãy tự tin lên vì một trong những điều quan trọng nhất để thành công là yêu nghề và nhiệt huyết. Không ngại khó, ngại việc, chủ động nắm bắt cơ hội để học hỏi từ đồng nghiệp và những người đi truớc. Trau dồi ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, chi tiết và tỉ mỉ dù là việc nhỏ nhất. Nếu gặp việc gì khó hãy nhìn việc đó theo hướng tích cực và tự tin rằng mình sẽ làm được” – Đó là bí quyết thành công của chị Nhung và cũng là bài học cho nhiều bạn trẻ “muốn có danh gì” với nghề dịch vụ khách sạn này.


câu chuyện cảm hứng

Ms. Smile

Tags:
[Câu chuyện cảm hứng - 02] Không ngại khó, ngại việc, chủ động nắm bắt cơ hội để…
4.8 (778 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN