7 Lời khuyên đáng giá cho bạn trẻ theo nghề bếp mùa dịch

“Thôi ngay cái suy nghĩ sáng mang đồng phục bếp lên cầm chảo xóc lên xóc xuống rồi cho ra đĩa - hết ca thì về - ăn chơi, nhậu nhẹt, tụ tập bạn bè đến tờ mờ sáng và chợp mắt vài tiếng xong lại bắt đầu một ngày làm việc mới na ná vậy… Công việc bếp thực tế tất bật và khắc nghiệt hơn thế rất nhiều lần.”- anh B., 7 năm đứng bếp chính chia sẻ.

lời khuyên đáng giá cho bạn trẻ theo nghề bếp
Tồn tại nhiều suy nghĩ sai lầm về nghề Bếp (Ảnh minh họa)

Đứng bếp không chỉ để vui!

Đúng như câu “mỗi ngày đi làm là một ngày vui”, công việc có mang lại niềm vui, niềm hứng khởi mới tạo động lực và tinh thần để bạn bắt đầu một ngày đứng bếp tràn đầy sinh lực và phấn chấn, tỉnh táo. Nhiều người bảo “đi làm vì đam mê” nhưng có lẽ chỉ đúng một phần. Hoặc đó đơn giản là câu nói vui, vô tình bật ra từ cửa miệng. Sự thật chắc chắn không phải vậy. Muốn làm tốt nhiệm vụ được giao, làm được việc, ngoài tinh thần, còn cần trách nhiệm. Trách nhiệm với công việc của bản thân, với nhiệm vụ cùng tập thể, đội nhóm. Ngoài ra còn có thái độ cầu tiến và đạo đức nghề nghiệp cao.

Nghề Bếp cực. Tồn tại nhiều suy nghĩ sai lầm về nghề Bếp len lỏi trong nhận thức của không ít người, kể cả các bạn trẻ đang tìm hiểu nghề, học nghề.

Thật khó để dùng lời nói làm thay đổi những suy nghĩ đó. Chỉ có thật sự dấng thân và trải nghiệm, đủ lâu và đủ sâu, mới có thể thấu hiểu được.

Lời khuyên chân thành từ người đi trước

Nhận thấy ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn nghề bếp. Nhưng không ít trong số đó chọn rồi lại không theo nỗi mà bỏ nghề. Vì họ vỡ lẽ ra thực tế công việc không “màu hồng” như họ tưởng – vì khó khăn, áp lực, nhiềm rủi ro tiềm ẩn khiến họ chùn bước. Thêm nữa, tình hình dịch bệnh càng làm cho quá trình tìm việc bếp của nhiều người bị đình trệ.

Cùng Hoteljob.vn nghe qua 7 lời khuyên chân thành và đáng giá từ một người anh trong nghề (“cái này là theo bản thân mình nghĩ thôi nha” - nguyên văn lời người chia sẻ), để phần nào “vạch áo nghề” cho bạn hiểu và suy tính lại quyết định của mình:

+ Thứ nhất: Bạn đã muốn chọn nghề này thì phải có đam mê

Điều này luôn đúng. Tại sao? (- Đọc lại mục trên nhé!). Đam mê giúp bạn duy trì tinh thần cho mỗi ca làm việc, đồng thời tạo hứng khởi để sáng tạo ra nhiều món mới. Chưa hết, khi gặp khó khăn với nghề đến mức muốn từ bỏ, chính đam mê là điều níu bạn ở lại nếu còn đủ mãnh liệt.

+ Thứ hai: Bạn phải thật sự chịu được áp lực

Áp lực trong nghề bếp rất nhiều. Từ nhân viên Bếp đến nhân viên bộ phận khác, cả khách hàng nữa. Họ sẽ liên tục hối lên món trong khi order đó cần thời gian để làm chín và trang trí. Họ cũng sẽ đòi hỏi có món mới để phục vụ khách. Chưa kể cạnh tranh trong bếp để đi lên, thăng tiến hay khối lượng công việc nhiều, làm xuyên ngày đêm, ít thời gian nghỉ ngơi…

lời khuyên đáng giá cho bạn trẻ theo nghề bếp
Công việc đứng bếp rất nhiều áp lực

+ Thứ ba: Cái tâm của bạn phải đặt lên hàng đầu

Đừng bao giờ hình thành rồi duy trì suy nghĩ rằng món làm ra là cho khách ăn chứ không phải bạn – thay vào đó, phải nghĩ là nấu cho chính mình hoặc người thân, bạn bè mình thưởng thức. Như thế, món ăn không chỉ ngon phần vị, đẹp phần mắt mà còn mang đầy yêu thương được gửi gắm, toát lên câu chuyện ý nghĩa nhờ phần trang trí sinh động, có hồn.

+ Thứ tư: Mức độ tay nghề của bạn tùy thuộc vào độ học hỏi mỗi ngày

Đừng bao giờ tự cho mình là nhất, biết và hiểu mọi kiến thức chuyên môn, giỏi và vững kỹ thuật đứng bếp. Sự học là cả đời. Người này giỏi sẽ có người khác giỏi hơn. Thêm nữa, học thêm một lĩnh vực bếp mới cũng rất tốt, đa dạng khả năng để thuận lợi trong công việc, tránh sự nhàm chán.

+ Thứ năm: Mùa dịch nên phải chấp nhận lương nghề hạn hẹp

Dịch bệnh ảnh hưởng chung đến công việc và thu nhập của nhân sự toàn ngành. Nghề Bếp cũng không ngoại lệ. Rất nhiều anh em bếp đã phải cất tạm dao, chảo và chuyển sang các công việc khác vì mưu sinh. Tuy nhiên, một số ít còn may mắn tiếp tục với nghề cần chấp nhận rằng, lương nghề ở thời điểm hiện tại sẽ thấp hơn, thậm chí chỉ là mức hỗ trợ để duy trì cuộc sống.

+ Thứ sáu: Đã là đội bếp thì phải nghe nhau mà làm, không bảo thủ

Bảo thủ chính là con dao giết chết sự nghiệp của bạn. Người luôn cho mình đúng rất khó tiếp nhận và lắng nghe góp ý của người khác để sửa đổi và tốt hơn mỗi ngày. Làm việc đội nhóm càng không chấp nhận cá nhân đầy bảo thủ, cả trong công việc lẫn giao tiếp, hành xử với nhau mỗi ca.

+ Thứ bảy: Đã xác định học nghề thì phải chấp nhận thời gian đầu rất cực

Đó là học nghề thực tế trong Bếp, ở vị trí Thực tập sinh hay Phụ bếp. Khối lượng công việc trong bếp rất nhiều, cộng với áp lực chung khiến không khí lao động vô cùng căng thẳng. Thêm nữa, vì bạn chưa biết gì, người dạy bạn đôi khi sẽ bực tức vì bạn chậm hiểu, thao tác vụng về, họ cũng áp lực với công việc của họ nên rất dễ nóng nãy mà nói nặng lời. Hoặc bạn chắc chắn sẽ cảm thấy nhàm chán vì ngày nào cũng làm mãi một việc giản đơn như rửa rau, lau chén, xếp đĩa, móc thớt, treo khăn… Người thiếu ý chí và sự quyết tâm sẽ rất dễ chán nản, sợ hãi mà bỏ cuộc.

lời khuyên đáng giá cho bạn trẻ theo nghề bếp
Lúc bắt đầu phải chấp nhận khó khăn. Nghề Bếp cũng vậy!

 

Nghề bếp không kén người theo nhưng lại hà khắc ở khâu lọc người. Nhiều người vào nhưng cũng lắm kẻ ra. Ai đủ nghị lực và quyết tâm, tình yêu và đam mê với nghề chắc chắn sẽ thành công. Còn lại, người từ bỏ chắc chưa đủ duyên, họ hợp hơn với sự lựa chọn khác…

Ms. Smile

(Dựa theo chia sẻ từ một member của fanpage Nghề Khách Sạn)

Nghề Đầu bếp ở Việt Nam: điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Tags:
7 Lời khuyên đáng giá cho bạn trẻ theo nghề bếp mùa dịch
4.3 (883 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN