Mặc dù tiếng tăm Mường Thanh lâu nay luôn gắn liền với tên tuổi “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, thế nhưng người đưa mảng kinh doanh khách sạn của Tập đoàn lên tầm khu vực lại là con gái đầu lòng của ông – nữ CEO 8X Lê Thị Hoàng Yến.
Năm 1997 – giữa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ xuất hiện một khách sạn 4 sao được đặt theo tên cánh đồng lúa lớn nhất Tây Bắc. Mường Thanh Điện Biên Phủ chính là “viên gạch nền” xây dựng nên thương hiệu chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Tổng Giám đốc Tập đoàn khách sạn Mường Thanh – Lê Thị Hoàng Yến
Trên đà như thế, tròn 20 năm sau, tối ngày 6/5/2017 tại Tp.HCM, Tổ chức Kỷ lục Đông Dương đã chính thức trao tặng danh hiệu “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương” cho Tập đoàn Mường Thanh với 48 khách sạn đang hoạt động tại thời điểm đó. Và người đóng dấu ấn đậm nét cho thành công đưa thương hiệu khách sạn thuần Việt đầu tiên vươn tầm khu vực là CEO Lê Thị Hoàng Yến.
► Đi du học là… để trở về cống hiến
Lê Thị Hoàng Yến có 7 năm du học ngành tài chính tiền tệ ở Anh. Môi trường đào tạo tiên tiến của nước ngoài giúp cô cảm thấy bản thân “năng động, tự lập, có nhiều kiến thức và trải nghiệm hơn”.
“Tôi có cơ hội được đến nhiều thành phố khác nhau trên thế giới, mỗi nơi có một nền văn hóa thú vị và cho tôi nhiều điều để học hỏi. Từ những chuyến đi như thế - tôi nhận ra rằng chính quê hương mình – Việt Nam – là quốc gia hội tụ nhiều giá trị văn hóa – văn minh phương Đông, mang những đặc trưng điển hình của một Đông Nam Á thu nhỏ”…
Quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp “không chỉ là mong ước của bản thân tôi mà còn là định hướng của gia đình. Ban đầu, tôi chưa có kế hoạch sẽ kinh doanh khách sạn. Nhưng với sự quyết tâm phát triển ngành khách sạn của bố, tôi mạnh dạn thử sức với lĩnh vực đầy thách thức này".
Về nước, công việc đầu tiên Hoàng Yến đảm nhận là thực tập quản lý tại khách sạn thuộc tập đoàn tại Hà Nội. Dù được đào tạo bài bản nhưng khi tiếp quản công việc thực tế, cô vẫn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến cô gái sinh năm 1987 nhận thấy đam mê của bản thân với ngành kinh doanh khách sạn và đồng thời cũng học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá.
Những khó khăn ban đầu làm nên một Lê Thị Hoàng Yến bản lĩnh ở thời điểm hiện tại
► 6 năm tiếp quản – mở thêm 40 khách sạn
Năm 2013, Lê Thị Hoàng Yến chính thức được giao đảm nhận vị trí Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Mường Thanh. “Ở giai đoạn đầu, tôi rất lo lắng khi gặp phải những khó khăn không lường trước được. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm của thế hệ kế cận với tương lai của tập đoàn, cùng với sự động viên, khích lệ của gia đình, tôi đã có thêm động lực để từng bước thích nghi, quản lý và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu Mường Thanh".
Với chiến lược quản trị được định hướng rõ ràng, dần dần như thế, số lượng khách sạn Mường Thanh ngày càng nhiều thêm. Sau 6 năm đảm nhận vị trí Tổng giám đốc – Hoàng Yến đã nâng tổng số khách sạn của tập đoàn từ con số 13 vào năm 2012 lên 53 vào năm 2018 – trong đó có một khách sạn 5 sao xây dựng tại thủ đô Viên Chăn (Lào). Như vậy, trung bình mỗi năm có hơn 6 khách sạn, 60 ngày sẽ có một khách sạn Mường Thanh mới được đưa vào hoạt động. Với khối lượng công việc “ngút ngàn” như vậy – từ việc lên ý tưởng, thiết kế cho đến xây dựng, setup… rõ ràng Mường Thanh có tốc độ tăng trưởng về mặt số lượng đáng kinh ngạc.
Trong vòng 6 năm – có 40 khách sạn Mường Thanh mới được đưa vào hoạt động
Không chỉ là chuyện số lượng khách sạn, hiện công suất sử dụng phòng trung bình của chuỗi khách sạn Mường Thanh cũng đạt mức khá cao – hơn 70%. Mường Thanh cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tranh giải hạng mục "thương hiệu khách sạn dẫn đầu châu Á 2018" thuộc giải thưởng quốc tế WTA cùng 14 thương hiệu quốc tế khác như Hilton, Dusit, Intercontinental...
► Quyết tâm giữ gìn bản sắc Việt
Là một nhà quản lý – bản thân Hoàng Yến cũng tham khảo khá nhiều mô hình quản trị từ các hệ thống khách sạn lớn trên thế giới nhưng với quyết tâm và tinh thần giữ gìn bản sắc Việt.
Mỗi khi gặp phải câu hỏi vì sao không hợp tác với một Tập đoàn quản lý của nước ngoài cho đỡ mệt, cô đều đưa ra một câu trả lời chung: "Năm 2013, chính tay tôi đã chuẩn bị những công việc nhỏ nhất để đưa khách sạn Mường Thanh Hạ Long vào khai trương. Đã từng có ý định hợp tác cùng các đơn vị nước ngoài, nhưng với mong muốn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Việt - đẩy mạnh bản sắc dân tộc trong quản lý điều hành chuỗi khách sạn – xây dựng một thương hiệu thuần Việt, quyết định cuối cùng của tôi là bắt tay làm cùng nhân sự Việt Nam.”
Với định hướng "giúp du khách đến với khách sạn sẽ hiểu rõ hơn văn hóa vùng miền và sự chân thành của người bản xứ", hiện có đến 90% nguồn nhân lực tại các khách sạn thuộc tập đoàn Mường Thanh là người địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại các tỉnh thành và sự phát triển chung của du lịch vùng.
90% nhân viên Mường Thanh là người dân bản địa
Dù biết rằng Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, trẻ tuổi - chất lượng chưa đồng đều giữa các địa phương nhưng với chính sách quản trị nhân sự hợp lý, Hoàng Yến đang dần xây dựng và định hình 10.000 nhân viên Mường Thanh là những người “có chuyên môn, năng lực, cầu tiến và đoàn kết trong tập thể” – yếu tố quan trọng bậc nhất giúp Mường Thanh tạo được sức bật trên thị trường ngành dịch vụ khách sạn.
Không chỉ phát triển ở thị trường trong nước, Lê Thị Hoàng Yến "vẫn còn ấp ủ rất nhiều điều với Mường Thanh. Hiện nay, tập đoàn đang xúc tiến tìm cơ hội hướng đến các thị trường mới như: Campuchia, Myanmar, Australia hay Mỹ - từng bước đưa thương hiệu Việt ghi dấu ấn trên thị trường nghỉ dưỡng quốc tế.”
Tập đoàn Mường Thanh đang đăng tuyển nhiều vị trí trên Hoteljob.vn, xem chi tiết thông tin tuyển dụng: Tại đây
Ms.Smile
(Theo VnExpress)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên