MỤC LỤC
Tối qua, cô dâu vẫn đến nhà hàng dùng bữa và hỏi về tình hình chuẩn bị cỗ bàn. Sáng ngày diễn ra tiệc, có người vẫn còn thấy cô đi thử váy cưới, thuê trang điểm nhưng đến trưa lại biến mất như chưa từng tồn tại. “150 mâm cỗ gồm 13 món mỗi mâm, tính ra gần 2.000 đĩa, vị chi hơn 200 triệu đồng. Tất cả giờ còn đó; tiền mất, đồ ăn thừa. Thiệt hại này chúng tôi biết đòi ai đây?”
“Đám cưới ma” siêu to không hợp đồng, tiền cọc vì quen
Mới đây, vụ việc một nhà hàng ở phường Mường Thanh, Tp.Điện Biên Phủ bị khách “bùng” 150 mâm cỗ gây xôn xao khắp các diễn đàn mạng xã hội.
Theo đó, một nữ khách hàng là khách quen đến nhà hàng P.T đặt dịch vụ tiệc cưới cho trưa ngày 30/9 với 150 mâm cỗ, mỗi mâm 13 món cùng các dịch vụ liên quan như rạp, phông bạt, bàn ghế, loa đài, trang trí sân khấu, thuê nhân viên phục vụ… Tổng chi phí ước tính khoảng hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến giờ hẹn vô tiệc thì không có quan khách nào đến dự; cô dâu chú rễ cũng không thấy đâu. Rạp cưới trống trơn, mâm cỗ ngập bàn nhưng nguội lạnh, còn nguyên giấy bọc.
Được biết, vì là khách quen, từng đến ăn nhiều lần, lại cùng ở Điện Biên nên thỏa thuận tiệc chỉ diễn ra bằng lời nói, phía nhà hàng không yêu cầu khách đặt cọc, cũng không có giấy tờ, văn bản ký kết giao dịch cho đơn đặt hàng trước đó.
“Trưa 24/9, vị khách này đến nhà hàng và ngỏ ý đặt 150 mâm cỗ cưới. Hai bên thống nhất ý kiến và chốt phương án 1,3 triệu đồng cho 1 mâm. Buổi tiệc cưới dự kiến diễn ra lúc 11h ngày 30/9. Hôm đến đặt tiệc tuy chỉ có mình cô dâu thôi nhưng có một số điện thoại gọi tới xưng là bố cô dâu, số khác xưng là chú rể hỏi thăm dịch vụ nên chúng tôi càng tin.” – chủ nhà hàng P.T kể lại.
“Làm nghề đến nay đã 17 năm, phục vụ bao nhiêu đam hiếu hỉ nhưng đây là lần đầu tiên tôi bị khách bom tiệc lớn đến vậy. Giờ tôi cũng muốn biết nguyên nhân tại sao họ lại làm như thế. Chúng tôi không có mâu thuẫn hay thù oán gì trước đó. Giờ gọi khách không nghe máy luôn.”
Thiệt hại lớn, nhà hàng có kiện được khách để đòi bồi thường?
Khi được hỏi “Trong trường hợp này, phía nhà hàng có kiện được khách để đòi bồi thường không?”, nhận định từ nhiều Luật sư cho hay:
Khách phải chịu trách nhiệm nếu gây thiệt hại vì phát sinh giao dịch hợp đồng,
Nhận định của Luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư Tp.HCM, việc khách đặt tiệc cưới với nhà hàng là một giao dịch hợp đồng. Tuy hai bên không thành lập văn bản nhưng giao dịch đã xảy ra và từ đó phát sinh những quyền, nghĩa vụ cụ thể của các bên. Khi có lỗi gây ra thiệt hại, dù có thỏa thuận bằng giấy đặt cọc hay không, nếu bên đặt tiệc và bên nhận đặt tiệc thừa nhận có giao dịch thì đều phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả theo luật.
“Hợp đồng có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức, bao gồm cả văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể khác. Do đó, không bỗng dưng mà phía nhà hàng chuẩn bị đến 150 mâm cỗ, lại còn bày biện không gian tiệc cưới hoành tráng. Nếu không thỏa thuận được trong trường hợp này, bên bị thiệt hại (nhà hàng) có thể khởi kiện vụ việc ra tòa và yêu cầu được bồi thường.”
… nhưng nhà hàng phải chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường
Cùng quan điểm với Luật sư Trần Đình Dũng về vụ việc, Luật sư Trần Minh Cường cũng cho rằng trường hợp khách bom 150 mâm cỗ của nhà hàng dù không thể hiện bằng văn bản nhưng thỏa thuận hợp đồng đã được xác lập thông qua việc phía nhà hàng đúng ngày giờ đã hoàn tất yêu cầu của khách về số mâm cỗ và trang trí, phục vụ tiệc như thỏa thuận miệng trước đó. Tuy nhiên, khi tranh chấp xảy ra, nếu bên đặt tiệc không thừa nhận các nội dung liên quan đến thỏa thuận này thì bên nhận đặt tiệc phải có nghĩa vụ chứng minh giao dịch, mức độ thiệt hại và khởi kiện đòi bồi thường.
“Thực tế, việc đòi bồi thường là rất khó. Phía nhà hàng không chỉ phải chứng minh có thỏa thuận đặt tiệc với khách mà còn phải chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường.”
Sự việc sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm tương tác rất lớn từ cộng đồng. Đa số chỉ trích khách hàng thiếu trách nhiệm. Số khác trách nhà hàng chủ quan. Tuy nhiên, dù lỗi từ đâu, cũng không ai mong muốn sự cố này xảy ra, bởi thiệt hại là vô cùng lớn, nhất là đang trong thời điểm kinh doanh khó khăn vì dịch. Vì vậy, nhiều facebook_er đã chia sẻ và kêu gọi người dân gần đó mua lại đồ ăn hộ với mức giá thanh lý ưu đãi nhất theo cam kết từ phía nhà hàng.
Bạn đã gặp tình huống éo le nào như thế? - Nếu gặp sự cố toát mồ hôi hột như trên, bạn sẽ “cứu nguy” thế nào?
(Tổng hợp)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên