Gần 1 năm rưỡi chống chọi với đại dịch Covid-19, mỗi lần dịch bệnh tái bùng phát hệt như một “cú đấm bồi” khiến ngành du lịch nước ta gần như kiệt quệ. Giờ đây, không ít công ty du lịch chẳng còn sức để mà… thở dài.
Cả nước đang phải “chiến đấu” với đợt dịch thứ 4
► “Vô nước biển” cầm cự qua ngày
Nửa cuối tháng 3, ngành du lịch Việt Nam râm ran thảo luận áp dụng “hộ chiếu vaccine” với kỳ vọng chớp cơ hội phục hồi sau hơn 1 năm vật vã vì dịch bệnh. Dịp lễ 30.4 vừa qua, tín hiệu vui là nhiều công ty lữ hành ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, khách sạn từ 3 - 5 sao đều thông báo “full phòng”, các điểm du lịch đông kín. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hy vọng dịp lễ này sẽ là bàn đạp khởi động thị trường tour - mùa cao điểm dịp hè, chiếm đến 70% doanh số kế hoạch năm. Nhưng rồi một lần nữa, đợt dịch nguy hiểm với sức công phá mạnh nhất từ trước đến nay bùng ngay sau lễ và trước thềm cao điểm, khiến mọi hoạt động di chuyển - du lịch lại rơi vào trạng thái đóng băng.
Sáng 28/5, ngay sau khi Tp.HCM ra thông báo khẩn đề nghị người dân không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết, Giám đốc Công ty Lien Bang Travel - ông Từ Quý Thành rầu rĩ ví von: “Giờ hỏi người làm du lịch có khỏe không, cũng chẳng biết trả lời thế nào. Mười mấy tháng qua đã “vô nước biển” cầm cự qua ngày, nay nước biển chắc cũng phải pha loãng ra - còn sức đâu mà nói chuyện sức khỏe. Để giảm lỗ, giờ chúng tôi chỉ bán combo lai rai, tư vấn cho khách từ nước ngoài về Việt Nam muốn đặt vé máy bay, làm thủ tục, công văn, tìm khách sạn cách ly y tế… Nguồn lao động là vốn liếng lớn nhất cũng buộc phải cắt dần từ 70% xuống 50% rồi 20% - cố gắng cầm cự để duy trì thương hiệu.”
Từ đợt dịch đầu tiên bùng phát năm ngoái, khi thị trường khách inbound và outbound buộc phải đóng cửa, ngành du lịch bắt đầu lao đao. Thời điểm đó, các công ty du lịch chủ yếu thực hiện việc cơ cấu, tu bổ lại bộ máy, tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên. Dần dần tình hình dịch tương đối “ổn ổn”, nhiều doanh nghiệp chuyển sang tập trung cho thị trường nội địa. Liên tiếp chương trình kích cầu với quy mô quốc gia được triển khai, các địa phương cũng ghi nhận lượng khách khả quan. Tuy nhiên, khoảng 80% khách nội địa đi tự túc nên hầu như doanh nghiệp lữ hành chỉ có thể bán dịch vụ lẻ, combo hoặc phục vụ cho đối tượng khách MICE. Và khi mỗi đợt dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp lại triển khai kế hoạch mua trước dịch vụ để sẵn sàng phục vụ mùa cao điểm lễ, tết, hè. Nhưng lần nào cũng như lần nào, dịch bùng “trước giờ G”, khách đồng loạt hoàn hủy khiến nhiều công ty du lịch điêu đứng, càng kinh doanh càng lỗ.
Không ít công ty du lịch càng làm thì càng lỗ
► 90% Doanh nghiệp du lịch ngưng hoạt động
Tìm cách thích nghi, cố gắng cầm cự sống sót qua đại dịch là việc tất cả doanh nghiệp du lịch đều phải làm. Nhưng với “kỳ ngủ đông” kéo dài bất tận này, đến “ông lớn” trong ngành cũng thật sự đuối sức.
Mới đây, để giảm lỗ, Vietravel bất ngờ xin chuyển nhượng vốn, tách ra khỏi Vietravel Airlines. Trước những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, theo báo cáo của HĐQT Vietravel, doanh nghiệp này đã phải đóng cửa hàng loạt chi nhánh tại Hải Dương, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Doanh thu Vietravel ghi nhận lỗ 90 tỷ đồng, giảm hơn 73% trong năm 2020. Trong khi đó, kết thúc năm 2020, Saigontourist cũng chỉ đạt 25% doanh thu, giảm đến 3.900 tỷ đồng so với năm 2019.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Tp.HCM, hiện có đến 90% doanh nghiệp lữ hành quy mô vừa và nhỏ chuyên kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động. Trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 đến 3/3/2021, có 135 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 17 doanh nghiệp lữ hành nội địa xin rút giấy phép kinh doanh. Những doanh nghiệp vốn nhà nước chỉ hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân thì bố trí nhân sự trực tại công ty, một số khác hoạt động dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại.
Về phần các cơ sở lưu trú, lượng khách du lịch giảm mạnh, doanh thu không ổn định và không đủ chi cho duy trì, bù đắp phí vận hành nên nhiều khách sạn buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa. Số liệu cho thấy, hiện nay, hơn 50% khách sạn 3 sao tại Tp.HCM đã đóng cửa - các khách sạn hạng 4 - 5 sao thì hoạt động cầm chừng; doanh thu lưu trú giảm 70%, doanh thu F&B giảm 80%, lượng lao động giảm 35% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian cao điểm dịch bệnh, các hãng hàng không - đơn vị vận tải du lịch cũng gần như ngưng hoạt động hoàn toàn. Phụ thuộc vào lượng khách công ty lữ hành nên trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, doanh thu các nhà xe cũng giảm từ 60 - 80%. Nhằm giảm bớt khó khăn, nhiều đơn vị đã phải bán bớt phương tiện vận chuyển - có chi phí chi cho hoạt động kiểm định, bảo dưỡng, lương tài xế và trả nợ ngân hàng. Một số nhà xe thì chuyển sang vận chuyển công nhân cho các nhà máy, công ty, đối tượng đi cách ly - cố gắng "sống sót" qua giai đoạn hiện nay.
Những sân bay vắng khách không còn là hình ảnh hiếm gặp
► Rất cần những “bình oxy thật”
Trước diễn biến phức tạp, khó lường về tình hình dịch bệnh trong nước, khu vực và trên thế giới, đại diện Sở Du lịch Tp.HCM nhận định - sau đại dịch, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Kéo theo nhu cầu đi nghỉ dưỡng hay vui chơi giải trí của khách quốc tế lẫn trong nước sẽ suy giảm, do đó rất cần những giải pháp thiết thực cứu lấy doanh nghiệp du lịch.
Theo ông Từ Quý Thành, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ nhưng hầu như không tác động gì đến ngành du lịch. Nếu không có khách, không có nguồn thu thì những chính sách hỗ trợ như miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế… trở nên vô nghĩa. Ngành du lịch cần được cấp cứu bằng những “bình oxy thật”, có tác động thiết thực hơn.
“Tất nhiên trong bối cảnh dịch bệnh thì không thể khuyến khích người dân đi du lịch nhưng rút kinh nghiệm từ những lần trước, khi dịch bệnh được kiểm soát, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Như ở Nhật Bản, chính phủ nước này trích ngân sách tài trợ tiền mặt hoặc phiếu quà tặng cho người dân đi du lịch, thông qua các công ty lữ hành. Bởi nếu vẫn chỉ hỗ trợ chung chung, nhiều doanh nghiệp chẳng còn hơi sức đâu mà kêu gọi giải cứu.”
Sở Du lịch Tp.HCM cũng đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan xem xét sớm áp dụng hộ chiếu vaccine - tạo điều kiện đón khách quốc tế từ những nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh và đồng thời cũng đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia đi vào hoạt động thực tế để hỗ trợ các tỉnh/ thành trọng điểm nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến - phát triển sản phẩm và đào tạo nhân lực du lịch…
Theo báo Thanh niên
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên