Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 với tỷ lệ đặt phòng cao ở nhiều điểm đến du lịch, làn sóng Covid-19 thứ 4 quay lại một lần nữa gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho ngành dịch vụ lưu trú trên cả nước. Vậy đâu là kịch bản cho ngành khách sạn mùa hè này?
Ai cũng mong ngành du lịch nội địa sẽ sớm phục hồi
► "Cú đấm bồi" lần thứ 4
Theo đánh giá từ ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, giai đoạn tháng 4 - đầu tháng 5 vừa qua là khoảng thời gian khả quan của ngành khách sạn Việt Nam. Thế nhưng, Covid-19 trở lại đã ngay lập tức ảnh hưởng đến công suất thuê phòng. Rất nhiều du khách đã yêu cầu hủy đặt phòng, hủy bỏ kế hoạch du lịch.
Tiêu biểu như Đà Nẵng, là điểm đến có nguy cơ cao nên tỷ lệ đặt phòng giảm ngay xuống còn 0%. Do tâm lý lo sợ chung nên nơi an toàn hơn như Phú Quốc - lượng khách booking cũng theo đó mà giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến các dịch vụ F&B của không ít khách sạn bị “tê liệt”. Thời gian qua, doanh thu của nhiều khách sạn như InterContinental, Sheraton, Sofitel, Le Meridien… không đến nhiều từ hoạt động lưu trú mà chủ yếu là do hoạt động cho thuê không gian tổ chức hội nghị, hội thảo. Nhưng rồi dịch Covid quay lại khiến khách hàng hủy toàn bộ sự kiện tập trung đông người. Chính vì vậy, những ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch lần này càng làm cho nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư khách sạn lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất.
Trục đường Võ Nguyên Giáp - dọc bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) vắng vẻ vì bùng dịch
► 2 Kịch bản cho ngành khách sạn mùa hè này
Ông Mauro Gasparotti dự đoán sẽ có 2 kịch bản trước mắt cho ngành khách sạn Việt Nam mùa hè này.
Thứ nhất, nếu Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 5 - tháng 6 tới và người dân có tâm lý an tâm hơn khi đi du lịch thì các chuyến đi ngắn cuối tuần sẽ gia tăng trở lại tại các điểm đến không quá xa trung tâm thành phố.
“Du khách cần thời gian lên kế hoạch đi du lịch trở lại - đặt vé máy bay, đặt phòng… Trong viễn cảnh đó, giai đoạn tháng 7 và tháng 8 sẽ ghi nhận nhu cầu nghỉ dưỡng tăng mạnh do người dân không thể đi đâu xa trong thời gian dài. Với các công ty lớn thì cần nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch nghỉ dưỡng.”
Mong rằng kịch bản thứ nhất sẽ xảy ra với ngành du lịch nước ta mùa hè này
Nếu kịch bản dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, tâm lý e sợ từ người dân và khuyến cáo hạn chế dịch chuyển, thị trường sẽ diễn biến như năm 2020. Trong trường hợp đó, với khách lẻ vẫn sẵn sàng đi du lịch ở những điểm đến ít có nguy cơ lây nhiễm, các khách sạn cần đưa ra nhiều chương trình ưu đãi. Chủ yếu sẽ là người đi du lịch một mình, các cặp đôi hay nhóm nhỏ. Và phòng nghỉ tại biệt thự biển hay villa sẽ được ưa chuộng hơn.
Có lẽ còn hơi sớm để mất niềm tin vào mùa cao điểm du lịch sắp tới. Bởi nếu dịch Covid-19 được khống chế trong tháng 6, hoạt động du lịch nội địa sẽ sôi nổi trở lại.
Với điểm đến như Đà Nẵng, mùa hè này được xem là giai đoạn mang tính quyết định bởi đây là thời điểm thời tiết đẹp nhất năm. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ giúp ngành du lịch Đà Nẵng sống lại được trong tháng 7, tháng 8 và tuần đầu tháng 9. Chủ khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ nhờ đó bù đắp được phần nào doanh thu đã mất trong các tháng trước đó.
Những địa phương có thời tiết ổn định quanh năm như Phú Quốc, Nha Trang… thì bên cạnh kỳ nghỉ hè, còn có thể đón khách vào các mùa nghỉ lễ khác hay dịp nghỉ cuối tuần.
► Nhiều khách sạn vật vã với dòng tiền
Trước ảnh hưởng kéo dài từ dịch bệnh, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết tất cả khách sạn đang chịu thiệt hại về tài chính.
“Rất nhiều chuỗi khách sạn lớn đang áp dụng những giải pháp cắt giảm chi phí tối đa như: ngưng hoạt động một số tầng, cho nhân viên tạm thời nghỉ việc… Trong khi đó, các khách sạn nhỏ không còn nhiều chi phí để mà cắt giảm. Việc vay tiền ngân hàng kinh doanh là nguyên nhân khiến thời gian qua không ít khách sạn lớn và tầm trung buộc phải phá sản.”
Do vậy, theo ông Mauro Gasparotti, cần phải nhìn vào cấu trúc tài chính các khách sạn lúc này.
Nếu chủ đầu tư vẫn còn khoản nợ lớn với ngân hàng - khả năng cao sẽ xảy ra phá sản. Nếu nguồn tiền khách sạn là tiền cá nhân, chủ sở hữu sẽ cắt giảm tối đa chi phí hoặc đóng cửa tạm thời. Hiện tại, một số khách sạn đã tạm đóng cửa, một số khác thì đang hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, các resort thường khó khăn hơn bởi chi phí vận hành, bảo trì cao hơn nhiều khối khách sạn thông thường.
(Theo Zing News)
Hộ chiếu vaccine là gì? Ngành du lịch thế giới sẽ sớm phục hồi nhờ hộ chiếu vaccine?
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên