MỤC LỤC
Dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 một lần nữa đe dọa sức khỏe và công việc của nhiều ngành, nhiều người. Trong khi ngành khách sạn - du lịch chưa kịp phục hồi thì công việc của nhiều nhân sự ngành hàng không dần gián đoạn và lung lay đứt gãy. Đến nay, một số đang bị giảm giờ bay, giảm thu nhập - số khác mất việc làm, nghỉ việc, bỏ nghề đi tìm việc mới…
Thu nhập của Tiếp viên hàng không giảm 60-80% vì Covid
Đợt giãn cách xã hội toàn quốc hồi tháng 4/2020, có đến 50% nhân sự Vietnam Airlines phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên bị giảm lương, cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện đăng ký không nhận lương để chung tay cùng hãng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cụ thể, trong báo cáo tiền lương năm 2020 của hãng, lương nhân sự đã giảm đi đáng kể, các kế hoạch tăng lương định kỳ cũng phải hủy bỏ. Lương phi công giảm hơn 50% so với cùng kỳ, lương trung bình của tiếp viên giảm gần 48%, lương trung bình của lao động mặt đất giảm 44,5%; tổng số lao động toàn hãng ít hơn năm 2019 1.600 người…
Theo đó, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các hãng hàng không Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến công việc và thu nhập của nhân sự ngành này giảm mạnh.
Được biết, Cục Hàng không giới hạn giờ bay của một tiếp viên là 80 giờ/ tháng. Tức là, tiếp viên đó sẽ đi làm 1 tháng khoảng 24 ngày và nghỉ 6 ngày. Tuy nhiên, hiện giờ bay trung bình còn khoảng 10 giờ nếu dịch và 20-40 giờ nếu cơ bản hết dịch. Ngoài ra, nếu trước đây tính lương theo giờ bay, có phân biệt bay quốc tế (được trả thêm phí công tác theo số đêm nghỉ lại ở nước ngoài) và bay quốc nội, cộng với lương cơ bản theo luật (vào khoảng 5-7 triệu đồng/ tháng). Nhưng giờ chỉ còn bay quốc nội, thậm chí có tháng 0 giờ bay nên thu nhập bị mất rất nhiều, đa phần khoảng 60-80% tùy hãng và tùy đợt.
T.U., tiếp viên sinh năm 1993 của một hãng hàng không cho hay: từ tháng 11-12/2020, cô bị cắt giảm giờ bay khá nhiều, thu nhập vì thế mà chỉ còn khoảng 20% so với lúc chưa dịch. Có thời điểm, 1 tháng 0 giờ bay. Cuộc sống thật sự khó khăn và bế tắc…
“Trong tình cảnh khó khăn, có việc làm tạm đã tốt lắm rồi…”
Các tiếp viên trẻ đều nghĩ vậy để vừa tạo động lực cho mình lạc quan hơn, chấp nhận thực tế ngành “khủng hoảng” - vừa buộc bản thân phải mạnh mẽ và quyết tâm cải thiện thu nhập, để cuộc sống bớt tằn tiện hơn
Thế là họ đi tìm việc mới…
Đó có thể là công việc bán thời gian lúc không có chuyến bay, hay thậm chí là fulltime vì “mất việc rồi còn đâu” nếu không may có tên trong danh sách cắt giảm nhân sự của hãng.
Họ làm gì?
>Phục vụ quán cafe
Du lịch cũng bị Covid quật tơi tả hơn 1 năm qua. Bằng chứng là hàng triệu lao động ngành này cũng chịu cảnh mất việc làm, giảm thu nhập. Khách sạn, nhà hàng từng nườm nượp khách nay vắng hoe, hết đóng rồi lại mở không biết đã bao lần. Ấy thế mà có nơi lách được qua "khe cửa hẹp".
Đó là quán cà phê hay quán ăn, nhà hàng nhỏ, chuyện phục vụ khách địa phương, khách lẻ. Họ tuyển nhân viên.
U. và một người bạn nữa (cũng là tiếp viên hàng không) xin được chân bưng bê trong một khách sạn tại Nha Trang. Mỗi ngày cứ 8 tiếng 1 ca, lương 15K cho 1 giờ, rẻ hơn trả cho nhân viên phục vụ quán cà phê. Tuy nhiên, “trong tình cảnh khó khăn thế này, có việc làm tạm thời đã tốt lắm rồi…”
>Bán hàng online
Công việc này phù hợp với tiếp viên nữ. Nhiều người cho hay mình chưa từng nghĩ sẽ bán gì trên trang cá nhân (do không có thời gian tương tác do bận bay) nhưng hiện tại thì phải thử. Vì không thể ngồi không đợi hết dịch, cũng không thể ăn không ngồi rồi và cứ thế tiêu sạch số tiền lương ít ỏi được hỗ trợ từ hãng, trợ cấp thêm từ bố mẹ hay tiền tích lũy nhiều năm nay…
T.T. tiếp viên sinh năm 1994 nghỉ ở nhà 22 ngày nay vì không có chuyến bay. Nhiều tháng nay, thời gian bay giảm mạnh, có tháng bay lác đác, cũng có tháng 0 giờ bay. Vì vậy, cô cần tìm cách tự xoay sở để “sống” được qua đại dịch. Tập tành bán hàng online được T. lựa chọn thử sức. Cô bắt đầu tìm nguồn nhập quần áo, phụ kiện về đăng bán. Kết quả, tiền lời từ công việc kinh doanh này chỉ đủ cho cô tiền ăn vặt… Thế nhưng, T. có thể sẽ vẫn cố gắng duy trì để “thử vận may” và một phần cũng không thể đổi việc do dịch còn đang phức tạp. Được biết, nhiều đồng nghiệp của nữ tiếp viên này cũng đã phải bỏ nghề tìm việc khác do không chịu được ảnh hưởng từ dịch.
>Chạy xe công nghệ
Nhiều nam tiếp viên chọn chạy xe công nghệ để “sống tạm”. V. (sinh năm 1993) từng tự động viên bản thân rằng 4 tháng nghỉ không lương là thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình vì trước đó đã bay liên tục 70-80 giờ/ tháng. Nhưng suy nghĩ tích cực dần giảm bớt sau đó 1 tháng, vì mãi vẫn chưa có lịch bay trở lại trong khi chi tiêu trong gia đình cần được duy trì. Thế là anh đi tìm công việc làm tạm thời.
Qua tham khảo ý kiến bạn bè, nhà lại sẵn ô tô, anh quyết định lái xe công nghệ kiếm tiềm tạm, “được đồng nào hay đồng đó” rồi chờ dịch ổn để được bay trở lại.
>Dạy tiếng Anh
Tiếp viên hàng không vốn thành thạo ngoại ngữ, nhất là khoảng giao tiếp. Do vậy mà nhiều người chuyển sang “đứng lớp” cũng không mấy lạ. Người đầu quân cho các trung tâm, kẻ tự mở lớp “1 kèm 1” tại phòng trọ để trước mắt là tạo thu nhập, chi tiêu hàng ngày, sau là khiến bản thân bận rộn, có việc để làm và có niềm vui…
>Có người chẳng biết làm gì
Nhìn đồng nghiệp lần lượt đổi việc mới, G. nam tiếp viên 28 tuổi hiện chưa có dự định gì. “Mình cũng có suy nghĩ sẽ tìm việc gì đó để làm khi tạm nghỉ nhưng background của mình là du lịch nên hiện tại mình vẫn chưa tìm được công việc nào phù hợp hay hướng đi nào tốt nhất.”
>Về sống với gia đình
Tuy không có dự định gì cụ thể cho tương lai nhưng nhiều tiếp viên chọn về quê ở cùng bố mẹ. Vì chi tiêu tại thành phố đắt đỏ, tìm việc lại khó; hơn nữa, nhiều năm nay bay suốt ít có thời gian ở bên chăm sóc gia đình - nên, dịp này là thuận lợi để sống vui vẻ, hạnh phúc bên những người mình yêu thương. Nhiều bạn bảo vui rằng, về đó được ăn ké, ngủ ké, sinh hoạt ké nên tiết kiệm kha khá chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Chờ hết dịch sẽ “cày cuốc” lại
Nhiều hãng hàng không cho nhân viên tự nguyện đăng ký nghỉ. Không ít nhân sự dù yêu nghề nhưng đã xin rời đi để tìm việc khác. Lý do vì ở lại hãng sẽ không giữ được mức thu nhập mong muốn, họ không thể trang trải cuộc sống hay không quá dư dả thời gian để làm thêm công việc phụ (do giờ bay không cố định, nếu có).
Được biết, hãng cho một số nhân sự nghỉ không lương, cắt thưởng Tết và hủy bỏ kế hoạch tăng lương định kỳ theo thỏa thuận; còn lại, các chế độ theo luật thể hiện trong hợp đồng lao động vẫn được đảm bảo như bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ… Đặc biệt, cho phép nhân viên đăng ký nghỉ tạm và cam kết quay lại khi dịch hết. Nhiều người đồng ý vì muốn “cày cuốc” lại và “cày cuốc” thêm để bù vào những tháng ngày khó khăn, buồn tẻ...
(Theo Zing news)
Thêm "cú đấm bồi", ngành du lịch Việt chẳng còn sức để... thở dài!
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên