MỤC LỤC
Nhiều bạn trẻ loay hoay chọn ngành học giữa vô vàn gợi ý. Có người chọn ngành A vì độ hot - người chọn ngành B vì thích - người chọn ngành C vì định hướng của gia đình… Quản trị khách sạn từng là một trong những nhóm ngành được chọn học nhiều nhất (thời chưa có Covid). Lý do mọi người chọn học ngành này là gì?
Trong Group Nghề Khách Sạn - Sinh viên & Người mới vào nghề, một bài viết với tiêu đề: “Tại sao mình chọn học Quản trị khách sạn?” nhận về lượt tương tác cao. Tuy là quan điểm cá nhân, có phần chủ quan vì chỉ đúng với một bộ phận nhất định nhưng khá nhiều thông tin hữu ích có thể tham khảo trước khi ra quyết định chọn ngành học cho tương lai.
Ngành Quản trị khách sạn là gì? Điểm chuẩn ngành Quản trị khách sạn bao nhiêu?
“Tại sao mình chọn học Quản trị khách sạn?”
“Mình không có ý định làm bạn nản lòng khi chọn ngành Quản trị khách sạn (QTKS) để theo đuổi mà ngược lại còn rất khuyến khích bạn chọn ngành này để học nữa.
Cũng giống như đa số mọi người, mình ở độ tuổi 17-18 không có khái niệm cụ thể về việc muốn hay thích làm gì lâu dài. Bố mình là nhà giáo nhưng học sư phạm chưa bao giờ có trong từ điển của mình. Mẹ minh là dược sĩ, Anh trai mình là bác sĩ và mình cũng đã từng được định hướng học Y. Đúng thế, đó là lý do tại sao mình học chuyên Sinh của Phổ thông năng khiếu. Cơ mà, cả Anh trai lẫn Mẹ dù không phản đối việc mình học Y nhưng cũng không ủng hộ nhiệt liệt đầy hào hứng. Đồng thời, mình có suy nghĩ rằng, mình không không đi một con đường quá cổ điển bởi thời thế thay đổi liên tục, và mình muốn ở trong guồng quay của sự thay đổi đó.
Rồi mình đọc được thông tin về chị Anh Thơ - vợ người mẫu, diễn viên Bình Minh. Chị ấy là TBP Tiền sảnh Sofitel Saigon Plaza, sau đó là Giám đốc doanh thu Caravelle Saigon, tiếp đến là Phó TGĐ British Council, rồi Giám đốc điều hành Mathnasium và GĐ điều hành PNJ. Qua chị mình học được một bài học rất quan trọng: Chúng ta luôn có thể học hỏi một điều gì đó từ tất cả mọi người, kể cả một đứa trẻ hay một người không có điều kiện tốt bằng mình. Mình nhận định rằng mình phải va chạm cuộc sống, tiếp xúc nhiều hơn để nhìn nhận thế giới. Bởi sau này sẽ không đơn giản là Bố Mẹ mang toàn bộ những tài nguyên tốt nhất có sẵn đến cho mình nữa.
Với góc nhìn của mình khi đó, mình chỉ thấy khách sạn là nơi tiếp xúc được với nhiều người nhất trong thời gian ngắn nhất. Thế là mình lên đường. Tất nhiên, bây giờ mình đã trải nghiệm nhiều hơn mình 17 tuổi một chút, hiểu biết hơn một chút. Cách nghĩ hồi đó của mình không sai, chỉ đơn giản là qua thời gian, mình trở nên hiểu bản thân và môi trường xung quanh hơn.
Vậy tại sao mình chọn học QTKS?
#1. Thị trường
Khi mùa đến, tất cả các khách sạn trong khu vực đều kín phòng, các khách sạn thì mọc lên như nấm và vẫn còn mọc dài dài với số phòng lên đến hàng trăm, hàng nghìn tại mỗi cơ sở. Sự phát triển của chất lượng nhân lực không theo kịp với sự phát triển của đơn vị sơ sở lưu trú nên cơ hội cho ngành QTKS tại Việt Nam là rất lớn.
Bởi thị trường rất non, người làm trái ngành rất nhiều, trước mắt trong rất nhiều năm tới nữa mình không cần phải lo lắng đến sự bão hòa của ngành ở Việt Nam. Dù không phải là lứa đầu tiên, mình vẫn được coi là thuộc nhóm đi tắt đón đầu của thế hệ, vì đào tạo ngành QTKS tại Việt Nam cũng mới phổ biến chưa lâu.
Hơn nữa, tại sao chủ đầu tư các khách sạn cao cấp tại Việt Nam là người Việt, nhưng người nắm giữ các vị trí điều hành cấp cao khách sạn đều là người nước ngoài? Bởi vì chúng ta không giỏi bằng họ? Không, mình không tin điều đó. Chúng ta chỉ đi sau họ, nên bây giờ chúng ta đang mượn kĩ năng của họ để nâng cao kĩ năng của chính mình thôi.
Tiềm năng lớn thế, tại sao không?
#2. Yêu cầu công việc
Quản trị khách sạn, đặc biệt là đối với thị trường cao cấp, yêu cầu rất cao về kĩ năng mềm, trong khi kĩ năng cứng của ngành không có mấy. Đối với mình, kĩ năng cứng là điều mình luôn có thể học, không lúc này thì lúc khác. Tuy nhiên, cơ hội để va chạm xã hội khi tuổi đời còn trẻ chắc chắn sẽ có ích cho mình về lâu dài trong bất kì tình huống nào.
Làm việc trong ngành QTKS, mình đã vỡ lẽ ra vô số bài học, ví dụ như hết sức kiên nhẫn và bình tĩnh để giữ hoà khí với đồng nghiệp và khách hàng dù máu mình đã leo lên đến tận não, cẩn trọng từng li từng tí trong mọi phát ngôn và đặc biệt lưu tâm đến yếu tố pháp lí, hay là cân bằng giữa việc công và việc tư.
Nhờ đặc trưng yêu cầu công việc như vậy, trải nghiệm là câu trả lời chắc chắn nhất cho năng lực. Thời gian là một phần của trải nghiệm đó, nhưng không phải là tất cả. Đó cũng chính là cái hay của ngành, rằng một người có 20 năm kinh nghiệm chưa chắc đã đủ can đảm để đảm đương một trọng trách lớn hơn một người có 5 năm kinh nghiệm. Trải nghiệm, ngoài thời gian ra, còn cần một tư duy cởi mở và lòng kiên định với kết quả cuối cùng. Tư duy cởi mở là để nghênh đón những thay đổi, cả tích cực lẫn tiêu cực. Kiên định với kết quả cuối cùng là dù bạn có đưa ra quyết định gì đi chăng nữa, bạn cũng không xa rời giá trị cốt lõi.
#3. Tham vọng
Chắc chỉ cần đọc một vài bài đăng, bạn cũng có thể đoán ra điều này. Lựa chọn ngành QTKS giúp mình khắc phục được điểm chưa mạnh của bản thân khi đó là kĩ năng mềm, đồng thời mình biết khả năng quan sát và tư duy logic của mình so với mặt bằng chung ở Việt Nam cũng thuộc dạng khá, nên việc thăng tiến nhanh và chắc chắn đã nằm sẵn trên con đường mình vẽ ra.
Với tham vọng đó, mình đã vạch hết kế hoạch và chiến lược để đạt mục tiêu nhanh nhất có thể. Thực tế cũng cho thấy những toan tính của mình hoàn toàn không sai, khi mình đã giữ được vị trí Reservations Manager của khách sạn 5 sao quốc tế lúc mới 20 tuổi. Đồng thời, thực tế cũng cho thấy, rõ ràng là thị trường khách sạn tại Việt Nam tiềm năng cho người trẻ là rất lớn.
Tham vọng + Kiên định + Chiến lược = Hoàn thành mục tiêu
Nhờ đặc tính của ngành, đặc biệt là đối với thị trường cao cấp, nếu bạn không có một kĩ năng cứng nào quá hoàn thiện như bạn học các môn khoa học không tốt lắm, bạn không có năng khiếu nghệ thuật, bạn không có lực để làm việc chân tay nhiều, v.v… thì tập trung vào kĩ năng mềm là dễ nhất. Có thể bạn sẽ mất một ít thời gian ở giai đoạn đầu sự nghiệp loay hoay tìm phương pháp phù hợp với bản thân. May mắn là, đối với tất cả mọi người, chỉ cần đảm bảo yếu tố trải nghiệm kể trên, thăng tiến sẽ đến, ít nhất là từ thời điểm hiện tại đến tương lai gần, vì thị trường ngành khách sạn của Việt Nam vẫn còn rất nhiều, rất rất nhiều tiềm năng phát triển.
Nếu bạn không thích môi trường văn phòng ôm máy tính làm đi làm lại có mấy thứ từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, QTKS có thể sẽ phù hợp với bạn. Mỗi ngày bạn sẽ gặp hàng trăm người khác nhau, họ kể cho bạn hàng trăm câu chuyện khác nhau. Bạn sẽ học được cách trở nên điềm đạm hơn, biết để ý đến người khác hơn. Chỉ riêng về tính cách, bạn cũng đã tốt hơn bao nhiêu rồi.”
(Từ: Linh Jannetta Le,
Group Nghề Khách sạn - Sinh viên & Người mới vào nghề)
Tại sao bạn chọn học ngành Quản trị khách sạn?
Linh Jannetta Le chọn học QTKS vì muốn được ở trong guồng quay thay đổi liên tục của thời thế thay vì đi theo một con đường cổ điển theo truyền thống gia đình. Và QTKS hội tụ đủ tiềm năng phát triển và tham vọng thăng tiến cũng như rèn tính cách, tạo trải nghiệm cực kỳ đặc biệt mà không phải ngành học hay nghề nghiệp nào cũng có thể mang lại được.
Còn bạn, tại sao bạn chọn học ngành QTKS?
Phía dưới bài đăng của tác giả, hàng trăm bình luận về lý do chọn học ngành này được chia sẻ. Trong đó, có thể kể đến:
- Vì thích
- Vì mơ ước học xong được làm quản lý lương cao
- Vì được người thân “xúi”
- Vì không còn hay không biết học ngành nào nên chọn bừa
- Vì không biết sẽ có Covid :D
- Vì thích đồng phục ngành với nữ áo dài, nam vest
- Vì dễ xin việc
- …vv…
Có bạn chia sẻ thật lòng, cũng có bạn trả lời cho vui. Xong, qua đây nhận ra rằng, bạn trẻ ngày nay có phần hời hợt và thiếu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Đa số đều chưa định hình được mình sẽ học gì với ngành đó hay định hướng công việc tương lai ra sao sau tốt nghiệp. Ai cũng ôm mộng làm “ông này bà kia”, “trưởng bộ phận A”, “quản lý nhà hàng C”… mà không biết rằng muốn điều hành và giao việc cho người khác, trước hết mình phải bị điều hành và bị giao việc đã. Tức để làm quản lý, giám sát phải bắt đầu từ vị trí nhân viên.
Tiêu chí nào giúp bạn chọn ngành học phù hợp?
Mỗi người sẽ có lý do để chọn ngành học và vin vào đó để đi đến cùng suốt 3-4 năm dài đằng đẳng. Tuy nhiên, để ngành học được chọn là phù hợp cần trả lời được các câu hỏi sau đây:
- Đó có phải là ngành bạn thích học, để đủ say mê theo đuổi đến cùng hay không?
- Ngành học này có nhiều tiềm năng xin việc và cho chế độ phúc lợi hấp dẫn không?
- Theo học ngành học đó bạn có chắc chắn mình đủ khả năng chi trả học phí và các chi phí khác liên quan không?
- …
Đúng là ngành du lịch - khách sạn nói chung từng "chết yểu" vì Covid. Nhiều nhân sự nghề dù nhiệt huyết và yêu nghề cũng đã "dứt áo ra đi". Không ít bạn trẻ lo sợ thất nghiệp nên e dè chọn học những ngành liên quan đến khách sạn - du lịch nữa. Tuy nhiên, tiềm năng phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nghề vẫn còn đó. Đặc biệt, du lịch Việt đang chính thức mở cửa hoàn toàn từ tháng 3/2022 cho thấy nỗ lực rất lớn của các Bộ, ngành, lãnh đạo doanh nghiệp và một bộ phận Hotelier giàu hy vọng.
Học ngành nào cũng được, làm công việc gì cũng được miễn bạn có niềm yêu thích và say mê học tập, giàu hoài bão và khát vọng làm việc, vững quyết tâm và đủ đam mê cống hiến sẽ nhất định thành công!
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên