“Lớn lên đừng làm nghề như cô chú đó nghe con!” – Câu nói “xát muối” nhân sự nghề khách sạn – nhà hàng

Kim chỉ nam của ngành dịch vụ xem “Khách hàng là thượng đế” – tức là phải luôn tôn trọng khách, nhưng nếu có những "thượng đế" buông lời dạy con kiểu như là: “Con ăn no vào – ráng học cho giỏi, lớn lên đừng làm nghề như cô chú đó nghe con!” mà vô tình hoặc hữu ý nghe được - thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào?

“Lớn lên đừng làm nghề như cô chú đó nghe con!” – Câu nói “xát muối” nhân sự nghề khách sạn – nhà hàng

Nghề dịch vụ ơi! – Bạn đang ở đâu trong xã hội này?

(Ảnh nguồn InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort)

► Định kiến nghề nghiệp và hệ tư tưởng “cũ mềm”

Vạn điều trong đời sống, nếu có cái mới – ắt hẳn đã có cái cũ tồn tại trước đó, có cái tân tiến – thì cũng có cái lạc hậu. Cách nhìn nhận – quan điểm về nghề nghiệp trong xã hội cũng vậy.

Bây giờ đã là bối cảnh của thế kỷ XXI, thế nhưng vẫn có không ít người mang trong mình những định kiến nghề nghiệp do ảnh hưởng từ hệ tư tưởng cũ – xem thường các công việc lao động chân tay. Với họ, những người làm công việc như là bưng bê phục vụ, dọn buồng khách sạn, mở cửa cho khách vào nhà hàng, xách hành lý… đều là những công việc tầm thường – dùng từ “chua xót” hơn là hạ cấp. Và luôn xem những công việc lao động trí óc, mang tính “ổn định” như bác sĩ, kỹ sư, giảng viên… mới thực sự là cao quý.

Chính vì mang những định kiến “ăn sâu” như thế – cho nên, nhiều khách hàng chẳng ngại ngần buông lời xem thường để nói về những nhân viên làm trong ngành dịch vụ khách sạn – nhà hàng. Nhưng điều tai hại là tư tưởng đó đang được truyền dạy cho thế hệ sau…

Có bạn cũng chia sẻ: “Ngày xưa hồi đi thi Đại học đã nghe mấy ông bà dặn con học hành cho tử tế không đứng đường giống mấy anh chị này (mấy anh chị sinh viên tình nguyện) đã thấy choáng vì cách nghĩ đó, giờ có những người nghĩ ngợi kiểu này thì gọi là hạn hạn lời.”

► Nghề nào rồi cũng sẽ bán một thứ gì đó...

R.L Stevenson đã từng nói: “Suy cho cùng, mọi người đều sống - nhờ bán một thứ gì đó”. Chị công nhân may dùng tay nghề may áo quần để đổi lấy tiền. Thầy giáo dùng kỹ năng sư phạm - kiến thức để kiếm tiền. Một Designer dùng óc sáng tạo, kỹ năng sử dụng phần mềm để có tiền. Còn nhân viên lễ tân dùng nghiệp vụ nghề - nụ cười và thái độ tận tâm để nhận tiền…

“Lớn lên đừng làm nghề như cô chú đó nghe con!” – Câu nói “xát muối” nhân sự nghề khách sạn – nhà hàng

Nhân viên lễ tân kiếm thu nhập chính đáng từ sức lao động của mình

(Ảnh nguồn Central Hotel & Spa Đà Nẵng)

Xét cho cùng thì mọi nghề nghiệp đều mang tính chất trao đổi như thế thì thật không công bằng khi xã hội coi trọng ngành này mà hạ thấp ngành kia. Khi một người làm việc để có chi phí trang trải cho các nhu cầu cá nhân, hoạt động sống hàng ngày – nuôi dưỡng những cá nhân khác – hỗ trợ gia đình – tuân thủ pháp luật – đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội thì chẳng có lý do gì để xem thường một nghề nghiệp nào cả.

► Theo nghề dịch vụ khách sạn – nhà hàng, có gì sai?

Thử đặt một câu hỏi nhé: Nếu không có bạn trẻ nào chịu làm ngành dịch vụ du lịch thì chắc khách sạn – nhà hàng ở Việt Nam sẽ đóng cửa hết? Và ai là “nhân vật chính” thực hiện mục tiêu: “Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.” đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành từ năm 2013.

Rõ ràng, ngành dịch vụ khách sạn – nhà hàng đang đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Thế thì có gì sai khi nhiều bạn trẻ chọn một ngành có vô vàn việc làm và nhiều cơ hội thăng tiến?

Dù theo học Đại học - Cao đẳng ngành Quản trị khách sạn hay Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống – thì ra trường tìm việc khách sạn, nhà hàng – ứng viên cũng không được tuyển dụng vào các vị trí Quản lý ngay mà phải bắt đầu từ những vị trí ở cấp bậc nhân viên như: lễ tân, nhân viên F&B... Dần dà, khi thực sự hiểu nghề, trang bị cho mình những kiến thức – kỹ năng cần thiết, người làm nghề sẽ thăng tiến dần lên. Và một ngày nào đó, hoàn toàn có thể trở thành Giám đốc khách sạn nếu thực sự có chí lớn, song hành cùng sự nỗ lực - quyết tâm.

“Lớn lên đừng làm nghề như cô chú đó nghe con!” – Câu nói “xát muối” nhân sự nghề khách sạn – nhà hàng

Tương lai, bạn hoàn toàn có thể trở thành một Giám đốc khách sạn như thế (Ảnh nguồn Internet)

► Không có nghề cao quý, chỉ có những người cao quý trong nghề nghiệp mà thôi...

Với 3 phần được Hoteljob.vn chia sẻ trên đây có lẽ cũng khiến những bạn lễ tân, anh xách hành lý, chị buồng phòng, em phục vụ bàn… bớt chạnh lòng đôi chút khi nghe câu nói “xát muối” đó của những vị “thượng đế mang tư tưởng cũ mềm”. Vì chẳng thể nào cãi tay đôi hay đánh nhau với khách, nên thôi – bạn hãy cứ xem như “họ đang đi sau thời đại”. Bạn hãy cứ tự hào về nghề nghiệp mình, dùng sự tận tâm để đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, luôn nỗ lực học hỏi để tự tạo cơ hội thăng tiến cho bản thân. Và nên nhớ luôn làm nghề với cái tâm trong sáng – đừng tư lợi cá nhân bởi “Không có nghề cao quý, chỉ có những người cao quý trong nghề nghiệp mà thôi...”

Ms. Smile

Tags:
“Lớn lên đừng làm nghề như cô chú đó nghe con!” – Câu nói “xát muối” nhân sự nghề khách sạn – nhà hàng
4.7 (497 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN