MỤC LỤC
Đó là câu chuyện thành công của Giáo sư - Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành, giảng viên trường Đại học Utah, Hoa Kỳ, nhà khoa học lừng danh ở Mỹ với nhiều công trình nghiên cứu và hàng trăm bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ít ai biết rằng, trước khi trở thành niềm hãnh diện của người Việt trên đất Mỹ, ông Trương Nguyện Thành từng là cậu bé bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp, Sài Gòn.
Tuổi thơ cơ cực, phụ mẹ nuôi 9 anh chị em
Trương Nguyện Thành sinh năm 1961 tại Quy Nhơn, Bình Định trong một gia đình luôn vật lộn với cái nghèo dai dẳng. Năm 11 tuổi, thay vì được vui chơi tận hưởng tuổi thơ tươi đẹp như bao bạn nhỏ cùng trang lứa, cậu bé Thành đã phải bắt đầu tập bươn chải, mưu sinh để kiếm tiền phụ mẹ nuôi 9 anh chị em sau khi cha bị liệt bán thân không còn khả năng lao động.
Hàng ngày, cứ sau giờ tan học, Thành lại chạy quanh bến xe lam chợ Gò Vấp với thùng thuốc lá trên vai rao bán - mời chào khách từ giữa trưa đến tận 9, 10 giờ tối.
Đến năm 1976, gia đình Thành rời Sài Gòn chuyển xuống Lái Thiêu theo chiến dịch đưa cư dân ra các vùng kinh tế mới và xoay sở có được một miếng ruộng nhỏ cùng một cặp trâu - Thành bỏ nghề bán thuốc lá dạo rồi chuyển sang cày thuê cuốc mướn, lúc đấy, cậu 15 tuổi. Tuy nhiên, mọi vất vả, khó nhọc đều không làm lung lay ý chí quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để đổi đời.
Bước ngoặt thay đổi cuộc đời nhờ những người Thầy có tâm
“Tôi có tư duy thích học, những lúc rảnh rỗi, tôi thường lấy sách ra đọc. Chỉ có môn toán là tôi học được vì nó không đòi hỏi tập trung nhiều. Cứ rảnh là tôi lại ngó qua một cái rồi sau đó để cái đầu làm việc. Tôi được sự dạy dỗ của ông nội và ba tôi: học vấn là con đường ngắn nhất để đưa một người không có gì tới thành công.”- GS.TS Thành chia sẻ
Những buổi tối sau giờ làm ruộng, Thành đều đốt đèn dầu đọc sách từ 9 giờ tối đến tận 12 giờ đêm.
Và rồi, con đường học vấn của anh bắt đầu rẽ bước ngoặt từ một đáp án dí dỏm trước câu hỏi của Thầy đố các học sinh giỏi. Ấn tượng trước sự thông minh của Thành, Thầy đã soạn đưa anh một số sách để tham khảo, đồng thời bảo anh đọc cho biết rồi tới dự lớp thầy dạy cho các học sinh giỏi dự thi toán. Tuy nhiên, vì vấn đề hạnh kiểm không tốt, cô hiệu trưởng không cho Thành đi thi học sinh giỏi. Thầy đã lén đưa Thành đi theo đội tuyển, kết quả Thành thi đậu, rồi được vào danh sách học sinh giỏi toán của tỉnh Bình Dương. Nhận thấy con trai có tiềm năng, ba Thành khi ấy khuyên anh nên nghỉ đi cày thêm và tập trung vào việc học. Cùng với đó, ông tìm hướng đi mới cho Thành
.
Năm 19 tuổi, Thành thi đậu ĐH Bách Khoa, nhưng lại quyết định vượt biên tìm cách sang Mỹ và được một gia đình người Mỹ bảo trợ. Sau 1 năm học trung học để hòa nhập và học tiếng Anh, anh rời đi để bắt đầu cuộc sống tự lập từ năm nhất Đại học.
Để trang trải các sinh hoạt phí lúc đó, thay vì đi phụ việc ở nhà hàng, tiệm giặt ủi hay đi giao báo, anh tìm đến một người thầy và xin được theo chân làm việc trong phòng thí nghiệm để tập làm quen ngay với công việc nghiên cứu (một công việc thường bắt đầu ở bậc cao học). Số tiền kiếm được chỉ đủ trang trải các khoản chi phí thông thường hàng ngày; còn học phí chủ yếu nhờ vào các khoản vay từ nguồn quỹ dành cho sinh viên và học bổng của chính phủ.
Sau 4 năm đại học, Thành ra trường với tấm bằng cử nhân Hóa học cùng 4 văn bằng phụ về Lý - Toán - Công nghệ thông tin - Thống kê. Rồi đi thẳng vào chương trình Tiến sĩ. Thời gian này, anh tiếp tục dành được học bổng của Quỹ Khoa học Quốc gia dành cho các tiến sĩ trẻ có tiềm năng nhất nước vì sở hữu tận 16 bài báo khoa học trong khi trung bình một tiến sĩ khi ra trường sẽ phải xuất bản 4-5 bài.
Năm 1992, Tiến sĩ Thành về làm Giáo sư Hóa cho trường ĐH Utah của Mỹ. Một năm sau, ông được chọn là 1 trong những nhà khoa học trẻ triển vọng của Hoa Kỳ và nhận được 500 ngàn đô-la cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, ông được cấp bằng Giáo sư cao cấp (bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo sư của Mỹ)
Ba yếu tố giúp người trẻ thành công và đổi đời
Khi được hỏi những yếu tố nào giúp một cậu bé nghèo khó từng sống ở đáy xã hội Việt Nam với nghề bán thuốc lá dạo, đi cày ruộng thuê lột xác để đổi đời thành nhà khoa học danh tiếng tại Mỹ, GS.TS Trương Nguyện Thành không ngần ngại chia sẻ:
“Có 3 yếu tố giúp người trẻ thành công. Đó là: thứ nhất, người đó phải có tiềm năng trời phú – thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển – thứ ba, họ phải nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không. Bạn phải hiểu rằng, tiềm năng chỉ là khả năng, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có môi trường để phát triển, môi trường không cho phép người đó phát triển thì cũng không làm được. Bằng chứng là người Việt ở Mỹ hay ở các nước khác đều thành công rất cao, trong khi ngay tại Việt Nam lại không có những tài năng như vậy.”
Ngoài ra, một điều quan trọng nữa, rằng người có tiềm năng, có môi trường nhưng không nhận thức được cơ hội của mình và quyết tâm đạt được cơ hội đó thì cũng coi như hỏng.
“Lấy ví dụ thực tế về cuộc đời tôi. Khi tôi bước chân vào trung học ở Mỹ, có một cậu thanh niên khác cũng vượt biên giống tôi, đi một mình và cũng được một gia đình Mỹ bảo lãnh, nhà cậu ta ở gần nhà tôi. Khi tới Mỹ, tôi và cậu ấy có cùng một cơ hội như nhau.
Tôi vào đại học. Cậu ta làm việc cho một hãng gà Tây và kiếm được tiền liền.
Một năm sau, tôi về thăm ba mẹ nuôi và ghé qua thăm cậu ấy. Kết quả anh ta khoe vừa có được chiếc xe hơi - tôi lúc đó vẫn chưa có gì.
Sau 4 năm đại học, tôi trở về, anh ta vẫn làm công việc đó và có được 1 căn hộ, TV lớn, dàn máy xịn, xe hơi sports - tôi vẫn chỉ một thùng sách quèn.
Sau 5,6 năm tôi trở về, vẫn công việc cũ nhưng anh ấy nói có lẽ phải đổi nghề vì đau nhức xương khớp tay - tôi sắp ra tiến sĩ và đạt được lần lượt các thành tựu như bạn biết đó.”
Ai cũng có ước mơ thành công, nhưng chỉ những người chịu khó nỗ lực mới tới được đích đến
Thành công trên đất Mỹ, song song với việc giảng dạy tại trường Utah, GS. Thành trở về Việt Nam và giúp thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP.HCM năm 2009 sau lời mời của ông Nguyễn Thiện Nhân (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó), đảm nhận chức Viện trưởng phụ trách chiến lược phát triển về khoa học, kêu gọi những người khác về giúp phát triển Viện nghiên cứu.
Ngoài ra, từ năm 2001, ông còn nhận bảo trợ trên dưới 20 sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng nguồn quỹ nghiên cứu của chính mình, nhiều người trong số đó đã trở về giúp ông lập và phát triển Viện nghiên cứu nước nhà.
Được biết, ý định này xuất phát từ lời hứa "thành công sẽ về giúp người khác" của ông khi còn đi cày mướn, đây cũng là hành động truyền cảm hứng cho rất nhiều học trò của ông về việc trao cơ hội cho những người trẻ xứng đáng. “Một con én không làm nên nổi mùa xuân. Tôi chỉ là người mở đường, gieo những hạt giống. Những người khác bước chân theo, làm cho con đường đó rộng ra, nhẵn thêm và dễ đi hơn.” TS. Thành chia sẻ.
Ông còn cho biết thêm: “Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ đến các sinh viên ở Việt Nam rằng trên đời này, cái gì cũng có giá phải trả. Nếu muốn thành công, bạn phải chấp nhận trả cái giá đó. Thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Bạn phải thực sự quyết tâm vượt khó vươn lên, sẵn sàng trả giá cho con đường mình đã chọn.”
Thế mới thấy, để thành công như ngày hôm nay, GS.TS Trương Nguyện Thành đã phải nỗ lực và quyết tâm như thế nào, ông gần như vượt qua định kiến và những rào cản bất công, vươn lên từ dưới đáy xã hội Việt Nam để trở thành tài năng trên đất khách, trở thành niềm hãnh diện của người Việt và là tấm gương sáng đáng khâm phục để người trẻ Việt noi theo.
Ms. Smile
(Tư liệu bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên