Khi phụ nữ dân tộc Thái làm du lịch: Chăm “trái ngọt” dành tặng cộng đồng

Quy trình phục vụ bài bản, tác phong phục vụ chuyên nghiệp… nếu không giới thiệu, ít ai ngờ những nhân viên phục vụ tại Homestay Mường Lay là người dân tộc thiểu số. Hơn nữa, chị Lù Thị Toản chính là cá nhân tiên phong gây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tính đến hiện tại là duy nhất tại bản Quan Chiêng (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên).

— o0 0o —

Nghỉ việc đổi nghề tìm thách thức mới

Nhân vật chia sẻ câu chuyện thành công lần này của Hoteljob.vn là chị Lù Thị Toản, 31 tuổi, hiện sống tại bản Quan Chiêng, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. 

Trước khi làm du lịch, chị Toản từng học Cao đẳng điều dưỡng, ngành điều dưỡng đa khoa và làm công việc này được 6 năm thì xin nghỉ để tập trung làm du lịch. Hỏi lý do nghỉ công việc cũ đã gắn bó khá lâu để chuyển sang một mảng hoàn toàn mới lạ với mình, chị bảo do công việc cũ bị gò bó thời gian, phải làm việc theo giờ hành chính khiến chị thấy bị nhàm, chưa kể mức lương không đủ, cũng không tương xứng với sự cống hiến của bản thân... Thế nên, chị quyết định vượt ra khỏi vùng an toàn để tìm kiếm sự mới lạ - làm du lịch và cứ thế, công việc mới làm chị bị cuốn theo lúc nào không hay.

“Là một Hotelier hoàn toàn mới, tôi chưa từng làm qua công việc nào trong nghề khách sạn, vì thế từ kiến thức cho đến kinh nghiệm, kỹ năng gần như ở vạch xuất phát hết. Do đó, để làm việc được và làm việc hiệu quả, tôi đã tự tìm tòi và không ngừng học hỏi từ các nguồn trên mạng lẫn người trong ngành thông qua các mối quan hệ ngoại giao được giới thiệu. Thêm nữa, phần nào cũng nhờ vào sự may mắn là gặp thế gặp thời nên chuyện kinh doanh khởi nghiệp được coi là khá suôn sẻ.”

câu chuyện thành công của homestay mường lay - emagazinehoteljob

Làm du lịch từ những điều kiện sẵn có

Khi được hỏi: Tại sao chị lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng thay vì những loại hình phổ biến khác? - chị Toản tự tin đáp: Vì mô hình này phù hợp với địa phương và phát huy được giá trị sẵn có về văn hóa bản địa. 

Chị chia sẻ thêm: Tôi biết đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) vào cuối năm 2021 sau lớp tập huấn nâng cao năng lực về DLCĐ của Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên kết nối tổ chức. Qua đó, tôi được đi thực tế tại các điểm Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa… - những nơi đã làm DLCĐ từ rất lâu. 

Nhận thấy Mường Lay cũng có cảnh quan rất đẹp và hữu tình: Có sông, có núi, có nét văn hóa đậm bản sắc văn hóa Thái (ngành Thái Trắng) - bản thân lại là người Thái gốc bản địa tại thị xã Mường Lay khiến tôi ấp ủ và mong muốn dựa vào cái sẵn có như cảnh quan, văn hoá dân tộc riêng biệt (đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 60%), lợi thế có cả một cộng đồng với nếp nhà sàn, mái ngói lợp đá đen tạo điểm nhấn…

Từ đó, bản thân đã luôn không ngừng tự tìm hiểu kiến thức và học hỏi từ nhiều nguồn để có thể hiểu rõ về mô hình hoạt động DLCĐ, áp dụng vào thực tế địa phương sao cho phù hợp và hiệu quả.

Nói về phản ứng của người dân bản địa khi nghe chị trình bày ý tưởng cải tạo để làm du lịch, chị cho hay họ tuy không phản đối gay gắt nhưng hưởng ứng ngay cũng không hẳn: "Bởi trong họ chắc còn lăn tăn và hoang mang nhiều thứ". Tuy nhiên, chị và người dân đã phối hợp tương đối tốt sau đó. Sau này, khi gặt hái được thành quả (như: Có việc làm ổn định, có khách phục vụ, có lương để nhận hàng tháng…) thái độ giờ đây của họ rất phấn khởi và vui mừng, cùng với đó là kỳ vọng đón khách đến thị xã ngày càng đông hơn.

câu chuyện thành công của homestay mường lay - emagazinehoteljob

Thế nhưng, vẫn còn đó những khó khăn và rào cản, như: nhà cửa chưa chỉnh trang một cách chỉn chu; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là chăn, ga vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Thêm nữa là chuyên môn lao động chưa cao, tuổi lao động hiện tại cũng tương đối lớn nên đôi khi cái nhiệt và lửa nghề mà chị muốn lan tỏa chưa thể truyền cảm hứng mạnh mẽ đến mọi người. 

“Các bạn trẻ tại Mường Lay hiện nay đều có học vấn cao hơn trước rất nhiều nhưng lại thiên về công việc làm tại công ty, ở thành phố lớn hoặc đi xuất khẩu lao động vì thế mà hầu hết đều chưa có hứng thú, thậm chí chưa định hình được công việc làm du lịch…”

Những trái ngọt đầu tiên

Nhớ lại những ngày đầu đón khách, chị Toản kể:

Dịp Tết Dương lịch năm 2022, Mường Lay tổ chức lễ hội đua thuyền hàng năm (T12/2022 - T01/2023) - kết hợp tổ chức Giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia. Là thị xã nhỏ hẹp, lần đầu tiên tổ chức sự kiện lớn nên vấn đề nan giải là sắp xếp khu lưu trú cho vận động viên và quan khách đến với Mường Lay dịp đặc biệt này.

Khi đó, chị Toản đã mạnh dạn kêu gọi, động viên bà con trong bản Quan Chiêng và các hộ gia đình bản lân cận chỉnh trang dọn sạch nhà cửa để có thể đón được khách.

Kết quả, cộng đồng bản đón được gần 1.000 lượt khách, phục vụ ăn + ngủ và trải nghiệm văn hóa vào dịp này.

Từ lần đón khách đầu tiên đó đã thôi thúc chị tiếp tục chỉnh trang nhà sàn sẵn có của mình để có thể đón khách thường xuyên khi xu hướng khách du lịch nghỉ tại cộng đồng đang nhiều, vừa chuyển đổi phục vụ kinh tế, vừa lưu giữ và phát huy được nét văn hóa bản địa, đặc biệt nâng cao được nếp sống cho bà con, giải quyết được việc làm, tạo ra và tăng thu nhập cho nhiều lao động là dân địa phương. Có khách ghé thăm thì bà con cũng bán được sản phẩm sản vật tự sản xuất, đội văn nghệ bản được giao lưu và quảng bá văn hóa Thái Trắng riêng có của thị xã Mường Lay… 

“Quá nhiều tác động tích cực nhận lại từ phát triển du lịch cộng đồng tại Mường Lay, thế nên tôi luôn tin hướng đi này của mình đang đúng!”

Nói về những con số biết nói cho thấy thành công khi làm du lịch, chị Toản bật mí: doanh thu hàng tháng của Homestay Mường Lay vào khoảng 40 - 50 triệu đồng. Nhân viên cố định 2 - 3 người, nhân viên theo thời vụ khoảng 8 - 10 người cho riêng cơ sở. Thời điểm lượng khách cao thì sẽ có cả đội văn nghệ và hướng dẫn viên tham gia các tour trải nghiệm địa phương. 

“Khách thường sẽ đi tour theo công ty hoặc cũng có thể tự đi theo tuyến: Tp - A pa chải - Mường Lay - Tủa Chùa. 

Khách từ Hà Nội lên mất 10 - 12 tiếng và dừng chân tại Mường Lay nghỉ ngơi trước khi tiếp tục hành trình.

Mường Lay có 2 mùa vụ du lịch, là: mùa nước cạn (từ tháng 4 - tháng 8) và mùa nước nổi (từ tháng 9 - tháng 3 sang năm). Thế nên, khách đến với Mường Lay sẽ tùy vào mùa vụ, thời điểm mà có các hình thức trải nghiệm khác nhau. Về thức ăn chủ yếu tại đây sẽ là ẩm thực Tây Bắc (đặc trưng của dân tộc Thái Trắng), gồm: tôm, cá bắt lên từ hồ sông Đà…” 

câu chuyện thành công của homestay mường lay - emagazinehoteljob

Trong quá trình khởi nghiệp và thành công cho đến hiện tại, sự kiện đáng tự hào nhất với bản thân chị là đã nhận đón gần 200 khách lưu trú và ăn uống trong 2 ngày (chia sẻ và vận động các hộ gia đình lân cận cùng đón khách), tạo việc làm và kết nối các chị em nấu cơm phục vụ ăn uống cho khách, rồi tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị khác xoay quanh bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái. Kết quả, khi khách check-out đã có ấn tượng rất tốt; cũng đã có khách cũ trong nhóm đó quay trở lại vì ấn tượng và nhớ mảnh đất, con người Mường Lay. 

Song song với thành tựu cũng tồn tại những sự cố lớn nhỏ xảy đến: từng có khách bị thương chảy máu - chính chị đã xử lý băng bó và cầm máu cho khách; có khách thì gặp vấn đề sức khỏe, cũng chính chị dẫn khách đến cơ sở y tế gần nhất để khám và chữa trị kịp thời… Nghĩa là, kinh doanh dẫu có khó khăn và trục trặc nhưng may mắn mọi chuyện đều được giải quyết êm đẹp nên không có hệ lụy nào tồn đọng. 

Đặt ra nhiều kỳ vọng không chỉ cho bản thân, mà cho cả cộng đồng bản địa

Ấp ủ làm du lịch chuyên nghiệp và chỉn chu, chị Toản kết nối với chính quyền địa phương mời chuyên gia về tập huấn nâng cao kiến thức cho các hộ gia đình có nhu cầu và mong muốn làm du lịch, giống chị. Bản thân chị cũng được chính quyền hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, tạo điều kiện chỉ dẫn đăng ký các thủ tục pháp lý liên quan đến cơ sở lưu trú, hỗ trợ giới thiệu, kết nối gặp gỡ học hỏi khi có các đoàn famtrip lên làm việc…

Mới đây, với ý tưởng: Phát triển du lịch cộng đồng gắn liền Du lịch xanh và bền vững tại cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp diễn ra hồi tháng 5/2024 - chị Lù Thị Toản đã xuất sắc đạt Giải Nhất. Sau cuộc thi, ý tưởng nhanh chóng được đưa vào thử nghiệm thực tế, mang ấp ủ hiện thực hóa thành lập hợp tác xã (HTX) DLCĐ mang tên “Homestay Mường Lay”. 

“Hiện tại đã có 10 hộ gia đình cung cấp dịch vụ lưu trú và ẩm thực nhưng hầu hết đều mang tính tự phát, rời rạc chưa có tính liên kết, cơ sở vật chất để phục vụ khách chưa đạt tiêu chuẩn. Đội ngũ phục vụ chưa qua đào tạo, bồi dưỡng và kinh nghiệm phục vụ chưa nhiều.

Tại địa phương vẫn còn nhiều phụ nữ không có công ăn việc làm ổn định. Với mục tiêu đề ra tạo việc làm cho hơn 100 hội viên phụ nữ nhận mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người.

Vì thế, mong muốn bản thân sẽ là người tiên phong đưa mô hình HTX kết nối bà con hoạt động kinh doanh du lịch một cách có hiệu quả, không còn mang tính tự phát rời rạc, không có tính liên kết như hiện tại nữa; thay vào đó phải thật sự chỉn chu và chuyên nghiệp.”

câu chuyện thành công của homestay mường lay - emagazinehoteljob

Phụ nữ làm du lịch: sinh tồn bằng bản năng hay dựa vào bản lĩnh

Hiện tại, với mô hình hay cơ sở làm DLCĐ tại thị xã Mường Lay thì cơ sở của chị - HTX Homestay Mường Lay là duy nhất. Chị Toản cũng là cá nhân tiên phong phát triển du lịch - lãnh đạo điều hành trong mảng DLCĐ tại địa phương và bước đầu thu về nhiều thành công đáng ngưỡng mộ. 

Tại Mường Lay Homestay, tỷ lệ nam : nữ làm du lịch hiện tại là 20:80, phụ nữ vượt trội hơn cả. Thế mới thấy, du lịch cũng đang dần hướng đến bình đẳng giới trong công việc, ngoại giao và phát triển sự nghiệp, địa vị xã hội; tức không phân biệt giới tính nào (nam hay nữ), sống ở đâu (thành thị hay nông thôn), dân tộc gì (kinh hay dân tộc thiểu số khác)...

“Trong thời đại này, tại mảnh đất thị xã Mường Lay đã không còn tư tưởng trọng nam khinh nữ nữa. Mà có phân biệt đi chăng nữa cũng không phải là vấn đề tôi quan tâm và làm nhụt chí phấn đấu của bản thân. Với người mẹ đơn thân (đã ly hôn) phải tự chăm nuôi con và vừa làm kinh tế, từng bươn chải mọi vất vả khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ tủi thân hay nản chí với công việc mình đang làm, thay vào đó tôi tâm niệm: cứ khó ở đâu sẽ gỡ ở đó.

Hiện tại, động lực làm việc mỗi ngày của tôi là khách đến địa phương có nhu cầu lưu trú tại homestay và mình là cơ sở đầu tiên để tiếp đón khách, quảng bá kết nối được cho bà con tiêu thụ sản phẩm, có việc làm, có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần… Thế nên, cần phải nỗ lực hoàn thiện dịch vụ, cam kết phục vụ với chất lượng cao và chuyên nghiệp nhất. Bằng mọi cách, phải không ngừng học tập - thực hành nâng cao năng lực lãnh đạo, bồi dưỡng năng lực và nghiệp vụ cho nhân viên để hợp nhất từ tư tưởng làm nghề cho đến thái độ, tác phong phục vụ khách, có như thế, mới khiến khách hài lòng, ấn tượng, ghi nhớ và quay trở lại khi có dịp…”

câu chuyện thành công của homestay mường lay - emagazinehoteljob

— o0 0o —

Rõ ràng, nhìn từ câu chuyện làm du lịch của chị Lù Thị Toản, admin thấy rõ sự chỉn chu và tận tâm, chuyên nghiệp và có định hướng rõ ràng thay vì làm đến đâu học hỏi đến đó. Với khát khao và ấp ủ của bản thân, kỳ vọng mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, ý tưởng khởi nghiệp của chị đang từng ngày thành hình và phát triển, nhân rộng ra nhiều hộ gia đình và bản làng hơn, để du lịch không chỉ là một ngành nghề, công việc tạo ra việc làm và thu nhập cho con người - mà còn giúp gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa bản địa lâu đời đến bền vững, đúng theo định hướng phát triển du lịch xanh, hướng đến sự bền vững./.

--- o0 0o ---

- Viết bài & Thiết kế: Hồng Thy -

Hoteljob
29.06.2024

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC

BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC