MỤC LỤC
Bạn cần một số nguyên liệu cho món ăn sắp chế biến. Bạn tìm thấy nó và luôn để ý xem hạn sử dụng của từng loại thực phẩm ra sao? Bạn đột nhiên tò mò về những dòng chữ/ ký hiệu bên cạnh các con số về ngày/ tháng/ năm mà không hiểu liệu nó có ý nghĩa gì không? Vai trò của nó thế nào trong việc quy định hạn sử dụng của thực phẩm? Nếu chưa có nhiều thông tin, bài viết dưới đây của Hoteljob.vn sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Vai trò của ký hiệu Hạn sử dụng in trên bao bì sản phẩm
Bất kỳ đầu bếp hay người tiêu dùng nào khi sử dụng thực phẩm đều lưu ý đến hạn sử dụng (HSD) – mốc thời gian cụ thể hiển thị trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, kèm theo những con số về ngày/ tháng/ năm thì tồn tại không ít những ký hiệu chữ như “use by day”, “best before”, “expiry date”, “EXP”… quy định chi tiết hơn về thời hạn sử dụng từng loại thực phẩm chuyên biệt nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Sử dụng những thực phẩm quá hạn sử dụng tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người, gây ngộ độc hoặc ẩn chứa mầm bệnh, nhất là những thực phẩm đã bị bốc mùi, ẩm mốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia và đầu bếp nổi tiếng cho rằng, quan niệm sử dụng thực phẩm quá HSD gây mất an toàn cho sức khỏe không thực sự đúng hoàn toàn; bởi những thông số này thực tế không liên quan đến rủi ro thực phẩm bị nhiễm độc hay các loại bệnh truyền qua thực phẩm và chúng vẫn có thể sử dụng được một thời gian nhất định tiếp đó nếu biết bảo quản đúng cách. Mặt khác, những NSX và HSD này chỉ để nói về “độ tươi” của thực phẩm, được các nhà sản xuất áp dụng nhằm nói rõ sản phẩm đó đảm bảo tươi ngon nhất trong khoảng thời gian nào; đồng thời đảm bảo họ không bị liên đới trách nhiệm nếu người dùng sử dụng hàng hết hạn và để lại hậu quả.
Ví dụ: một thực phẩm có ngày hết hạn là 20 thì không bao giờ nó bị hỏng ngay trong ngày 21 – hoặc trứng có thể dùng được từ 3-5 tuần sau khi mua nhưng hạn dùng của chúng luôn được khuyến cáo sớm hơn nhiều…
Thực tế là vậy, nhưng làm ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống, hàng ngày phải chế biến và phục vụ hàng trăm, nghìn thực khách; nhà hàng nói chung và các đầu bếp nói riêng cần đặc biệt lưu ý đến HSD để đảm bảo thực phẩm luôn đạt độ tươi ngon nhất – cho ra món ăn chuẩn vị và đẹp mắt nhất – đồng thời, hạn chế tối đa những sự cố, hậu quả không mong muốn gây hại đến sức khỏe người dùng cũng như thương hiệu, uy tín của nhà hàng. Một trong những lưu ý cần thiết nhất về HSD là đọc - hiểu ý nghĩa những ký hiệu chữ bên cạnh các con số hiển thị ngày/ tháng/ năm.
Đọc - hiểu ý nghĩa những ký hiệu hạn sử dụng của thực phẩm
Như đã trình bày ở phần trên, “use by date”, “best before”, “expiry day”, “EXP”… là những ký hiệu về HSD in trên bao bì sản phẩm thường gặp nhất. Vậy ý nghĩa của chúng là gì?
#Use by date (UB) – Chỉ sử dụng đến ngày…
Cụm từ “use by date - UB” thường được in trên bao bì của các loại thực phẩm tươi sống, có HSD ngắn và dễ hư hỏng như rau quả, sữa, cá hay thịt, pho mát mềm… Cụ thể, UB chỉ thời hạn sử dụng an toàn của thực phẩm hơn là chất lượng của nó, con số in trên bao bì đựng thực phẩm kèm thêm dòng chữ use by date khuyến cáo bạn không nên sử dụng (chế biến, ăn hay uống) các loại thực phẩm này kể từ sau ngày được ghi trên đó. Nếu cố gắng sử dụng những thực phẩm đã quá ngày UB thì nguy cơ cao người dùng bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bán những sản phẩm quá hạn UB cũng thuộc nhóm hành vi phạm pháp. Do đó, tốt nhất các đầu bếp vẫn nên vứt bỏ những sản phẩm đã qua mất ngày UB để đảm bảo an toàn sức khỏe cho thực khách và thương hiệu, uy tín của bản thân và nhà hàng.
#Best before/ Best before date (BB) – Sử dụng tốt nhất trước ngày…
Cụm từ “best before”/ “best before date – BB” thường được in trên bao bì các sản phẩm có thể bảo quản được lâu hơn như đồ hộp, đồ uống lạnh, thức ăn khô như bánh quy, ngũ cốc, trứng, sữa chua, nước sốt… nhằm ám chỉ đến cả chất lượng của thực phẩm hơn là độ an toàn của nó. Cụ thể, các loại thực phẩm sẽ có chất lượng sử dụng tốt nhất khi được dùng trước ngày ghi trên bao bì có kèm ký hiệu này – BB. Nếu cố gắng sử dụng sau ngày BB, thậm chí, thực phẩm vẫn có thể an toàn nếu chưa bị bốc mùi hay ẩm mốc nhưng sẽ không giữ được chất lượng về hương vị chuẩn vốn có hoặc không còn mềm, mịn như thời gian sử dụng khuyến cáo và dĩ nhiên, vẫn có khả năng gây ngộ độc, nhất là trứng nếu vẫn sử dụng sau ngày quy định quá lâu.
#Sell by/ Sell by date/ Display until – Chỉ được bày bán đến ngày…
Cụm từ “sell by”, “sell by date” hay “display intil” được sử dụng nhằm mục đích quản lý thời hạn bày bán/ trưng bày các mặt hàng cụ thể tại quầy của các cửa hàng, siêu thị… Những cụm từ này không hẳn chỉ ngày hết hạn vì có không ít thực phẩm vẫn có thể sử dụng được sau ngày ghi trên bao bì, tương tự như BB và tất nhiên, thực phẩm sẽ không đạt chất lượng tốt nhất sau ngày in.
#Expiry date/ EXP – Ngày hết hạn
Cụm từ “expiry date” hay “EXP” thường dùng cho những mặt hàng là các thực phẩm chức năng, đồ hộp, bánh quy đóng hộp… ám chỉ ngày được in trên bao bì sản phẩm chính là ngày mà sản phẩm đó thực sự hết hạn, tức không còn bất kỳ chất dinh dưỡng nào nữa, và dĩ nhiên, độ an toàn khi sử dụng cũng không đảm bảo. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia luôn khuyến cáo không nên sử dụng bất kỳ mặt hàng nào quá HSD in trên bao bì.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của Hoteljob.vn sẽ hữu ích với những đầu bếp mới vào nghề hay cả người tiêu dùng muốn hiểu thêm nhiều thông tin về sản phẩm, nhất là HSD để luôn đảm bảo cả chất lượng và độ an toàn của thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dùng.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên