Kẻ mất việc, người giảm ca, thu nhập từ 6-8 triệu mỗi tháng nay chỉ còn 3 triệu, có người nghỉ không lương nhận hỗ trợ 1 triệu, người bị thôi việc không nhận được 1 đồng…
Hậu Covid-19: Du lịch - Khách sạn Việt tươi sáng hay ảm đạm?
Không ngoa khi nhận định ngành khách sạn - du lịch Việt đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng” chưa từng thấy. Dù tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt, ngành du lịch đang tìm cách “rã đông” nhưng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Khách quốc tế chưa quay lại trong khi nhu cầu du lịch trong nước không cao và liên tục, sức mua/ sử dụng dịch vụ thấp, ai cũng muốn chi ra ít nhưng phải được nhận lại nhiều, “vì mình là nguồn khách quý sau Covid-19, mình đang cứu cả nền kinh tế du lịch Việt Nam nên được quyền đòi hỏi những ưu đãi đặc biệt…” Điều này buộc nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú muốn có khách phải áp dụng các chương trình khuyến mãi kích cầu, giảm mạnh giảm sâu để lấy ngắn nuôi dài, dùng doanh thu hiện tại vừa đủ để duy trì hoạt động và chi trả các khoản chi phí bắt buộc hàng tháng – Số khác, chủ yếu chuyên khách quốc tế, vẫn tự đấu tranh tư tưởng rằng có nên mở cửa ở giai đoạn thiếu khả quan này, vì khách nội chỉ đông vào cuối tuần và lượng khách ít ỏi đó được chia không đồng đều giữa các phân khúc, nếu hoạt động cầm chừng trở lại thì chi phí vận hành khá cao, có khi thu không đủ bù chi…
Những trăn trở rất thực tế này dẫn đến 2 thực trạng không ổn định của hầu hết các cơ sở lưu trú, từ khu resort, khách sạn hạng sang cho đến villa, khách sạn tầm trung hay homestay, hostel giá rẻ:
+ Mở cửa đón khách nhưng giảm giá - khuyến mãi - tặng voucher để kích cầu; doanh thu không cao; việc không nhiều nên tiếp tục duy trì trạng thái cắt giảm nhân sự hoặc giảm giờ làm, giảm lương để bình ổn chi phí;
+ Tạm ngưng hoạt động bằng cách tiếp tục đóng cửa hoặc tiến hành tu bổ, sửa chữa để nâng cấp chất lượng phục vụ, đợi ngành phục hồi hoàn toàn sẽ đón khách tốt hơn
Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhân sự ngành khách sạn như thế nào?
Hẳn những ai dù có lối suy nghĩ tiêu cực nhất cũng chưa từng nghĩ có một ngày ngành du lịch - khách sạn bị ngưng trệ do không có khách, nhân sự ngành không có việc để làm! Ấy thế mà, đại dịch Covid-19 đã và đang giáng xuống nền kinh tế nói chung những ảnh hưởng trầm trọng. Và du lịch là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nề nhất, bao gồm vận chuyển, lữ hành, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí… Nhiều cơ sở vì không có hoặc quá ít khách đã phải đóng cửa, nhân sự ngành bị cắt ca, giảm ngày công đến nghỉ không lương, thất nghiệp.
Thời gian nghỉ việc quá lâu, hỗ trợ quá ít hoặc hoàn toàn không được hỗ trợ trong khi những chi phí sinh hoạt hàng ngày và phát sinh vẫn phải được chi khiến nhiều nhân sự ngành khách sạn dù yêu mến và mong muốn tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp nhưng không nhìn thấy tín hiệu khả thi cho việc mở cửa trở lại buộc họ phải nghĩ đến trường hợp từ bỏ: hoặc ứng tuyển cho khách sạn, nhà hàng khác đang, sẽ hoạt động – hoặc nhảy việc, chuyển hẳn sang một lĩnh vực, ngành nghề mới không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh. Điều này báo hiệu nguy cơ “chảy máu nhân sự” ngành rất cao. Bởi khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi, không ít nhân sự giỏi chuyên môn, vững tay nghề đầu quân cho một cơ sở khác ổn định hơn (ngay trong thời điểm khủng hoảng), thậm chí không còn khát khao bám nghề nữa. Rồi chúng ta sẽ lại cần thời gian và công sức, chi phí để đào tạo mới lứa nhân viên khác, không chỉ là kiến thức nghề, kỹ năng nghiệp vụ mà còn phải chảy trong người tình yêu và lòng nhiệt huyết, cái tâm và đạo đức nghề nghiệp… Nhẩm tính thôi cũng phải mất nhiều tháng liền, có khi cả năm, vài năm sau nữa.
Về phía nhân sự ngành, tìm việc ở thời điểm này cũng không dễ dàng bởi tỉ lệ cạnh tranh cao (ai ai cũng ứng tuyển) trong khi nhu cầu tuyển người của doanh nghiệp thấp, lương và đãi ngộ hạn chế (khó khăn chung của ngành), công việc ít ỏi, ít tiền Tip, khó bán dịch vụ bổ sung… Trường hợp nhảy việc trái ngành, việc ứng tuyển không đúng trình độ chuyên môn, chưa có kinh nghiệm làm việc cũng khiến tỉ lệ đậu phỏng vấn ở mức thấp, nếu thành công phải trải qua 1-2 tháng thử việc khắt khe, 3 tháng học việc khó nhọc… Chung quy lại, giai đoạn này, gần như mọi Hoteliers đều chật vật mưu sinh. Không ít người vì muốn đợi chỗ làm cũ gọi làm việc trở lại mà làm tạm một vài công việc khác như kinh doanh online, buôn bán vỉa hè…
Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại. Những ảnh hưởng đáng kể của Covid đến ngành du lịch - khách sạn nhiều tháng qua dù đáng buồn, đáng báo động nhưng không phải không có ý nghĩa tích cực, dù rất ít. Không ít cơ sở tận dụng thời điểm không có khách, không thể kinh doanh để cải tạo hạ tầng phục vụ - Số khác đẩy nhanh tiến độ thi công để rút ngắn thời gian xây dựng, sẵn sàng khai trương đón khách ngay khi dịch qua đi. Tương tự, nhân sự ngành cũng có thời gian rỗi để theo học các khóa đào tạo ngắn hạn, học hỏi và nâng cao tay nghề, cải thiện kỹ năng nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ... Việc đăng ký lớp học và chi trả chi phí có thể do phía doanh nghiệp tạo điều kiện theo kế hoạch training định kỳ hàng năm hoặc nhân sự tự trang trải.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, trong đó, có 28,7 triệu người có việc làm nhưng phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập - gần 900.000 người thất nghiệp và 1,2 triệu người không tham gia hoạt động kinh tế. Xét về ngành nghề, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 72% lao động bị ảnh hưởng, trong đó, hơn 80% lao động ngành du lịch - khách sạn không có việc làm. Nếu tình hình không khả quan hơn, con số này chắc chắn sẽ gia tăng và tiếp tục kéo dài.
Nói qua mới thấy, Covid-19 thực sự là “cơn ác mộng” của nhân sự ngành khách sạn, làm thay đổi toàn bộ đời sống vật chất tinh thần và cơ hội việc làm của nhiều người, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các hệ lụy xã hội đáng báo động, mất an toàn, an ninh…
Xem thêm: Nhân viên khách sạn - du lịch tạm đổi nghề vì đói ăn
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên