Trước ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, công suất đặt phòng “tụt dốc không phanh” buộc ban lãnh đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải cho nhân viên nghỉ việc. Hệ lụy từ việc này đang dẫn đến một lo ngại là thời gian tới khi ngành du lịch trở lại trạng thái “bình thường mới”, doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều chi phí cho công tác tuyển dụng và đào tạo - nhưng chưa chắc có được nguồn nhân lực đạt yêu cầu.
Nhân lực ngành du lịch sẽ thế nào sau đại dịch Covid-19?
Cho nhân viên nghỉ đợt 1, đợt 2 và…
Theo ghi nhận tại nhiều vùng trọng điểm du lịch của cả nước, số lượng nhân viên khách sạn, nhà hàng, lữ hành phải bỏ nghề - chọn công việc mới để “kiếm kế sinh nhai” ngày một nhiều hơn.
Sau khoảng 3 tháng khách sạn vắng khách vì dịch bệnh, Tổng quản lý của một khách sạn cao cấp tại Nha Trang đã nộp đơn xin nghỉ việc. Dù phía chủ đầu tư chưa đề cập về vấn đề sa thải nhưng chính nhà quản lý này thấy rằng đã đến lúc nên rời đi để nhường vị trí cho nhà điều hành địa phương với chi phí thấp hơn.
Thực tế cho thấy, số lượng nhân viên khách sạn nghỉ việc đang tăng dần theo đà suy giảm lượng khách. Từ khi dịch bệnh bùng phát, các khách sạn buộc cho nhiều nhân viên bình thường nghỉ việc đợt đầu, khi tình hình ngày càng tồi tệ hơn - kế đến là lực lượng lao động có tay nghề cao hơn. Và giờ thì cấp phó, trưởng bộ phận cũng phải nghỉ.
Không có khách đặt phòng, nhiều khách sạn buộc phải cho nhân viên lần lượt nghỉ việc
“Dù đã cố gắng giữ người, điều chuyển nhân viên từ mảng khó khăn doanh thu sang mảng có thể làm ăn tương đối nhưng chúng tôi cũng không thể giữ người trước sức ảnh hưởng của “bão” Covid-19. Với riêng mảng du lịch quốc tế, 60% nhân viên đã phải nghỉ việc. Đây có thể chưa phải là con số cuối cùng khi mùa du lịch hè kết thúc. Và nhiều khả năng mảng du lịch quốc tế cuối năm sau mới phục hồi nên sẽ có những đợt cắt giảm nhân sự tiếp theo... ” - ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn HG Group cho biết.
Tháng 4 vừa qua, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã phối hợp cùng Grant Thornton Việt Nam và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân thực hiện khảo sát về mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến các doanh nghiệp ngành du lịch. Kết quả cho thấy một thực trạng đáng lo ngại là có đến 18% số doanh nghiệp được hỏi đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc và 48% doanh nghiệp cắt giảm 50% nhân sự.
Lo ngại khủng hoảng nguồn nhân sự ngành sau dịch bệnh
Số liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Quốc tế cho thấy Việt Nam hiện có hơn 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, con số này là chưa kể đến số lượng lao động làm những mảng có liên quan đến du lịch. Trong tương lai, khi dịch bệnh qua đi, rất có thể doanh nghiệp ngành sẽ đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực khi chi phí tuyển dụng và đào tạo cao khiến việc quay lại thị trường càng khó khăn hơn.
Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt - ông Phan Đình Huê chia sẻ: “Có rất nhiều nhân viên ngành du lịch hiện đang làm nghề khác kiếm sống. Khi hỏi họ về chuyện quay lại nghề, nhiều người bỏ ngỏ khả năng - một số thì cho biết đang quen dần với công việc mới - số khác thì chưa chắc quay lại vì ngành du lịch quá nhạy cảm với những yếu tố bên ngoài nên có thể sẽ đối mặt với nhiều thử thách khác trong tương lai.”
“Nếu thời gian khủng hoảng càng dài thì việc quay lại nghề cũ càng khó khăn hơn. Khi đó, ngành du lịch sẽ phải đón mới lực lượng lao động chưa qua đào tạo. Chúng ta đã tốn nhiều thời gian để đào tạo nhân viên làm việc được - giỏi nghề, nếu họ không quay lại thì đến bao giờ ngành du lịch mới có nguồn nhân lực chất lượng tốt”.
Ngành du lịch đang đối mặt với nguy cơ mất một lượng lớn lao động giỏi nghề
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng nhân lực ngành du lịch cần được thực hành và đào tạo liên tục để đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng. Do đó, chuyện hàng loạt lao động nghề phải nghỉ việc như hiện tại không chỉ tác động đến khả năng quay lại thị trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cũng như tốc độ phục hồi của điểm đến. Sau khi dịch bệnh qua đi, công cuộc cạnh tranh để thu hút khách sẽ hết sức căng thẳng, nếu không đủ nguồn nhân lực chất lượng thì ngành du lịch Việt sẽ đối mặt với nhiều thử thách hơn.
(Theo thesaigontimes.vn)
“Mua 1 - Được RẤT NHIỀU” với gói hỗ trợ tuyển dụng nhà hàng, Bar, Pub chưa từng có tiền lệ
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên