MỤC LỤC
Du lịch Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nếu khai thác tốt lượng du khách dồi dào, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, trình độ phát triển du lịch Việt Nam vẫn tuột hậu so với nhiều nước trong khu vực, trong đó, việc thiếu khả năng đáp ứng về hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực hay yếu vấn đề marketing, xúc tiến quảng bá… là nguyên nhân “kéo lùi du lịch nước nhà” phát triển…
Theo thống kê, du lịch Việt Nam đã và đang có bước phát triển vượt bậc trong gần 3 thập kỷ qua (giai đoạn 1990-2017) khi lượng khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, tăng trung bình 16%/ năm và lượng khách du lịch nội địa tăng 72 lần, tăng trung bình 22%/ năm; đánh dấu tốc độ chuyển mình cực kỳ mạnh mẽ của ngành dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, những con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với những “người anh em” lân cận là Thái Lan hay Malaysia và lượt du khách quốc tế ghé thăm hay quay lại khá ít, chưa tương xứng với điều kiện đang có. Vậy, yếu tố nào đang cản trở du lịch Việt Nam “cạnh tranh” trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới?
2 Nguyên nhân chính yếu cản trở du lịch Việt Nam phát triển
- Hạ tầng cơ sở chưa tương xứng
Một trong những yếu tố cản trở du lịch Việt Nam phát triển, chính yếu và đầu tiên phải kể đến đó là cơ sở hạ tầng (- theo ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam). Bởi, mặc dù số lượng cơ sở lưu trú tăng liên tục và tăng mạnh mỗi năm tại các thành phố lớn hay các điểm du lịch, song số lượng khách sạn gia tăng vẫn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng lượng khách, dẫn đến chất lượng phục vụ chưa đảm bảo và đồng đều.
Bên cạnh đó, hạ tầng sân bay cũng mang đến thách thức lớn cho triển vọng phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai, nếu không muốn nói là đang kìm hãm phát triển du lịch ở hiện tại. Bởi lẽ, các cảng hàng không ở Việt Nam hiện đang trong tình trạng quá tải, khi mà tổng công suất phục vụ là 75 triệu khách mỗi năm nhưng trong thực tế, các sân bay đã phục vụ đến 95 triệu (năm 2017) hay 105 triệu (dự kiến của năm nay) trong năm; đấy là còn chưa kể, công suất 21 sân bay Việt Nam hiện chỉ bằng công suất 1 sân bay tại Thái Lan, Malaysia hay Singapore. Đây là một bất cập và hạn chế không nhỏ buộc các ban ngành có liên quan phải có động thái tháo gỡ kịp thời và kiên quyết, nếu không muốn hạ tầng kéo lùi sự phát triển du lịch.
- Năng suất lao động thấp
Theo nhận định từ các chuyên gia đầu ngành, năng suất lao động du lịch Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với khu vực, chỉ bằng 40% so với Thái Lan và 45% so với Malaysia; dù quy mô của ngành cũng đã tăng nhiều lần trong 3 năm gần đây. Thống kê cho thấy, mỗi nhân sự trong ngành du lịch Việt Nam tạo ra chưa đến 3.500 USD; trong khi mức năng suất lao động của các quốc gia lân cận gấp hơn 2 lần (từ 7.000-8.000 USD).
Trên thực tế, việc tuyển dụng lao động ngành dịch vụ du lịch vô cùng khó khăn, có lúc doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép” mới tìm được nhân sự (- theo ông Phạm Hồng Dũng, Phó TGĐ Tập đoàn Mường Thanh); điều này có thể phần nào lý giải cho tình trạng năng suất lao động thấp và chất lượng yếu trong khi số lượng vẫn còn thiếu trầm trọng; việc tuyển người thường kéo dài thời gian và chi phí cho quá trình đào tạo. Đơn cử, để đáp ứng cho chuỗi khoảng 60 khách sạn, Mường Thanh cần khoảng 10.000 nhân viên và hầu hết đều phải mất rất nhiều thời gian đào tạo, nhất là các cấp quản lý - ví dụ, với cấp Trưởng bộ phận thường sẽ mất khoảng 2 năm, còn quản lý khách sạn (Giám đốc) có thể phải mất 5-7 năm…
4 “điểm nghẽn” cần cải thiện ngay lập tức
Để thu hút 30 triệu lượt khách quốc tế đến năm 2025, Việt Nam cần có động thái tháo gỡ những thực trạng vừa nêu kiên quyết và kịp thời. Cụ thể:
- Đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, phải đảm bảo rằng mọi thứ luôn sẵn sàng và đạt chuẩn để phục vụ du khách, nhất là khách quốc tế. Về phát triển hạ tầng sân bay, cần xã hội hóa việc đầu tư và nâng cấp - Nhà nước nên tin tưởng hơn ở khối tư nhân và để họ cùng tham gia vào xây dựng, khai thác ngành hàng không, xây mới thêm sân bay để đẩy nhanh tốc độ phát triển tương xứng với tiềm lực.
- Về phát triển nguồn nhân sự du lịch, cần tập trung đào tạo kỹ năng phục vụ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp thân thiện nhưng chuyên nghiệp để thu hút và giữ chân nhân viên, giảm tình trạng nhảy việc (1 người cần làm ít nhất 2 năm để tích lũy đủ kinh nghiệm).
- Tái cấu trúc ngành du lịch, chú trọng quảng bá xúc tiến du lịch. Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, Tổng cục Du lịch nên tách riêng chức năng quản lý và quảng bá du lịch để không xảy ra việc xung đột lợi ích; đồng thời hợp tác với các cơ quan khác từ trung ương đến địa phương để dịch vụ du lịch được vận hành trơn tru hơn. Ngoài ra, cần làm sao để định vị Việt Nam trên thị trường du lịch khu vực và thế giới, nhất là các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia…- xây dựng thương hiệu quảng bá với tư cách quốc gia, đơn cử như điểm đến hay văn hóa ẩm thực…
- Cần có chiến lược cụ thể cho mỗi đồng đầu tư ra, chẳng hạn sẽ nhắm vào ai, đối tượng nào, quốc gia gì, thị trường mục tiêu như thế nào… từ đó xác định được khách hàng mục tiêu tương ứng; đồng thời tìm ra giải pháp nâng cao trải nghiệm cho đối tượng khách hàng đó khi đến Việt Nam…
Tiềm lực có sẵn – kỳ vọng cao nhưng hiện thực hóa để đạt được những mục tiêu lớn lao cho ngành du lịch Việt Nam vẫn đang là bài toán khó. Các cấp, ban ngành liên quan cần nhìn nhận vấn đề thực tế để xác định thực trạng, từ đó phối hợp cùng nhau để tìm ra và áp dụng những giải pháp phù hợp; trong đó có việc nâng cao mức độ hợp tác với các doanh nghiệp, khối tư nhân để tất cả cùng phát triển.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên