MỤC LỤC
Khi gõ cụm từ tìm kiếm “never return to Vietnam” (không bao giờ quay trở lại Việt Nam) – chỉ với 0,47 giây, Google trả 165 triệu kết quả cho người dùng. Đa phần lý do du khách quốc tế đưa ra chính là “bẫy du lịch” khiến họ chỉ đến Việt Nam một lần trong đời và “No see you again”.
► “Bẫy du lịch”
Việt Nam dễ dàng gây ấn tượng với khách quốc tế với nền văn hóa đa dạng, đồ ăn ngon, đi lại dễ dàng – tuy nhiên, đa phần du khách chỉ đến “một lần rồi thôi” vì sợ “bẫy du lịch”.
Tháng 5 vừa qua, Lynne Ryan và 5 người bạn của mình (đến từ Australia) cứ ngỡ sẽ được tận hưởng kỳ nghỉ vui vẻ 2 ngày 1 đêm trên du thuyền vịnh Hạ Long với giá 75 USD mỗi người – thế nhưng họ lại vô vùng thất vọng và hụt hẫng khi hình ảnh thực khác xa so với quảng cáo: thuyền đầy rác, toilet hỏng, điều hòa chạy 1 phút thì hư, bánh mì mốc, chuột chạy quanh… Khi phàn nàn về chất lượng dịch vụ thì chỉ được hoàn lại tổng tiền 23 USD cho 6 người.
Giữa tháng 7, anh Lamelas (người Tây Ban Nha) đi taxi ở Hà Nội với quãng đường hết 37.000 đồng. Nhưng khi du khách này đưa tờ 500.000 đồng cho tài xế thì nhận lại được 3 tờ tiền âm phủ.
Hay với Jorn (du khách Na Uy) tình huống anh gặp phải là tài xế gian lận dùng đồng hồ công-tơ-mét chạy nhanh gấp đôi bình thường, hai bên thỏa thuận phí cước là 4 USD – 80.000 đồng nhưng khi đến nơi tài xế đòi 80 USD. Hay khi đi xe buýt, Jorn và bạn gái nhiều lần gặp phải trường hợp bị thu tiền xe cao hơn so với người dân bản địa, trong khi những người khác chỉ trả 40.000 đồng thì phụ xe thu của họ 60.000 đồng mỗi người.
Tim Pile – phóng viên SCMP (một nhật báo bằng tiếng Anh xuất bản tại Hong Kong) cho rằng chính nạn trộm cắp - lừa đảo, chèo kéo - chặt chém giá, vệ sinh thực phẩm kém, tài xế taxi thô lỗ, ùn tắc giao thông là những nguyên nhân khiến khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam. Tim dẫn chứng trường hợp tháng 9/2017, một du khách Mỹ bị tấn công và cướp ở TP.Hồ Chí Minh – thế nhưng đường dây nóng dành cho du khách không có người trực ngoài giờ hành chính.
► Sự hạn chế về đường bay, thủ tục visa và cả “tiếng xấu đồn xa”
Theo số liệu được Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương công bố, trong khi Thái Lan có tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại đạt 80% thì Việt Nam chỉ nằm trong khoảng 10 – 40%.
Ngoài các lý do chia sẻ ở trên đây, nhiều du khách cũng chỉ ra được những yếu điểm của du lịch Việt Nam so với các nước láng giềng trong khu vực.
- Thứ nhất, Việt Nam không phải là trung tâm trung chuyển quốc tế. Du khách sẽ khó bay thẳng đến nhiều nơi trên thế giới nếu bay từ Hà Nội hay TP. HCM – trong khi đó, du khách hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó nếu ở Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia).
- Thứ hai – nếu muốn đến Việt Nam, du khách đang du lịch ở các nước khác phải xin visa trước. Du khách có thể làm thủ tục đến Việt Nam một lần nhưng trong các chuyến đi sau – họ sẽ ưu tiên chọn những nước cho phép cấp visa ở cửa khẩu tiện lợi hơn hoặc miễn visa.
- Thứ ba – là do cả “tiếng xấu đồn xa”. Từng có thời gian, nhiều du khách quốc tế đi đâu cũng nghe “Việt Nam – nơi phải đến một lần trong đời”. Tuy nhiên, dần dần, khi những ấn tượng không tốt của du khách được chia sẻ, phơi bày trên các diễn đàn – mạng xã hội hay chính trải nghiệm của họ khiến nhiều khách quốc tế không còn háo hức muốn đến Việt Nam nữa.
► Mới chỉ đáp ứng nhu cầu của nhóm khách thích khám phá
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, đối tượng khách quay trở lại thường rơi vào nhóm muốn nghỉ dưỡng – mua sắm hoặc đi công tác (du lịch MICE). Trong khi Thái Lan được mệnh danh là thiên đường mua sắm và nghỉ dưỡng; Singapore là trung tâm tài chính – điểm đến để khách quốc tế nhiều lần trở lại làm việc thì du lịch Việt Nam chỉ tập trung vào khám phá nên chỉ thu hút nhóm khách tò mò. “Vì nhu cầu chỉ muốn khám phá nên nay khách đến nước này, mai đến nước khác. Nếu chuyến đi khiến khách không thỏa mãn, họ sẽ không quay lại nữa. Lượng khách đến Việt Nam chủ yếu để khám phá, do đó mà tỷ lệ khách quay lại không cao”.
Về lâu dài, khi các điểm đến tham quan ở Việt Nam không còn sự mới lạ thì du lịch MICE hay các trung tâm nghỉ dưỡng – mua sắm cần phải phát triển mạnh để thay thế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, Việt Nam có đường bờ biển dài và đẹp – đó là điều kiện để đẩy mạnh mảng du lịch nghỉ dưỡng; bên cạnh đó, trong vòng 5 năm tới, cần ưu tiên vấn đề hàng hóa đặc thù để phát triển dịch vụ mua sắm - tăng tỷ lệ chi tiêu của du khách; và phải hình thành các trung tâm tài chính – thương mại – hội nghị để cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Những vấn đề được Hoteljob.vn nêu ra trong bài viết này là thực tế “nhãn tiền” chúng ta cần phải nhìn nhận. Thật khó để có thể xử lý tất cả các vấn đề này trong ngày một ngày hai – tuy nhiên, là dân trong nghề du lịch – mỗi người trong chúng ta cần có ý thức mình là một “đại sứ du lịch” và tuyên truyền – vận động để mọi người cùng thực hiện theo. Có như thế thì hình ảnh và chất lượng nền du lịch Việt Nam mới đẹp lên trong mắt bạn bè quốc tế, qua đó mới mong nâng tỷ lệ khách quay trở lại lên ngang ngửa với các nước trong khu vực.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên