MỤC LỤC
Trên một số diễn đàn – Group Facebook như Nghề khách sạn – Tâm sự, có không ít bạn bày tỏ bức xúc với quy định các khách sạn cấm nhân viên nhận tiền tip từ khách – những ai vi phạm sẽ bị đuổi việc. Hoteljob.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu nguyên do vì sao lại có quy định “không hợp lòng” số đông này?
Nguyên do nào khiến khách sạn ra quy định không cho nhân viên nhận tiền tip?
► Văn hóa tiền tip trên thế giới
Tiền tip là thuật ngữ bắt nguồn từ các nước phương Tây. Ban đầu nó là một khoản tiền nhỏ được trao đi với thành ý muốn chia sẻ gánh nặng với những người lao động có thu nhập thấp. Dần dà, tiền tip trở nên phổ biến trong các ngành dịch vụ. Khác với service charge là khoản tiền phí phục vụ đã được tính thêm trong hóa đơn, việc tip hay không là sự tự nguyện của khách khi họ hài lòng về chất lượng dịch vụ.
Văn hóa tip rất phổ biến ở Mỹ, Canada, Pháp… và người dân các quốc gia này xem đó là điều bình thường. Ví dụ khi đến nhà hàng dùng bữa, thông thường thực khách sẽ tip thêm cho nhân viên từ 10 – 20% giá trị bill – thậm chí có khách sạn còn có form mẫu nhân viên nhắc khách tip. Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp nhân viên nhận được khoản tip “khủng” từ khách hàng: nữ bồi bàn 50 tuổi được tip 3.000 USD dù chỉ phục vụ bữa ăn 44 USD, cô hầu bàn may mắn được tip 50.000 USD và một chiếc ô tô…
Tip đã trở thành một nét văn hóa của các nước phương Tây
Bên cạnh đó, với một số quốc gia như Đan Mạch, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan… chuyện khách có thưởng thêm cho nhân viên hay không đều được – việc tip không quá quan trọng. Tuy nhiên trong góc nhìn văn hóa của người Italy hay Nhật Bản – việc khách để lại tiền tip được xem là điều bất thường, họ sẽ hiểu với nghĩa khách không tôn trọng người phục vụ hay ám chỉ nhà hàng – khách sạn trả lương thấp cho nhân viên. Các quốc gia “nói không” với tiền tip sẽ đưa ra quy định cấm nhân viên nhận tip từ khách và thông tin vào Welcome Book: “Room rate including 18% service charge, not allowed any addition tips”.
► Người Việt và văn hóa tiền tip
Ở Việt Nam, tiền tip được gọi với cách quen thuộc hơn là tiền bo – bắt nguồn từ “pour boire” trong văn hóa Pháp và xem đó là một khoản tiền nhỏ để cảm ơn người phục vụ - mang tính không bắt buộc. Với đa phần du khách Việt, thường không có thói quen hoặc cảm giác – tỏ ra bị ép buộc khi đề cập đến chuyện tiền tip.
Tip ở Việt Nam không mang tính bắt buộc
Với người Việt khi đi du lịch trong nước, việc thưởng thêm cho nhân viên hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có sự khác biệt theo vùng miền – nhóm khách hàng và cả loại hình dịch vụ. Khách Việt khi vào nhà hàng cao cấp hay khách sạn 5 sao sẵn sàng “bo” thêm nếu cảm thấy hài lòng và đôi khi đó còn là khách họ chứng tỏ đẳng cấp của mình.
► Vì sao khách sạn cấm nhân viên nhận tiền tip?
Thực tế, có một số khách sạn tại Việt Nam hiện nay đã và đang áp dụng quy định cấm nhân viên nhận tiền tip từ khách hàng. Điều này có thể xuất phát từ sự lo sợ “biến tướng” của văn hóa tip.
Có không ít trường hợp nhân viên “vòi” tiền tip từ khách – chẳng hạn nhân viên hành lý đưa khách lên phòng, giới thiệu phòng xong thì không chịu xuống, có vẻ đứng chờ, làm khách buộc phải tip. Những tình huống như thế này khiến văn hóa tip không còn ý nghĩa tự nguyện, là lời cảm ơn thể hiện bằng vật chất nữa mà nó khiến khách cảm thấy mình bị đưa “vào thế” dù cảm thấy không hài lòng. Ắt hẳn tâm lý khách khi đó sẽ cảm thấy không thoải mái lắm và một khi đã có điều gì đó lấn cấn, mang ấn tượng không hài lòng thì khách sẽ không quay trở lại khách sạn nữa.
Với những khách sạn cho nhận tiền tip thường có 2 cách quản lý – hoặc là để khách tip ai người đó hưởng, tùy theo chất lượng phục vụ của nhân viên hoặc có quỹ tip chung của cả bộ phận hoặc khách sạn - rồi chia cho tất cả nhân viên. Ưu điểm của hình thức chia quỹ tip chung là những nhân viên tuyến 2 cũng được nhận nhưng nhược điểm của nó là mang tính bình quân chủ nghĩa, không khuyến khích được cá nhân xuất sắc – và phát sinh thêm chuyện nhân viên nhận tip rồi ỉm đi - gây mâu thuẫn trong nội bộ, mất đoàn kết. Và nhân viên luôn làm việc trong tư thế “canh me” nhau.
Mặt trái của việc chia quỹ tip chung có thể là nguyên do khiến khách sạn cấm nhân viên nhận tiền bo từ khách
Khi vấn đề khách sạn cấm nhận tiền tip được bàn luận trên cộng đồng nghề, một số bạn cũng chia sẻ:
- Chắc khách sạn muốn tránh những phiền phức không cần thiết liên quan đến tiền tip. Có khách vào bar uống ngà ngà rồi tip hẳn $50 – hôm sau tỉnh lại thấy tiếc nên đòi. Cũng có khách tip cho nhân viên room service khá nhiều, xong không nhớ rồi hôm sau lại kêu bị mất tiền. Mang tiếng khách sạn lắm.
- Mình từng nhận hơn 25$ tip nhưng khách kẹp nhầm tờ 20$ vào bên trong tờ 5$. Mình hỏi lại khách có phải muốn tip 25$ không? Miệng hỏi tay đưa lại 20$ cho khách – khách cầm và cảm ơn rối rít.
- Một số nhân viên dọn phòng thấy tiền khách để trong phòng không có giấy note lại nghĩ đó là tiền tip nên cầm đi – nhưng khách sau đó lại báo mất tiền – hóa ra nhân viên khách sạn lại mang tiếng trộm tiền của khách…
Dù tiền tip mang ý nghĩa là sự thể hiện cảm giác hài lòng, đánh giá tốt về chất lượng dịch vụ của khách sạn, ghi nhận và khuyến khích nhân viên làm việc tốt hơn – nhưng quá trình áp dụng nó vào thực tế lại khiến khách sạn bị ảnh hưởng điều tiếng bởi những rủi ro và cả sự “biến tướng” của văn hóa tip.
Ở khía cạnh là một nhân viên trong nghề, thu nhập có cao hay không phụ thuộc vào tiền tip mà khách sạn lại đưa ra quy định cấm thì nhiều bạn sẽ nghĩ rằng “đúng là không tình mà cũng chẳng lý”. Không ngoại trừ trường hợp nhiều nhân viên sẽ mang tâm lý bất mảng, quyết định nghỉ việc khi thu nhập hàng tháng từ 9 – 10 triệu, không được nhận tip nên chỉ còn 6 – 7 triệu…
Xét ở một góc độ nào đó, việc khách sạn cấm nhân viên nhận tiền tip thể hiện sự phản ứng hơi thái quá của các nhà quản lý. Nhà quản lý có thể lo sợ các khả năng đã được Hoteljob.vn chia sẻ trên đây nếu để cho nhân viên nhận tiền tip nhưng thay vì cấm sao không có chính sách quán triệt, quản lý tip tốt hơn? Quy định rõ ràng nhân viên được nhận tiền tip trong những trường hợp nào? Yêu cầu báo cáo với quản lý ra sao để tránh tình huống ngộ nhận?...
Thiết nghĩ nếu tip là động lực để nhân viên nỗ lực làm việc tốt hơn, đảm bảo mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng thì các khách sạn nên cân nhắc kỹ với quyết định có nên cấm nhân viên nhận tip hay không. Trường hợp muốn cấm nhân viên nhận tiền tip thì khách sạn phải có các chính sách – chế độ đãi ngộ khác như phụ cấp, thưởng… để đảm bảo thu nhập cho nhân viên và cũng khiến họ yên tâm làm việc.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên