Thuế thu nhập cá nhân mới nhất – 4 điều nhân sự ngành khách sạn - nhà hàng cần biết

Thuế thu nhập cá nhân (Thuế TNCN) là khoản tiền mà người lao động có thu nhập cao phải trích đóng vào ngân sách nhà nước như một nghĩa vụ. Với ngành khách sạn – nhà hàng, bạn có biết loại thuế này hiện nay được áp dụng cho đối tượng nào? Phương pháp – công thức tính ra sao?... Hoteljob.vn sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này.

Thuế thu nhập cá nhân mới nhất – 4 điều nhân sự ngành khách sạn - nhà hàng cần biết

Bạn biết gì về thuế thu nhập cá nhân? (Ảnh nguồn Internet)

► Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định, đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân là công dân Việt Nam có thu nhập ở trong nước hoặc lao động – công tác ở nước ngoài; người nước ngoài làm việc hoặc định cư ở Việt Nam có thu nhập đến mức phải chịu thuế TNCN.

Như vậy, với ngành khách sạn - nhà hàng, không kể các nhân sự là người Việt Nam có thu nhập cao phải chịu thuế thì các Quản lý, General manager là người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam cũng có nghĩa vụ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

► Thời điểm tính thuế thu nhập cá nhân

Hiện nay, theo quy định của Bộ Tài chính, thời điểm tính thuế TNCN là thời điểm người lao động được chi trả mức thu nhập. Ví dụ, thu nhập tháng 3/2018 của người lao động được chi trả vào tháng 4/2018 thì thời điểm tính thuế là tháng 4. Thuế TNCN được tính và kê khai theo từng tháng và được quyết toán theo năm.

Thuế thu nhập cá nhân mới nhất – 4 điều nhân sự ngành khách sạn - nhà hàng cần biết

Thời điểm tính thuế là thời điểm người lao động được nhận thu nhập (Ảnh nguồn Internet)

► Phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân

  • Phương pháp tính thuế theo biểu lũy tiến từng phần: áp dụng với đối tượng người lao động ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên.
  • Phương pháp khấu trừ 10%: áp dụng với đối tượng người lao động ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng nhưng có tổng thu nhập từ 2 triệu đồng/ lần trở lên.
  • Phương pháp khấu trừ 20%:  được áp dụng với đối tượng lao động không cư trú, chủ yếu là người nước ngoài.

Tìm hiểu thêm: Lương Tháng 13 Là Gì? Cách tính lương tháng 13 nhân viên khách sạn – nhà hàng cần biết

► Cách tính thuế thu nhập cá nhân

- Với người lao động cư trú ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên

Đối với đối tượng người lao động này, thuế TNCN sẽ được tính trên cơ sở phương pháp lũy tiến từng phần.

Thuế thu nhập cá nhân mới nhất – 4 điều nhân sự ngành khách sạn - nhà hàng cần biết

Biểu thuế lũy tiến từng phần

⇒ Công thức tính thuế TNCN:​ Thuế TNCN = Phần thu nhập tính thuế x Thuế suất

Phần thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ

Trong đó:

  • Thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập người lao động được nhận, không bao gồm: tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm ban đêm, tiền ăn trưa – ăn giữa ca, phụ cấp điện thoại, đồng phục, công tác phí.
  • Các khoản giảm trừ bao gồm: Giảm trừ gia cảnh (Bản thân 9 triệu đồng + người phụ thuộc 3.600.000 đồng/ tháng), các khoản đóng bảo hiểm xã hội, các khoản đóng góp từ thiện - khuyến học.

Ví dụ, nếu một người có thu nhập 20 triệu đồng/ tháng với các khoản giảm trừ là 15 triệu đồng thì phần 5 triệu đồng còn lại là phần thu nhập căn cứ để tính thuế TNCN. Như vậy, rõ ràng đối tượng người lao động bị áp thuế trong ngành khách sạn – nhà hàng thường là các quản lý cấp cao – có mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Thuế thu nhập cá nhân mới nhất – 4 điều nhân sự ngành khách sạn - nhà hàng cần biết

Các quản lý có thu nhập cao trong khách sạn – nhà hàng là đối tượng chịu thuế TNCN

(Ảnh nguồn Internet)

- Với người lao động ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng, có tổng thu nhập từ 2 triệu đồng/ lần trở lên

Đối tượng người lao động này sẽ được tính thuế TNCN theo phương pháp khấu từ 10%.

⇒ Công thức tính thuế TNCN: Phần thu nhập tính thuế x 10%

Điều này có nghĩa là: nếu người lao động ký HĐLĐ dưới 3 tháng, sau khi trừ đi các khoản giảm trừ, phần thu nhập tính thuế là 15 triệu đồng thì số tiền thuế TNCN phải nộp là 1,5 triệu đồng (10% của 15 triệu).

- Với đối tượng người lao động không cư trú

Đa phần đối tượng người lao động không cư trú là người nước ngoài, cách tính thuế sẽ dựa vào phương pháp khấu trừ 20%.

⇒ Công thức tính thuế TNCN: Phần thu nhập tính thuế x 20%

Ví dụ một CEO là người nước ngoài sang quản lý một khách sạn tại Việt Nam, sau khi trừ đi các khoản giảm trừ, phần thu nhập tính thuế là 50 triệu đồng thì mức thuế TNCN phải đóng là 10 triệu đồng (20% của 50 triệu đồng).

Với những thông tin mà Hoteljob.vn chia sẻ trong bài viết trên đây, hy vọng đã giúp nhân sự ngành khách sạn – nhà hàng nắm được những điều cần biết về thuế thu nhập cá nhân để thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định và bảo vệ quyền lợi chính đang của cá nhân.

Xem thêm: Tìm Hiểu Lương Nhân Viên Sales Khách Sạn Hiện Nay

Ms.Smile

Tags:
Thuế thu nhập cá nhân mới nhất – 4 điều nhân sự ngành khách sạn - nhà hàng cần biết
4.1 (911 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN