MỤC LỤC
Nhiều người đến nay vẫn đánh đồng danh hiệu "Đầu bếp" với Nhân viên nấu ăn tương đương nhau, vì họ nghĩ chung quy thì đều làm việc trong bếp, làm ra những món ăn ngon phục vụ nhu cầu ăn uống của thực khách. Nhận định này không hề đúng. Bởi, dân trong ngành luôn đặt ra ranh giới và tiêu chí phân biệt 2 danh xưng Đầu bếp và Nhân viên nấu ăn rõ ràng và thuyết phục. Cùng Hoteljob.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Đầu bếp và Nhân viên nấu ăn là một?
Bạn nghĩ cả 2 đều chỉ người nấu ăn trong gian bếp và thường dùng thay thế cho nhau, tìm việc bếp nhà hàng - khách sạn và làm việc dưới sự chỉ đạo của cấp trên, được trả lương và nhận về những chế độ đãi ngộ xứng đáng? - Ở một khía cạnh nào đó thì nó không sai nhưng vẫn không đúng.
Đúng là đầu bếp (nếu không cùng là người bỏ tiền ra để mở quán ăn, nhà hàng và trực tiếp điều hành hoạt động) thì cũng chỉ là "dân làm thuê", "bán sức lao động" cho chủ đầu tư, chịu trách nhiệm vào bếp chế biến món ăn và nhân viên nấu ăn cũng vậy. Tuy nhiên, đây là 2 vị trí công việc khác nhau, có nhiệm vụ, yêu cầu, quyền hạn và trách nhiệm khác nhau, mức lương và chế độ đãi ngộ cũng khác nhau... Vì thế, nếu làm việc trong lĩnh vực ẩm thực thì đừng nhầm lẫn 2 vị trí này là 1 nhé!
Phân biệt Đầu bếp chuyên nghiệp với Nhân viên nấu ăn thế nào?
Dù đều làm việc trong lĩnh vực ẩm thực, nấu nướng, nhưng giữa Đầu bếp chuyên nghiệp và Nhân viên nấu ăn luôn có ranh giới phân chia riêng biệt. Dân trong ngành chỉ ra 4 tiêu chí phân biệt sự khác nhau của 2 vị trí này cụ thể như sau:
- Khác biệt về trình độ, tay nghề
Trong khi nhân viên nấu ăn chỉ đơn thuần là người làm việc trong khu vực bếp, biết nấu ăn và thực hiện những công việc bếp núc cơ bản, có thể có hoặc chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào thì đầu bếp chuyên nghiệp ở một trình độ đẳng cấp cao hơn hẳn, họ trải qua quá trình đào tạo bài bản, được nhận chứng chỉ, bằng cấp về nấu ăn liên quan, vì thế họ có kiến thức chuyên môn ẩm thực giỏi, thành thạo kỹ năng nghiệp vụ nghề bếp.
Nói một cách đơn giản, nếu như bạn có một chứng chỉ nấu ăn hay được đào tạo, truyền nghề bởi một đầu bếp nổi tiếng, có tên tuổi và được công nhận dựa trên các tiêu chí đánh giá cấp bậc thì bạn sẽ được coi là một Đầu bếp. Còn nếu bạn đơn giản chỉ là tự học nấu ăn tại nhà (qua mạng hoặc sách dạy nấu ăn) hoặc đang bắt đầu từ những nhiệm vụ cơ bản, đơn giản nhất trong gian bếp nhà hàng thì nhân viên nấu ăn là vị trí dành cho bạn.
Như vậy, hầu như tất cả mọi người đều công nhận rằng, Nhân viên nấu ăn được xếp hạng thấp hơn Đầu bếp. Điều này là hoàn toàn chính xác.
- Khác biệt về kinh nghiệm đứng bếp
Hầu hết nhân viên nấu ăn nếu không ở vị trí làm việc thấp nhất trong gian bếp quy mô thì cũng chỉ đảm nhận nhiệm vụ đứng bếp, chế biến những món ăn quen thuộc và đơn giản cho các quán ăn bình dân, nhà hàng nhỏ. Trong khi đó, một đầu bếp chuyên nghiệp có nhiều cơ hội ứng tuyển vào bộ phận bếp của các nhà hàng, khách sạn đẳng cấp, chuyên nghiệp hay các resort, trung tâm hội nghị chuẩn quốc tế.
Môi trường làm việc ảnh hưởng không nhỏ đến kinh nghiệm đứng bếp và ngược lại, kinh nghiệm nấu nướng cũng giúp định hướng nơi làm việc phù hợp và tương xứng hơn.
Rõ ràng, kiến thức chuyên môn của nhân viên nấu ăn khá ít ỏi, có khi đúng hoặc không, chủ yếu do học lỏm từ các công thức có sẵn trong sách hay trên mạng; món ăn của họ cũng ít khi đạt được giá trị tuyệt đối về mặt dinh dưỡng, không đòi hỏi quá cao khâu bày trí sao cho bắt mắt... Trong khi đầu bếp chuyên nghiệp lại thừa những kinh nghiệm này. Họ biết cân đối nguyên liệu, sử dụng thành thạo các phương pháp chế biến món ăn, thao tác nhuần nhuyễn bộ dụng cụ đầu bếp, nhất là dao và chảo, biết nêm nếm và canh chỉnh gia vị, nhiệt độ để thành phẩm đạt chuẩn nhất và có giá trị dinh dưỡng cao nhất, khéo léo trong bày trí và trang trí món ăn...
- Khác biệt về phân chia cấp bậc và quyền hạn
Đây là tiêu chí rõ ràng và dễ nhận biết nhất khi phân biệt Đầu bếp chuyên nghiệp và Nhân viên nấu ăn.
Tất nhiên, nhân viên nấu ăn sẽ làm việc dưới quyền các đầu bếp để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm, nghiệp vụ nghề, họ gần như không có quyền hạn gì cả ngoại trừ có thể được phân công giúp đỡ sinh viên thực tập hay nhân viên học việc những khâu cơ bản nhất.
Còn đầu bếp cũng có đa dạng cấp bậc được phân chia và xếp hạng, mỗi vị trí sẽ đảm nhận những nhiệm vụ tương ứng với quyền hạn riêng. Chẳng hạn: Đầu bếp trưởng là người tổng chỉ huy toàn bộ bộ phận bếp. Tiếp theo là Bếp phó, Bếp trưởng bộ phận (người có quyền chỉ sau Bếp trưởng và Bếp phó, được quyền điều hành trong trường hợp 2 vị trí trên vắng mặt, thường phụ trách quản lý và điều hành công việc ở một khu vực, lĩnh vực nhất định trong bếp như salad, nướng, sốt...)
- Khác biệt về nhiệm vụ, yêu cầu công việc
Nhiệm vụ chính của một nhân viên nấu ăn chỉ đơn thuần là dọn dẹp và làm sạch nhà bếp - sơ chế và chuẩn bị nguyên liệu chế biến cho đầu bếp mỗi ngày - thực hiện nấu ăn theo công thức có sẵn hoặc thực đơn của người khác, cho các món đơn giản, cơ bản - thực hiện các công việc khác trong nhà bếp theo chỉ đạo của đầu bếp và đặc biệt là có thể vẫn trong quá trình học việc.
Khác hơn rất nhiều, công việc chính của một đầu bếp chuyên nghiệp là đứng bếp - lên thực đơn - sáng tạo món ăn - đề ra nội quy làm việc bộ phận bếp - kiểm soát chi phí nguyên vật liệu - tuyển dụng - đào tạo và giám sát công việc của nhân viên - ra quyết định khen thưởng hay kỷ luật đối với nhân viên - đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP... Ngoài ra, tùy theo chức vụ đảm nhận sẽ quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của đầu bếp, tương ứng với Bếp trưởng điều hành, Bếp trưởng bộ phận, Đầu bếp chính...
- Khác biệt về lương, thu nhập, đãi ngộ và cơ hội thăng tiến
Với những phân tích trên đây thì rõ ràng, mức lương của Đầu bếp chuyên nghiệp và Nhân viên nấu ăn không giống nhau và có sự chênh lệch lớn.
Thông thường, nhân viên nấu ăn trong thời gian học việc (trình độ tay nghề thấp, yêu cầu công việc đơn giản) sẽ nhận được mức lương khá thấp, khoảng 3-4 triệu đồng/ tháng; khi ký hợp đồng chính thức và deal lương thành công có thể nhận được mức lương cao hơn, khoảng 4-7 triệu đồng/ tháng. Mức lương này sẽ tăng thêm theo hiệu suất công việc, khối lượng công việc hoặc quy định tăng lương định kỳ của doanh nghiệp, ngoài ra, còn được tăng khi đảm nhận vị trí cao hơn.
Lương của đầu bếp sẽ khác. Mức lương cao hay thấp tùy thuộc vào vị trí đảm nhận, quy mô doanh nghiệp, kiêm nhiệm, thâm niên nghề, trình độ và kinh nghiệm... Được biết, mức lương của một đầu bếp chính dao động trong khoảng từ 5-8 triệu đồng/ tháng, Bếp trưởng bộ phận là 7-10 triệu đồng và Bếp trưởng điều hành trên 10, thậm chí 20-30 triệu đồng/ tháng.
Ngoài ra, cả 2 vị trí trên đều sẽ nhận được đầy đủ các quyền lợi về đãi ngộ tương ứng theo quy định như các khoản bảo hiểm xã hội, thưởng, tip, service charge, lương tháng 13, trợ cấp, phụ cấp, phụ cấp trách nhiệm... dẫn đến mức thu nhập hàng tháng sẽ khác nhau và có sự chênh lệch lớn. Đặc biệt, nhiều bếp trưởng điều hành còn được ưu ái với những chế độ đặc biệt như xe, nhà, phòng riêng...
Mặt khác, nếu cơ hội thăng tiến của Đầu bếp vô cùng rộng mở và hấp dẫn thì nhân viên nấu ăn sẽ chật vật hơn để "leo" lên vị trí đầu bếp chính. Nhân viên nấu ăn muốn phát triển bản thân, vươn lên những vị trí cao hơn cần nhiều thời gian và nỗ lực thật nhiều, đồng thời phải sở hữu những bằng cấp, chứng chỉ, nghiệp vụ liên quan.
Một số tổ chức chuyên về ẩm thực cung cấp những danh hiệu dựa trên kết quả thực nghiệm thực tế, gồm kinh nghiệm làm việc và bằng cấp chuyên môn. Mặc dù được công nhận rộng rãi nhưng thực tế, những tiêu chí trên vẫn chưa đủ để làm nên một đầu bếp giỏi hay đánh giá mức độ thành công trong cả sự nghiệp ẩm thực. Dẫu thừa nhận rằng, về đa số, nhân viên nấu ăn thường có uy tín, danh tiếng, thu nhập và cơ hội thăng tiến thấp hơn rất nhiều so với đầu bếp chuyên nghiệp nhưng vẫn đó những trường hợp ngoại lệ là rất nhiều bà nội trợ hay đầu bếp nghiệp dư không qua đào tạo, không có danh hiệu nhưng lại có kỹ năng và kinh nghiệm đứng bếp hơn cả các đầu bếp chuyên nghiệp hiện nay.
Hy vọng với 5 tiêu chí được phân tích chi tiết trên đây sẽ giúp các ứng viên tìm việc bếp, học viên học nghề bếp hay bất kì ai quan tâm dễ dàng phân biệt được sự khác nhau giữa Đầu bếp chuyên nghiệp và Nhân viên nấu ăn trong gian bếp nhà hàng - khách sạn.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên