Sinh viên Khách sạn - Nhà hàng và những khó khăn gặp phải khi đi thực tập

Vào mùa cao điểm, không ít khách sạn - nhà hàng đều kêu gọi và nhận sinh viên thực tập (Internship) vào làm việc - giảm tải nhân sự để tiết kiệm ngân sách, tăng doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, số thực tập sinh được nhận phải là người biết việc, chịu khó, có trách nhiệm, chịu được áp lực công việc và quan trọng, chịu làm "trái ngành", tăng ca khi cần... Đã có sinh viên dù đã xin và bắt đầu thực tập tại khách sạn A nhưng bị cho nghỉ hoặc tự xin nghỉ vì không đáp ứng được yêu cầu công việc... Thế là, công cụ tìm nơi thực tập lại tiếp tục dù kỳ thực tập đã bắt đầu gần 1 tháng...

sinh viên khách sạn - nhà hàng và những khó khăn gặp phải khi đi thực tập
Sinh viên khách sạn - nhà hàng luôn gặp nhiều khó khăn khi thực tập cuối khóa

Tại sao sinh viên Khách sạn - Nhà hàng cần đi thực tập cuối khóa?

Thực tập cuối khóa là một trong những "học phần" bắt buộc mà bất kỳ sinh viên theo học ngành nào tại các trường Đại học, Cao đẳng đều phải tham gia và vượt qua để làm căn cứ xét tốt nghiệp, trong đó có sinh viên ngành khác sạn - nhà hàng.

Hơn nữa, tham gia thực tập tại các doanh nghiệp là các khách sạn, nhà hàng hoạt động có hiệu quả sẽ giúp sinh viên bước đầu làm quen với môi trường làm việc thực tế - so sánh, đối chiếu mức độ phù hợp giữa lý thuyết học trên trường với thực hành thực tế trong công việc - được đào tạo trực tiếp bởi các anh chị "đồng nghiệp" nhiều kinh nghiệm để học hỏi và hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nghề - thể hiện bản thân để tìm kiếm cơ hội trở thành nhân viên chính thức sau tốt nghiệp - tạo dựng các mối quan hệ tốt, giúp ích rất nhiều trong quá trình tìm việc khách sạn - nhà hàng sau này.

Tham khảo chi tiết những lợi ích có được khi thực tập ngành Khách sạn - Nhà hàng: Tại đây!

Sinh viên Khách sạn - Nhà hàng gặp khó khăn khi đi thực tập?

Tìm nơi thực tập phù hợp chưa bao giờ dễ dàng

Hầu hết các trường đào tạo ngành Khách sạn - Nhà hàng & Du lịch đều cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập và thực hành. Bằng chứng là trường mở rộng liên kết với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành và giới thiệu sinh viên năm cuối đến thực tập. Tuy nhiên, số lượng sinh viên được giới thiệu sẽ hạn chế, đó phải là những sinh viên ưu tú, phản ánh được "bộ mặt" của trường. 

Mặc khác, trường cũng khuyến khích sinh viên tự tìm kiếm và xin địa điểm thực tập phù hợp với năng lực và mong muốn của bản thân - làm quen dần với việc tìm kiếm thông tin và ứng tuyển xin việc; một số ít sinh viên ngoại tỉnh thích về quê xin thực tập để gần nhà và tìm kiếm cơ hội việc làm sau tốt nghiệp - do đó, việc tìm nơi thực tập phần lớn được các sinh viên "tự thân vận động". Người rụt rè, thiếu tự tin, ngại giao tiếp và hạn hẹp các mối quan hệ xã hội chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm.

Mặt khác, mùa thực tập hàng năm, cả nước có hàng nghìn sinh viên thuộc các chuyên ngành tìm xin nơi thực tập - "tỷ lệ chọi" là vô cùng cao, thậm chí xuất hiện tình trạng quá tải khiến một số ít sinh viên, dù rất cố gắng nhưng vẫn không thể xin được vào nơi mình mong muốn. Một sinh viên xuất sắc theo học chuyên ngành Quản trị khách sạn tại một trường Đại học có tiếng tại Tp.HCM có mong muốn nộp đơn xin thực tập vào một khách sạn 5 sao với vị trí lễ tân nhưng bị từ chối, lý do là sinh viên đó chưa có kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ thực hành chưa thạo...

Tham khảo thêm: Kinh nghiệm tìm khách sạn thực tập cho sinh viên

sinh viên khách sạn - nhà hàng và những khó khăn gặp phải khi đi thực tập
Các khách sạn, nhà hàng lớn yêu cầu cao cả khi tuyển sinh viên thực tập

Phải đáp ứng những yêu cầu tuyển khắt khe

Hầu hết sinh viên mong muốn xin thực tập tại các khách sạn, nhà hàng lớn vì cho rằng những nơi đó sẽ học được nhiều và nghe tên có vẻ "kêu" hơn. Tuy nhiên, phần đa trong số đó thường ít có nhu cầu tuyển thực tập hoặc có nhưng đưa ra những yêu cầu tuyển có phần khắt khe. Cũng sinh viên theo học chuyên ngành Quản trị khách sạn trên đây cho biết, khách sạn nơi bạn xin thực tập thuộc top khách sạn đẳng cấp quốc tế; và để xin được vào đó không phải là chuyện dễ dàng, bởi khách sạn yêu cầu rất cao về kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn - phải có khả năng giao tiếp ngoại ngữ trôi chảy - kỹ năng ứng xử, xử lý sự cố tốt - chịu được áp lực công việc - chấp nhận làm tăng ca và làm tất cả những nhiệm vụ công việc như một nhân viên chính thức... Trải qua nhiều vòng phỏng vấn liên tục với phòng Nhân sự, Trưởng bộ phận, những sinh viên được cho là ưu tú và phù hợp nhất mới được nhận vào thực tập; tuy nhiên, số lượng là vô cùng ít.

Có thể làm việc không đúng chuyên ngành học

Sinh viên theo học các chuyên ngành khách sạn - nhà hàng thường phải bắt đầu công việc từ cấp bậc nhân viên cho các vị trí phổ biến như lễ tân, phục vụ, bellman, buồng phòng... kể cả đi thực tập và ngay sau khi ra trường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn - nhà hàng hiện chưa thực sự tin tưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có cơ hội thực hành làm việc thực tế. Lý do được đưa ra là lo sợ sinh viên không biết việc, phục vụ khách không đúng cách khiến khách phàn nàn và không đánh giá cao chất lượng dịch vụ của khách sạn, nhà hàng, thậm chí cho review 1 sao và không quay lại vào những lần sau... Do đó, để đảm bảo, họ thường phân công nhân viên vào làm những công việc đơn giản như lễ tân thì sắp xếp giấy tờ, phục vụ thì rót nước mời khách, buồng phòng thì dọn vệ sinh... thay vì hướng dẫn và tạo điều kiện thực hành những nghiệp vụ chuyên môn như làm thủ tục check-in, check-out cho khách nếu là lễ tân; order món, setup bàn ăn chuyên nghiệp, gấp khăn hay phục vụ rượu vang nếu là nhân viên phục vụ nhà hàng... Thậm chí, có những sinh viên còn không được phân công công việc cụ thể, không có lịch đến thực tập. Kết quả là kết thúc kỳ thực tập, nhiều sinh viên không tích lũy được bất kỳ kinh nghiệm hay kỹ năng làm việc thực tế nào liên quan đến chuyên ngành theo học.

sinh viên khách sạn - nhà hàng và những khó khăn gặp phải khi đi thực tập
Nhiều sinh viên xin thực tập nhưng không được phân công công việc đúng chuyên ngành học

Làm việc không lương

Dĩ nhiên, đi thực tập là sinh viên đang được đào tạo miễn phí. Do đó, dù làm việc như một nhân viên chính thức với đủ các nhiệm vụ công việc, bằng thời gian 8 tiếng/ ca nhưng các khách sạn, nhà hàng có quyền không trả lương cho sinh viên, bao gồm cả việc chia các khoản service charge hay thưởng, tip. Chính điều này đã ít nhiều tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp "không có tâm" tận dụng giảm tải nhân sự (sa thải hoặc cho nghỉ phép không lương), "bóc lột" sức lao động của thực tập sinh để tối đa ngân sách cho các khoản phải chi hàng tháng, trong đó có chi phí trả lương cho nhân viên.


Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, rõ ràng bên cạnh những khó khăn và mặt khuyết của vấn đề, sinh viên ngành đi thực tập đúng nơi - đúng công việc sẽ nhận được nhiều điều hữu ích, hỗ trợ tốt cho công cuộc tìm việc sau ra trường. Bằng chứng là có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đã nộp đơn ứng tuyển vào lại chính khách sạn, nhà hàng đã từng thực tập cuối khóa và được ưu tiên tuyển dụng, được chào đón nhiệt tình với mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn cùng cơ hội thăng tiến nhanh và cao hơn. 

Một số doanh nghiệp khác cũng tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên yên tâm thực tập bằng cách phân công nhân viên có kinh nghiệm phụ trách hướng dẫn công việc cho 1 hoặc một nhóm sinh viên - có các khoản thưởng năng suất đột xuất khi khách sạn, nhà hàng có doanh thu cao - tạo nhiều khoản hỗ trợ cho sinh viên như hỗ trợ 1-2 bữa cơm ca, chi phí đi lại, ở...

Ngoài ra, sinh viên đang trong thời gian thực tập muốn tìm việc làm part time để kiếm thêm thu nhập - có thể tham khảo các tin tuyển dụng trên Hoteljob.vn.

Ms. Smile

Tags:
Sinh viên Khách sạn - Nhà hàng và những khó khăn gặp phải khi đi thực tập
4.8 (658 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN