MỤC LỤC
“Ôi, Shit” - “What the hell” - “ĐM” có lẽ là một trong những câu cửa miệng mà nhiều Chef, nhất là Bếp trưởng hay nói. Ấy thế mà hiếm có cuộc xô xát nào xảy ra. Vì sợ hay còn lý do nào khác?
Ấn tượng ban đầu trước một người hay lớn tiếng quát mắng, chửi, chửi bậy không mấy tốt đẹp. Đó ắt hẳn là một con người thô lỗ, khó ưa, cộc cằn, bất lịch sự… và hàng tá các tính từ tiêu cực khác. Nhận định này khá đúng với đại đa số mọi người. Nhưng với bếp thì không hẳn.
Môi trường làm bếp nhiều kiểu người
Nói phần đa người làm bếp cộc không sai. Chỉ là có người cộc vì bản tính họ vốn dĩ cộc - có người cộc do ảnh hưởng từ nghề. Môi trường bếp là điển hình. Từ chỗ khối lượng công việc quá nhiều, áp lực công việc quá lớn, nhiều người chọn cách giải tỏa bằng lời nói. Nếu Bếp trưởng, Bếp phó, Bếp chính hay những vị trí có quyền uy chọn cách nói tục, chửi thề, lớn tiếng quát nạt cấp dưới thì những phụ bếp, nhân viên bếp có phần e dè, sợ sệt nhưng không hẳn không chửi thầm, chửi trong bụng… Cứ thế, ngày này qua tháng nọ, tiếng chửi trở thành thói quen, như câu cửa miệng trong cả công việc và cuộc sống giao tiếp thường ngày của không ít người.
Vì sao đầu bếp hay chửi (bậy)?
- Bản tính hay chửi
Rõ ràng, nếu tính cách họ vốn dĩ hay chửi, thích chửi thì chuyện này dễ hiểu. Họ chửi vì họ quen vậy, làm bếp hay không không quá ảnh hưởng đến bản tính hay chửi.
Tuy nhiên, bài viết này lại muốn đề cập thêm và sâu hơn góc khuất nghề bếp, để lý giải (tạm nghĩ là minh oan) cho nguyên do đầu bếp hay chửi, chửi bậy.
- Để giao tiếp, làm việc
Không gian bếp vốn dĩ chật chội, đông đúc và nóng nực, lại hỗn tạp âm thanh như tiếng đập xương, chặt thịt, xào nấu, rửa dọn - nên, muốn giao tiếp nhất định phải lớn tiếng. Người này quát qua, người kia đáp lại, thế là chẳng khác gì đang chửi nhau.
- Hối thúc nhau
Tiến độ làm việc trong bếp vô cùng nhanh. Nhân viên tại đây hầu như phải làm liên tục trong ca thay vì có những khoảng nghỉ khi vắng khách như phục vụ hay lễ tân, buồng phòng… Từ soạn nguyên liệu và sơ chế - cho đến chế biến và trình bày, rồi còn làm vệ sinh, nhập và kiểm hàng, lau dọn, bảo quản thực phẩm sống/ chín…
Thử tưởng tượng bạn nhận 4 order với 4 món ăn cùng lúc, chảo thì đang sôi sùng sục hay rán dầu xèo xèo trên bếp mà rau rồi thịt vẫn chưa được rửa soạn xong trong khi phục vụ vào hối vì khách giục. Nếu khiến khách không hài lòng thì chuyện rate 1 sao vì phục vụ chậm, đồ ăn không ngon hay quá chín, rồi có vật thể lạ là chuyện hiển nhiên.
Vì thế, muốn công việc được nhanh, việc hối thúc nhau để cùng “lên dây cót” là vô cùng quan trọng. Khi đó, không gì hiệu quả hơn việc gào lớn tiếng hay khích nhau làm nhanh nhưng hiệu quả. Bởi: “Bếp rõ ràng không phải là nơi để người ta ôm ấp hay thơm má nhau rồi bảo ban rằng lần sau sẽ làm tốt hơn. Giờ cứ để lão khách béo ngồi ngoài kia chờ thêm 20 phút nữa, chúng ta có thể ra đằng sau làm điếu thuốc đợi thằng kia lọc xong miếng thịt bò rồi làm cho hắn món bít tết khác… Trong bếp mà nói vậy thì bị ăn đấm ngay vì có thể làm hỏng cả một dây chuyền toàn những con người làm việc với thể chất của các vận động viên được rèn luyện sức bền” (- theo Mannup).
- Giúp nhau tỉnh táo
Làm việc trong trạng thái căng thẳng rất dễ xảy ra sự cố, một phần vì không thể tập trung. Do đó, chuyện quát, chửi ngoài hối thúc nhau làm việc thì còn giúp nhau tỉnh táo hơn.
Thử nghĩ xem, đùng một cái phục vụ báo 100 order của khách, mỗi khách một món, một khẩu vị, một kiểu yêu sách khác nhau. Nhiệm vụ của đầu bếp là ghi nhớ order - nhớ công thức - liều lượng gia vị - quy trình chế biến - cách trang trí… Nếu không tập trung thì rất dễ nhầm lẫn.
- Xả stress
Áp lực từ yêu cầu của bếp trưởng, lo sợ khách chê món ăn không ngon, ghi nhớ món rồi làm việc liên tục nhiều giờ liền khiến nhiều chef stress. Lúc này, la hét, văng tục, chửi thề là cách giải tỏa căng thẳng, hạ hỏa cơn tức hữu hiệu. Đặc thù môi trường bếp hầu hết là nam nên càng thoải mái chửi.
- Ở lại nhưng tốt hơn hoặc đi
Nhiều bếp dùng lời chửi để gây sức ép cho một hoặc một vài cá nhân. Đó có thể là nhân viên chưa giỏi, thúc ép để được việc hơn. Cũng có thể là nhân viên tiềm năng, thúc ép để vươn tới giới hạn đỉnh cao trong công việc, ngày càng tiến bộ hơn.
Trường hợp khác, với những kẻ không năng lực, không đủ sức làm việc trong bếp thì được tạo áp lực để tự nghỉ thay vì đuổi thẳng.
Nên hay không nên chửi (bậy) trong bếp?
Chửi, chửi bậy vẫn hiển hiện mỗi ngày trong nhiều gian bếp nhà hàng. Hầu hết nhân viên tại đó cho hay họ thấy bình thường, vì quen rồi. Sự thật là có thể tối ngày hôm trước các đầu bếp chửi nhau nảy lửa trong ca nhưng sang ngày hôm sau mọi chuyện lại bình thường, công việc vẫn tiếp tục, ai nấy đều vào ca với tiếng chào nhau lịch sự và nụ cười vui vẻ. Thêm nữa, rõ ràng, với nhiều mặt lợi có được sau tiếng chửi vừa phân tích trên đây thì hành động này cũng có thể chấp nhận. Nhưng không hề khuyến khích duy trì và gia tăng. Bởi, tồn tại bếp làm việc trong “hòa bình” vẫn khiến thực khách hài lòng về món ăn, nhân viên thoải mái, vui vẻ. Vậy sao không thử thay đổi?
Sau cùng, nếu chuyện chửi đã thành thói quen thì chửi cũng được nhưng đừng lạm dụng, chửi với mục đích tốt (công việc tốt hơn, con người tiến bộ hơn…), đúng người, đúng chuyện, đúng nơi. Đừng chửi vì thích, vì có quyền. Chửi làm sao để người khác nể và chấp nhận cái sai của họ thì mới thuyết phục. Công việc nào cũng có những góc khuất của nó, và câu chuyện chửi bậy, văng tục trong nghề bếp cũng vậy. Điều đó hoàn toàn không thể làm cơ sở để đánh giá nhân phẩm hay phán xét đạo đức nghề nghiệp của một người. Đạo đức nghề nghiệp của các đầu bếp chỉ có thể dựa vào một thứ duy nhất để đánh giá, đó là trách nhiệm với những món ăn mà họ làm ra mà thôi!
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên