Quảng bá du lịch qua điện ảnh - Cái “bắt tay” đầy tiềm năng

Dùng điện ảnh để quảng bá, phát triển du lịch là điều không mới ở các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, du lịch và điện ảnh cũng đã bắt đầu có những lần “bắt tay” mang lại hiệu ứng tốt, tuy nhiên chưa hoàn toàn tạo được sự gắn kết chặt chẽ và được khai thác đúng mức.

quảng bá du lịch qua điện ảnh

Tác động của điện ảnh đến du khách và điểm du lịch

Điện ảnh cung cấp những hình ảnh thị giác sinh động và có tính tượng hình cao, tuy nhiên không thể chối cãi rằng, phim ảnh luôn làm tốt việc khơi gợi trí tò mò của khán giả đối với những danh lam thắng cảnh được khắc họa trong phim. Bên cạnh việc giới thiệu vẻ đẹp của điểm du lịch, các bối cảnh còn mang lại cho người xem trải nghiệm về đời sống xã hội, văn hóa của người dân bản địa về ngôn ngữ, âm nhạc, ẩm thực, lối sống, phong tục và tập quán. 

Vì vậy, các chuyến tham quan được xây dựng dựa theo một bộ phim không chỉ bao gồm việc nhìn ngắm phong cảnh mà còn là tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương

Thực trạng du lịch qua phim tại Việt Nam

Thực tế đã chứng minh việc quảng bá một địa danh thông qua điện ảnh mang lại hiệu quả bất ngờ. Các tác phẩm nổi tiếng ở những giai đoạn trước góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới như: Người tình (1991), Đông Dương (1992),  Người Mỹ trầm lặng (2002)...Nổi bật nhất phải kể đến “Kong: Skull Island” - một bộ phim bom tấn của Hollywood được quay tại khu danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Bộ phim đã đưa khu Danh thắng Tràng An đến với nhiều người trên thế giới.

Năm 2015, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khởi chiếu đã đưa vùng đất Phú Yên trở thành điểm đến hàng đầu của nhiều du khách (tăng hơn 30% so với năm 2014). Nếu du khách chỉ biết Phú Yên qua Gành Đá Đĩa thì nhờ bộ phim này, du khách còn được biết các cảnh đẹp như Bãi Xép, thôn làng An Cư…

Hay bộ phim “Mắt biếc” (Khởi chiếu 2019) với bối cảnh chính tại  làng Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bộ phim đã đưa một ngôi làng bình yên như bao làng quê khác trở thành điểm đến được nhiều người tham quan, lượng du khách đổ về ngày càng đông, nhất là khách nội địa.

Việt Nam sở hữu những tiềm năng nổi trội để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Với vô vàn cảnh đẹp trải dài từ Bắc chí Nam cùng nhiều di tích cổ kính, di sản văn hóa đặc sắc, nếu biết cách khai thác ngành du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, dường như sự gắn kết giữa ngành du lịch và điện ảnh trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh điểm đến chưa thực sự hiệu quả. Những thước phim đẹp về các vùng miền xuất hiện trong nhiều bộ phim mới chỉ dừng lại là bối cảnh đơn thuần, làm nền cho nội dung, hoàn toàn chưa chủ động đưa vào với mục đích quảng bá cho du lịch. Và để làm được điều đó.

quảng bá du lịch qua điện ảnh

Kinh nghiệm nào để khai thác du lịch qua điện ảnh hiệu quả

Xây dựng chiến lược cụ thể

Rõ ràng không ngẫu nhiên mà nhiều nước như New Zealand, hàn Quốc, Trung Quốc, … nhận được những lợi ích lớn trong việc phát triển du lịch thông qua phim ảnh. Để có được điều đó nhà quản lý du lịch các nước phải chủ động thực hiện các hoạt động khác nhau trong chiến lược quản lý hình ảnh điểm đến của đất nước mình. Chiến lược đó được tiến hành từ khi phim được công bố trên truyền thông và được thực hiện xuyên suốt từ khi bấm máy đến khi khởi chiếu và kéo dài trong thời gian dài sau đó. 

Có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, dịch vụ phụ trợ

Không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm cơ hội có mặt trong những bộ phim điện ảnh, mà những người làm du lịch cần có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, dịch vụ phụ trợ để nắm bắt những lợi ích về lâu dài mà các bộ phim quảng bá.

Chẳng hạn như khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (năm 2015) khởi chiếu đã góp phần giới thiệu về các điểm đến ở Phú Yên. Tuy nhiên, thời điểm đó, du lịch Phú Yên chỉ phổ biến ở giới trẻ qua những hình ảnh đẹp trên mạng xã hội. Và đến tận giữa năm 2016, các công ty du lịch bắt đầu chào bán các tour tham quan điểm đến này. Từ đó, các cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ như khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí ở Phú Yên mới bắt đầu được quan tâm và phát triển.

Qua đó, có thể thấy những người quản lý, làm du lịch cần chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, dịch vụ phụ trợ như: ăn uống, lưu trú, phương tiện vận chuyển và bảo đảm chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn nhất định… để đón tiếp và phục vụ khách chu đáo, kịp thời. Cùng với đó, các hãng lữ hành nắm bắt thời cơ dựng tour; chuẩn bị đội ngũ hướng dẫn viên chất lượng; tăng cường tiếp thị, quảng bá tour có các điểm đến trong phim đến khách hàng trong và ngoài nước. 

Thu hút và tạo điều kiện cho các nhà sản xuất phim 

Muốn phát triển loại hình du lịch theo phim ảnh, cần có chính sách đặc thù để thu hút các nhà làm phim; đơn giản hóa các thủ tục cấp phép; đầu tư ngân sách phù hợp và các chính sách ưu đãi khác như giảm thuế, hoặc hoàn chi phí quay phim để thu hút các phim bom tấn tới quay. Để thu hút các nhà làm phim trong và ngoài nước, các cơ quan chức năng thường xuyên tham dự các triển lãm phim, và mang ấn phẩm phim tới triển lãm du lịch; tranh thủ các cơ hội để giới thiệu và tạo quan hệ tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế; thu hút liên doanh liên kết quốc tế; tạo thuận lợi cho các đoàn làm phim liên kết làm phim tại Việt Nam.

Ms. Smile

Tags:
Quảng bá du lịch qua điện ảnh - Cái “bắt tay” đầy tiềm năng
4.0 (070 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN