MỤC LỤC
20 - 11 - ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, khoảng thời gian để những cô cậu học trò gửi đến người Thầy/ Cô lời tri ân tốt đẹp, Hoteljob.vn xin được “nới” cách hiểu về người Thầy. Bởi ngoài nghĩa đen thông thường, với nhân sự nghề khách sạn, còn có những người ta không gọi là Thầy nhưng luôn tâm niệm đó là Thầy ta…
Ai trong cuộc đời cũng sẽ có một người Thầy khiến mình khắc cốt ghi tâm. Có người Thầy truyền nghề tâm huyết từng li từng tí, có người Thầy hễ thấy mình làm sai là ưa nói nặng lời nhưng thật tâm là mong nhân viên tốt hơn mỗi ngày và cũng có người Thầy làm ta thay đổi quan điểm nhìn đời chỉ bằng một câu nói “đầy trọng lượng”...
Những người thầy trong nghề khách sạn của bạn là ai?
1. Người Thầy trường lớp
Với những bạn học Đại học - Cao đẳng chuyên ngành về Khách sạn - Du lịch hay đăng ký theo học khóa ngắn hạn tại các trung tâm đào tạo nghề, ắt hẳn sẽ có một hoặc vài người Thầy trường lớp khiến bạn luôn nhớ.
Ấy là người Thầy mang hết vốn liếng và kinh nghiệm nghề nghiệp để trang bị cho học trò những kiến thức nền tảng - kỹ năng nghề cần thiết. Là người huy động tất cả mối quan hệ để tìm cho học trò một môi trường thực tập tốt. Là người “nhét thêm” vào hành trang nghề của bạn những lời khuyên về đạo đức nghề nghiệp để làm một người đầu bếp hay nhân viên buồng phòng có lương tâm...
2. Người Thầy là cấp trên
Thật may mắn cho những ai theo nghề khách sạn được làm việc trong môi trường có cấp trên thích “chỉ” nhân viên. Họ là người chỉ cho cấp dưới thấy lỗi sai, rồi hướng dẫn chi li một cách tận tình. Là người sẵn sàng chia sẻ “hòm” kinh nghiệm xương máu để nhân viên biết cách ứng xử thấu tình đạt lý trong những tình huống phát sinh với khách. Là người “mách” đường đi nước bước giúp nhân viên nhanh thăng tiến trong nghề...
Ấy cũng là người Thầy của bạn. Người biết chia sẻ những khó khăn và hiểu nhân viên đang trong tình trạng thế nào. Người đứng ra “chắn bão táp” khi nhân viên bị khách chửi sấp mặt. Người đứng ra kiến nghị đòi quyền lợi khi nhân viên chịu nhiều thiệt thòi,… Có thể nhiều cấp trên quen nói nặng lời - nhưng khi đã ngà trong hơi men tiệc Team-building. Họ lại trải lòng rằng, sau tất cả chỉ vì muốn nhân viên tốt hơn, chỉ mỗi tội chưa bỏ được tính “khẩu xà”.
3. Người Thầy là đồng nghiệp
Đồng nghiệp là người làm việc cùng với bạn, có thể là “ma cũ” hoặc “ma mới”, lớn hơn cả con giáp hoặc nhỏ hơn vài tuổi,… Nhưng khi nào bạn xem họ là Thầy mình?
Đó là khi họ nhiệt tình chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm học được mà không mảy may ý định “giấu nghề”. Đó là khi họ nhắc bạn kịp thời không phạm phải những sai lầm dẫn đến hậu quả nặng nề và hướng dẫn nên làm thế nào trong lúc não bạn chưa kịp “nhảy số”, ... Ấy là người ta không gọi bằng Thầy nhưng luôn xem đó là Thầy ta.
4. Người Thầy là thành viên của Cộng đồng nghề
Mạng xã hội lên ngôi, tham gia những cộng đồng nghề như Fanpage Nghề khách sạn, Group Nhà quản lý khách sạn nhà hàng du lịch, Group Nghề khách sạn - Tâm sự, Group Nghề khách sạn - sinh viên và người mới vào nghề, Group Nghề khách sạn - Bartender Việt Nam… là môi trường rất tốt để bạn “bỏ túi” nhiều thông tin - kinh nghiệm hữu ích áp dụng cho nghề nghiệp. Thế chẳng phải là Thầy của bạn?
Rất nhiều bạn sinh viên, thực tập sinh chưa có kinh nghiệm tâm sự và mong muốn nhận được lời khuyên của các “lão làng” trong nghề nhà hàng, khách sạn trong Group Nghề Khách sạn - Tâm sự. Là sinh viên mới tốt nghiệp vào giai đoạn dịch Covid-19 cao điểm nhất, bạn Toàn Nguyễn tâm sự trong nhóm như sau:
“Chào cả nhà,
Sáng nay 3h tỉnh, suy nghĩ về tương lai công việc đến tận bây giờ. Dịch dã tàn phá quá. Có bạn nào sắp tốt nghiệp như mình không. Thực sự là chưa biết xin việc ở đâu. Mình học quản trị khách sạn cuối tháng này tốt nghiệp rồi đây”.
Ngay sau khi bài đăng lên, đã có hơn 151 bình luận, 400 lượt like và phản hồi tích cực của những thành viên trong nhóm.
- Bạn Lê Bảo Quốc động viên tác giả: “Rồi du lịch cũng sẽ phục hồi, các bạn còn trẻ, cơ hội còn nhiều. Nếu thực sự đam mê với nghề, hãy tiếp tục cố gắng. Hiện tại, hãy chấp nhận làm trái ngành và học thêm ngoại ngữ. Mọi thứ chỉ mới là bắt đầu. Mình cũng 8 năm trong nghề giờ cũng vật vã mưu sinh và lo cho gia đình nhỏ đây”.
- Bạn Phạm Thị Bảo Uyên: “Hoặc bạn chấp nhận làm trái ngành một thời gian để kiếm sống, hoặc tranh thủ thêm thời gian học thêm kỹ năng để hết dịch lại có trình độ, kỹ năng mà "bung lụa".
Ví dụ như bạn có thể học thêm tiếng Đức. Lỡ xấu trời thì đi du học Đức vài năm thạc sĩ (free, có lương), về vừa có ngoại ngữ, có kinh nghiệm, lại có bằng cấp cao hơn, kết quả là công việc có thể thuận lợi hơn nữa. Mình làm chục năm nghề, dịch đến còn nghỉ. Mới ra trường thì cứ lạc quan về tương lai lên bạn ơi. Sống hết mình với tuổi trẻ đi! Lo nhiều mau già ý”.
- Bạn Quỳnh Đỗ: “Đợt dịch này rất khó khăn và có lẽ cũng phải khá lâu thì ngành du lịch mới phục hồi được. Trước mắt khi ổn định trong nước thì sẽ có lượng khách nội địa nên các bạn sắp ra trường cũng đừng lo lắng nhiều. Hãy tận dụng cơ hội, thời gian đang rảnh rỗi để tích lũy thêm kiến thức, chuyên môn, ngoại ngữ, v.v.
Mình thấy ở trên có ý kiến các bạn có thể xin việc ở các toà nhà chung cư/khu dân cư, là một ý kiến rất hay cho những bạn nào cần nguồn kinh tế để duy trì cuộc sống.
Ngoài ra, mình nghĩ đối với các bạn có đủ điều kiện về sức khỏe, kiến thức, kinh tế được hỗ trợ. Và nhất là các bạn còn độc thân, có thể cân nhắc tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ chống dịch. Đây cũng là cơ hội để các bạn có thể học hỏi thêm về cách tổ chức, quy trình, ứng xử, và ứng phó trong môi trường áp lực cao. Ngành của chúng ta vốn dĩ đều rất cần những kinh nghiệm này, cũng là cách để chúng ta đóng góp cho cộng đồng. Các bạn cứ yên tâm là khi mở cửa trở lại, ngành du lịch chắc chắn sẽ hồi phục và phát triển mạnh mẽ, lúc đó tha hồ mà chọn việc nhé”.
- Bạn Châu Minh Đỗ: “Một hướng đi cho e nhé, chị cũng ra trường 5 năm. Cơ mà ở nhà tận 3 năm chăm con nên cũng gần như là sinh viên mới ra trường. Em có thể thử tìm hiểu làm về mảng quản lý tòa nhà. Ví dụ tòa nhà cho thuê văn phòng, tòa cư dân. Thực ra nó cũng là trái ngành nhưng ít ra cũng cùng là ngành dịch vụ phục vụ khách hàng nên khả năng xin được việc với tấm bằng quản trị khách sạn cũng cao lắm đó em. Cố lên”.
Hay một bạn thực tập sinh khác vừa mới tốt nghiệp đang hoang mang chưa biết định hướng nghề nghiệp như thế nào, đã không ngần ngại viết những dòng tâm sự bé nhỏ lên nhóm như sau: “Em sắp thực tập ở Phú Quốc ạ. Cho em hỏi làm bên bộ phận HK thì lương sẽ bao nhiêu ạ? Tại em sợ lương 5tr trở xuống sẽ không đủ sống nên muốn hỏi để chuẩn bị tâm lý. Với cho em hỏi, các khách sạn lớn ở phú quốc 1 tháng được nghỉ bao nhiêu ngày, tần suất 1 ngày trung bình sẽ dọn bao nhiêu phòng? Em xin cảm ơn.”
Bài viết nhanh chóng nhận được hơn 30 lượt bình luận của những lão làng kinh nghiệm trong nghề khách sạn, khiến bạn dễ dàng hình dụng được môi trường làm việc và đưa ra các quyết định trong tương lai tốt hơn.
- Bạn Như Natno comment: “Hiện tại lương đầu vào tầm 4- 5tr, đối với Movenpick thì 5trxx + service charges (Tùy theo thời điểm thấp điểm hay cao điểm) có ktx, 3 buổi ăn. Còn thực tập thì đc hổ trợ 2tr, thời gian làm việc thì 9 tiếng 30'.
Đối với nhân viên, thực tập sinh), tháng thì đc off 8 - 9 ngày. Nếu muốn kiếm thêm thì lúc off em có thể xin đi làm thêm (công bên Nhật trong thời thực tập khoản 3xx một ngày/ 9 tiếng 30'). Làm Buồng phòng thì tầm 20 -26 phòng trong một ca làm việc (Gồm phòng khách ở, phòng khách out, tân trang phòng check in), em cứ yên tâm, ăn ở thì công ty lo, nếu không tiêu xài cá nhân thì sẽ dư thôi”.
- Bạn Nguyễn Phú Cường: “Nhân viên chính thức mới có lương 5-6tr em nhé. Thực tập chỉ có tiền hỗ trợ tầm 50k/ngày tùy khách sạn”.
- Bạn Thanh Duy: “Đối với 5 sao vận hành bởi tập đoàn quốc tế thì khoảng 6tr gross, chưa gồm SVC. Có chỗ ăn ở hết nên em ko tốn gì mấy đâu”.
Hay một thành viên nhóm khác đăng bài như sau:
“Em chào anh/chị trong group ạ,
Anh chị trong nhóm có thể cho em ít thông tin review về vị trí giám sát lễ tân ở resort 5 sao ngoài Phú Quốc
được không ạ? Công việc, quá trình training, lưu ý trong nghề, chế độ, lương thưởng, áp lực v...v. Những thông tin này em đã tìm hiểu qua, nhưng vẫn muốn được tham khảo thêm từ những trải nghiệm thực tế của các anh/ chị ạ.
Em sv mới tốt nghiệp, chuyên ngành không phải nhà hàng khách sạn, nhưng em có tiếng Anh và đã được mời phỏng vấn với vị trí trên. Em trái ngành và chưa có kinh nghiệm gì liên quan ạ.
Em xin cảm ơn anh/chị ạ”.
Bài viết cũng nhanh chóng nhận được nhiều lời khuyên hữu ích của các “cây đa, cây đề” trong ngành như:
- Bạn Trần Dư Hiền: “Học trái ngành không kinh nghiệm sao làm giám sát đc em, phải có background, có anh văn thôi chưa đủ, anh nghĩ em nên làm nhân viên trước rồi học thêm nghiệp vụ”.
- Bạn Hùng Mai Thiên: “Muốn làm giám sát thành công thì cần năng lực thực tế bạn à. Nghề mà người với người thì cần mua kinh nghiệm bằng thời gian, chứ không phải bằng sách vở hay kiến thức lúc học trên trường. Bạn không có năng lực thì làm quản lý/ giám sát dễ bị đào thải. Hãy bắt đầu chậm mà chắc. Chúc bạn thành công”.
Chẳng ai may mắn đến độ không cần làm gì mà vẫn có thành tựu. Những quả ngọt bạn gặt hái được trên đường đời, sự nghiệp là kết quả của một hành trình dài kiên trì học hỏi từ những người Thầy quanh ta. 20 -11 là ngày để tri ân người đó, bạn đừng quên gửi đến “người Thầy của mình” một lời cảm ơn chân thành và thật tâm nhé!
Qua bài viết này, xin được gửi lời cảm ơn đến “người Thầy” là những thành viên cộng đồng nghề khách sạn - nhờ có bạn mà “bút lực” của Ms. Smile ngày càng chắc hơn!
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên