Lý do nào khiến bạn nghỉ việc/ nhảy việc Nghề Khách sạn?

Tuy khủng hoảng nhưng Nghề Khách sạn vẫn được đánh giá là năng động và giàu tiềm năng phát triển. Hầu hết nhân sự nghề cho hay họ thay đổi tính cách rất nhiều (theo hướng tốt hơn) kể từ khi theo nghề. Tuy nhiên, không ít trong số đó bất ngờ ra quyết định nghỉ việc/ nhảy việc vì 1 trong những lý do được Hoteljob.vn chia sẻ sau đây…

lý do nào khiến bạn nghỉ việc/ nhảy việc nghề khách sạn
Tồn tại lý do nào khiến bạn nghỉ việc/ nhảy việc nghề khách sạn?

-*-*-*-*-*-

Tại sao bạn quyết định nghỉ việc/ nhảy việc Nghề Khách sạn?

8 lý do chính yếu dẫn đến quyết định nghỉ việc/ nhảy việc của nhân sự nghề khách sạn tại Việt Nam được liệt kê dưới đây căn cứ theo tình hình thực tế ở thời điểm hiện tại và kết quả khảo sát của website việc làm chuyên ngành khách sạn - nhà hàng & du lịch thời gian gần đây:

Không có việc để làm

"Nghề Khách sạn - Du lịch không bao giờ thất nghiệp" từng là câu cửa miệng của nhân sự nghề ở thời điểm ngành này hưng thịnh nhất. Ấy thế nhưng, suốt một năm 2020 vừa qua, lượng nhân sự bị giảm ngày công, giảm thu nhập, mất việc làm, thất nghiệp ngày một tăng. Ngành Du lịch - Khách sạn rơi vào khủng hoảng thừa người - thiếu việc trầm trọng khi hàng loạt cơ sở kinh doanh đóng cửa đến hoạt động cầm chừng vì vắng khách. Nguyên nhân thì ai cũng biết. Thế nên, chuyện tự tin đi đâu cũng tìm việc khách sạn được ở thời điểm hiện tại có lẽ còn hơi xa vời, cho đến khi ngành phục hồi và dần đi vào ổn định. Không có việc để làm, thiếu tiền chi tiêu buộc nhiều người phải tìm việc làm tạm, nhảy việc để tự "cứu" mình.

Du lịch Việt Nam hưng thịnh ra sao trước đại dịch?

♦ Không có cơ hội thăng tiến

Cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân là mục tiêu phấn đấu của nhiều nhân viên khách sạn khi làm nghề. Những biểu hiện như không được giao các thử thách mới để khẳng định năng lực bản thân, không được đào tạo bài bản bằng các khóa học hay đào tạo trực tiếp từ cấp trên để nâng cao nghiệp vụ, không có lộ trình thăng tiến và phát triển rõ ràng… là dấu hiệu cho thấy bạn sẽ mãi dậm chân ở vị trí nhân viên thay vì được xem xét - cất nhắc lên Tổ trưởng hoặc Giám sát, Quản lý trong 1-2 hay X năm nhất định…

♦ Không cảm thấy được trân trọng

Bạn đã bao giờ rơi vào cảnh “10 lần làm tốt không ai biết - 1 lần làm sai cả bộ phận sỉ vả” chưa? Thử nghĩ xem, có phải là những thành tựu mình cố gắng đạt được trước nay đều không được công nhận nhưng khi phạm sai lầm thì ngay lập tức bị chỉ mặt đặt tên trước toàn thể nhân viên trong buổi sáng họp bộ phận? Hay như, cảm giác vị trí hiện tại của mình có thể bị thay thế bởi bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào cũng khiến nhiều nhân viên lung lay ý định nhảy việc/ nghỉ việc.

lý do nào khiến bạn nghỉ việc/ nhảy việc nghề khách sạn
Chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống là yếu tố giúp nhân sự NKS thêm yêu và gắn bó với công ty

♦ Thu nhập thấp

Lương thấp là chuyện rành rành mà ai cũng biết cả trước khi theo nghề. Tuy nhiên, ngoài lương, trong khi các khách sạn, nhà hàng kinh doanh tốt đều mang lại mức thu nhập tương đối cao cho nhân viên, bao gồm cả service charge, tiền tip, thưởng lễ Tết, hỗ trợ cơm ca, xăng xe, chỗ ở… - thì một số cơ sở khác lại không như thế. Do đó, khi mà cộng tổng mức thu nhập nhận được mỗi tháng không đủ chi trả những khoản chi tiêu cơ bản, nhân viên buộc phải tìm kiếm công việc mới để ổn định cuộc sống. Ngoài ra, việc doanh nghiệp chi trả lương không tương xứng với khả năng và hiệu suất công việc mà nhân viên cống hiến cũng phần nào tạo cho họ sự bất mãn, cảm giác những thành tựu mà họ đạt được không được công nhận.

♦ Sếp tồi

Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ gắn bó của nhân viên. Việc làm việc trong môi trường đầy áp lực, bên cạnh khối lượng công việc nhiều, khách hàng khó tính, hạch sách thì sự quản lý hà khắc và thiếu công tâm của người quản lý dễ đẩy nhân viên đến tình thế chán nản, không muốn nỗ lực cống hiến; chưa kể, họ sẽ thường xuyên cảm thấy “ngột thở”, không muốn đến chỗ làm, thiếu năng động và nhiệt tình trong công việc… Dĩ nhiên, nghỉ việc là điều không sớm thì muộn sẽ xảy ra. Ngoài ra, một vị sếp thiếu trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ, có tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp hay định hướng phát triển cho bộ phận thiếu tiềm năng… cũng là những lý do khiến bạn không muốn gắn bó và phát triển sự nghiệp cùng.

lý do nào khiến bạn nghỉ việc/ nhảy việc nghề khách sạn
Ấn tượng của nhân viên về Sếp cũng ảnh hưởng đến mức độ gắn bó của họ với doanh nghiệp

Nếu là quản lý, nên tham khảo các nhà hàng - khách sạn nên làm gì để giảm thiểu tình trạng nhân viên nhảy việc nhiều?

♦ Đồng nghiệp “đểu”

Đồng nghiệp là những người kề cận, hỗ trợ bạn phục vụ khách, thậm chí, chia sẻ cùng nhau những khó khăn, áp lực trong công việc lẫn cuộc sống. Tuy nhiên, sự thật là tồn tại những người đồng nghiệp 2 mặt, trước mắt bạn thì niềm nở, nhiệt tình giúp đỡ - thế mà sau lưng lại đâm chọt, nói xấu, hạ bệ bạn với đồng nghiệp khác hay với cả sếp. Kết quả, bạn bị đánh giá thấp, đánh giá sai mà không hề hay biết. Bên cạnh đó, việc “bị cô lập”, không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ để hoàn thành công việc từ đồng nghiệp hay những chính sách, văn hóa, quy định rập khuôn của công ty cũng là nguyên do khiến nhân viên không muốn tiếp tục gắn bó.

♦ Công việc không phù hợp

Rất nhiều bạn trẻ coi nghề khách sạn là công việc tạm thời, nhất là sinh viên mới ra trường cần việc làm để kiếm thu nhập và “giết” thời gian chết trong khi vẫn nộp hồ sơ tìm việc ở các lĩnh vực khác. Do đó, khi phát hiện bản thân không phù hợp với công việc hay tìm được công việc mới tốt hơn, họ dĩ nhiên sẽ nghỉ việc để chuyển sang công ty khác.

lý do nào khiến bạn nghỉ việc/ nhảy việc nghề khách sạn
Khi bạn yêu và tìm thấy niềm vui trong chính công việc đang làm - bạn sẽ thấy hạnh phúc và hài lòng với lựa chọn của mình (Ảnh nguồn Hanami Hotel)

♦ Làm việc quá sức

Khối lượng công việc nhiều, thường xuyên làm thêm giờ, liên tục tăng ca… là những lý do khiến nhân viên có thể bị kiệt sức nếu không được bố trí nghỉ bù hợp lý. Tư tưởng cảm thấy mình như bị “bóc lột sức lao động” dễ khiến nhân viên chán nản, mệt mỏi, làm giảm hiệu suất làm việc và tăng suy nghĩ muốn nghỉ việc.

... Và còn nhiều nữa những lý do mà chỉ cần nói ra thôi thì ai ai cũng gật gù.

Bạn nghỉ việc/ nhảy việc Nghề Khách sạn vì lý do gì? - Đừng ngại chia sẻ cùng Hoteljob.vn nhé!

Lựa chọn nào là phù hợp sau nghỉ việc/ nhảy việc?

Dĩ nhiên là tìm việc làm mới nếu không muốn bị "đói" vì không tạo ra tiền, trong khi số ít tiết kiệm được đã vơi quá nửa.

Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế, năng lực và kinh nghiệm, mong muốn và sở thích của bản thân cũng như nhu cầu của người tuyển mà ra quyết định cho phù hợp.

- Nếu nghỉ việc/ nhảy việc vì lý do bất khả kháng (như do dịch bệnh chẳng hạn), hầu hết nhân sự yêu nghề đều chấp nhận tìm việc làm tạm để đợi nghề.

- Nếu nghỉ việc/ nhảy việc vì lý do cá nhân, đa phần mọi người sẽ hoặc tìm việc đúng chuyên môn ở nơi khác có môi trường làm việc và mức đãi ngộ lý tưởng hơn, cơ hội thăng tiến rõ ràng hơn - hoặc chuyển hẳn sang công việc ở lĩnh vực, ngành nghề mới để trải nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển mới. 


Trên đây là những lý do phổ biến nhất khiến nhân sự nghề khách sạn nghỉ việc/ nhảy việc. Họ chỉ nguyện ý gắn bó với nơi nào cho họ cảm giác được làm việc và phát triển - được công nhận và trả công xứng đáng - giao lưu và học hỏi để hoàn thiện hơn mỗi ngày, mở rộng mối quan hệ - được quan tâm và được phép bày tỏ nguyện vọng… Một khi những yếu tố này không được đảm bảo, lý do nghỉ việc/ nhảy việc sẽ xuất hiện sớm thôi.

Ms. Smile

Tags:
Lý do nào khiến bạn nghỉ việc/ nhảy việc Nghề Khách sạn?
4.5 (245 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN