Thay vì tiếp tục bế tắc và tuyệt vọng, nhờ kiểm soát dịch tốt và nhanh chóng, từ đầu tháng 9, du lịch nhiều tỉnh thành có dấu hiệu khởi sắc, tái phục hồi lần 2 khi mở cửa và đón tiếp lượng du khách tăng nhẹ, nhiều nhất vào các dịp cuối tuần.
Dịch bất ngờ tái bùng phát, khách du lịch e ngại di chuyển và đi du lịch vì lo sợ mất an toàn. Lượng khách yêu cầu hủy tour trong tháng 7 và tháng 8/2020 lên đến 95-100%. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng rơi vào khủng hoảng lần 2 do không có doanh thu trong khi phải hoàn trả phí cọc dịch vụ cho khách hàng để giữ uy tín, lại còn bị “giam” tiền cọc với các đối tác liên kết cung cấp dịch vụ khác để “giữ chỗ” trước đó. Ngành du lịch cả nước có nguy cơ “đóng băng” lần 2.
Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm từ lần dập dịch trước cộng với ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết toàn cộng đồng, dịch nhanh chóng được kiểm soát, nhiều hoạt động bắt đầu “rã đông” và được phép hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, như: bắt buộc đeo khẩu trang; phải có nơi rửa tay có trang bị xà phòng, dung dịch sát khuẩn; trang bị công cụ kiểm tra thân nhiệt; vệ sinh sạch sẽ đồ dùng, phương tiện bán hàng, nơi kinh doanh, sản xuất; giữ khoảng cách an toàn tối thiểu…
Ngành du lịch cũng không nằm ngoài cuộc chiến “sinh tồn”, hợp tác chống dịch để tái thiết lập trạng thái bình thường mới lần 2. Bằng chứng là ngay khi ghi nhận ca mắc mới, nhiều cơ sở dịch vụ thông báo đóng cửa lập tức thay vì cầm chừng, chủ quan, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đến cuối tháng 8, dịch cơ bản được kiểm soát tốt. Tình hình du lịch cực đoan tại nhiều nơi dần được nới lỏng, các chương trình kích cầu tiếp tục tiếp diễn và áp dụng mới, khách du lịch vơi dần cảm giác lo sợ và bị kích thích đến các điểm đến an toàn cao sau dịch.
Ghi nhận ở nhiều tỉnh thành du lịch trọng điểm, lượng du khách dần tăng nhẹ từ đầu tháng 9.
Theo Sở Du lịch, dịp cuối tuần vừa qua, du lịch Quảng Ninh đã đón tiếp khoảng 4.000 lượt khách tham quan, tăng gấp 10 lần so với dịp cuối tuần trước đó nhờ áp dụng các gói kích cầu du lịch của tỉnh. Trong đó, tập trung đông tại những điểm du lịch, di tích, danh thắng miễn giảm vé tham quan như Vịnh Hạ Long (đón 2.500 lượt khách), Bảo tàng Quảng Ninh (đón 1.000 lượt khách), Khu di tích và danh thắng Yên Tử (đón 600 lượt khách); kết hợp với nhiều chính sách, hỗ trợ theo các Nghị quyết trước đó. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch - lưu trú cũng tích cực khôi phục, chủ động “tự cứu” mình bằng cách xúc tiến, xây dựng các sản phẩm kích cầu riêng như giảm giá vé tham quan, giá dịch vụ trong khu, điểm du lịch; giảm giá phòng và các dịch vụ liên quan cho cá nhân, đoàn, nhóm… trong điều kiệm cam kết điểm đến du lịch an toàn và chất lượng.
Du lịch các tỉnh thành khác như Lào Cai, Bình Định, Phú Yên, An Giang… cũng quyết định miễn, giảm phí tham quan các điểm du lịch trên địa bàn cho đến cuối năm 2020. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch nhiều nơi hiện tại là tập trung phục hồi ngành du lịch hiệu quả ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Khả quan nhất là thu hút lượng lớn khách nội địa tham quan du lịch và lưu trú, sử dụng dịch vụ vào các dịp lễ, Tết cuối năm bằng cách đưa ra các gói kích cầu hấp dẫn, đồng thời nỗ lực phối hợp, liên kết các điểm du lịch liên vùng, liên tỉnh triển khai chương trình kích cầu du lịch kịp lúc và hợp lý, hướng đến mục tiêu khôi phục lượng khách và doanh thu, đồng thời thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Tại Đà Nẵng - Quảng Nam, tình hình cũng khả quan khi nhiều điểm đến ra thông báo mở cửa đón khách trở lại và chia sẻ quyết tâm tái “hòa nhập” cộng đồng lần 2 để phục hồi mạnh mẽ sau khi phục vụ những vị khách ghé đến đầu tiên.
Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19, khu du lịch Bà Nà Hills đã hoạt động trở lại sáng 20/9, phục vụ hầu hết các dịch vụ tham quan, vui chơi giải trí hấp dẫn trong khung giờ từ 8-17h hàng ngày. Đặc biệt, dọc chiều dài 150m của cây Cầu Vàng nổi tiếng sẽ được cắm hàng trăm cột cờ đỏ sao vàng chào đón du khách, tạo khung cảnh check-in rực rỡ và hào hùng. Các điểm tham quan, nghỉ dưỡng khác tại đây như Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Vinwonders Nam Hội An cũng bắt đầu mở cửa đón khách trở lại, triển khai các gói kích cầu ưu đãi cực hấp dẫn dành cho du khách các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
“Trước mắt, việc mở cửa ngành du lịch sẽ dựa theo tiến độ kiểm soát dịch bệnh tại địa phương. Tuy doanh nghiệp Đà Nẵng hiện đang rất cần khách nhưng các cơ sở du lịch sẽ không mở cửa đồng loạt cùng lúc mà phải xem xét hoạt động trở lại dựa trên tiến độ khách (khách tăng đến đâu thì mở cửa ngành du lịch đến đó), ưu tiên đặt sự an toàn của du khách lên trên hết. Trong tháng 9 này, ngành du lịch sẽ triển khai chương trình người Quảng Nam, Đà Nẵng du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng. Tới nửa đầu tháng 10 tới, khi dịch được kiểm soát tốt sẽ mở rộng ra phục vụ thị trường khách miền Trung - Tây Nguyên và khả quan hơn sẽ hướng tới thị trường khách du lịch tại Hà Nội, Tp.HCM vào cuối tháng 10.” – chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, lượng khách du lịch đến các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng có dấu hiệu tăng nhẹ cho thấy chính sách kích cầu đang được triển khai là kịp thời và phù hợp, tạo điều kiện khôi phục ngành du lịch trong mục tiêu đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả. Thời gian tạm ngưng hoạt động cũng được coi là thời điểm thích hợp để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch - lưu trú sửa chữa, dọn dẹp, xây dựng kế hoạch hoạt động sau dịch và tìm kiếm, đào tạo nguồn nhân sự chất lượng cao.
Sau gần 100 ngày không có ca mắc Covid-19 mới ngoài cộng đồng, những tưởng du lịch đang “rã đông” nhanh sau nhiều tháng đóng băng thì bất ngờ dịch bệnh tái bùng phát tại tâm dịch Đà Nẵng hôm 24/7, nguy cơ chặn đứng cơ hội phục hồi của ngành trong năm 2020, nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn, kinh doanh du lịch - khách sạn gặp nhiều khó khăn. Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa (giảm lần lượt 56% và 50% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước); lượng khách quốc tế đến giảm đến 99% trong quý II; doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) cho cả Việt Nam trong cùng kỳ giảm 55%; công suất phòng giảm nghiêm trọng, nhất là phân khúc khách sạn cao cấp có sự phụ thuộc đáng kể vào nguồn khách quốc tế. Dự báo, thị trường khách sạn giai đoạn 2020-2021 sẽ luôn trong tư thế phòng thủ vì lo sợ dịch bệnh biến động khó lượng cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa.
Ms. Smile (tổng hợp)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên